Họa sĩ Nguyễn Như Ý, biệt danh Ý "điên": Nghiệt ngã một tài năng

Thứ Năm, 21/06/2012, 16:05
Con người hắn hội đủ những gì vạm vỡ và bất ngờ nhất: Sức khỏe, tài năng và một tính cách khác thường. Hắn có cái tên khai sinh bất ngờ: Nguyễn Như Ý. Bất ngờ bởi cha mẹ xưa có lẽ mong ước thế mà cuộc đời thì… bất như ý. Bất như ý cho nên đời gã nghiệt ngã tưởng không còn gì để nói.

Gã biến đi khỏi nội thành Hà Nội từ mấy năm nay, từ sau cái đận điên lên mua hàng chục xấp vải, mỗi xấp hàng trăm mét về trải ra đường và vẽ lên đó tất cả những gì gã chợt nghĩ. Và sau khi sáng tạo xong những bức tranh rộng 1,2 mét và có chiều dài không đo tính ấy, Ý ôm đến ném cả vào nhà Chiến “béo” - một chàng trai độc thân có cửa hiệu bán kính đeo mắt cuối phố Nguyễn Du, nơi Ý từng được Chiến cho trọ học (miễn phí) mấy năm khi hắn tu nghiệp tại Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, Hà Nội…

Kẻ không giống ai

Tôi nghe Chiến “béo” kể về gã và linh cảm thấy tính cách khác thường, tài năng khác thường của gã và mấy lần cất công đi tìm nhưng Ý như là kẻ lai vô ảnh, khứ vô hình. Lúc tôi tìm vào 42 Yết Kiêu, Hà Nội, hay về Sóc Sơn quê gã không thấy, nhưng chợt lúc tôi nản thì hôm sau thấy Chiến bảo Ý vừa ở đây đi, sau khi ném lại mấy bức tượng nham nhở và một nắm vải bé bé vẽ lên đủ thứ…Chao ôi, Ý vẽ không biết đẹp đến mức nào nhưng tôi thấy ám ảnh lắm, Những cái mảnh vải bé bằng cái danh thiếp ấy, có tranh Ý vẽ đẹp lắm, lạ lắm. Tôi bảo Chiến hãy cất đi những cái đó, sẽ đến lúc người ta săn tìm nó… Và đúng vậy, cho đến gần đây khi Ý bị tai nạn giao thông cụt mất một chân, về quê tự chế nạng gỗ đi mò cua bắt ốc bán độ nhật thì giới sưu tập tranh tượng của Hà Nội bỗng dưng đổ xô đi tìm tác phẩm tranh tượng của Ý.

Và rồi môt nhà sưu tập nghệ thuật Hà Nội là Phạm Đức Sĩ sau khi về Sóc Sơn tìm ra Ý đang sống ẩn dật bằng nghề mò cua bắt ốc đem bán chợ làng thì thấy quá bất ngờ. Một tài năng thiên bẩm như Ý bây giờ tàn tạ, sống bằng cái xô nhựa thủng đựng mấy con cua con cá bán kiếm từng đồng lẻ về đưa me,å thì không ai tin. Nhưng mà Ý đấy, dặt dẹo giữa đường làng bằng một chân nhảy lò cò. Phạm Đức Sĩ đã gom được ít tượng của nhà điêu khắc kỳ lạ này và đem triển lãm với cái tên Hồi cố có ý nói đến chuyện cũ của Ý những mong có được nguồn tiền đặng lo cho Ý một cái chân giả… Phạm Đức Sĩ kể: Mấy anh em vừa về đến chợ quê, bỗng thấy Ý đen đúa cởi trần, quần cộc một chân nhảy choi choi trên đường, vai đeo cái xô đựng mấy con diếc con rô đem ra chợ bán… Thương quá, không ai cầm được nước mắt.

Ngày còn là sinh viên, Ý đã nổi tiếng lắm. Nổi tiếng không phải vì gã điên điên, mà vì cái cách sáng tạo tác phẩm của gã. Ý ra ngồi ở cổng trường, con dao bầu trong tay cùng mấy cái đục và vô số khúc củi gỗ vứt cạnh. Gã trai vạm vỡ như lực điền suốt ngày cặm cụi đẽo gọt, đục khoét những khúc gỗ. Cuối cùng thì những tác phẩm hao hao như tượng nhà mồ Tây nguyên ra đời. Nhiều người xúm lại xem. Có người phát hiện ra chút gì như là tài năng trong từng nhát đẽo của Ý thì hứng chí hỏi mua. Bao nhiêu cũng bán. Ý bán tượng để gom tiền đãi rượu bạn bè. Lâu dần cái hình ảnh Ý ngồi đẽo tượng ấy thành ra một nét gì rất kỳ khôi lãng mạn trong mắt người qua lại địa chỉ số 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Bỏ lại cái điên điên của anh, người ta thấy Ý sở hữu một chân dung rất đàn ông: Vạm vỡ một thân hình, gương mặt hiền rất đàn ông và một đôi tay thô ráp nhưng khéo léo vô cùng. Đôi tay to bè ấy đã từng biến những thứ cứng như đá và gỗ củi vứt đi, thành mặt,  thành thân hình nhân vật kỳ thú…

Ý thi vào trường là môn Hội họa, nhưng không hiểu sao khi ra trường, anh lại tốt nghiệp ngành điêu khắc. Ý vẽ xuất thần lên tất cả những chất liệu có đươc. Ý đắp phù điêu ông Thiện, ông Ác cổng đình làng của Ý. Nhưng lĩnh vực làm Ý nổi tiếng lại là tượng. Người sáng tác tượng đấy nhưng không thể gọi anh là nhà điêu khắc. Ý vượt ra ngoài cái mỹ danh ấy, tượng của Ý không chỉ có điêu khắc. Hơn thế, nó là điệu thức dân gian, nhưng mang trong nó một tâm hồn nghệ sĩ bậc thầy. Tượng của Ý rặt những mặt người, hình người hồn nhiên dân dã như chưa có bao giờ biết đến đua chen, đố kị giữa chợ đời. Tôn chỉ nghệ thuật của anh là sự giản dị, sự hồn nhiên trong trẻo.

Hình như cuộc đời này với Ý không hòa nhập cho lắm. Như kẻ lạc loài, hay chí ít anh là kẻ lạc thời, nên gã mới có vẻ điên điên. Điên nhưng không khiến ai phải sợ, mà ngược lại là đằng khác..  Điên một cách ngạo nghễ, bất thường như thế. Tôi gọi các sáng tác của Ý là “tác phẩm của thiên tài”, bởi chỉ có trời mới biết gã làm ra tác phẩm trong một tâm thức điên hay tỉnh. Chỉ thấy ám ảnh lắm các tác phẩm của anh.

Tại phòng trưng bày tượng của Ý, thầy giáo của anh, thầy Lê Trọng Lân, ở Hội Mỹ thuật Việt Nam đã thốt lên: “Thật vĩ đại”. Chỉ một câu ấy thôi, người thầy giáo già hình như quá xúc động trước một nghệ sĩ học trò nên mới thốt ra thế. Vâng! Ý vĩ đại bởi cái khác thường trong tác phẩm, trong con người anh, trong tính cách anh. Trong những ngày lang bạt kỳ hồ, anh đã rải lại đằng sau lưng những tác phẩm lạ thường và vô số những  giai thoại, những chuyện hài hước về mình. Cái vĩ đại của người nghệ sĩ nằm ở tác phẩm nghệ thuật, ở nhân cách nghệ sĩ và ở cái vô tư, trong trẻo của họ.

Tìm lại một chân dung

Chân dung Ý đẹp lắm trong mắt bạn bè, nhưng hai năm rưỡi trước đây, Ý nằm như cái xác bên đường cao tốc sau một tai nạn giao thông. Anh bị mất một chân do vết thương mất máu và phần dập nát bị hoại thư. Cuộc đời lang thang của anh bỗng nhiên dừng bước. Ý không còn tung hoành khắp mọi nẻo đường Hà Nội. Không ai tìm thấy anh và những bức tượng trông như phác thảo dở dang mà đã cất lên cái hồn cốt nhân vật của anh. Gã giờ thành người tàn tật, đã lại trở về Sóc Sơn nương nhờ nhà anh trai ngày ngày chống đôi nạng bằng những đoạn gỗ buộc chằng chịt lại với nhau, lần hồi ra đồng mò cua bắt cá đem bán chợ làng. Nhìn cái cảnh anh nhảy lò cò từ chợ về nhà dúi vào tay người mẹ già mấy đồng bạc lẻ, toàn tiền hai ngàn, một ngàn đồng và cảnh bà cụ tẩn mẩn giở nắm tiền lẻ ra đếm, lòng ai không se thắt!

Sau chuyến đi tìm lại Nguyễn Như Ý ấy, những người bạn anh đã nảy ra ý tưởng đưa tác phẩm của Ý ra triển lãm và in một cuốn sách ảnh các tác phẩm của Ý để vừa có tý tiền lo cho anh làm cái chân giả, vừa để kéo Ý trở lại với nghiệp của anh.

Điêu khắc gia Đào Châu Hải, người từng là thầy giáo của Nguyễn Như Ý có mặt tại triển lãm, xúc động nói: “Lúc nãy anh Vũ giới thiệu tôi là thầy giáo của anh Ý, tôi nghĩ tôi là đồng nghiệp của anh Ý thì đúng hơn. Ở đây có một số giảng viên Khoa Điêu khắc của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chắc rằng các anh chị cũng thống nhất với tôi, đối với Nguyễn Như Ý, không thể đào tạo một cách bình thường như những người khác đã từng đi qua, đi ra khỏi cổng trường này. Nguyễn Như Ý có cái bản năng và phẩm chất rất tuyệt. Anh có thể làm được những điều như anh muốn, có thể nói được điều mình muốn bằng ngôn ngữ đặc biệt của mình. Chính vì thế có lần tôi mới hỏi anh: “Tại sao lại tên là Như Ý?”.

Bây giờ tôi mới hiểu được, chắc là Ý không giải thích được, nhưng qua công việc thì tôi hiểu rằng, Ý đã sống làm việc được như anh mong muốn… Sự đóng góp của Như Ý làm diện mạo điêu khắc phong phú lên hơn rất nhiều và đặc biệt làm thức tỉnh được những suy nghĩ mà xưa nay thường đặt ra câu hỏi cho chính chúng ta: Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến?... Xem những tác phẩm trưng bày hôm nay, với con người rất cụ thể đứng trước mặt chúng ta đây, chắc chắn sẽ giúp cho các anh, các chị có câu trả lời rất xác đáng cho những suy ngẫm đó”.

Ngắm những tác phẩm tượng của Ý tại trưng bày, ta hiểu đằng sau sự thô mộc ấy là những gương mặt người, mỗi bức mỗi số phận, một suy tư... Vầng trán mênh mang của người đàn ông kia cùng đôi mắt sâu thẳm gợi một chân dung đẹp lạ thường. Lấp lánh đâu đó trên những pho tượng vẻ như dân gian của Ý đọng lại lòng ta thăm thẳm những triết lý nhân sinh... Có người bảo Ý có hàng ngàn pho tượng như vậy. Chưa kể còn bao nhiêu bức vẽ xuất thần lớn bé mà Ý để vương vãi dọc đường phiêu bạt từ ấy đến giờ...

Trưa nay Chiến “béo” lôi tôi lên gác lục giở lại hàng trăm mét vải các màu mà Ý đã vẽ và ném vào nhà Chiến ngày trước. Chỉ có trời mới dám bình về những bức vẽ vĩ đại đúng nghĩa đen của từ này... Không hiểu sao gia tài lớn thế mà giờ đây anh vẫn còn dặt dẹo ở góc chợ làng. Lẽ nào số phận nghiệt ngã xô anh về phía hư không? Không! Tôi tin cái sức vóc và cái khát khao dâng hiến vẫn hừng hực trong anh và  nếu cuộc đời không quá phũ phàng thì Nguyễn Như Ý sẽ là một tài danh nay mai, một gương mặt lạ trong làng mỹ thuật Việt hiện đại.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn rất cảm động trước cái tình của bạn bè, đồng nghiệp dành cho họa sĩ Nguyễn Như Ý. Sự trở lại lần này của Ý, theo ông, là rất vui, vì vẫn thấy anh còn mạnh khỏe và khuôn mặt anh vẫn tràn trề hi vọng. Trong những năm tháng sống vất vả nhọc nhằn ở làng quê, tượng của anh vẫn nguyên vẹn những nét đẹp. Ông nghĩ, sự trở lại của Như Ý lần này, trong tình cảm của đồng nghiệp như thế, chắc chắn sẽ là sự hồi sinh của nghệ thuật Nguyễn Như Ý.  

Vâng! Nghiệp của Ý là làm ra những tác phẩm tranh tượng mang dấu ấn tài năng lạ thường chứ không phải bên cái xô nhựa cũ, bán mấy con cua đồng.  Dù lâu rồi Ý ẩn cư nơi làng quê của mình, nhưng tôi tin trong anh vẫn rực cháy ngọn lửa đam mê khao khát được sáng tạo. Nếu gặp lại anh, tôi sẽ bảo: “Ý ơi, chỗ của anh là giữa những bức tranh, những pho tượng khác thường kia mà! Ý ơi! Hãy trở lại, nghệ thuật đang chờ anh tái xuất”

Tân Linh
.
.