Hình ảnh từ một viễn xứ

Chủ Nhật, 22/11/2009, 16:11
Từ một cái nhìn bao quát trên diện rộng đời sống văn học Anh ngữ và Pháp ngữ, nhiều nhà văn và chuyên gia văn học có uy tín đều thống nhất với nhận định: vài thập niên trở lại đây, mảnh đất văn chương Anh ngữ và Pháp ngữ già nua cũ kỹ sở dĩ có thể tươi tắn lại, ấy là bởi có phần đóng góp rất đáng kể của những tác giả thuộc thế giới thứ ba, những người đã di cư tới Châu Âu (hoặc Mỹ) và dùng tiếng Pháp (hoặc tiếng Anh) như là ngôn ngữ sáng tác của mình.

Trong số các tác giả thuộc thế giới thứ ba ấy, khá nhiều người đã đoạt được những giải thưởng văn chương danh giá như Booker hay Goncourt. Người ta coi đó là một biểu hiện sáng giá cho sự trỗi dậy của văn học thế giới thứ ba. Nhưng mấu chốt của câu chuyện "trỗi dậy" này có lẽ là ở chỗ: các tác giả ấy, với tư cách là người trải nghiệm và tư duy những vấn đề của đất nước mình, dân tộc mình bằng những ngôn ngữ có sức phổ biến mạnh nhất trên thế giới - chứ không phải bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ mang nặng tính biệt lập - họ đã trực tiếp nói với thế giới về thực tế tồn tại của mình, về ước mơ, về hạnh phúc cũng như về sự mất mát hay những nỗi đau của mình. Trong điều kiện của thế giới hiện nay, đó là con đường hoàng đạo để tạo nên sự thấu hiểu và cảm thông giữa các quốc gia dân tộc.

Một lượng tương đối lớn các tác giả như vậy đã đến với bạn đọc Việt Nam (tất nhiên, qua con đường chuyển ngữ). Trong số đó có hai nhà văn Afghanistan, đều là người Kabul: Khaled Hosseini, sinh năm 1965, hiện sống tại Mỹ, tác giả tiểu thuyết "Người đua diều" (The Kite Runner. Nguyễn Bản dịch, Nhã Nam và NXB Phụ nữ, 2007), và Atiq Rahimi, sinh năm 1962, hiện sống tại Pháp, tác giả tiểu thuyết "Nhẫn thạch" (Syngue sabour - Pierre de patience. Nguyên Ngọc dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2009). Mỗi người một tác phẩm, tất nhiên là quá ít để bạn đọc Việt Nam có thể có hình dung tương đối đầy đủ về tác giả. Nhưng với những gì họ viết về đất nước của mình qua hai cuốn sách ấy, tôi tin rằng họ đã gửi đến chúng ta những hình ảnh đáng nhớ từ một viễn xứ.

"Người đua diều", cuốn sách có 110 tuần thống trị trên danh sách best-seller của tờ The New York Times, có thể được đọc như một bức chân dung trực diện về đất nước Afghanistan thời hiện đại. Bức chân dung được ghép từ hai nửa với đường phân giới là sự kiện xảy ra năm 1981, khi xe tăng Nga lần đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ của đất nước Hồi giáo này. Những chi tiết trên bức chân dung ấy được phác lên theo các diễn biến trong cuộc đời của Amir - nhân vật chính, cũng là người kể chuyện trong truyện.

Trước năm 1981, Amir là một cậu ấm con nhà giàu ở thủ đô Kabul. Cậu sống với cha - người mà cậu vừa yêu thương, kính phục, vừa luôn e sợ. Bạn, đồng thời là đầy tớ, và thực chất là đứa em cùng cha khác mẹ của cậu, là Hassan - người mà cậu giữ một thứ tình cảm vừa quý mến vừa khinh bỉ, một cách vô thức. Chính từ trường hoạt động và mối quan hệ của ba nhân vật này, tác giả đã làm bật lên diện mạo đặc thù của xã hội Afghanistan truyền thống. Đó là một xã hội mà trật tự đẳng cấp và sự kỳ thị sắc tộc, tôn giáo đã ăn sâu bám rễ trong nhận thức và trong hành vi ứng xử của tất cả. Người Pashtun khinh miệt người Hazara, người Hồi giáo Sunni căm ghét người Hồi giáo Shi'a, và những người Hazara thuộc dòng Hồi giáo Shi'a thì, khốn khổ thay, chấp nhận vị thế hèn mọn của mình một cách ngoan ngoãn như thể đó là định mệnh dành sẵn cho họ, không cách gì thay đổi và không cần thiết phải thay đổi.

Trong "Người đua diều", không phải không có những lúc Hassan - một người Hazara dòng Shi'a - vùng lên phản kháng, ví như khi cậu giương súng cao su uy hiếp Assef "Kẻ ăn tai" - một người Pashtun dòng Sunni. Thế nhưng, đó không phải hành vi phản kháng để thay đổi thân phận, mà là phản kháng để xác nhận thân phận: Hassan uy hiếp Assef là để bảo vệ Amir, như một tên đầy tớ bảo vệ ông chủ của nó. Hassan phục tùng và hy sinh vì Amir vô điều kiện, suốt đời, với châm ngôn ứng xử mang đẫm tâm lý tòng thuộc: "Vì cậu, cả ngàn lần rồi".

Tuy vậy, xã hội Afghanistan truyền thống vẫn hiện lên với một vẻ yên bình thơ mộng nào đó. Cậu chủ và người đầy tớ vẫn có thể chơi đùa cùng nhau, đọc truyện cho nhau nghe, trò chuyện với nhau bên lò sưởi, khắc trên thân cây lựu dòng chữ "Amir và Hassan, hai Sultan của Kabul". Và cha của Amir, một người đàn ông Pashtun dòng Sunni điển hình, vẫn cứ là một con người rộng lượng hào sảng, sẵn lòng bỏ tiền túi để lập trại trẻ mồ côi và sẵn sàng hy sinh tính mạng mình để bảo vệ cho người không quen biết. (Đến khi phải sống cuộc sống lưu vong trên đất Mỹ, xã hội Afghanistan truyền thống vẫn giữ được cái vẻ yên bình thơ mộng của nó: người ta gặp nhau ở chợ trời San Jose, ở quán bán thịt nướng kiểu Afghan hay ở bất kỳ đâu, chào hỏi nhau, nói năng với nhau theo nghi thức trang trọng cũ, lo lắng, quan tâm tới nhau như những thành viên trong một gia đình).

Thêm vào đó, không thể không kể tới không khí của những cuộc đấu diều trên bầu trời Kabul, những cuộc chơi quyết liệt, đầy hào hứng và dường như tồn tại một tinh thần dân chủ nào đó trong khoảng không bao la: chỉ có những con diều khéo léo biết cắt hạ đối thủ, và vinh quang là phần thưởng dành cho người chiến thắng dù người đó là ai.

Vẻ yên bình ấy, dẫu là yên bình với cái lõi bất bình đẳng xã hội của nó, rốt cuộc đã trở thành một hoài niệm với người Afghanistan sau sự biến năm 1981. Đất nước rơi vào tình trạng chiến tranh và chia rẽ triền miên. Những đứa bé lớn lên, tai đã trở nên quen với tiếng bom đạn. Người Afghanistan (trong nước) vốn quan hệ với nhau bằng lòng tự trọng và danh dự cá nhân, nay thì không ai còn có thể tin ai được nữa. "Một nhận xét ngẫu nhiên với bác thợ may, trong khi thử cho vừa bộ quần áo có thể dẫn bạn vào hầm tối nhà lao Polehcharkhi. Phàn nàn về lệnh giới nghiêm với ông hàng thịt, và điều sau đó bạn nhận ra là mình đã ở đằng sau những song sắt, mắt hoang mang nhìn vào cái họng của một khẩu Kalashnicov. Ngay cả tại bàn ăn trong nhà riêng của mình, dân chúng cũng phải nói năng một cách đắn đo... họ dạy trẻ con do thám cha mẹ mình, chú ý nghe những gì, kể lại với ai" (tr 150).

Amir, giờ đã là công dân Mỹ và là tiểu thuyết gia đang được chào đón trên văn đàn, trở về cố quốc, chứng kiến tận mắt sự hoang tàn của đất nước Afghanistan tươi đẹp, trải nghiệm bằng chính xương thịt mình sự tàn bạo của chế độ Taliban. Bi kịch của cá nhân lồng trong bi kịch của quốc gia. Amir, một lần nữa phải chứng kiến cảnh Assef "Kẻ ăn tai", giờ là một quan chức Taliban, bạo hành tình dục với con trai của Hassan như trước đây hắn đã từng bạo hành tình dục với cha thằng bé. Phải bằng một nỗ lực phi thường và một cơ may hiếm có, Amir và con trai của Hassan mới thoát khỏi địa ngục trần gian ấy, trở về Mỹ, bỏ lại sau lưng Tổ quốc cho đến giờ phút này vẫn đang sống với số phận bi kịch của một vùng đất bị Thượng đế bỏ quên. Mang nặng sự giày vò trong nỗi sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, đau đớn trong hành vi sám hối và cứu chuộc, "Người đua diều" đã hiện diện như một bản thống ca về đất nước Afghanistan thời hiện đại.

Nếu cốt truyện của "Người đua diều" có xu hướng trải rộng ra trong không gian và thời gian với hàng loạt sự kiện và biến cố, thì cốt truyện của "Nhẫn thạch", tiểu thuyết đoạt giải Goncourt năm 2008, lại co lại đến hết mức có thể. Trước khi vào truyện, tác giả viết: "Đâu đó ở Afghanistan hay một nơi nào khác". Phiếm chỉ, nhưng lại như một gợi ý cho người đọc dẫn chiếu những gì xảy ra trong truyện tới bối cảnh của Afghanistan ngày nay. Mà những gì xảy ra trong truyện thì lại xảy ra trên một nền cảnh hết sức hạn hẹp: "Căn phòng nhỏ. Hình chữ nhật. Ngột ngạt dầu các bức tường màu xanh nhạt, và những tấm rèm có họa tiết chim di cư sững lại giữa đà bay trên một nền trời vàng và xanh dương. Thủng lỗ đôi chỗ, chúng để lọt những tia nắng đến chết lịm trên những sọc kẻ của một tấm thảm len. Cuối phòng, một tấm rèm khác. Xanh lục. Chẳng có họa tiết nào. Rèm che một cánh cửa đã bị bịt lại. Hay một cái kho chứa đồ vật" (tr 13).

Chỉ có vậy, giống như trong vở kịch một cảnh. Nếu có thể thêm một chi tiết nào vào cái nền cảnh ấy, thì chi tiết đó sẽ là một người đàn ông đang phải sống một đời sống thực vật. Sống mà như đã chết. Và một người đàn bà, vợ của anh ta, người đang đo đếm thời gian bằng những nhịp thở, bằng những giọt dịch truyền vào thân thể người chồng, bằng những vòng tràng hạt trên đầu ngón tay. Người vợ liên tục trò chuyện với chồng, nhưng thực ra là chị đang độc thoại. Và từ chuỗi diễn ngôn không dứt từ chính mình cho chính mình ấy của người đàn bà mà chiếc "hộp đen" hé mở. Nó là gì? Là ấn tượng kinh hoàng về thực tế chiến tranh phi lý đang bao trùm đất nước Afghanistan. Và sâu hơn nữa, là số phận khốn khổ của người phụ nữ trong một quốc gia Hồi giáo đang loạn lạc vì bom đạn. Người phụ nữ không là gì cả ở cái xứ sở mà đàn ông được đặt trên nấc thang tối thượng, người phụ nữ không là gì hết khi chồng của họ lao mình vào cơn cuồng hoan với súng ống. Yêu thương, thèm khát, đau đớn, bức bối, phẫn hận, trì chiết, thóa mạ... người vợ trút toàn bộ những cơn sóng lòng của mình vào lời nói, hướng tới người chồng đang nằm đó, như hòn đá, biến anh ta thành một "nhẫn thạch", bắt anh ta phải hút hết những nỗi thống khổ của mình, kể cả nỗi thống khổ của người đàn bà phải nhiều phen tự nguyện bán mình vì những mục đích mà chị không hề muốn.

Và, giống như trong huyền thoại cổ Ba Tư, "nhẫn thạch" đã nổ tung khi nó đầy ứ những bí mật được tiết lộ. Cũng giống như trong huyền thoại Ba Tư, sự giải thoát đã đến với người phụ nữ, nhưng không phải bằng hạnh phúc nơi cõi thế, mà bằng cái chết do bị chính người chồng vặn cổ (theo nghĩa đen) trong khoảnh khắc anh ta chợt bừng tỉnh! Tiết chế đến từng chi tiết, Atiq Rahimi kể chuyện một cách chậm rãi, đẩy nhanh dần nhịp điệu, rồi đưa nó tới cao trào và hạ màn một cách bất ngờ. Như trong một vở bi kịch. Hai cái chết trên một nền cảnh hạn hẹp - căn phòng nhỏ, các bức tường màu xanh nhạt, những tấm rèm có họa tiết chim di cư - nhưng nó thu góp dư chấn của hàng ngàn hàng vạn số phận, hàng ngàn hàng vạn cái chết ngoài kia, trên đất nước Afghanistan khốn khổ đang bị hận thù và bom đạn cày xới đến từng thước đất!

Thế giới đang dần trở thành một cái làng, người ta vẫn nói như vậy. Nghĩa là, trên phương diện nào đó, sự thông hiểu đã xóa đi những cách bức giữa các quốc gia dân tộc. Thế nhưng, ai có thể đau hộ nỗi đau của người khác? Dân tộc nào có thể gánh chịu những bi kịch của một dân tộc ở cách họ hàng vạn dặm trường? Cùng lắm chỉ là một sự chia sẻ. Làm nên những nhịp cầu chia sẻ quan trọng nhất, chính là các nhà văn, những người đã viết, đã mang tới trước thế giới hình ảnh của một viễn xứ bằng sự quặn thắt đến từng tế bào cảm xúc của mình trước số phận của dân tộc mình. Khaled Hosseini và Atiq Rahimi là những nhà văn như thế

Hoài Nam
.
.