Hà Nội dấu hương

Thứ Năm, 19/05/2016, 09:36
Nơi trung tâm xứ sở nhiệt đới, vào buổi sáng tháng Năm rạng rỡ, ta tiếp tục ái trình.

Nàng yêu Hà thành có kiến trúc kinh thành Paris. Mỗi ngày đi - về đường quen, tưởng thân thuộc từng vỉa hè, hàng cây, mà vẫn gửi vào không gian bao nhiêu lá thư từ tâm trí. Tôi thích gọi những đường phố bằng tên Pháp, sống lại không khí Hà Nội tĩnh lặng hồi xưa. 

Lướt chậm phố đôi Lê Thái Tổ (rue de Jules Ferry) bên bờ Lục Thuỷ. Hương nào vương vất thế, mê man đan miên man. Hè tới rồi, hoa táo, hoa nhót rực sáng cả vườn khi xuân, nay cùng các loài hoa bắt đầu trổ quả. Ngày sang đêm, kỳ chuyển mùa. Hôm nay và mãi sau này, mình cứ theo mùi hương mà tìm Hà Nội.

Đi ngược phố nhà binh (rue de Marechal Joffre) dài 1090m hai hàng xà cừ tích phổ diệp lục mang tên Lý Nam Đế - vị Vua đặt tên nước hiệu Vạn Xuân mà mơ xuân mỗi đêm đắm đuối. Diệp lục quang hợp đường Phan Đình Phùng (Boulevard Carnot) bung hoa sưa trắng trước mấy tòa biệt thự Pháp liền kề nhau đầu dãy phố lẻ. Theo vỉa hè ba hàng cây duy nhất kinh thành, hàng sấu già kiên cường bên các villa cũ. Vỉa hè thỉnh thoảng lại bị đào xới, cuốc thuổng xà beng thúc giáng dữ dằn gốc cây. 

Công nhân môi trường đô thị thường lấy cớ "phòng bão lớn" mà cưa cây rất nhanh (dù chỉ cây một cành), thay vì cứu, giữ chúng. Rễ đứt oằn cơn đau tra tấn. Sấu vẫn trổ hoa dịu li ti dưới vòm xanh um, thương lũ chim thót mình sau hồi chuông chiều. Quả sấu chín hiếm hoi rơi xuống nhắc ta, Hà Nội bớt đẹp dần theo lượng sấu. 

Xuyên đường Hoàng Diệu (Avenue de Pierre Pasquier), một trong những đường đẹp nhất, cổ thụ đưa ta sang Quán Thánh. Hoa sữa gọi heo may trở lại, dẫn ta tới vùng thiêng Tây Hồ. Cuối đường Cổ Ngư, Lãng Bạc sương mờ. Em ngóng hàng cơm nguội lan ra rặng ổi bờ ngâu mạn Quảng An, Quảng Bá.

Mất cả rồi hương ngâu ngạt ngào dốc lối. Hồ Tây hẹp dần do lấn chiếm, chia cắt. Đào phai đào bích Nhật Tân mất rồi. Ngọc Hà từ lâu đã không còn hoa nữa. Nhật Tân là di sản Hà Nội, thuộc về đời sống tinh thần, văn hoá kinh kỳ. Chung cư cao cấp mọc lên kín đất Nhật Tân.

Mỗi lần nhìn thấy cổng Ciputra - bản nhái "Khải hoàn môn" với đàn ngựa tung vó hệt đám bọ ngựa gầy, trong ta dâng lên xiết bao thương tiếc. Ciputra hiện tồn là bằng chứng của thói bạo tàn vô tình hành hạ văn vật Thủ đô.

Nhiều đường, phố, vành đai, cầu vượt mới mà thiếu tầm nhìn kiến tạo Thủ đô trung tâm văn hóa quốc gia, cần nhiều khoảng không, vườn hoa, nhà hát, giữ các hồ đừng bị lấp, diệt vong thêm nữa, bảo tồn những hàng cổ thụ. 

Thời dược sỹ Thẩm Hoàng Tín làm thị trưởng Hà Nội năm 1950 - 1952, ông mời các họa sĩ nổi danh (trong đó có Lương Xuân Nhị) tư vấn khi mở đường, quy hoạch phố bởi đề cao mỹ thuật cảnh quan. Các thị trưởng thời nay quan tâm nhiều đến tiền đầu tư công trình hơn là tính văn hóa? Trồng cây mới phải có thiết kế "màu hoa, mùi hương" phù hợp.

Ở Việt Nam, chim non chưa mọc cánh đã bẩm sinh sợ người. Làm sao có cảnh lũ chim thân thiện vây quanh chờ được ăn, chụp ảnh, đậu trên tay, trên vai dân bản xứ, khách du lịch. Lúc nào chúng cũng hoảng hốt, nơm nớp kiếm mồi, thót mình chực bay. Ong lạc hướng nào, bướm lượn nơi đâu? 

Tôi không chỉ nhớ hương mà nhớ cả bóng dáng của hoa hồng, lay - ơn (Glaieul), thược dược của Tết ấu thơ. Hồng bạch gần như mất hẳn. Nhiều loài hoa mang cả hương về xa thẳm...

Thời bình, máu rừng, máu cây vẫn chảy.

Hương Hà Nội, là hương từ cây, từ hoa. Người ta ác với cây, vô tình với hoa. Loại này mỗi lúc một tăng, cùng lũ nông cạn, tàn ác. Mỗi lần thấy cây bị đốn bị bức tử, tôi đau nhói và day dứt mãi. 

Nhà văn Lê Minh Khuê xót xa: "Dân ta nô nức khấn lễ chùa gần chùa xa mà sao không thương những hàng cây quanh mình. Giờ tôi rất ngại ra đường, sang đường càng sợ, phải nhờ, cùng ai đó. Thật kinh hãi sự hung hãn bát nháo giao thông".

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Khứu giác quá tải, gắng sức lọc hương giữa ô hợp mùi người tứ xứ, hàng triệu động cơ rối loạn Hà thành. Tìm hương xưa phố đơm hoa gánh hàng rong phố trưa khê ngủ. Tìm hương xưa thiếu nữ tân thời tóc thả vai mềm lưu luyến. 

Kể sao hết mùi hoa trái theo mùa hóa phong vị Tràng An. Không thừa hưởng gen hội họa của ông nội và chú, tôi không vẽ lại được Hà Nội từng giờ tổn thương từng ngày từng giây thất tán cổ kính trầm mặc, lãng mạn. 

Bên cột điện sắt gầy sót lại từ thời Pháp thuộc, tôi mắt dõi theo đàn chim sẻ nhỏ nhoi bé bỏng, lũ chim nhả hạt vào đâu để nảy mầm. Hà Nội là trái tim Việt Nam, một trái tim lớn bất thường, nhịp rộn tức ngực và quá tải.

Thất vọng về hiện thực Paris thế giữa sau TK XIX, Van Gogh (1853 - 1890) vẫn giữ quan điểm: nghệ thuật vẫn phải phản ánh hiện thực nhưng không thể xa rời hiện thực. 

Ông tuyên bố: "Ước muốn lớn của tôi là học cách làm biến dạng, làm sai lệch hay là xê dịch hiện thực. Tôi muốn là nếu cần thì để cho dối trá được phơi bày, nhưng đó là những sự dối trá chân thực hơn sự chân thực theo nghĩa đen của từ này".

Nếu Van Gogh đến Thăng Long 1.006 tuổi bây giờ, ông sẽ "vẽ biến dạng" những gì để phơi bày sự chân thật?

Hương, cảm thấy bằng khứu giác, có thể hình dung bằng thị giác. Ai biết "nhìn" hương thơm. Những người có tâm hồn phong phú, nhạy cảm nhìn được, nhìn sâu, "nhìn" không chỉ bằng hiện thực tại mà bằng cả hương hằn trí tưởng. Cái đẹp tượng thanh và tượng hình trong ba chiều không gian hư - thực.

Mỗi cây đều có mùi đặc thù. Hương vị hắc của xà cừ thân sù sì quả cứng giữa đường Kim Mã. Những cây xà cừ bung triển xanh sẫm suốt phố Tông Đản - là phần kéo dài của phố Hàng Vôi ngày trước (rue de Chaux). Hoa dâu da xoan dịu mát Cao Bá Quát, Tôn Thất Thiệp. 

Hương trong mát đổ ra đầu đường Hoàng Hoa Thám, đoạn Công viên Bách Thảo, đường trên cao, dưới thấp là vườn ươm cây hoa TP, mất gần hết vì xây trường, tường, chẳng còn hàng rào cây leo thơ mộng. Oái ăm nhất ở con đường thuộc hàng đẹp nhất kinh thành này lại thường bán chim bị vặt lông sống, túm cả chùm sinh linh đỏ hỏn, giãy giụa bất lực trút tiếng kêu thảm thiết dưới bàn tay chìa ra chào mời.

Chờ hương về cây, chờ chim về phố. Có xa xỉ quá không, ước mơ Hà Nội xanh và thơm. Vi tìm hương gì ngồi sát hồ Hoàn Kiếm gợn rác, xộc nước tanh; tối nhập nhòa đèn xanh đèn đỏ. Loài thủy sinh nào dập dềnh trong nước ô nhiễm chờ hiến thân theo luật sinh tồn? Lê Lợi trả lại gươm báu cho Thần Rùa để giã từ chiến tranh. 

Còn cuộc chiến của gìn giữ và tàn phá, của văn hóa và vô cảm, cụ Rùa trao gươm cho ai, ai dám nhận sứ mệnh này? Chẳng có lời đáp! Cụ Rùa - hiện thân của một trong tứ linh, linh vật của đức tin, tinh thần TP Hòa bình, chật vật đoạn tháng lần hồi thân mình đầy thương tích đã chết rồi.

Thả bộ chậm, thèm hương ngâu hương nhài tỏa từ các khoảng sân nhà. Giờ nhà giàu, nhà mới phất đông như trọc phú. Họ trưng cây cảnh đắt vài chục tới trăm triệu, đủ loại dáng, thế nhân tạo cứng đơ vô hương. 

Ra phía sông Hồng, rời cầu Long Biên già, oằn mình công năng vận tải, sứt sẹo không đại tu trang điểm, là một báu vật Thủ đô, mình xuống bãi Giữa gần với Mẹ Sông. Mẹ Sông ngàn năm nuôi dưỡng, bao dung triệu triệu đứa con, mà đa số con không thương mẹ. Tắc, hẹp, bị khai thác, xâm lấn man rợ, mà sông vẫn hồng tình châu thổ, vẫn nặng phù sa nhẫn nại đắp bồi. 

Sông Hồng bền bỉ chở hương của thời gian, hương nối dài vẻ đẹp diễm lệ thanh quý trầm tích Thăng Long đô hội kinh kì - Kẻ Chợ. Tinh thần phù sa của sông Hồng làm nên linh hồn văn minh văn hiến đất này, lắng đọng những gì tinh túy, sang cả, máu thịt và hồn vía, hình vóc và tâm linh ngưng tụ chốn hội quần tinh tú. Trong vòng ôm tóc vương cỏ mật, hoa ngô cuồng dại bão bờ, gió sông làm mình trẻ lại.

Trời xanh, sông xanh, rừng xanh, đồng cỏ mịn xanh, quấn quýt. Hà Nội dấu hương, ta thao thức vòm cây gần gũi xa xôi đang câm lặng hay kêu cứu dưới vòm trời thiên thanh cưu mang khát vọng. Tôi đồng cảm với Nguyễn Quang Thiều, cùng ông gọi những hàng cây là "họ". 

"Họ luôn dịu dàng, nhân ái, che chở chúng ta, họ đã thực sự cứu rỗi chúng ta trong nhiều cách mà chúng ta không nhận ra. Họ chỉ mang một ngôn ngữ khác ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Nếu chúng ta hiểu được ngôn ngữ ấy, chúng ta sẽ thấy họ luôn dạy bảo chúng ta nhiều điều kiên nhẫn, lòng nhân ái, sự dâng hiến, vẻ đẹp của tâm hồn giản dị với nồng ấm từ thân mộc và tiếng xào xạc của những vòm lá”.

Cây ơi, hương ơi, chúng tôi thấu ngôn ngữ của trầm lắng và xao động ấy! Hà Nội dấu hương, là hương tóc Bà nội bất cứ lúc nào cũng có thể gọi về bằng nhớ. Bà tôi, người con gái đẹp Phù Lưu - Kinh Bắc, ưa gội đầu bằng bồ kết, vỏ bưởi, chanh tươi. 

Hà Nội dấu hương có cả hương hạt dẻ Trùng Khánh, chè đắng, thảo quả Cao Bằng, mùi đại ngàn bung tỏa theo nỗi nhớ Ông nội tôi, họa sĩ Vi Kiến Minh (1926 - 1981), người rất yêu quê; song trước lúc lìa đời, chỉ muốn yên nghỉ trong lòng Hà Nội.

Tầm nhìn về chiến lược phát triển đô thị hiện đại, chỉ tạo được một tương lai đáng hy vọng và bình yên. La liệt ô trọc, quay cuồng dữ dằn, điên loạn của guồng vũ bão đua tranh, mưu chước, quỷ kế, toan tính, cơm áo gạo tiền xoay vần lôi kéo, có mấy ai muộn phiền khi Hà Nội thống thếnh rỗng nếp thanh lịch, hào hoa, tao nhã, phong lưu? 

Đôi ta chỉ tìm được lưu ảnh Hà Nội lãng mạn, thánh sạch, các vùng không gian phân mảnh, khi sáng sớm, lúc chiều muộn, đêm về, bóng tối lan tràn, TP thắp lên ánh sáng. Ít ỏi quá cho một miền lãng mạn cần bảo lưu. Hà Nội đòi được yêu và được bảo hiểm bởi triệu tâm hồn biết trân quý nó.

Từ Hồ Gươm, tìm Hà Nội dấu hương, theo la bàn trái tim, theo triền thơm lay động.

Hà Nội dấu hương là hợp hương của bao cây, bao hoa tưởng quen mà vẫn mới, thân thuộc và bất ngờ, thường tình mà đột khởi, dung dị mà kiêu sang trong giấc mơ hiện thực của tôi. Mặc gầm rú ngày đêm nóng nực triệu động cơ khói xe xả mờ mịt, khói đốt đồng trùm phủ, lặng người trước mùi sương tinh mơ dưới vòm cây như mướt non trở lại khi bình minh tới. 

Những hàng cây độ lượng quá chừng, đau rên xiết vì người, mà vẫn tỏa bóng tỏa hương, đêm đêm quang hợp, cho con người thở, sống và đa số quên lãng chúng. Cứ mỗi ban mai, chúng lại bắt đầu điệp ca rì rào của sức vươn, niềm ham sống. TP không cần "trang hoàng" bằng khẩu hiệu rợp đỏ, nó là bảo tàng sống động không cần vây bủa giấy trang kim, kim tuyến. Lụa là nắng satin đẫm sương phủ xuống kinh thành mệt nhoài của tôi. 

Kìa Hà Nội bỗng non tơ và mơ mộng lạ thường! Đấy là lúc lời nguyện cầu linh ứng, chỉ cầu cho dấu hương Hà Nội trở về. Hương của khói thiêng từ các đền chùa, từ bàn thờ mỗi nếp nhà thành kính chờ âm dương màu nhiệm. 

Hương của tinh thần ngưỡng vọng tổ tiên, linh ứng nguồn cội. Hương của văn hiến kinh kì phóng chiếu kinh tuyến Hồng Hà. Hương của văn hóa Thăng Long truyền phổ những vỉa giá trị trường tồn. Hương lan tràn sức sống.

Phép lạ đấy ư? Tôi hỏi gió? Thông điệp gió phát tán ngàn hương. Người ta vệ sinh thân thể mà ít biết vệ sinh não. Hãy thanh tẩy tham vọng cuồng điên âm mưu ma mãnh, hãy tìm lại mình bằng hồi quang trinh bạch, hãy đắm mình trong im lặng để thêm một lần, một lần nữa ngây thơ! 

Bắt đầu từ khứu giác nhạy cảm và thanh sạch lúc giao thừa nghênh xuân. Hít sâu hương đất đai mơ mùa ngũ cốc, mùi cỏ cây náo nức trổ mầm, tiếng nụ hoa hé cánh nhanh hơn tích tắc. Hãy thông những con đường giác quan của cơ thể chúng ta, ngày một chai sạn mòn xơ cứng rão

Những con số đã biến mất trước kinh ngạc của không gian thời gian. Ảo diệu đầy gợi cảm bóng giai nhân, tạo nhân cảm động. Những anh hùng hào hoa, kỳ nhân tuấn kiệt quần anh hội với bao kiêu bạc háo hức, từng trải măng tơ lật trang mây màu mới cho vòm trời hợp lưu Thăng Long.

Hà Nội dấu hương là những kết tạc hào hoa, phóng khoáng, kỳ công của thiên nhiên, của con người đan hòa sinh sôi truyền đời, nối vào không gian, thời gian hữu hạn - không cùng những cơn mơ phồn sinh, linh thánh. Có những mùi hương cho người biết yêu Hà Nội. Kỳ hương ấy thân thương thiết tha phủ thịt da, xuyên thấm vào ta. Thứ kỳ hương tinh tế gợi cảm hy hữu ấy chỉ số ít cộng hưởng, thăng hoa.

ViLi
.
.