Giá của văn chương

Thứ Tư, 19/08/2009, 10:14
Thuở sinh thời, cụ Tản Đà có câu "Văn chương hạ giới rẻ như bèo", nghe tưởng cũ xưa, đến giờ vẫn đúng. Đúng là bởi nó có thể... mua được, nó có thể làm cho một ai đó giả trang là... trí thức văn nghệ sỹ và nó còn là phương tiện làm PR cho giới biểu diễn.

Chẳng phải ca sỹ Lệ Quyên làm các nhà văn sững sờ khi tuyên bố cô muốn làm tiểu thuyết gia? Còn ca sỹ Lê Kiều Như mạnh đòn hơn, cô tuyên bố đã viết xong cuốn tiểu thuyết... tình dục mang tên "Sợi xích"! Những thông tin này như những "cú hích mạnh" vào giới viết văn trẻ. Có người đang suy nghĩ muốn... trở thành ca sỹ, vì ca sỹ giàu hơn, dễ nổi tiếng hơn, chứ văn chương cực khổ mà "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Chữ nghĩa, xem ra, là món hàng thật rẻ! 

Mới đây, ca sỹ Lệ Quyên bày tỏ, cô có thế mạnh về văn chương, ngôn ngữ và có phông văn hóa tốt nên không bao giờ bị chê là nhạt. Cô cũng không giấu ý định sẽ trở thành một nhà văn: "Đối với bản thân tôi, tôi thấy mình rất may mắn vì là dân Văn, lại theo học đến đầu đến đũa. Đó là điều giúp tôi không hổng kiến thức và tự tin khi giao tiếp, ứng xử. Văn chương là thế giới thứ hai tôi thích sau nghệ thuật. Bây giờ tôi làm nghệ thuật nên không thể theo đuổi văn chương, nhưng chắc chắn sau này tôi sẽ làm gì đó để chứng tỏ với mọi người, tôi không chỉ làm được mỗi nghệ thuật. Biết đâu, một lúc nào đấy, công việc thư thái hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn và đằm hơn, tôi sẽ trở thành một tiểu thuyết gia, để lại một cái gì đó cho mình trong văn chương...".

Chuyện các nghệ sỹ có ý định viết lách không có gì mới. Một người vô danh, nếu thấy mình có điều gì cần bày tỏ, cũng có thể trải lòng trên trang giấy, miễn sao những điều bày tỏ đó có được những phẩm chất của văn học. Chuyện các nghệ sỹ lão thành muốn ghi lại hồi ký, bằng việc nhờ những nhà văn có tên chấp bút, là việc đáng được trân trọng. Những cuốn tự truyện của họ luôn là tâm điểm của dư luận. Lệ Quyên tuyên bố muốn viết văn, khiến nhiều người sửng sốt. Văn chương vốn là cánh cửa rộng, đón tất cả mọi giới, chỉ cần yêu và biết cách yêu. Nhưng một người không coi văn chương là một bộ môn nghệ thuật đích thực thì liệu có thực sự muốn viết văn không? Hay đó chỉ là phút cao hứng?

Ca sỹ Lê Kiều Như sau bộ ảnh nude có vẻ nóng bỏng, liên tiếp khoe những bộ ảnh sexy, nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn, nên cô quyết định tung ra... đòn mới, đó là viết tiểu thuyết sexy. "Như viết "Sợi xích" thường là vào nửa đêm, vì lúc đó cảm giác phiêu linh một mình thật khó tả. Những lúc viết về sự khao khát tình dục của nhân vật, Như cảm giác mình chính là nhân vật và Như hòa mình cái cảm giác phiêu linh đó để tuôn theo ngòi bút và cứ viết".

Rất nhiều người choáng váng vì tiểu thuyết gia Lê Kiều Như. Cô có ý tưởng rất xuyên suốt, đó là tạo hình tượng sexy, chụp hình nude và viết tiểu thuyết tình dục. Nhưng chưa ai được đọc dòng nào của "Sợi xích" cả. Quả là gây tò mò lớn. Chiêu PR này cũng đáng tiền. Nhưng báo chí (ngoại trừ một vài tờ báo mạng quá "dễ thương" với nghệ sỹ) quá tỉnh, nên cái tin Lê Kiều Như viết tiểu thuyết không tạo được một quả bom nào đáng kể. Theo thông tin mới nhất,  tiểu thuyết nghe nói là tới 300 trang, nhưng nhà văn Bùi Anh Tấn than, không thể biên tập được, đọc qua thì thấy... cần phải viết lại toàn bộ vì quá ngây ngô...

Nhà văn Trang Hạ, người viết hiện đại và cởi mở trong giới văn chương nữ cho rằng, một cá nhân bộc lộ khao khát sáng tạo nghệ thuật dưới hình thức nào cũng đều đáng trân trọng như nhau. Nếu một ca sĩ tận dụng ưu thế có số đông fans hâm mộ, có đề tài thú vị, có hiểu biết về nghề, có trải nghiệm về đời để viết nên một tác phẩm thì càng nên khuyến khích họ hơn nữa. Còn đánh giá xem tác phẩm đó có giá trị thế nào, thì nên để công chúng tự cảm nhận.

Ca sĩ trở thành nhà văn nổi tiếng như ca sĩ Y Năng Tĩnh (Đài Loan) thì cũng tốt. Có những ca sĩ ở nước ngoài thuê người viết văn hộ, chỉ đứng tên, hoặc Madonna ra sách thiếu nhi chỉ vì muốn viết cho con gái nhỏ... Tôi nghĩ để đạt được thành công trong lĩnh vực viết lách, ca sĩ trước tiên phải xác định được công chúng và mình định thể hiện gì trên giấy. Có thế mới chinh phục được độc giả, những người chưa chắc đã là khán giả, càng chưa chắc đã là fans của họ.

Còn nhà văn trẻ Nguyễn Thúy Loan thì cho rằng, việc một ca sĩ viết văn không phải là chuyện bất thường. Trên thế giới, một số ca sĩ nổi tiếng cũng đã làm việc này. Họ viết tự truyện, kể về cuộc đời, thời thơ ấu, những trải nghiệm trong cuộc sống, tình yêu… giúp người hâm mộ hiểu thêm về thần tượng của mình. Không những thế, các ca sĩ viết văn cũng đã có những tác phẩm tạo được ấn tượng với công chúng. Đó là Madonna, Nữ hoàng nhạc pop, cũng đã từng viết cả một bộ truyện thiếu nhi, trong đó có cuốn "The English Roses" đã được in bằng 30 ngôn ngữ, phát hành tại 100 quốc gia và trở thành một trong những tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới vào năm 2003. 

Một ví dụ khác là , thành viên của nhóm nhạc Spice Girls lừng lẫy một thời, cũng đã từng sáng tác truyện và phê bình văn học. Ở Việt Nam, trước kia, có một số người làm việc trong lĩnh vực âm nhạc cũng đã viết văn và sáng tác văn chương. Tuy nhiên phần lớn mới chỉ dừng lại ở dạng  hồi kí, tự truyện, tùy bút, đôi ba bài thơ… Việc làm của họ mới chỉ giống như một cuộc dạo chơi lướt qua khán phòng văn học.--PageBreak--

Viết văn không phải là một công việc dễ dàng. Tất cả mọi người đều có thể viết văn. Nhưng viết về điều gì, viết như thế nào và kết quả của công việc ấy ra sao còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Năng khiếu văn học, tâm hồn nhạy cảm, vốn sống dày dặn, khả năng phát hiện vấn đề, năng lực ngôn ngữ… chưa hẳn là đã đủ. Ngoài những điều đó ra, theo tôi, để trở thành nhà văn người ta còn cần có cả "duyên nghiệp", thời cơ và vận may nữa. Cũng như nghề ca sĩ và tất cả các nghề nghiệp khác, để tạo được ấn tượng tốt và đến với thành công, người viết văn cần có sự "khổ luyện" và lao động nghiêm túc. Ca sĩ, với tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, với số lượng người hâm mộ đông đảo sẵn có của mình có thể sẽ thuận lợi hơn khi công bố những điều mình viết ra. Nhưng sẽ trở thành "trò lố" thậm chí là tấn bi hài nếu ca sĩ nào đó muốn lợi dụng công việc viết văn như một chiêu thức để "đánh bóng" cho tên tuổi mình.

Lê Nguyệt Minh, sau 4 năm học Trường Viết văn Nguyễn Du, thêm 3 năm trải nghiệm, cô vẫn thấy những con chữ đến với mình rất nhọc nhằn. Chia sẻ sòng phẳng về cơ hội với văn chương, Nguyệt Minh không phỉ báng, nhưng cô cho rằng, khi ca sĩ hay người mẫu viết văn... thì họ vẫn là ca sĩ hoặc người mẫu thôi. Khó mà thành nhà văn chuyên nghiệp được. Và mục đích viết văn của họ là đánh vào trí tò mò của người hâm mộ, xem cô này đời tư thế nào, tình yêu ra sao... Viết văn là nghề không dễ dàng. Nhưng viết kiểu ghi chép, tâm sự thì chắc các sao ấy cũng làm được thôi.

Không ai đánh thuế vào việc thích làm cái này cái kia. Có điều, đi hát, đi đóng phim hay viết văn, thì làm cái gì cũng phải đến nơi đến chốn. Như vậy, mới không lố bịch! Tôi hoặc những người bạn như tôi, học 4 năm về văn chương, hoàn toàn có thể ra sách. Không ra sách bây giờ không có nghĩa là không bao giờ ra, mà có thể một vài năm nữa hoặc một vài mươi năm nữa. Tôi thấy có nhiều người ra sách ào ào, tôi thì không. Tôi tiếc giấy, ra sách không bán được hoặc không nhiều người đọc thì ra làm gì. Vì tôi coi trọng công việc viết văn nên tôi thận trọng. Tôi nghĩ một người trả lời phỏng vấn còn ngô ngọng mà viết được tiểu thuyết thì quá siêu phàm trừ khi ai đó viết cho họ đứng tên thôi.

Nhà văn Bùi Anh Tấn, người miệt mài trên cánh đồng chữ cũng chia sẻ, viết văn không phải là một "nghề đặc biệt" của riêng ai mà cũng không có ai sinh ra có thể khẳng định mình là nhà văn ngay. Tất cả đều đòi hỏi sự lao động miệt mài, thêm sự nhẫn nại và tri thức cần-đủ. Tôi không dị ứng chuyện "ca sỹ" hay "người mẫu" viết văn. Tuy nhiên, một thái độ đúng mực của người cầm bút là hãy viết đi và hãy chứng minh bằng tác phẩm (của mình) sẽ ra đời và bạn đọc là người "phán quyết" cuối cùng về tác phẩm ấy chứ không phải là những lời tuyên bố "ồn ào" tiểu thuyết của tôi đậm "chất sex" hay "sau này tôi sẽ làm tiểu thuyết gia"...

Tôi nghi ngờ những lời tuyên bố này mang đậm tính PR gây tò mò để quảng cáo cho bản thân mình. Lê Kiều Như viết tiểu thuyết, Lệ Quyên tuyên bố "sẽ thành tiểu thuyết gia", tôi rất mừng. Và lời khuyên duy nhất của tôi gửi đến họ là hãy cẩn thận về những lời tuyên bố mang đậm tính PR của mình, văn chương không phải là trò đùa muốn nói sao cũng được.

Với tôi, để viết được một cuốn tiểu thuyết, tóc trên đầu bạc đi rất nhiều và mất nhiều tháng ngày trăn trở, sống chết với tác phẩm, sự thật là vậy nên không dám "hớn hở" tuyên bố về việc đang viết tiểu thuyết hoặc tuyên bố sẽ thành tiểu thuyết gia như hai ca sỹ trên. Cách chúng ta gần hơn nửa thế kỷ, cụ Tản Đà đã nói "Văn chương hạ giới rẻ như bèo..." trong thời buổi như hiện nay, đúng là chữ nghĩa "quá rẻ", xem ra khi có tiền là người ta có quyền mạnh miệng tuyên bố sẽ là nhà này, nhà kia... không riêng gì là nhà văn đâu. Đôi lúc cũng thấy phiền muộn, bối rối và nhiều lúc cũng nản muốn bỏ bút đi làm nghề khác...

Văn chương là câu chuyện nhọc nhằn mà bất cứ ai cầm bút đều phải công nhận. Viết được một dòng văn đích thực, đôi khi người viết phải đổ cả máu và nước mắt. Có những người cả đời định cầm bút nhưng rồi lại thấy điều mình muốn bày tỏ chẳng có gì mới mẻ, lại bỏ bút đi làm việc khác. Đó chính là thái độ trân trọng của những ai hiểu được giá trị của chữ nghĩa... Khi việc in sách dễ dàng hơn, người ta thấy sách ra ầm ầm mà ít cuốn sách để lại dấu ấn. Và người ta thấy nhiều người hoàn toàn không biết viết văn vẫn in sách và được lăng xê như những hiện tượng đặc biệt. Văn chương đã bị công nghệ lăng xê đẩy vào trạng thái vàng thau lẫn lộn. Đó chính là sự rẻ rúng mà không phải ai cũng đủ bình tĩnh nhận ra...

Thiên Ý
.
.