Gặp Muay Thái trên đất Việt
Lò luyện Muay Thái khi tôi tới nơi đã khá đông người tập, đa số là thanh niên trẻ. Ở góc phòng tập là sàn thi đấu được chiếu sáng và rải thảm đúng tiêu chuẩn. Một vị võ sư đeo găng và giáp bảo hộ đang hướng dẫn cho môn sinh luyện các đòn đánh, tiếng các cú đấm, đá và tiếng hét sau khi ra đòn tạo nên một không khí sôi động.
Hỏi chuyện một bạn trẻ vừa tập xong bài tập với bao cát, bạn cho biết đã tập môn võ này được hơn 1 năm và coi đó như một sự rèn luyện thể lực và cả tinh thần. Khác hẳn vẻ ngoài có phần bặm trợn, những hình xăm dày đặc trên cơ thể, những võ sĩ tôi gặp ở đây đều rất hiền, họ sẵn sàng chụp ảnh chung và tạo dáng để tôi chụp ảnh.
Muay Thái - môn võ thuật cổ truyền của Thái Lan xuất hiện từ khoảng năm 1.500 với tên gọi Muay Boran, được coi như một môn võ thuật bắt buộc dành cho binh lính dưới triều đại Hổ vương Naresuan. Trận đấu Muay Thái chính thức (Tharshanning) đầu tiên do Nai Khanomtom, một binh sĩ Xiêm La giao đấu với 10 võ sĩ hàng đầu Miến Điện.
Ở thời kỳ này võ sĩ khi thi đấu Muay Thái không có các vật dụng bảo hộ như găng tay, giáp thân… như ngày nay; trang phục thô sơ của họ bằng vải bạt với đôi tay được khổ luyện bằng cách ngâm chúng trong rượu pha nước thuốc khiến cho đôi tay chai lì.
Những võ sĩ Muay Thái mang một vòng đeo trên đầu gọi là Mongkon, được coi như tài sản tinh thần thiêng liêng chỉ được đeo bởi Kru (thầy của võ sĩ đó). Monkon đại diện cho võ đường, cho thầy và các đồng môn của họ. Pong Malai là loại vòng tết bằng hoa và cỏ được đeo cho các võ sĩ khi họ bước lên sàn đấu. Các võ sĩ cũng thường đeo một vòng dây Kruang Ruang quanh bắp tay để bảo hộ và mang lại may mắn, Kruang Ruang có thể đeo suốt trận đấu.
Điều đặc biệt của Muay Thái là lối chiến đấu đối kháng mạnh bạo, dùng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối, đòn dứt điểm nhanh và mạnh, áp đảo khiến cho đối phương choáng váng không có cơ hội chống trả.
Có thể thấy võ sĩ liên tục tung ra các cú đá liên tiếp vào sườn của đối phương, khiến họ choáng váng, sau đó áp sát với cú cùi chỏ, hoặc vít cổ dùng đầu gối kết thúc trận đấu. Phương thức tập luyện Muay Thái khá đơn giản, các võ sĩ tập đá vào thân chuối, bao cát, chạy, bơi, nhảy dây, hoặc tập với các mục tiêu di động…
Muay Thái là môn thể thao mang đậm nét tâm linh. Các vị võ sư dạy dỗ võ nghệ, ban cho đệ tử của mình danh xưng riêng theo từng võ đường. Trước giờ thi đấu, các võ sĩ cung kính thực hiện nghi lễ Ram Muay, quay về hướng nơi mình chào đời, rồi quay theo bốn hướng để tỏ lòng tôn kính các bậc tôn sư đã giúp huấn luyện và thần linh võ đài phù trợ (nghi thức Wai Kru)…
Trong tiếng kèn Pi Chawa các võ sĩ nhảy múa quanh võ đài, mỗi võ sĩ có một động tác riêng của mình, biểu lộ nghi thức tôn giáo và đặc điểm của võ đường nơi mình tu luyện. Chịu ảnh hưởng bởi nhiều đạo giáo, nhưng cuối cùng những nghi lễ đó vẫn xuất phát từ lòng tin của con người và có lẽ đã tạo nên bản sắc độc đáo của môn võ thuật này.