Đường chạy vòng quanh, một vòng... lý thuyết
- Phê bình văn học “cũng lắm công phu”...
- 'Không sợ nền phê bình văn học yếu và thiếu, chỉ sợ nền phê bình không trung thực'
- Mấy suy nghĩ về lý luận phê bình văn học nghệ thuật từ 1975 đến nay
Một bài phê bình, dẫu ngắn hay dài, dẫu về vấn đề phức tạp hay giản đơn, dẫu chỉ giới thiệu tác giả tác phẩm, sẽ được coi là có “thẩm quyền” nếu người viết trưng ra một hoặc vài câu chữ gọi tên lí thuyết nào đó.
Cảnh tượng sáng phân tâm học chiều hậu hiện đại, xen giữa những pha nữ quyền và diễn ngôn, cũng không quên thòng vào liên văn bản và sinh thái…, đã diễn ra ngày càng xôm trò trong phê bình văn chương trên báo chí, phạm vi mà nhiều người vẫn cho rằng rất “ít đất” để thể hiện chuyên môn nghiên cứu sâu.
Mặc cảm đi sau
Vẻ đẹp lí thuyết phê bình, trước hết, nằm ở bản chất cách mạng của nó. Nhờ tri thức nó đem lại, người viết phê bình không chỉ có thể mở mang tầm hiểu biết, thay đổi quan điểm và cách thức tiếp cận mà đáng kể hơn, nó còn đẩy anh ta vào sức hút của cái mới, của những điều chưa được khám phá hoặc đang bị hiểu sai, hiểu chưa đến nơi đến chốn. Tuy thế ở Việt Nam, trước đây và ngay cả bây giờ, không ít nhà phê bình vẫn dị ứng hoặc chẳng mấy khi vận đến lí thuyết.
Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh là ví dụ tiêu biểu đến mức, bên cạnh sự tán thưởng liên tục của hậu thế thì cũng đầy những hoài nghi, xem xét lại giá trị điển phạm của nó. Sức hấp dẫn ở cuốn sách này, như nhiều người ái mộ chỉ ra, là lối viết giàu chất trữ tình, khơi gợi, cảm xúc dạt dào, tinh tế.
Quan điểm “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” của Hoài Thanh, dù không có gì sai trái hay “bảo hoàng hơn vua” nhưng về sau, một cách tự nhiên, tiếp tay cho lối sinh hoạt phê bình dễ dãi, có chiều hướng bình tán, lan man trong khi bản thân hoạt động phê bình văn chương luôn cần tính khoa học thực sự.
Từ sau giai đoạn Đổi mới, các thành tựu phê bình văn học trở nên đa dạng một phần là nhờ sự vận dụng những lí thuyết mới từ giới nghiên cứu, trong đó nổi bật là thi pháp học, phân tâm hay phong cách học.
Ở thời điểm hiện nay, vai trò dẫn nhập lí thuyết phê bình vẫn thường thuộc về các viện, trường đại học. Tuy nhiên, chính đời sống phê bình văn học trên báo chí mới phần nào làm cho các lí thuyết ấy sinh động, biến ảo khó lường.
Lí do là đa phần các nhà phê bình cũng đã từng kinh qua trường ốc hoặc, bởi sách vở lí thuyết - nghiên cứu văn học dồi dào hơn trước đây rất nhiều, nên chẳng quá khó nếu muốn thủ đắc một vài tri thức lí thuyết.
Nhưng tại sao nhất định phải lý thuyết và càng ở “lực lượng các nhà phê bình trẻ” như cách định danh lâu nay, càng phải trưng lí thuyết? Nhìn thoáng qua, đó có thể do sự gối tiếp tự nhiên của các thế hệ phê bình, trong đó, người trẻ, người đến sau mong muốn đi tiếp con đường của tiền bối.
Nhìn kĩ hơn, đó lại là xu hướng tất yếu của thời buổi hội nhập quốc tế, nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội học hỏi và làm mới bản thân không ngừng.
Song, xét đến cùng, cả hai lí do trên đều bắt nguồn từ tâm lí, đáng nói thay, sợ mình lạc hậu hoặc sợ người đọc không thấy mình “thiên kinh vạn quyển” của nhà phê bình.
Thành ra, một bài phê bình đôi khi âm thầm “gọi tên lí thuyết” cho đỡ ngại, hoặc chỉ lao xao vài từ khóa mới mẻ của lí thuyết nào đó. Tôi không nói rằng phê bình văn học chỉ cần độc tôn một lí thuyết, ngược lại, tôi luôn hào hứng trước bối cảnh “trăm nhà đua tiếng” trên hành trình vận dụng lí thuyết trong bài phê bình của mình.
Tôi chỉ e ngại rằng, ngoại trừ số ít nhà nghiên cứu tập trung đào sâu lí thuyết mà họ am tường nhất, ngoại trừ những công trình chuyên khảo, các tiểu luận khoa học giới thuyết thấu đáo lí thuyết, thì chính sự phóng tay dùng lí thuyết của phê bình trên báo chí lại làm cho lí thuyết mất giá.
Bởi mỗi một lí thuyết phê bình văn học hiện đại đều hàm chứa lượng kiến thức khổng lồ, với những diễn biến quan điểm và tư tưởng phức tạp, không thể có chuyện chỉ dựa vào dăm ba ý chính mà tìm đúng đáp số cho việc đọc, thẩm bình một tác phẩm văn chương cụ thể.
Hơn nữa, trong khi năng lực đọc của độc giả đại chúng luôn được cập nhật, nhà phê bình không nên quá chủ quan cậy vào sức hiểu của mình.
Chẳng gì cũ mòn và sáo rỗng hơn nếu nhà phê bình luôn tái lặp những thuật ngữ, khái niệm mà chẳng mấy khi để tâm xem xét mức độ hợp lí của nó, càng không băn khoăn, phản biện về tính hữu dụng trong môi trường văn học Việt Nam.
Xúng xính với lí thuyết phê bình hiện đại, nếu cứ theo đà sớm nở tối tàn như hiện nay, quả thật, càng cho thấy mặc cảm đi sau, đến muộn của người làm phê bình so với học thuật phương Tây.
Một nền phê bình trọng lí thuyết là nền phê bình có thể bình tĩnh đón nhận, xử lí tri thức mới nhưng đồng thời cũng biết giới hạn của lí thuyết, những thách thức mà nó đặt ra đến đâu.
Bởi nếu không có tâm thế ấy, ngòi bút của nhà phê bình dễ bị “hóng” theo những luận bàn lí thuyết vốn chưa bao giờ thôi “cập cảng” ngay cả trong các cuộc trà dư tửu hậu. Đọc lí thuyết, chắc chắn, không có chỗ cho phong thanh vô sở cứ.
Nghệ thuật dán nhãn
Đọc các bài phê bình hoặc một số cuốn sách dưới dạng “tiểu luận phê bình” gần đây, tôi thường thấy nhà phê bình rất thạo thao tác “dán nhãn” tác giả.
Xếp một tác giả, tác phẩm Việt Nam vào những “cách tân”, “hậu hiện đại”, “nữ quyền”, “sinh thái”, “liên văn bản”,…, phải chăng gây ấn tượng rằng nền văn chương của chúng ta cũng chẳng thua kém khu vực và thế giới? Hay, trong phạm vi hẹp hơn, các tác giả được dán nhãn như thế thì sẽ ở “chiếu trên” so với những tác giả không có nhãn gì đính kèm?
Nghiễm nhiên, phê bình văn học cũng là cách xác thực, định danh giá trị nhưng nếu dễ dãi quy chiếu vào một thang bậc nghe có vẻ tân kì thì không hẳn đem lại hiệu quả tích cực.
Tôi nghĩ nếu nhà văn đương đại Việt Nam, nhất là nhà văn trẻ mới có dăm ba tác phẩm, bỗng nhiên được đặt trong mạch văn chương của những bậc thầy thế giới, những thủ pháp nghệ thuật độc sáng chỉ tài năng lớn mới với tới được, thì họ, vui có vui, nhưng chắc hẳn cũng ngượng mặt.
Hăm hở dán nhãn cho sáng tác, giới phê bình quên mất sự lạc hậu hoặc sự hết thời của lí thuyết mà họ đang dụng. Chẳng hạn, trong độ mươi năm trở lại đây, hậu hiện đại được coi là “mốt” của cả nghiên cứu lẫn phê bình. Và tác giả/tác phẩm nào may mắn rơi vào hậu hiện đại thì có tần số xuất hiện trên phương tiện truyền thông thường xuyên hơn và có cảm giác “sang chảnh” hơn.
Thực ra, hậu hiện đại cũng không phải “nhất quả đất” đến mức nhà phê bình bằng mọi giá đuổi theo.
Ngay từ năm 1984, Umberto Eco, học giả người Ý, đã từng than phiền rằng “hậu hiện đại, không may, là một thuật ngữ xài đâu cũng được. Tôi có cảm tưởng là hôm nay người ta áp dụng nó cho mọi chuyện mà người sử dụng thích”.
Cảm tưởng của U. Eco, thú vị thay, đang dễ kiểm chứng ở phê bình văn chương Việt Nam. Thú vị hơn nữa, nhiều nhà văn cũng cố gắng học theo, bắt chước cái gọi là thủ pháp hậu hiện đại, điều mà họ tin rằng sẽ giúp tác phẩm vượt lên số đông.
Nhưng rõ ràng, khi tính chất thời thượng trôi qua, khi sự tung hô của nhà phê bình đến lúc mệt mỏi, số phận của tác phẩm sẽ rơi vào lãng xẹt, lãng quên.
Có lẽ không quá lời khi nói rằng, cảnh tượng mắc kẹt trong nhãn hiệu hậu hiện đại do nhà phê bình tạo ra, tuy đôi lúc giúp tác giả được biểu thị mình như một nhà cách tân lẫm liệt, nhưng về cơ bản, là khá bi hài vì họ cũng chẳng thực sự hiểu mình hậu hiện đại ở đâu, như thế nào, so với cái gì.
Quan sát những tác giả có tác phẩm đáng đọc gần đây, tôi không nghĩ họ chờ đợi nhà phê bình xếp họ vào thứ chủ nghĩa nào, mà dường như muốn bạn đọc nhận diện ở họ những gì là thực sự Việt Nam trong cái nhìn, suy tư, trong từng câu chuyện, ngôn ngữ, trong mỗi con người và cảnh quan mà họ tạo dựng nên. Nghệ thuật văn chương đâu cứ đi theo trào lưu quốc tế mới là đắc sách?
Ở kiểu phê bình dán nhãn, việc trưng tên hiệu lí thuyết thường khiến nhà phê bình tập trung chứng minh lí lẽ của mình mà sao nhãng việc đặt ra vấn đề, nêu các câu hỏi mới cho độc giả và cho cả người sáng tác. Hệ quả của quá trình đó, theo tôi, là đẩy phê bình cứ phải đi sau, bắt chặt sáng tác mà không thể mang đến những giả định mới, những gợi ý gợi dẫn cho sáng tác.
Nhiều năm qua, các chuyên mục phê bình văn chương trên báo phần lớn xoay sang đọc, giới thiệu tác giả tác phẩm. Trong khi, một số vấn đề cốt yếu nhưng có vẻ “siêu hình” của sáng tác, chẳng hạn, viết, ngôn ngữ, thể loại, cái mới và cái hay, thủ pháp,…, thường để ngỏ.
Vì thực chất, bàn đến chúng thì cần đến lý thuyết “khó nhằn”, các nhà phê bình ưa dán nhãn không muốn bỏ công sức giải quyết rốt ráo. Bởi vậy, tuy có khá đông người viết phê bình, các sách tiểu luận phê bình vẫn không ngừng ra đều mỗi năm, nhưng hiệu ứng của chúng, nhất là ở việc chạy vòng quanh lí thuyết, vẫn khá mờ nhạt trong đời sống tri thức nói chung. Một kiểu mờ nhạt, có lẽ, chưa biết khi nào mới vơi bớt cảm giác vô thưởng vô phạt.