Hoàng Tích Chu – Canh tân báo giới

Thứ Tư, 18/02/2015, 11:22
Hoàng Tích Chu là một nhân vật kỳ lạ trong lịch sử báo giới. Sự ảnh hưởng của ông đối với nét canh tân của báo chí là điều không thể bàn cãi.

Trong những năm làm báo của đời mình, Hoàng Tích Chu đã gây dựng được cho mình một sự nghiệp báo chí lừng lẫy, không chỉ vang danh cá nhân ông mà còn hình thành được một ê-kip báo chí gồm những con người tài hoa. Ê-kíp ấy là Tập đoàn Hoàng Tích Chu.

E rằng cho đến nay, báo giới vẫn chưa ghi nhận được sự thành công nào như Hoàng Tiên sinh đã từng trải qua.

1. Hoàng Tích Chu (1897 -1933) con nhà Nho, theo Hán học, cha làm tri huyện. Thuở thiếu thời đã nổi tiếng là thông tuệ, rất có danh vọng trong tỉnh Bắc Ninh. Kỳ khoa bảng năm cuối của triều Nguyễn, Chu lúc này đã vào tam trường. Cụ huyện ở nhà tin chắc Chu sẽ có tên trên bảng vàng, sắm sửa sẵn lễ tạ và tiệc chiêu đãi đồng liêu, xóm giềng. Không chỉ cụ huyện tin vậy, nhiều người cũng đã chuẩn bị quà lễ mừng Chu vinh hiển. Ấy vậy mà, Chu rớt. Cụ huyện nghe tin Chu rớt, không tin là sự thật, đến khi xác tín lại, cụ vì uất mà ngất xỉu.

Không khoa bảng, Chu theo nghề viết, được mời về làm tờ Nam Phong. Chu quan niệm về nghề viết như sau: “Người cầm bút phải công bình, và phải xem trách nhiệm đối với xã hội lớn lao hơn trách nhiệm đối với gia đình”.

Chú họ của Chu là Tổng đốc, có một hàng dãy phố là tài sản riêng, hứng chí tự lấy tên mình làm tên chung cho dãy phố. Chu nghĩ, như vậy là không được. Bèn viết bài đăng báo, chính từ bài báo này, hai chi họ trong dòng tộc của Chu không nhìn mặt nhau, mà chính cha với chú của Chu cũng từ nhau, không bao giờ ngồi chung chiếu.

Báo chí Bắc Hà thời này phát triển rầm rộ với sự khởi xướng của nhà tân học Nguyễn Văn Vĩnh, với Đông Dương Tạp chí (1913). Có thể nói đây là tờ báo đầu tiên hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ, do người Việt biên soạn, quy tụ hầu hết những cây bút đương thời. (Trước đó, những tờ như Gia Định báo, Đại Nam Đồng Văn nhật báo, Nông cổ Mín đàm, Đăng cổ tùng báo, Đại Việt tân báo đều mang hai thứ tiếng Pháp - Việt, hay Hoa - Việt). Sau Đông Dương tạp chí, có thêm: Nam Phong, Học Báo, Thực Nghiệp, Khai Hóa, Hữu Thanh, An Nam tạp chí, Hà Thành Ngọ báo… Hoàng Tích Chu ảnh hưởng rất sâu đậm tinh thần của Nguyễn Văn Vĩnh.

Ở tờ Nam Phong, Chu cực kỳ thân thiết với Hoàng Ngọc Phách, đáng tiếc là do nội bộ lục đục mà tính Chu lại sẵng, nên tơ duyên giữa Chu và Nam Phong đứt đoạn. Chu lúc này đã vang danh trong làng văn làng báo, ngay lập tức được mời về làm chủ bút tờ Khai Hóa. Chu làm chủ bút, tiền hoạt động báo do chủ nhiệm đầu tư. Vậy mà, Chu viết bài tẩn luôn cả chủ nhiệm vì thói xa hoa, rởm đời khi đám cưới con lại phung phí, đi lại bằng tàu bay nhằm ra oai. Tất nhiên không chủ nhiệm nào chấp nhập có một chủ bút như vậy. Chu rời Khai Hóa.

2. Với bút hiệu Hoàng Hồ, Chu ngao du từ Nam chí Bắc để kết giao bè bạn. Đang vui, Chu nảy ra ý định xuất ngoại. Nghĩ là làm, Chu tìm đến người chuyên tổ chức tàu đi Pháp ngỏ lời, ông chủ tàu biết tiếng Chu, thách: “Ứng khẩu thành vịnh thì được ngồi tàu sang Pháp miễn phí, không thì bao nhiêu tiền cũng không được đi”. Chủ tàu vừa dứt tiếng, Chu đọc ngay: “Đất nước ông bà muôn năm còn mãi đó/Non sông Hồng Lạc, mấy thuở biết bao quên”. Chủ tàu chịu tài mà mời xuống tàu, lại ân cần bồi phụng suốt chuyến đi.

Hoàng Tích Chu (giữa) cùng Hoàng Ngọc Phách và Nguyễn Pho.

Ở Pháp, Chu sinh hoạt ở nhà Tụ Nghĩa do Nguyễn Thượng Khoa, một bậc nghĩa sĩ - là con trai của cụ Nguyễn Thượng Hiền khởi xướng. Chu được cung cứng những vật phẩm sinh hoạt cần thiết. Không phải vướng víu vào những điều vụn vặt của đời sống. Chu tập trung nghiên cứu báo chí Pháp. Gọi là nghiên cứu, nhưng có lẽ mục đích chính của Chu là học các cây bút của Pháp việc thể hiện một lối hành văn mới trên báo. Tờ báo Pháp mà Chu thần tượng ở thời này là L’Ceuvre, một tờ báo chính trị không quá khích, những bài bình luận có tính phản biện đậm chất xã hội. Chu đi đi về về liên tục để tìm ê-kíp làm một tờ như L’Ceuvre theo kiểu của người Việt.

Một lần từ Pháp về, Chu hội ngộ được với Bùi Xuân Học, chủ nhiệm tờ Hà Thành Ngọ báo. Hà Thành Ngọ báo hồi này có hai trang, giá bán 1 xu/tờ, bán đắt như tôm tươi, mỗi ngày in một vạn tờ bán hết veo. Tổng Thư ký Tòa soạn là Tam Lang Vũ Đình Chí.

Bùi Xuân Học hội ngộ Chu thì thập phần vui sướng, Tam Lang Vũ Đình Chí thực lòng mời Hoàng Tích Chu ngồi vào vị trí mà mình đang sở hữu để điều hành ban biên tập tờ báo cho tốt hơn.

Chu kiến nghị với Học nên in thêm 2 trang cho mỗi số báo, nghĩa là thành 4 trang để tờ báo dày nội dung hơn. Về phần in ấn, Học đang rất lo vì do số lượng cả vạn bản nên nhà in Trung Văn của Nguyễn Văn Vĩnh không đủ sức đảm nhiệm, chính ông Vĩnh cũng lên tiếng xin ngưng in Hà Thành Ngọ báo.

“Điều này, các ông chớ lo. Tôi có người bạn chuyên về ấn loát”, Chu nói. Bạn Chu là kỹ sư Đỗ Văn, một người trong ê-kip của Chu.

Sau khi thống nhất kế hoạch, phân chia công việc, Chu bắt đầu tiến hành cải tổ để nâng Hà Thành Ngọ báo lên một vị thế mới. Tờ báo được đổi địa điểm từ phố Hàng Bông đến trụ sở tọa lạc ngay trước hồ Hoàn Kiếm.

Chủ nhiệm ngồi phòng riêng, chủ bút ngồi phòng riêng, rồi phòng biên tập, phòng quản lý đều riêng… Có cả phòng rửa ảnh, cơ xưởng 24 kệ chữ, một lò đúc bản kẽm và 6 dàn máy in tân tiến, có cả máy nói để các phòng giữ liên lạc với nhau đỡ phải tốn công chạy qua chạy lại… Trong cơ xưởng, công nhân ăn vận đồng phục, đường hoàng sạch sẽ, đông cả trăm người.

Hà Thành Ngọ báo in đẹp không thua gì tờ Le Quotidien nổi tiếng khắp Paris (Pháp). Còn về nội dung thì Chu áp dụng triệt để văn phong ngắn gọn, rành mạch. Tờ nhật báo Pháp ngữ, Le Courrier d’Haiphong do văn sĩ René le Gac làm chủ bút và cũng do chính bà viết: “Chu, đúng là nhà cải cách Việt ngữ”.

Đang yên đang lành thì giữa ông Bùi Xuân Thành (thân phụ của chủ nhiệm Bùi Xuân Học) và Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn… lục đục. Như những lần trước, Chu rời Hà Thành Ngọ báo. Bùi Xuân Học không dám cãi cha, đành năn nỉ Tam Lang ở lại để duy trì hoạt động của tòa soạn. Tam Lang từ chối, toàn thể ban biên tập đều nghỉ việc để theo Chu.

Trong bài phi lộ tạm biệt độc giả, Chu nêu lên sự ái ngại đối với những anh em làm báo thuê cho chủ, phía dưới bài viết có chữ ký của các thành viên trong ban biên tập Hà Thành Ngọ báo. Một số báo gây chấn động Hà Thành. (Trang Wikipedia, có cho biết về việc Chu nắm tờ Hà Thành Ngọ báo: “Về nội dung, ông thực hiện lối văn cô đọng, rút gọn tối đa câu chữ, rút ngắn toàn bộ những thể loại như tiểu phẩm, xã thuyết, thời luận. Ông cho đăng bài ngay ở trang nhất, cột 1 bao giờ cũng có một bài xã thuyết do Hoàng Tích Chu chấp bút (bút danh Hoàng Hồ), bàn về những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Cột 2 đưa những tin sốt dẻo, cô đọng, được đặt tít giật gân cỡ lớn, kích thích tò mò của độc giả như Thi gan với xe lửa bị húc vỡ bong bóng, Một ông Tây chủ đồn điền bắn nhầm chết con ông Chánh Tổng...". Tuy nhiên những thay đổi này lại gây sốc cho những độc giả quen thuộc của Hà Thành Ngọ báo, vốn quen với lối viết nhấn nhá, kéo dài, nặng tính biền ngẫu, điển tích xưa nay. Ông bị chỉ trích nặng nề, lối văn bị gọi là văn cộc, văn nhát gừng, văn phân dê.

Sau khi số lượng phát hành của Hà Thành Ngọ báo bị sút giảm thê thảm, ông và Đỗ Vân bị mời ra khỏi tờ báo. Không những thế, ngày 10/9/1929, Hà thành Ngọ báo còn có bài Nhà báo với nhà văn chỉ trích Hoàng Tích Chu là kẻ học mót, lên mặt dạy đời). Tôi không biết chi tiết này có chính xác không, vì tư liệu mỗi nguồn mỗi khác. Nhưng thiển nghĩ, nếu Chu thất bại từ cải cách này, thì nhóm Tam Lang khó có thể theo Chu một cách tự nguyện như vậy.

Số báo Tết của Nam Phong.

3. Rời Hà Thành Ngọ báo, Chu vẫn đủ uy tín để dọc ngang trong làng báo, với tư tưởng cổ xúy cho sự cách tân toàn diện. Chu hối thúc Chu Mậu ra tờ Dân Chới, Đặng Trọng Duyệt ra tờ Nhân Loại… tờ nào cũng lấy tư tưởng cách tân làm trọng.

Bản thân mình, Chu xin giấy phép ra tờ Đông Tây (1930), với sự tham gia của những cây bút vang danh nằm trong ban biên tập, đứng đầu là Hoàng Tích Chu (bút hiệu Văn Tôi), Phùng Tất Đắc (Bút hiệu Lãng Nhân, một nhân vật cực hay - N.T.T), Vũ Đình Chí (bút hiệu Tam Lang), Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính. Cùng với sự tham gia của: Dương Mậu Ngọc, Đái Đức Tuấn, Vũ Đình Tưởng, Nguyễn Toại…

Trên tờ Đông Tây, Chu theo đúng thể văn của tờ báo mà Chu thần tượng L’Ceuvre để thể nghiệm. Do câu chữ ngắn gọn, gãy khúc… khiến Chu bị phản ứng, bút hiệu Văn Tôi bị nhại là Văn Cụt.

Bất chấp điều này, Chu vẫn được giới trẻ ủng hộ nhiệt thành. Nhất là khi Chu đề xướng bỏ hẳn việc dịch tiếng Pháp qua âm Tàu, Chu gọi đó là vô thức, như: Christophe Colomb thành Kha Luân Bố, Bré sil thành Ba Tây… Chu chủ trương phiên theo âm Việt (cách mà một vài tờ báo hiện tại còn sử dụng), như: Christophe Colomb thành Ki-tốp Cô Lông, Bré sil thành Bê-zin..).

Còn việc dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt, Chu cũng chủ trương thay đổi theo hướng thuần Việt hơn, như cụm từ “Autour de l’affaire, Chu chuyển ngữ thành: chung quanh việc đó).

Phái cổ nho tấn công Chu rất dữ dội, họ bảo: “Chung quanh việc đó là vô nghĩa, là tào lao. Xưa nay, chỉ có chung quanh nhà, chung quanh một địa điểm nhất định… Chứ có văn phạm nào lại là “Chung quanh việc đó””.

Phái tân thời thì mê mẩn Chu lắm, họ gọi như vậy mới là canh tân, như vậy mới thật sự là mới…

Đáng tiếc là dung lượng của trang báo không cho phép tiếp tục, nên xin hẹn bạn đọc vào số báo Tân niên, An ninh Thế giới Giữa tháng số 86. Tôi sẽ tiếp tục trình bày về những đóng góp của Hoàng tiên sinh và tập đoàn của ông cho báo giới nước mình.

Ngô Tuệ Trí
.
.