Đừng để con trẻ mất tuổi thơ và lòng trung thực

Thứ Hai, 04/07/2016, 17:08
Tôi nhớ cách đây gần 60 năm, vào quãng những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước, việc học phổ thông của lứa tuổi U70 chúng tôi đúng là thời gian đáng nhớ nhất của cuộc đời một con người, nhất là những trò giỏi, ham học.

Suốt trong 10 năm phổ thông, ở cả ba cấp: cấp 1 (giờ gọi là tiểu học), cấp 2 (giờ là trung học cơ sở), cấp 3 (giờ là trung học phổ thông), ngày chỉ có nửa buổi học. Hoặc buổi sáng, hoặc buổi chiều. Học xong bốn hoặc hôm nào căng nhất là năm tiết thì về nhà. 

Nửa ngày tha hồ vui chơi, thời gian làm bài tập, hay học thuộc lòng; riêng tôi chỉ dành khoảng một tiếng vào buổi tối hay buổi sáng sớm dậy. (Hồi đó các bậc phụ huynh, trong đó có cha mẹ tôi thường bảo "học sáng chóng thuộc bài". Một tuần thì có thêm một buổi lao động. Hồi cấp 1, 2 thì đi lấy lá cây giúp bà con nông dân ủ làm phân xanh. Lên cấp 3 thì nửa ngày lao động làm vườn thực vật cho nhà trường, hay tham gia gặt khi vào vụ thu hoạch lúa.

Hồi ấy việc học thêm, hay còn gọi là học phụ đạo, chỉ dành cho những học sinh quá kém trong lớp. Học sinh nào thuộc diện này đều lấy làm xấu hổ nên nhiều người cố học thật giỏi để thoát khỏi diện phụ đạo. Học sinh các cấp thì không những không phải đóng học phí mà ngay sách giáo khoa cũng được cấp miễn phí. 

Cho đến bây giờ đã vào tuổi 70, tôi vẫn không quên được cảm giác vui mừng. Mỗi khi vào đầu năm học chừng gần nửa tháng, sau khi khai giảng là học sinh được lần lượt lên nhận những bộ sách giáo khoa. Mùi mực in, mùi giấy mới thơm phức. Về nhà công việc đám học trò chúng tôi thích nhất là đi sưu tầm báo cũ để bọc những cuốn sách giáo khoa.

Kết thúc năm học, chúng tôi được đi cắm trại hoặc đi tham quan. Đó là sinh hoạt tập thể cuối cùng của năm học. Còn dịp hè thì đúng là thời gian vui chơi thả cửa của đám học trò nghịch ngợm.

Học trò ở thành phố độ ấy tôi không tường lắm, còn đám học trò nông thôn chúng tôi thì khỏi nói. Đủ mọi trò chơi và việc làm tạo ra hứng thú cho những ngày hè. Câu cá, mót lúa, mót khoai, đi bơi ở hồ, ao, sông, mương, đá bóng, chơi bi, đánh đáo, đánh khăng… 

Cùng bố mẹ, anh chị lên mạn ngược, xuống miền biển thăm bà con, họ hàng nghỉ mát… Tóm lại cách đây hơn nửa thế kỉ, mỗi kỳ nghỉ hè là thời gian vui chơi thỏa thích không vướng bận một chút gì về việc học hành, để khi từ giã những ngày hè, học sinh chúng tôi náo nức, thanh thản bước vào năm học mới…

Nhớ lại những năm tháng đang tuổi học trò phổ thông của mình khi đã vào tuổi 70, nhìn lại việc học hành của 4 cháu nội nói riêng và của học trò phổ thông hiện nay nói chung, tôi thấy việc học của các cháu bây giờ vất vả và có thể nói nó giống như những hình phạt bắt buộc làm mất đi mọi hứng thú về việc học tập. Nhưng hiệu quả của việc học như khổ sai này lại hầu như không được như mong muốn không chỉ cho học sinh, phụ huynh mà của toàn xã hội. Sự bất hợp lý đó có thể gọi đích danh là học thêm.

Tôi có 4 cháu nội. Cháu học cao nhất lớp 7, cháu học thấp nhất là lớp 1. Sức học của các cháu xét về học lực thì nếu cách đây gần 60 năm đều không thuộc diện phải học phụ đạo (học thêm).  

Nhưng tất cả bốn cháu đều không thoát được sự học thêm đáng sợ, vì đáng buồn thay học thêm bây giờ trở thành một hình thức bắt buộc đối với tất cả các học sinh trong lớp, không kể học giỏi, hay học kém. Nó không chỉ hạn chế ở lớp nào mà phổ cập hầu hết các lớp từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 12. Vì sao lại có sự áp đặt đáng sợ này đối với các cháu học sinh? Vì sao lại lan tràn bệnh dịch học thêm quái ác như vậy. 

Tôi tình cờ nghe được đoạn đối thoại của hai cô giáo. Cô thứ nhất giáo viên một trường ở quận Hoàn Kiếm và cô thứ hai là giáo viên một trường ở quận Hai Bà Trưng đều thuộc Hà Nội.

-  Em hỏi thật, một tháng chị dạy thêm, thu bình quân bao nhiêu?

- Hơn bù kém, khoảng 20 triệu.

-  Thế thôi á. Bét dem như em mà một tháng cũng gần 40 triệu. Còn mấy đứa trẻ đa phần là 50 triệu. Bọn tổ chức bán trú còn ăn gấp bội. Bỏ rẻ mỗi tháng cũng 70, 80 triệu

- Ờ, tại trường cô đông gấp đôi trường chị. Dân khu trung tâm nhiều tiền hơn. Thu nhiều tiền thế dạy có vất không?

- Vất gì chị. Cứ hai tiếng một ca. Từ 1 giờ rưỡi chiều đến khoảng 7 giờ tối. Học sinh đến, cứ phát cho chúng nó tờ bài tập. Chúng làm xong, mình chữa qua loa. Là xong. Mất công phô tô một tý rồi giao cho học sinh lại đỡ phải nói nên cũng không mệt mấy. Giờ môn nào dạy thêm các thầy, các cô cũng “chơi” kiểu này.

-  Dưới chị cũng thế. Trên cô trước các buổi kiểm tra thế nào?

-  “Bừa” trước bài kiểm tra hôm sau. Nên kì kiểm tra nào điểm 9,10 chiếm gần hết lớp. Học sinh, phụ huynh thích lắm.

Còn đây là lịch học thêm của cháu nội tôi, một học sinh lớp 7. Buổi sáng học ở lớp. 12 giờ về, ăn cơm nghỉ qua loa đến 13 giờ 30. Hôm nào không học thêm ở trường thì đến nhà cô giáo học thêm môn Văn đến 15 giờ 30. Không kịp về nhà lại lao đến nhà thầy giáo Toán học thêm 2 tiếng, đến 18 giờ. Về ăn vội vàng đến 19 giờ đến nhà cô giáo Anh văn học đến 21 giờ. Ngày nào cũng như nhau khiến đến tôi cũng xót ruột, thương cháu, nói lại với bố mẹ cháu, thì bất ngờ nghe bố mẹ cháu bảo:

- Con cũng biết học hành như thế khổ cho cháu đủ đường, không có thời gian chơi bời, nhưng không học sợ các thầy, các cô lại trù úm con mình cũng chết ông ạ.

Tôi buột miệng thở dài:

- Thời của ông, chỉ có học sinh dốt môn nào mới phải phụ đạo. Một tuần, giỏi lắm học thêm nửa buổi chiều chứ mấy. 

Cháu nội tôi chàng học sinh lớp 7, mới 12 tuổi đứng bên cạnh, nghe chuyện thở dài, phát ra một câu già cong:

 -  Đúng là con sinh ra không hợp thời. Lúc nào cũng bị thầy cô bắt học, chả lúc nào được chơi vui thoải mái. Đầu óc cứ bí rì rì, khó chịu lắm.

Đưa ra cuộc nói chuyện của những người trong cuộc, tôi mới nhận ra một sự thật đáng trách. Đó là ở nhiều nơi sự học thêm và bắt học thêm của các thầy các cô hiện nay không bắt đầu từ mục tiêu cao cả là làm cho học sinh tiến bộ hơn, mà chỉ thuần túy từ mục đích ích kỉ và vật chất của các thầy, các cô. 

Và dù nhu cầu dạy thêm của giáo viên là có thật và nhu cầu học thêm của học sinh, của cha mẹ các em là có thật, và cũng có những lí do xác đáng của nó, nhưng vấn nạn dạy thêm, học thêm sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng sợ cho hàng vài chục thế hệ học sinh. 

Thứ nhất tâm lý sợ học, chán học ngày càng phủ lên học sinh bất kì lớp nào, cấp nào. Thứ hai, quan hệ thầy trò sẽ mất đi sự cao quý, kính trọng, sự tôn sư trọng đạo khi việc dạy và học thông qua hình thức mua bán bằng đồng tiền. 

Không phải ngẫu nhiên gần đây quan hệ thầy trò đã xảy ra nhiều tình trạng mất đạo đức. Thầy gạ tình trò, trò đánh lại thầy, phụ huynh vào tận lớp đánh thầy, cô giáo...

Và cũng vì sự học thêm gần như chiếm hết thời gian của học sinh, kể cả trong dịp hè đã đánh mất của học trò những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất mà đáng ra các cháu được hưởng. 

Mặt khác vì học thêm, vì để phụ huynh ảo tưởng đến sự tiến bộ của con cái mình thông qua việc học thêm, thông qua điểm kiểm tra nên các thầy, các cô lại vô tình dạy học trò sự lừa dối khi trước mỗi lần kiểm tra thì các thầy các cô cho làm, chép đúng các bài kiểm tra hôm sau… 

Căn bệnh chuộng thành tích, một sự lừa gạt học sinh, phụ huynh lộ liễu lại được nhà trường công nhận khi không ít trường còn có chế độ khen thưởng, khoán tỉ lệ học sinh giỏi cho các lớp.

Bức tranh học thêm gây tác hại đáng sợ cho việc đào tạo kiến thức và nhân cách học sinh như vậy, đang đặt ra một câu hỏi bức thiết cho những người làm giáo dục -những người chịu trách nhiệm xây dựng và đào tạo các thế hệ tương lai. Chúng ta không thể để những học sinh - tương lai của đất nước trở thành một bầy cừu thụ động trong thu nhập kiến thức, khổ sai trong những giờ học và mất hết tuổi thơ đẹp đẽ.

Nguyễn Hiếu
.
.