Dù ta chỉ là lính giấy

Thứ Sáu, 18/05/2012, 10:10
Tháng 4 vừa qua là đúng kỷ niệm 80 năm, khi tập tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Xô viết Nikolai Ostrovsky (1904-1936) bắt đầu được in trên tạp chí Đội cận vệ trẻ. Đây đã là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên không chỉ riêng ở Liên Xô cũ và Việt Nam mà ở cả nhiều quốc gia khác.

Sức mạnh của một tác phẩm văn học đích thực là ở những tầng ngữ nghĩa mà độc giả có thể tìm ra tùy theo tâm tính, tuổi tác và góc độ văn hóa của mình. Tôi đã đọc Thép đã tôi thế đấy không chỉ một lần và tìm được trong đấy nhiều thông điệp khác nhau mà nhà văn Ostrovsky - chủ ý hoặc không chủ ý - gửi gắm tới người đọc. Nhưng trong bất cứ lần đọc nào, tôi đều thấy yêu quý - yêu quý tới xót xa - nhân vật Pavel Korchagin.

Nhà văn Ostrovsky đã lọc những gì hay ho nhất của thế hệ mình, của chính mình để xây dựng nên một nhân vật văn học có thể trở thành biểu tượng cho hào khí không chỉ của một thời. Một con người bình thường với những tình cảm phi thường, đại diện tiêu biểu của quần chúng đã được giác ngộ, tập thể luôn đóng vai trò chính trong mọi cuộc cách mạng. Một “hiệp sĩ” của nước Nga nửa đầu thế kỷ XX, với những ham muốn dâng hiến mình cho lợi quyền của giới cần lao, như bất cứ một hiệp sĩ ở một thời đại nào khác và một nơi nào khác. Sống chỉ ngẩng đầu, đàng hoàng, nói theo ngôn ngữ hiện nay, lúc nào cũng “chơi đẹp”, dù phải khổ, dù phải hy sinh cả tính mạng lẫn những hạnh phúc riêng tư...

Tôi đọc Thép đã tôi thế đấy lần đầu từ khi chưa tới 10 tuổi nhưng quả thực, tới bây giờ tôi vẫn nhớ cảnh Pavel gặp lại người yêu thuở hoa niên là Tanhia khi anh đang làm thợ sửa đường tàu, đói khát, rách rưới, chỉ đôi mắt là sáng ngời niềm tin, còn Tanhia lúc đó đã là một mệnh phụ, vợ một quý ông ăn nên làm ra, xinh đẹp, thơm tho, đài các... Những rung cảm tình đầu còn “vang bóng” trong lòng Tanhia khiến chị muốn bày tỏ lòng tốt bằng cách khuyên Pavel nên tìm cách sống sướng thân hơn. Thế nhưng, Pavel đã kiêu hãnh với những thiếu thốn vật chất của mình vì anh tin rằng, anh đang làm đúng theo tín điều cao đẹp. Anh không hề cảm thấy mình bị thua thiệt và cũng không hề muốn Tanhia phải sống như mình. Thái độ ấy mới đáng trọng làm sao!

Hình tượng Pavel đã là nguồn cảm hứng cho lớp trẻ một thời. Câu hỏi rất khó trả lời “Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận?” từng đeo bám nhiều thế hệ thanh niên không chỉ riêng ở Liên Xô cũ, giúp họ vượt qua được vô vàn những cạm bẫy để hoàn thành những nghĩa vụ mà thời thế đã đặt ra trước họ... Nếu ai đó bây giờ đặt ra giả thuyết rằng họ đã “dại dột” thì đó là một hành động báng bổ quá khứ.

Trong cơ chế thị trường hiện nay đang thịnh hành thứ trào lưu sống với tư duy tỉnh táo và hữu lý: phải lo được cho mình thì mới lo được cho người khác. Không biết tự cứu mình ra khỏi những bủa vây của đời thường thì làm sao giúp những người cải thiện được điều kiện sống và phát triển của họ? Điều này có lẽ không có gì sai quấy. Thế nhưng, ở thời nào cũng vậy, bao giờ có những người “nhân tri sơ tính bản thiện”, sống không bao giờ chỉ nghĩ tới việc lo phần cho cá nhân mình. Người tốt đích thực không phải là người chỉ tốt vì mình đã sung sướng rồi, thừa ăn thừa mặc rồi nên mới tỏ ra tốt. Người tốt đích thực là người trong bất luận hoàn cảnh nào cũng “thương người như thể thương thân”. Tốt như một nhu cầu nội tâm, chứ không phải là một biểu hiện hướng ngoại.

Tôi tin rằng, những người bản tính như Pavel thì dù sau này có trở thành tỉ phú cũng vẫn giữ được trong mình những mầm nhân nghĩa đã được gieo vào lòng từ thuở thiếu thời. Thực tế cho thấy, đang có không ít người thành đạt làm điều thiện cho xã hội một cách đều đặn, lặng lẽ, không phô trương. Ai dám bảo họ không có chất Korchagin ở trong mình?

2. Cách đây vài năm, tôi đã lại tìm đọc những truyện ngắn và kịch bản cũ của nhà văn Nga Anton Chekhov (1860-1904). Và sống lại trong tôi những cảm xúc trong lành và lãng mạn của một thời đã qua không bao giờ trở lại. Và trong giấc mơ đến muộn khi đã tàn canh, trong tâm thức của tôi lại văng vẳng câu danh ngôn của Chekhov, đại ý, mọi thứ ở con người đều phải đẹp, cả ý nghĩ, cả tâm hồn, cả thân thể, cả áo quần... Và lòng tôi vẫn bị ám ảnh bởi lời kêu thảng thốt ở cuối truyện ngắn Ngôi nhà có tầng nóc, lời kêu từng làm tôi ngẩn ngơ suốt tuổi hoa niên: “Misius, giờ em đang ở đâu?”...

Tôi đã nghĩ về thời mà Chekhov sống như quãng thời gian lãng mạn, êm đềm, thơ mộng, toàn những chuyện hay ho. Cả cuộc đời ông trong cách hiểu của tôi cũng đầy những chuyện tử tế, hấp dẫn... Phải là một con người sống trong những thời khắc may mắn tuyệt vời mới có thể viết được những tác phẩm thấm đẫm tình người và tình đời ở cấp độ tài năng như thế. Và theo dòng suy nghĩ miên man, tôi bỗng dưng chợt nhớ tới lời than thở của một vài bạn đồng nghiệp về những oái oăm và trái khoáy của thời kinh tế thị trường hiện nay và cả câu bộc bạch: Thế này thì làm sao sống hay ho được, làm sao viết hay ho được! Những tiêu cực bon chen đôi khi ào ào trỗi dậy như muốn che khuất đi những tử tế và thiện chí... Làm sao đây để giữ trái tim mình trong trẻo với những câu thơ mang tinh thần “Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời rơi không chịu mở dù”?

Minh họa của Lê Trí Dũng.

Thực ra, không hẳn như vậy. Có lẽ thời nào với những người làm công việc sáng tạo cũng là khó khăn và nhọc nhằn tâm tưởng. Thế giới đâu có quá nhiều đổi khác trong văn minh tinh thần, dẫu “nhân chi sơ tính bản thiện” nhưng để giữ thiện tâm không bao giờ là việc dễ dàng. Lần đọc những bức thư của Chekhov viết cho vợ những năm cuối đời, tôi mới thấm thía: thực sự, sống như tôi hiện nay, sống như chúng ta hiện nay vẫn còn khả dĩ và may mắn hơn cái thời mà chúng ta vẫn tưởng là rất mộng mơ của Chekhov. Không chỉ phải đối mặt với những nhiễu nhương xã hội ở “mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa”, Chekhov còn từng phải vò võ một mình đau ốm ở Yalta, một mình mòn mỏi chờ vợ, nữ nghệ sĩ Olga Knipper-Chekhova tới. Ông viết cho cô hàng ngày, gọi cô bằng đủ thứ từ dịu ngọt đến xót xa mà chỉ một tâm hồn đang rỉ máu vì yêu mới có thể nghĩ ra được.

Thế nhưng, cũng đúng vào khi đó, “ngôi sao” của nhà hát MKHAT ở Moskva đang vào mùa ăn khách nên những người cầm chịch ở nhà hát, toàn là các nhân vật khả kính như Neminovich - Danchenko và Stanislavsky, lại dứt khoát không chịu thả cô đi thăm chồng dù chỉ một hai ngày. Đây là nhà hát tư nhân nên họ phải lo cho cho vở diễn bán được càng nhiều vé càng tốt chứ không phải cho nhà viết kịch yêu quý của họ đang vò võ yếu dần ở Yalta. Tệ hơn nữa, biết Chekhov đã sắp mất, họ lại không quan tâm chu đáo tới vở kịch Vườn anh đào của ông.

Trong lá thư gửi cho vợ ba tháng trước khi qua đời, Chekhov viết: “Tại sao trong các tấm áp phích và quảng cáo trên báo chí lại gọi vở kịch của anh là chính kịch? Nemirovich và Alekseev (họ thật của Stanislavsky) đã nhìn thấy trong vở kịch của anh cái mà anh hoàn toàn không viết. Anh dám cuộc rằng là họ đã không đọc kỹ vở kịch của anh”.

Không chỉ bị mếch lòng bởi những người lãnh đạo MKHAT và vợ, Chekhov còn bị ngay cả những đồng nghiệp lừng lẫy làm tê tái lòng. Lúc đó, Liev Tolstoi bị mắc bệnh viêm phổi và tới Crime nghỉ. Chekhov theo đúng lễ nghi tới thăm bậc trưởng lão của nền văn học Nga, mặc dù chính ông cũng đang ốm nặng. Tình trạng sức khoẻ của Tolstoi cũng không khá hơn nhưng mặc dù đã đặt một chân vào mộ rồi, tác giả của Chiến tranh và hòa bình vẫn tỏ ra tàn nhẫn với Chekhov: “Tôi không thể nào chịu nổi các vở kịch của ông. Sheakespeare viết đã dở rồi, ông còn viết dở hơn”...

Có thể hình dung ra nỗi tủi phận của Chekhov khi nghe câu nhận xét này. Lúc đó Chekhov chỉ còn sống được thêm một tháng rưỡi nữa. Nhưng ngay cả khi đó, Maxim Gorky, dù biết Chekhov đã gần đất xa trời, vẫn cố kéo ông vào cuộc tranh chấp bản quyền rối rắm liên quan tới vở kịch Vườn anh đào...

Mặc dù phải chịu không ít ba đào như thế nhưng văn hào Nga vẫn không trách móc ai và không viện vào thời thế để trở nên tàn nhẫn, để tung ra những ý nghĩ khẳng định rằng, đời toàn màu đen tối. Và ông cũng không viện vào những hạn chế của thời thế để tự bào chữa cho những việc làm không phải của mình theo kiểu: tốt đẹp là công tôi, xấu xa do thời cuộc... Con người, nhất là những nghệ sĩ, phải giữ phẩm hạnh của mình ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đúng như đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng đã có lần viết, một nghệ sĩ không thể tốt chỉ vì được người ta cho phép tốt. Sống thiện, phải tự nhiên như thở, kể cả trong thời bao cấp lẫn trong cơ chế thị trường. Và không bao giờ viện vào thời cuộc để biện minh cho những việc làm sai quấy  hay sự thiếu tài năng hoặc tâm huyết của mình.

3. Nhà thơ Nga Bulat Okudjava (1924-1997) có ngày sinh trùng với Ngày kỷ niệm chiến thắng của Liên bang Xô viết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại: ngày 9-5. Ông cũng từng là một cựu chiến binh từng biết mùi lửa khói tàn khốc của Thế chiến thứ hai. Thế nhưng, ở tuổi trung niên, trong một cơn bi phẫn nào đó, ông đã hát lên những câu thơ mà nếu suy nghĩ kỹ, ta cảm thấy cực kỳ đau đớn. Ông viết về chú lính giấy (bản dịch của nhà thơ Hồng Thanh Quang):

Đã từng có một chú lính
Cực kỳ gan dạ, đẹp trai.
Nhưng chú chỉ là đồ chơi,
Thứ đồ chơi bồi bằng giấy.

Chú muốn cải tạo cuộc đời
Để ai nấy đều hạnh phúc.
Nhưng chú lấy đâu ra sức,
Chú là lính giấy - đồ chơi.

Chú sẵn sàng vì mọi người
Qua lửa khói và chết chóc.
Nhưng các anh toàn trêu chọc,
Coi thường chú lính - đồ chơi.

Nhưng điều bí mật của mình,
Với chú, các anh không nói,
Vì chú chỉ là đồ chơi,
Thứ đồ chơi bồi bằng giấy!

Muốn vào lửa ư? - Xin mời!
Lập tức đùng đùng chú cháy,
Chẳng mang lại lợi ích gì
Vì chú 
           chỉ là lính giấy!!!”

Trong cuộc đời mỗi con người, tới một thời điểm nào đó trong sự phát triển của mình, có lẽ ai cũng phải ít nhất một lần rơi vào tình huống như thế, khi ta phải tự vấn bản thân: liệu tất cả những tận tụy, hết lòng của ta có phải là đúng chỗ hay không? Hay là ta lầm lạc như chú lính giấy, yêu chẳng tùy nơi, chơi chẳng tùy chỗ?

Đó cũng là một câu hỏi như của chàng hoàng tử Hamlet: Liệu ta có chỉ là  lính giấy hay không?!

Linh Vân
.
.