Độc quyền cảm xúc

Thứ Sáu, 26/04/2019, 16:25
Tôi rất nhớ má của mình khi đặt title cho bài báo này, gần 4 tuần nay má đã bỏ tôi để trở lại miền hư vô vốn dĩ chúng ta sẽ tìm đến vào một ngày nào đó. 

Mười mấy năm trước, tôi rất lo ngại khi phát hiện ra má tôi không thể cười. Đó là những chuỗi ngày đầy buồn bã.

Tôi mua đĩa hài cho má xem, nghệ sĩ bà thích là danh hài Hoài Linh. Xem xong một tiểu phẩm, tôi hỏi má có thấy muốn cười không? Má tôi trả lời, má muốn cười lắm mà không biết cười làm sao. Má tôi quên cách cười.

Tôi đưa má về Sài Gòn ở cùng, bác sĩ chuyên về thần kinh là Đào Trần Thái tận tình giúp đỡ, cộng thêm vật lý trị liệu hằng ngày, má tôi đã có thể cười tươi sau gần một năm. Ngày nhìn má tôi cười lại được, tôi đã thay đổi rất nhiều về quan điểm, về góc nhìn của mình ngoài nỗi vui mừng rất đỗi lớn lao.

Còn có thể biểu thị cảm xúc về một điều gì đó trong cuộc sống này, tôi nghĩ, đó chính là may mắn.

1. Tối 15-4, mái nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) bị ngọn lửa bao trùm, người dân trên toàn thế giới bàng hoàng khi chứng kiến một trong những biểu tượng lâu đời của Cơ Đốc giáo đứng trước nguy cơ bị thiêu rụi. Từ những nhà lãnh đạo của các quốc gia cho đến giới trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân... đều biểu thị nỗi tiếc thương, xót xa và nguyện cầu nhà thờ Đức Bà Paris chịu ít tổn thất nhất sau hỏa hoạn.

Khi viết tiểu thuyết đồ sộ Nhà thờ Đức Bà Paris cách đây gần 2 thế kỷ, văn hào người Pháp Victor Hugo cũng đã tưởng tượng ra khung cảnh nhà thờ Đức Bà Paris trong hỏa hoạn: “Hàng trăm con mắt đều hướng lên phía trên nhà thờ. Cái chúng ta trông thấy thật kỳ lạ. Trên đỉnh tháp cao nhất, một ngọn lửa lớn bốc cao giữa hai gác chuông. 

Những tia lửa cuộn xoáy. Một ngọn lửa lớn lộn xộn, giận dữ, gió cuốn lên từng mảng trong màn khói mù mịt. Phía dưới ngọn lửa ấy, hai máng nước như hai miệng quỷ phun ra không ngừng trận mưa bỏng giãy. Một sự câm lặng kinh hoàng giữa đám ăn mày.

Chỉ nghe tiếng kêu báo động của những phụ tá linh mục bị nhốt trong tu viện... Quảng trường bập bùng hàng nghìn bó đuốc như sao. Cảnh tượng hỗn độn này, trước khi bị vùi trong bóng tối, bỗng bừng lên như cháy trong ánh lửa. Sân nhà thờ rực lên, rọi ánh sáng lên trời. Đống lửa trên sân thượng vẫn cháy, chiếu ánh sáng ra xa, chiếu vào thành phố. Bóng của những tòa tháp khổng lồ phóng to lên, trùm lên mái nhà của Paris. 

Trong ánh sáng chúng tạo thành những khoảng tối. Paris dường như bị chấn động. Tiếng mõ xa xa rền rĩ. Bọn ăn mày vừa hú lên, thở hắt ra, chửi bới, vừa leo lên”.

Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn.

Nếu tin rằng văn học có tính dự báo, thì hẳn nhiên ký tự của Victo Hugo là lời sấm truyền. Và nếu ngoan đạo, thì hẳn hiểu đó là ý Chúa.

Mặc dù là người ngoại đạo nhưng nhìn hình ảnh và xem clip của nhà thờ Đức Bà Paris trong vụ hỏa hoạn, tôi thật sự cảm thấy đau lòng và tiếc nuối. Đó là cảm xúc rất đỗi tự nhiên mà tôi tin rằng bất cứ cá nhân nào đủ nhận thức sẽ cảm thấy như vậy.

Suy cho cùng, những thứ mà con người rất khó chi phối hoặc điều khiển được, vui buồn sướng khổ, quan tâm hay thờ ơ, yêu thương hay oán ghét, sợ hãi hay can đảm... đều thuộc về phạm trù của cảm xúc cả.

Lưu Bị được Tào Tháo mời uống rượu để luận anh hùng trong thiên hạ, sau khi chờ Lưu Bị kể hàng loạt cái tên từ Viên Thuật, Viên Thiệu cho đến Lưu Biểu, Tôn Sách, Lưu Chương, Trương Tú, Trương Lỗ... và phản bác gạt bỏ, Tào Tháo bất thần chỉ vào Lưu Bị mà nói: “Anh hùng trong thiên hạ thời này, duy chỉ có sứ quân (ám chỉ Lưu Bị) cùng Tháo đây mà thôi”.

Lưu Bị nghe đến đây hốt hoảng đánh rơi đũa đang cầm trên tay, thời may lúc ấy có tiếng sấm trên trời. Nương vào tiếng sấm, Lưu Bị vừa chậm rãi nhặt đũa mà rằng: “Oai trời chấn động, vừa nghe tiếng sấm đã hốt hoảng tay run”.

Không nhờ tiếng sấm bất thần ấy, Tào Tháo đã nhìn thấy rõ chí lớn của Lưu Bị thông qua hành động Lưu Bị làm rớt đũa vì bị Tào Tháo chỉ mặt điểm tên ngay trong tiệc rượu.

Sở dĩ nhắc lại điển tích xa xăm này là bởi, đến ngay một bậc thâm trầm muốn dựng binh đuổi hươu đoạt nai giành thiên hạ như Lưu Bị còn bị cảm xúc tức thời khiến cho luống cuống lo sợ. Huống hồ, là những người vốn bị thời đại công nghệ, sự thụ hưởng vật chất thừa mứa tiện nghi đã bào mòn đi nhiều chí khí xông xênh như trước đây.

2. Có rất nhiều cá nhân bị tấn công trên mạng xã hội vì bày tỏ sự tiếc nuối khi hay tin nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy. Luận điểm tấn công cũng đơn giản thôi, có nhiều di tích của quốc gia đang bị xâm hại, có những cánh rừng đang dần biến mất, có những con sông đang bị đầu độc, có những thành phố đang bị ô nhiễm bao trùm... 

Không ít người trích lại những tội ác của thực dân Pháp khi quốc gia này chiếm đóng nước mình với danh nghĩa mẫu quốc bảo hộ.

Thật khó tin rằng đám đông luôn muốn hướng đến sự văn minh, luôn khao khát sự dân chủ tuyệt đối lại có thể tấn công những người có cảm xúc trái ngược với cảm xúc của cá nhân mình bằng những lời lẽ hết sức nặng nề cũng như thái độ miệt thị. Thậm chí, có những tờ báo cũng đứng hẳn về thái độ đó.

Chúng ta đã từng thấy những con người gào khóc khi thấp thoáng thấy bóng một lãnh đạo quốc gia trong các clip được lan truyền rất nhiều trên internet, người dân trong clip đó vừa khóc vừa nhảy múa vừa reo hò. 

Và nghiễm nhiên với tâm lý thông thường, chúng ta cho rằng những cá nhân ấy đang diễn kịch. Chúng ta tự cho mình cái quyền lấy cảm xúc cá nhân để mặc định hoặc đo đếm cảm xúc của người khác. Không ai kịp tôn trọng cảm xúc của họ để đặt ra câu hỏi: “Nếu họ khóc thiệt, vui sướng thiệt thì sao?”.

Bỉ bai một cảm xúc tự thân, nghĩa là nghiễm nhiêm cho mình cái quyền được đứng trên người khác rồi, nghĩa là đã tự xem mình cao hơn người khác. Mặc cho hiểu đơn giản nhất, dân chủ là gì, là người ta có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm cản và không đáng bị xúc xiểm. Tất nhiên, xúc xiểm cũng là một quan điểm cá nhân.

Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch Nam Hoa Kinh của Trang Tử đoạn Ngư Lạc (Cá vui) có chép thế này:

“Trang tử cùng Huệ Tử đứng chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: “Đàn cá xanh bơi lội thung dung. Cá vui đó”.

Huệ Tử nói: “Ông không phải là cá, sao biết cá vui?”.

Trang Tử nói: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết?”.

Huệ Tử nói: “Tôi không phải là ông, nên không thể biết được ông, còn ông không phải là cá, ông cũng hẳn không sao biết được cái vui của cá!”.

Trang Tử nói: “Xin hãy xét lại câu hỏi đầu. Ông đã hỏi tôi là làm sao biết được cá vui? Đã biết là tôi biết, ông mới có hỏi “Làm sao mà biết”... Thì đây, làm thế này: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết được”.

Và Thu Giang Nguyễn Duy Cần luận: “Bài Ngư lạc (Cá vui) trên đây lại cũng muốn nói với ta rằng: nếu ta nhìn đời với cặp mắt yêu thương thì đời đối với ta cũng yêu thương, trái lại, nếu ta nhìn nó với một tấm lòng hằn học thì nó đối với ta cũng hằn học. 

Đời như mảnh gương trong, ta cười thì nó cười với ta mà ta khóc thì nó cũng khóc với ta. Người mà mang theo mình cặp mắt bi quan yếm thế, một tâm hồn ích kỷ, đầy tư dục thì dù sống giữa cảnh đẹp nhất trần gian, giữa cảnh giàu sang tuyệt thế, cũng vẫn đau khổ luôn luôn vì đã mang một cõi địa ngục trong lòng. Hoán cải xã hội chung quanh, tuy là cần nhưng lo hoán cải tâm hồn mình, nghĩa là phải lo hoán cải nhãn quan mình về cuộc đời trước hết”.

Tiện trích cái này nên sẽ trích thêm một đoạn về Trang Tử để bạn đọc đỡ mất phần hứng thú: “Trang Tử mất vào năm nào thì không thấy sách nào ghi chép.

Chỉ biết rằng lúc Trang Tử gần chết, các đệ tử muốn hậu táng nhưng Trang Tử không cho. Trang Tử nói: “Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật làm lễ tống. Đám táng của ta như vậy không đủ sao mà còn thêm chi cho lắm việc!”. 

Đệ tử thưa: “Chúng con sợ diều quạ ăn xác thầy”. Trang tử nói: “Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây mà cho riêng đó, sao lại có thiên lệch thế!”.

Tự nhiên tự tại, thuận theo thiên nhiên, hiểu rõ lòng mình tôn trọng lòng người, không phải là đỉnh cao của văn minh hay sao, không phải là dân chủ đích thực hay sao?

3. Phải hiểu rằng vì cảm xúc là phản ứng tự thân nên cá nhân hoàn toàn có quyền thể hiện điều đó. Một cá nhân có đủ kiến văn, trình độ, nhận thức sẽ kìm chế được hành vi tuân theo cảm xúc một cách máy móc. 

Ví dụ, thấy một cô gái đẹp có thể cảm thấy thú vị, ưa nhìn. Nhưng một cá nhân có học thức sẽ kìm chế được ham muốn dùng vũ lực để chiếm đoạt hoặc đặt ra trăm nghìn phương kế để có được cô gái ấy nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân.

Mấy mươi năm trước, tiên sinh Phạm Cao Củng từng luận đại ý: “Xã hội phải có cái kỳ lạ này, cái kỳ lạ kia thì mới là xã hội, mới là tổng thể của xã hội. Văn hóa cũng vậy”.

Ý của tiên sinh Phạm Cao Củng chính là sự đa dạng, nếu không đa dạng và sự đa dạng không được tôn trọng thì xã hội ấy chỉ là những khối lego vô cảm xếp lại mà thôi.

Cuối cùng, ở một quốc gia văn minh hay tiệm cận văn minh gì cũng vậy, khi mà cảm xúc cá nhân vẫn phải nhìn quanh và hốt hoảng lo âu vì sợ lệch với đám đông, vì sợ đám đông sẽ tấn công thì vô hình trung càng ngày quốc gia ấy lại càng rời xa văn minh hơn, bởi thiên kiến hay đơn giản hơn là do thói thích độc quyền cảm xúc của đám đông.

Ngô Kinh Luân
.
.