Hiệp sĩ cười viết dựa chim uyên xanh

Chủ Nhật, 20/12/2015, 16:50
Nghề viết nhọc nhằn chỗ nào? Chính là lúc người ta không còn hứng thú để viết nữa. Mà vẫn cứ phải viết. Thời trẻ, viết như điên. Vì cần tiền. Cần khẳng định tay nghề. Và nhất là ngọn lửa ảo tưởng hừng hực mỗi ngày. 


Ai lại không ảo tưởng rằng, bài viết của mình sẽ góp phần giúp đời sống tốt đẹp hơn? Bao nhiêu nhọc nhằn tác nghiệp tan biến hết, chỉ cần nghĩ tác động đến nhân quần xã hội là đã mê tơi sung sướng. Sung sướng vì đã làm một công việc có ích. Dần dà, mới biết rằng đã “ăn dưa bở” hơi bị lâu.

Khi ảo tưởng mất đi cũng có nghĩa sự hăm hở, tin yêu của tuổi trẻ đã phai nhạt nhiều lắm. Đến một lúc nào đó, viết chỉ để mà viết. Bởi ngay lúc viết đã biết tỏng cuối cùng thế nào rồi. Chỉ là viên sỏi ném xuống ao bèo. Không một tiếng vang. Rồi ngày mai, mọi chuyện lại đâu vào đó. Chẳng mảy may thay đổi gì. Dòng đời cứ thế trôi qua. Không còn một chút sinh khí nào. Và từ trong tâm tưởng không còn vọng lên tiếng réo gọi. Giục giã. Hăm hở. Như thuở nào:

Ồ những người ta đi hóng xuân,
Cho tôi theo với, kéo tôi gần!
Rộn ràng bước nhịp hương vương gót,
Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân.

                                    (Huy Cận)

Không thèm quan tâm, để tâm để tứ đến bất kỳ chuyện gì nữa có nghĩa lúc đó người ta đã già. Sực nhớ câu thơ này:

Thâu qua cái ngáp dài vô tận
Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn...

Thơ Huy Cận, lâu nay cứ nghĩ của Vũ Hoàng Chương. Bình thường thôi. Ngay cả tác giả có lúc đọc thơ mình, còn tưởng thơ của người khác nữa đấy. Nhà phê bình Hoài Thanh cho biết, Lưu Trọng Lư, sinh thời nổi tiếng hay thơ và đểnh đoảng. Trong một đêm trăng sáng rực ngoài sân, uống cạn chén rượu, Lưu Trọng Lư ngâm đi ngâm lại hai câu thơ:

Giật mình mới thấy mồ hôi lạnh
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi

rồi bỗng kêu toáng lên:

- Ủa! Thơ của mình đây mà! Vậy mà lâu ni cứ tưởng là... thơ của Thế Lữ!”. Thế đấy! Y thích mấy câu thơ này, đích thị của Vũ Hoàng Chương chứ không nhầm:

Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc, máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào xăng tiếng trả lời

Câu cuối của bài thơ này, lẽ ra “săng” mới đúng. “Săng” là cái hòm gỗ, cái quan tài. Ca dao có câu: “Ông cuội đứng giữa mặt trăng/ Cầm rìu, kiếm chạc, đốn săng kiền kiền”; “tranh săng” là cỏ tranh, lá dài và cứng, dùng lợp nhà. Câu “dấu than buông dứt”, đã diễn tả nổi bật cái động tác mạnh mẽ và dứt khoát. Bốn câu thơ này, in trong tập Tâm tình người đẹp, Vũ Hoàng Chương sáng tác vào ngày 4-5-1961.

Sở dĩ chép lại vì thi sĩ Thơ say cho biết  viết ngay lúc ngày mẹ mất. Trên đời này, có những chuyện ta không thèm chia sẻ, nhưng với một người mất mẹ, nỗi đau ấy khủng khiếp lắm, tại sao ta lại không có một tâm tình? 

Trả lời nhà thơ Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương cho biết lúc mẹ chết, ông ý thức “đặt lại vấn đề về thân phận con người”. Và bài thơ này, ông thích còn do “nó chỉ ngắn có 28 tiếng, điều là tiếng Nôm thuần túy; nó diễn tả đúng nỗi băn khoăn của tôi từ bấy lâu nay; “Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người”: “dấu hỏi” (?) thật giống như con sên và một giọt máu rỏ xuống; “Chiều nay một dấu than buông dứt”: “dấu than” (!) cũng giống như cái đinh đóng xuống một cái lỗ đã khoan sẵn” (Bàng Bá Lân - Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại - NXB Xây dựng - 1962). Đọc thơ, nghe tác giả giải thích cũng là một cái thú.

Câu chuyện này vừa đọc trên báo, ngày nọ đứa con gái khoảng chừng 12, 13 tuổi đi chơi về khuya, bạn bè đưa về tận nhà. Không nói không rằng, ông bố mắng luôn cho một câu. Tự ái quá, sau khi bạn bè ra về, cô bé xách xe phóng ra khỏi nhà. Hoảng hốt, ông bố đuổi rượt theo và bắt gặp cháu đang đứng trên cầu. Lúc ấy, dù dỗ ngon nói ngọt cháu cũng không chịu quay về nhà. Đêm đã khuya. Chẳng lẽ hai cha con giằng co mãi sao? Ông bố bực quá, tát vào mặt cháu một cái rõ đau. Cô bé ôm mặt khóc hu hu giữa đêm thanh vắng.

Ngay lúc đó, có một người đàn ông tình cờ đi ngang qua, nhìn thấy cảnh ngộ ấy, hỏi: “Ông là ai, lấy quyền gì đánh con bé?”. Tất nhiên, ông bố bảo, là mình là cha là mẹ nên có quyền dạy con, can cớ gì mà xía vào? Nói thế mà được à? Lấy gì chứng minh là bố của cô bé tội nghiệp kia? Trong lúc hai người đàn ông đang cãi cọ, thừa dịp không ai chú ý đến mình, cô bé lao từ trên cầu xuống dòng nước xiết… Nếu lúc ấy, ông bố bất hạnh ấy gặp người đàn ông khác, mọi việc đã khác.

Tùy cơ duyên mỗi người chăng?

Ông bà mình bảo: “Chọn bạn mà chơi”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chí lý quá. Từ tác động của người này đối với người kia, cộng hưởng cảm ứng điện từ lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Đã lâu rồi, đọc mấy quyển sách về Thông thiên học, cũng có nói về điều đó. Đại khái và hiểu nôm na như ngồi nhà một mình khó có thể uống hết một lon bia, nhưng vào quán nhậu, có thể uống “xả láng sáng về sớm”. Do tác động của người chung quanh? Đúng rồi. Nhưng theo Thông thiên học, ngay lúc ấy, từ trên khoảng không, trên đầu người đang nhậu dù không ai nhìn thấy nhưng thật ra có vô số bóng ma bợm nhậu đang vỗ tay, hò reo, xúi giục lũ người trần mắt thịt đang ngồi kia hãy uống dạt dào hơn nữa. Có hay không tác động vô hình đó?

Đôi lúc đang lai rai cùng bạn bè, lòng dạt dào cảm hứng lại nhớ về… sách. Nhớ sách, chẳng khác gì nhớ bạn.

Chiều nay, dành thời gian tìm lại tập sách cũ. Sách nhiều, mỗi lần tìm kiếm cũng mệt. May quá, vừa tìm ra quyển sách Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam (Hiện đại, xuất bản 1972), dày trên 200 trang của Phạm Duy. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn cần quyển này. Cần đọc tìm hiểu âm nhạc Chăm ảnh hưởng đến nhạc Việt thế nào. Sẽ photo tặng bạn một bản. 

Lật vào bên trong lại thấy thiệp mời tham dự đêm nhạc Phạm Duy ngày trở về diễn ra lúc 19h ngày 5-1-2006 tại sảnh đường Diamond (KS Sofitel Plaza Sài Gòn, 17 Lê Duẩn, Q.1, TP HCM). Chương trình này do Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức, và cũng là lần đầu tiên ca khúc Phạm Duy được hát công khai trở lại, kể từ sau năm 1975 tại Việt Nam.

Nếu chỉ chọn vài gương mặt tiêu biểu nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, có thể quên người này người kia nhưng không thể thiếu Phạm Duy. Nếu thiếu, chắc chắn diện mạo âm nhạc nước nhà khuyết một mảng lớn. Theo anh bạn Lưu Trọng Văn công bố trên trang Motthegioi.vn, trước khi mất vài ngày, Phạm Duy nói: “Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa, nếu người vẫn hát Tình ca với câu: “Tôi yêu tiếng nước tôi”, 999 bài còn lại, người ta quên cũng được”. Khi thời sự chính trị đi qua, tác phẩm nghệ thuật mới trở lại đúng vị trí vốn có. Vị trí ấy sẽ xác lập tác phẩm nghệ thuật ấy có tồn tại với thời gian hay không.

Trước đây, chừng mươi năm trước, trên đường Võ Văn Tần có nhà sách Kỳ Thư, chủ nhân bị tật ở chân và nổi tiếng bán sách cực mắc. Chỉ dân chơi sách cũ, nhiều tiền mới có thể mua nổi. Y không phải người chơi sách nên thường chỉ mua bản photo, tất nhiên giá cũng cao ngất. Làm ăn như thế đáng khen, vì ít ra những người cần nghiên cứu cũng có thể tiếp cận được tài liệu quý. Y đã mua tại nhà sách Kỳ Thư có bản photo Truyện Phan Xích Long - hoàng đế và binh tướng bị xử tại Tòa Đại hình Sài Gòn.

Quyển sách quý này in năm 1913, đầy đủ thông tin về sự kiện Phan Xích Long. Tòa án Sài Gòn xử từ ngày 5-11-1913 đến ngày 12-12-1913. Có 104 người ra tòa, vắng mặt 7 người, đầy đủ danh sách. Đọc kỹ phát hiện nhiều chi tiết bất ngờ. Chẳng hạn, khi kéo quân lên Sài Gòn, ngoài việc nhìn tận mặt Phan Xích Long, nghĩa quân còn tin rằng sẽ được gặp anh hùng Đề Thám; lúc xử Phan Xích Long, tòa án kết tội cả Phan Bội Châu, Cường Để. 

Tang chứng vụ án là “vỏ trái pháo, áo, mão gươm, đồ sắc phục đế vương của Phan Xích Long hoàng đế giá đáng chừng ba bốn chục ngàn đồng bạc, là đồ vàng đặc”. Nghĩa quân “mặc y phục mới sắm bằng vải trắng, khác đồ tang phục, đầu bịt khăn xéo, bỏ mối lòng thòng giữa trán làm hiệu riêng” v.v… Dựa vào tài liệu này, đã công bố trước tòa, có thể dựng lại cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long.

Cái thú đọc sách còn là trước khi đi ngủ, tiện tay vớ lấy bất kỳ quyển sách nào đó. Đọc chơi dăm trang. Đôi khi không chủ ý nhưng lại tìm được nhiều thông tin lý thú. Về Kim Dung, thú thật, chưa bao giờ có thể đọc hết một tác phẩm nào của ông. Ngồi nhậu, nhất là ở quán Đo Đo, nghe bạn bè bàn luận nhân vật này, nhân vật kia khoái lắm bèn quyết tâm đọc nhưng vẫn không đọc nổi, một phần do bản dịch mới ngây ngô, câu cú tầm thường quá nên dễ nản chăng? 

Lại nghe, thời trẻ, ông Đồ Bì hết sức ca Vi Tiểu Bảo nhưng gần đây lại đâm ra ghét nhân vật này ghê gớm; lại nghe có lần ông Trần Bạch Đằng bảo nếu ra ngoài đảo hoang như An Tiêm, chỉ được phép đem theo một quyển sách duy nhất, ông sẽ chọn Tiếu ngạo giang hồ vì thích nhân vật Lệnh Hồ Xung và ghét Nhạc Bất Quần v.v…

À, xin mở ngoặc: Trong khi đó, Tiến sĩ Charles Van Doren khi viết quyển sách đồ sộ Thú đọc sách (nguyên tác: The joy of reading) lại cho rằng: “Nếu bạn chỉ được đem theo 10 quyển sách đến một hoang đảo, thì đầu sách nào bạn sẽ đặt trước Robinson Crusoe? Quyển sách này không được viết ra bằng một bút lực kỳ tuyệt như Hamlet, câu chuyện của nó không đạt đến tầm vĩ đại bi trang như Iliad hay Odyssey và cũng không hài hước thâm thúy như Don Quixote. Nhưng chính nó chứ không phải những quyển sách kia, sẽ giúp bạn sống sót”. Đóng ngoặc.

Rồi trong những lần bàn luận về truyện kiếm hiệp, chưa nghe ai kể chuyện này: Lúc Kim Dung tuyên bố gác bút, Hội Kim Dung học ở của nhiều nước trên thế giới đã “nung nấu tâm can, vò võ trán” nghĩ ra câu đối tặng ông. Câu đối như sau:

Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên

Có người dịch:

Tuyết bay hàng ngày bắn hưu trắng;
Hiệp sĩ cười viết dựa chim uyên xanh.

Câu đối quá xuất sắc. Không những thế, mỗi chữ trong câu đối là chữ đầu tác phẩm của Kim Dung: “Phi Hồ Ngoại Truyện, Tuyết Sơn Phi Hồ, Liên Thành Quyết, Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu Anh Hùng Truyện, Bạch Mã Khiếu Tây Phong, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, Thư Kiếm Ân Cừu Lục, Thần Điêu Hiệp Lữ, Hiệp Khách Thành,  Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Bích Huyết Kiếm, Uyên Ương Đao”.  Nhớ câu này, hôm nào “lòe” bạn bè chơi.

Bạn bè chơi với nhau, người này quen biết thân thiết người kia cũng tùy theo cơ duyên đó thôi.

Lê Minh Quốc
.
.