"Đốt nén hương thơm mát dạ người"

Thứ Tư, 10/03/2010, 11:50
Xin mượn câu thơ Tố Hữu để mở đầu thiên hồi ức xúc động về mẹ kính yêu của chúng tôi: Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi nhẩm đọc mấy câu thơ Lưu Trọng Lư là lòng tôi lại trào dâng nỗi nhớ mẹ "Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rợi buồn theo thời dĩ vãng… Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời"… 

Ai cũng có một người mẹ để mà yêu kính, thương nhớ, để hoài niệm về một dĩ vãng với bao cay đắng, ngọt ngào trong tình thương bao la của lòng mẹ.

Mẹ tôi - một người mẹ cày ruộng quanh năm lam lũ gánh chịu không biết bao nhiêu khó nhọc của cuộc đời, cụ đã đi vào cõi hạc cách đây 42 năm. 42 năm dằng dặc thương nhớ mẹ, viết những dòng dưới đây tôi xem như sự bày tỏ nỗi niềm, lời tri ân, lòng thương cảm, như một nén tâm hương làm "mát dạ người" nơi chín suối.

Đầu những năm 60 thế kỷ trước, vợ chồng chúng tôi phải xa bố mẹ và bà nội lên đường vào Vĩnh Linh nơi đầu cầu giới tuyến dạy học. Biết chúng tôi bịn rịn không dứt trước khi lên đường, mẹ đã gượng nở nụ cười và vỗ về khuyên bảo "làm trai cho đáng nên trai con ạ! Cứ yên tâm mà lên đường, ở nhà bà và bố mẹ tự lo được". Bố tôi thì dặn dò: "Các con cứ tin rằng Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm thân, tổ tiên trời phật sẽ phù hộ cho nhà ta".

Thế là suốt 5 năm dằng dặc xa quê, xa mẹ. Từ đầu năm 1965, trời Vĩnh Linh ngày đêm rực lửa vì bom chùm, pháo lớn của giặc, sự gầm rú của B52, nhìn về phương Bắc thăm thẳm mà thương nhớ và lo cho mẹ vì ngoài ấy quê mình cũng đã ngập chìm trong lửa đạn. Tháng 7/1967, khi tình hình đã quá ác liệt, theo lệnh Trung ương, 2 vạn học sinh Vĩnh Linh phải làm một cuộc hành quân ra Bắc với biệt danh K8, một cuộc trường chinh trong suốt 3 tháng trời đi dưới bom đạn đánh chặn của máy bay Mỹ để ra 5 tỉnh phía Bắc từ Nghệ An đến Thái Bình. Vợ chồng chúng tôi và con gái đầu lòng 3 tuổi, mỗi người dẫn một lớp học sinh đi vào những đợt khác nhau, vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt, ra tới Nghệ An vào cuối tháng 8.

Gặp lại bố mẹ và bà nội sau 3 năm vắng bặt tin tức, biết bao mừng tủi, trong lúc chúng tôi trào dâng nước mắt thì mẹ lại cố kìm dòng lệ, nở nụ cười trên khuôn mặt răn reo, khô héo của tuổi già để làm yên lòng con. Mẹ bảo: "Thế là từ nay gia đình ta được vuông tròn sum họp", thế nhưng ngày vui quá ngắn ngủi. Để lại con nhỏ cho ông bà và cố, vợ chồng chúng tôi lại lên đường. Nhà tôi cùng một lớp học sinh cấp 2 Vĩnh Linh ra Thái Bình, tôi phụ trách lớp cấp 3 Vĩnh Linh lên Tân Kỳ chăm sóc dạy dỗ những đứa trẻ xa nhà vì bố mẹ chúng còn ở lại chiến trường đối mặt với bom đạn giặc.

Một năm sau, khi cháu trai thứ 2 của tôi ra đời ở Thái Bình vừa tròn 2 tháng, mẹ con được trở lại quê, trong lúc tôi còn giữa đợt công tác ở Hà Nội thì mẹ đột ngột ra đi, cụ ra đi thanh thản nhẹ nhàng mà cháu con lại bàng hoàng đau xót vì ngày vui ngắn chẳng tày gang! Cháu vừa về được với bà, con còn ở xa mà mẹ không còn nữa! Hoàng hôn ngồi bên mộ mẹ khói hương nghi ngút mà ngùi ngùi thương nhớ, mà tự trách mình chưa kịp đáp đền đạo hiếu và hình bóng mẹ cứ thế hiện về trong tôi thật tội nghiệp mà cũng thật cao cả.

Mẹ chúng tôi xuất thân từ một gia đình nền nếp nho học khá giả, là chắt ngoại của cụ Tổng làng Vịnh, cháu ngoại của cụ Hàn, là con cả trong một gia đình có bố dạy chữ nho quen gọi là thầy Bốn, thế nhưng do biến động khôn lường của thời cuộc, ông ngoại tôi mất sớm, cửa nhà sa sút, cả 5 chị em rơi vào cảnh bần hàn, chị cả phải gồng mình cùng mẹ nuôi 4 em nhỏ. Tuy vất vả trong cuộc mưu sinh, nhưng mẹ vẫn luôn ý thức giữ gìn nền nếp gia phong, biết sống theo đạo nghĩa. Là người cày ruộng có văn hóa, mẹ thuộc nhiều ca dao tục ngữ, mẹ hay kể chuyện cổ tích và các tích truyện nôm cho các con như một sự truyền dạy về đạo đức nhân nghĩa. Mẹ hát ru con bằng thơ Kiều, thơ Chinh phụ với giọng ru chan chứa nỗi niềm, mãi đến nay thời gian đã lùi xa gần 7 chục năm mà lời ru, giọng ru của mẹ vẫn còn man mác ngọt ngào và gợi nhiều thương cảm trong tôi.

Năm nay, khi Xuân Canh Dần sắp về, cái Tết đã đến gõ cửa từng nhà thì kỷ niệm tuổi thơ bên mẹ lại hiện về ngọt ngào ấm cúng trong tôi. Tết nào cũng vậy, mẹ lo toan cùng bố để dù nghèo, chúng tôi vẫn có đủ áo mới tươm tất như chúng bạn. Nhà cửa, bàn thờ được mẹ quét dọn tu sửa thật quang quẻ, sáng sủa. Tôi nhớ mãi cảnh nhộn nhịp theo mẹ đi chùi lá dong, đi xay bột, rồi cảnh gói bánh, làm mứt, cảnh nồi bánh chưng to đùng đặt trên lò đắp giữa nhà sôi sùng sục, chúng tôi vây quanh để hưởng hơi ấm của lửa, mùi thơm của bánh và cả hương vị những chiếc "bánh còn" nho nhỏ bố mẹ gói dành cho mỗi đứa ăn quanh bếp khi các bánh lớn chưa được vớt ra khỏi chảo, hương vị đó sao mà thấm thía mãi đến tận bây giờ!

Mẹ tôi được bà ngoại truyền dạy từ nhỏ về nữ công gia chánh nên là người thành thạo nấu nướng bày biện các món ăn công phu trong dịp lễ Tết, dù đi đâu, dù thời gian đã lùi xa, trong tôi vẫn không thể quên hương vị Tết do bàn tay tài hoa vén khéo của mẹ sắm sửa tô điểm trong chiều tất niên, trong đêm giao thừa và sáng mồng một đón xuân mới.--PageBreak--

Hạnh phúc cho chúng tôi là có được bố, mẹ và bà nội biết điều ăn lẽ ở, biết thương yêu quý trọng con người nên ai ai cũng quý mến, bà con coi đây là những người hiền nhất xứ! Bà nội tôi ở góa giữa tuổi mới chớm đôi mươi nuôi một mình bố tôi nên người. Cụ sống kiệm cần tần tảo, giàu tình nghĩa mà luôn nghiêm khắc răn dạy con cháu, luôn hy vọng ở tương lai. Tôi từng chứng kiến cảnh những chiều đông mưa rét, cụ chống gậy đi đến những nhà có chồng đi lính thời chống Pháp mà vợ mới sinh con. Cụ đến để ở đêm chăm cháu bé, giúp mẹ nó có giấc ngủ trọn lấy lại sức sau cơn vượt cạn và cầu cho bố nó ở chiến trường nơi mũi tên hòn đạn được yên bình vô sự. Những việc làm đó của cụ không chỉ diễn ra dăm ba lần, không chỉ trong một năm, dăm tháng và không chỉ với những người thân thích. Hễ thấy ai neo đơn khốn khó là cụ đến. Bà con trong xóm cảm kích gọi cụ là người có tấm lòng vàng. Mãi đến nay, không ít đứa trẻ được cụ chăm sóc hồi ấy đã trở thành ông nội bà ngoại, nhiều người thành đạt có chức tước ở xa về thường đến thắp hương tưởng nhớ công đức của cụ.

Tôi nhớ mãi tấm lòng của bà nội và mẹ tôi đối với các anh bộ đội thời chống Pháp, lúc đó bộ đội thường đóng quân trong nhà dân, mỗi người chỉ vài bộ quần áo màu xanh lá cây và chiếc mũ lưới cắm lá ngụy trang, nhiều áo đã sờn rách mà không kim chỉ để vá. Bà và mẹ tôi không cầm lòng được trước tình cảnh đó, các cụ cứ đêm đêm lại ngồi vá áo cho các anh. Trước khi vá, các cụ giặt sạch áo, nhúng áo vào nước sôi để diệt rận vì lúc ấy không mấy ai tránh được thứ ký sinh trùng gớm ghiếc ấy! Hết đợt bộ đội này đến đợt khác, các cụ lại âm thầm làm việc nghĩa đó như làm cho chính con cháu mình. Việc làm tuy không lớn lao khó nhọc nhưng là sự thể hiện cả một tình thương sâu nặng: Thương người, thương nước, các cụ làm trách nhiệm công dân và hơn thế làm theo sự thôi thúc của trái tim người mẹ.

Tôi nhớ nhà mình chẳng giàu có hơn ai nhưng do cần kiệm nên ít khi phải đứt bữa, trong lúc quanh xóm lắm nhà phải cháo rau thiếu đói nhất là mùa giáp hạt và lúc gặp thiên tai. Anh em chúng tôi được bố mẹ và bà dành cho bát cơm đầy, dù là cơm độn sắn khoai, còn người lớn thì mùa giáp hạt có khi phải ăn cháo rau má, các cụ lại phải làm quần quật cả ngày nhưng khi thấy chúng tôi ăn hết bát cơm, biết chăm lo học hành tiến bộ là các cụ thấy sung sướng. Nay mẹ đã đi xa hơn bốn chục năm mà các bà trong xóm vẫn còn nhắc mãi tấm lòng của mẹ. Có bà bảo: Ngày ấy mấy đứa con tôi không có sự trợ giúp của cụ thì chắc gì đã sống nổi đến ngày nay.

Tôi nhớ rõ một ngày tháng 3 khi trong nhà tôi chỉ còn vài ba đấu gạo và một rổ khoai, bữa ăn tiếp theo còn trông chờ ở gánh ngô bố ngược Sen Sẻ, ít ngày nữa mới về. Cũng lúc đó có hai nhà trong xóm, con đã phải nhịn đến bữa thứ 3, có đứa đã lội lặc. Khi biết được tình cảnh đó, không ngần ngại, mẹ đã chia ba số khoai và gạo đó cho cả hai nhà kia. Các bà trong xóm mới rồi trò chuyện với tôi về mẹ, có bà nói: "Miếng khi đói lúc ấy còn hơn cả nghìn gói khi no bác ạ! Vì ngày ấy không có nửa đấu gạo và khoai cụ thân sinh nhà bác cho thì làm sao cả nhà cầm hơi chờ được 3 ngày sau ngô mới về tới nhà”.

Mẹ chúng tôi thường dặn con phải "thương người như thể thương thân, thấy ai đói rách thì phải thương, phải tìm cách giúp đỡ. Với người ăn mày, có nhiều cho nhiều, có ít cho ít nhưng bao giờ cũng phải lễ phép con ạ!". Ngày ấy ăn mày nhiều lắm, có khi một ngày có đến dăm bảy người ăn xin vào nhà. Có bữa đang giữa giờ cơm trưa, mỗi người trong nhà chỉ 1 bát cơm độn còn thì một mâm đầy rau lang luộc, trong lúc ấy một cụ già ăn xin đến ngồi bên thềm, trông cụ thiểu não quá, hình như cụ đã đói lâu, mẹ tôi không ngần ngại lấy thêm bát đũa, sẻ phần cơm của mình và đem đến mời cụ, mẹ còn gắp thêm rau cho cụ ăn.

Thương mẹ, chúng tôi sẻ bớt cơm bát mình sang bát mẹ, nhưng nhất định mẹ không chịu ăn, cụ bảo cụ ăn rau nhiều no rồi. Chúng tôi có ăn đủ phần cơm của mình thì mẹ mới vui. Thương mẹ nhiều và quý mẹ lắm. Ngày nay chúng tôi có được chút ít tiến bộ trong việc đối nhân xử thế cũng là do học được bài học cảm động sâu sắc từ những nghĩa cử của mẹ.

Gia đình chúng tôi hiện nay đã thành lệ, cứ đến tối chủ nhật là ông bà, con cháu lại dành vài giờ ngồi lại với nhau gọi là sinh hoạt câu lạc bộ gia đình. Trong cuộc vận động học và làm theo gương đạo đức của Bác, các cháu được phân công đọc trước và kể lại những mẩu chuyện hay về Người, sau đó cả nhà cùng bàn bạc rút ra bài học thiết thực. Mỗi lúc như thế, tôi thường liên hệ đến những lời dặn, những nghĩa cử của mẹ để các cháu hiểu được: Không chỉ đến nay, mà trước đây cụ của chúng cũng đã làm theo gương Bác Hồ, biết sống vì người khác, biết yêu thương trân trọng sẻ chia với mọi người, đó là nét đẹp truyền thống của dân tộc, của gia đình ta. Có lẽ vì vậy mà các con cháu tôi, nội cũng như ngoại đều tu chí làm ăn, học hành tiến bộ và luôn biết hướng thiện trong mọi nơi, mọi lúc

NGƯT Nguyễn Khuân
.
.