Đọc “Vé một lượt” để quý lượt sống - chỉ một lần

Thứ Ba, 15/07/2014, 10:28

Dù biết thơ trước tiên là tiếng lòng của người làm thơ, song đọc thơ Đoàn Ngọc Thu không chỉ là tiếng lòng mà vang vọng tiếng đời. Vé một lượt là vé vào đời, vé vào một cuộc yêu bất tận. Người cầm vé mà luôn hiểu mình chỉ có một lượt, hẳn là người quý đời, quý những yêu thương.

Hành trình sống duy nhất

Theo suốt 56 bài thơ trong Vé một lượt, ta như bị lạc vào hệ thống 56 cung bậc cảm xúc, khó có thể buông rời. Tập thơ này không giấu giếm thân phận của nhân vật chính nhưng người đọc lại thấy thấp thoáng những nỗi niềm rất chung.

Đó là, ai cũng chỉ có một cuộc đời, không ai có được đôi ba lần sống để sống nháp, yêu thử trong một kiếp người. Thế nên số phận thu vé rồi ta buộc phải đi chuyến xe của mình, chuyến xe cho hành trình sống duy nhất. Cho dù thực tế hạnh phúc không mang màu hồng và không đến trên đôi cánh thiên thần hằng mơ ước.

Sự dối lừa khệnh khạng bước lên ngôi
Lòng tin bỗng chốc hóa thành chuyện phiếm
Ngày nín nhịn và đêm vờ vịt
Hạnh phúc như sợi chỉ ríu hai rìa vải mục
Dĩ vãng chống nạnh với cái nhìn nanh nọc
Khúc đoàn viên rúm ró thu mình
Tất tả đường chiều
Ga cuối
Vé một lượt

                                    (Vé một lượt)

Giản đơn mà sâu sắc, Vé một lượt khiến ta hòa cảm thật sâu. Mỗi người làm vợ, làm mẹ - những người đàn bà đã yêu và sẽ yêu đều thấy bóng mình ở đó. Nhưng đặc biệt là với những tâm hồn từng qua sóng gió đều thấm thía và chiêm nghiệm thật nhiều. Thì ra, thơ ca từ một tấm lòng, một tài năng cũng có giá trị như một bóng mát trưa hè gay gắt. Bài thơ này là tán lá xanh, bài thơ kia thêm vầng mây che đỡ. Những gắt gao cuộc đời được hóa giải bằng thơ, mang tâm tư đầy hy sinh của một người dốc lòng yêu người, yêu cuộc sống. Cho dù nhiều phụ nữ luôn nén nhịn những đắng cay, nhọc nhằn và cả những bẽ bàng thầm kín, song dường như nữ tác giả quan niệm được khổ đau là giá cho sự quá giang qua cõi con người.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu trong buổi ra mắt tập thơ "Vé một lượt".

Những yêu thương mong chờ không đạt, muốn tự ru yên đành âm thầm xóa đi những kỷ niệm đau. Xóa đi những hoài vọng chính thức thành viễn vọng. Để rồi, cách đặt vấn đề sao mà xót xa nhưng đầy thuyết phục: “Hạnh phúc lộ diện một khuôn hình lạ hoắc/ Em ngác ngơ cả giữa sum vầy/ Và hoảng hốt trong bình yên có thực…”. Như vậy, có ai khảo mà xưng. Người đàn bà đang yêu, đã yêu trong thơ Đoàn Ngọc Thu như đang tự xưng tội, vun công với chính mình. Dường như chị không mắc tội với ai mà mắc tội với chính bản thân chị. Trái tim và tâm hồn đã làm tội cái thân, cái phận của chị. Bài thơ bộc lộ một thái độ vỡ vạc xót xa mà đầy nội lực đương đầu bi kịch, quyết không ngã gục. Cách “đối xử” với những oái oăm như thế là lạ, là quý. Phải là người có bản lĩnh mới theo được cách sống này. Yêu trong sự minh triết chứ không mù mờ. Người đang yêu nhận diện khổ đau, quen mặt bất công, đánh bạn với phũ phàng. Không đòi thảm êm, mật ngọt nhưng dự phòng trù liệu trái ngang đến mức như ám thị: Nỗi buồn đi trước/ Niềm vui chậm chân/ Niềm vui đi hoang/ Nỗi buồn cư trú (Ngẫm).

Gánh nặng ân tình

Đoàn Ngọc Thu có bài thơ mà nhan đề như một câu nói giản đơn nhưng hầu hết mọi người chịu thua không làm được. Đọc lên nghe như một chân lý cuộc đời. Nhưng là chân lý bất khả thi Hết yêu rồi thì để nhau đi. Trong cả bài thơ lại không buông xuôi mà cật vấn rất đau, vì yêu sâu thì đau kỹ:

Em đã làm gì để anh phải phụ em
Nếu tình em không đủ dâng hạnh phúc
Gánh nặng ân tình buông ngón tay là tuột
Dốc thì cao, mà gió lại ngược…

Đọc thơ chỉ toàn những vết thương ư? Không  phải thế, dù không nhiều lắm nhưng thơ Đoàn Ngọc Thu còn có những điểm nhấn tri ân nhất định với người đàn ông của đời mình:

Biết ơn tình yêu của anh qua tháng năm
người đàn ông đủ quyến rũ em lâu thế
em chỉ giữ cho mình
giọng anh tê khàn khi gọi tên em
giọt nước mắt chúng mình hòa vào nhau
Tay đặt trong tay cùng qua gian khó

                                    (Tự ngẫu).

Với chồng là vậy, với con, thơ chị tràn ngập một tình yêu vô bờ bến. Những đứa con thiên thần. Trong Của hồi môn cho con gái chị viết: Mẹ hằng mong đến ngày con lớn khôn/ Người con trai con yêu sẽ yêu con suốt đời như thuở đầu cha yêu mẹ. Ước nguyện cho con cũng đắng bi kịch của mẹ chăng. Nhưng người làm thơ lại sẵn sàng: Để có của hồi môn cho con là tình yêu vĩnh cửu/ Lừa phản, dối gian mẹ cam chịu bội phần. Và con người ấy qua bão giông vẫn nhân văn với những tình cảm đẹp. Người mẹ thi sĩ đã dặn con: Hãy nhớ đáp tạ cuộc đời bằng trái tim nhân hậu dịu dàng con nhé!

Tấm lòng của một nhà thơ

Người ta cho rằng thơ là người, vừa đúng vừa sai. Đọc thơ Thu thấy một người phụ nữ dốc tình với duyên phận, hết lòng yêu chồng và thương những đứa con đến cam chịu… Ấy vậy mà Thu không hoàn toàn là người đàn bà tẩn mẩn, cần mẫn trong miền yêu thương của gia đình. Chị còn thành công và hết mình với công việc. Chị là Phó tổng biên tập năng động và sắc sảo nghề của báo điện tử Vietnamplus.vn - một tờ báo mạnh, có uy tín của Thông tấn xã Việt Nam. Có thể nói sống trong yêu thương ra sao thì người phụ nữ này cũng hết mình với công việc và bạn bè như thế. Nhiều lúc, những người bạn lâu năm của chị cũng không hiểu từ đâu mà những trữ lượng yêu thương trong chị vẫn sâu sắc và nhiệt thành đến thế. Một lọ thuốc quý gửi mua rất khó để kịp có ngay cho một người bạn vừa mới chỉ lo mắc bệnh, một cuộc bàn bạc, chia sẻ kịp thời cho một người quen đang lúng túng những ngả đời…

Thu còn hiện đại mạnh mẽ và hết lòng cho công tác xã hội. Sách in ra chị không muốn giới thiệu, tọa đàm, chỉ làm một buổi gặp bạn ngày mở sách nho nhỏ. Khi nhà xuất bản làm giới thiệu sách, Đoàn Ngọc Thu đã nghĩ ra buổi “ra sách” không giống ai, kết hợp với nhà báo Phạm Thanh Hà, các chị quyên các tác phẩm gốm, hội họa, sách quý… để làm cuộc đấu giá lấy tiền làm đường cho các học sinh nhỏ thôn Đồng Mậm - Bắc Giang đi học.

Số tiền 200 triệu thu được sau buổi ra mắt sách kết hợp đấu giá tuy không lớn nhưng nó lại mang ý nghĩa lớn, mà như nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói: Nó nhắc chúng ta điều đôi lúc chúng ta quên, về những số phận, con người gần mà ta đã để xa. Và điều này đến từ một nhà thơ không chỉ biết say mê ngôn từ bay bổng mà dùng thơ hội tụ những tấm lòng để giúp đời. Đây là điều cao nhất của thi ca.

Cách đây một thời gian, nhà thơ - người đàn bà giàu yêu tin ấy, bị một cú ốm bệnh thử sức, thử tâm và “tiện thể” cũng thử tình, thử lòng với đời. Ai hời hợt đọc thơ trong Vé một lượt dễ coi đây là thơ của một người “vỡ mộng”, của người canh tác chăm chỉ mà thất bát, mất mùa. Nhưng sâu hơn thế, ta lại hiểu ra điều ý nghĩa hơn nhiều, Đó là sự đối mặt với sóng to gió lớn, gọi tên bão tố để mà tiếp tục hành trình. Thử thách hiểm nguy đã thành bạn đồng hành với chị chăng?

Thơ Đoàn Ngọc Thu không chỉ chất chứa nỗi đau riêng, xin giới thiệu một bài thơ khắc khoải nỗi đời của chị: bài Vọng Lý Mạc Sầu:

Buồn vì họ không còn nông nổi
Những tình nhân 8x, 9x
Yêu và nốc whisky trên sàn nhảy
Yêu và thuê nhà nghỉ ngủ tập thể
Lắc và clip
Buồn vì họ quá nhiều toan tính
Những tình nhân công sở
Lời yêu qua email và tin nhắn dễ buông
Hạnh phúc cợt đùa cả thế hệ
Họ yêu nhau như thể
Ăn bánh trả tiền cao cấp
Sau cuộc chia tay tô vẽ lại môi son
Mai gặp lại cười nhăn nhở
Sòng phẳng không công nợ
Hoa hết đát và ong chặc lưỡi
Đã tuyệt chủng cây hoa tình có độc
Vọng Lý Mạc Sầu
Can chi nhảy vào lửa yêu
Vương lại nhân gian
“Vấn thế gian, tình hà thị vật”*?

Thế hệ trẻ chúng tôi vẫn thường nhắc đến Đoàn Ngọc Thu như một thần tượng sống. Không chỉ bởi những vần thơ tinh tế, thông minh, đầy gợi cảm của chị, mà ở Đoàn Ngọc Thu còn toát lên một phong cách sống rất riêng biệt. Đoàn Ngọc Thu yêu và sống thật quyết liệt, dữ dội nhưng cũng đầy vững vàng, chắc chắn với một tinh thần không quay đầu lại, giống như tên tập thơ “Vé một lượt” được ra mắt năm 2013 của chị.

Ta có thể dễ dàng bắt gặp ở thơ Đoàn Ngọc Thu những nồng nàn, cháy bỏng trong tình yêu, những khao khát khiến tim người đọc phải thổn thức: Sóng gió, độ cao và chiều sâu/ Hiểm nguy và cực nhọc/ Không cản nổi em đâu/ Đôi chân sẽ không ngã quỵ cho dù trầy xước/ Những bước chân hướng tới mặt trời (Khúc ca gọi mặt trời). Tình yêu và khát khao ở thế hệ của chị luôn khiến chúng tôi phải ngưỡng mộ. Thế hệ ấy đã trải qua cả chiến tranh khốc liệt nghiệt ngã và sở hữu niềm kiêu hãnh được sống trong thời bình với một tâm hồn từng trải. Điều mà chúng tôi chẳng thể có được. Chị vẫn yêu, vẫn say mê dù có nhiều khi như dằn dỗi, vờ như vô cảm: Chẳng nước mắt gặp mặt/ Chẳng nước mắt biệt ly/ Yêu nhau mấy, khóc - cười hoài cũng chán… (Cho một ngày thất tịch không mưa)

Những câu thơ của Đoàn Ngọc Thu khi buồn cũng theo một cách rất riêng, rất giản dị, từng trải và đủ khiến người đọc chia sẻ nỗi buồn với cảm xúc… thú vị: Bãi bờ phù sa vẫn đợi người gieo hạt/ Mà cánh chim nào bị nhốt giữa lồng son? (Bây giờ đã tháng Ba). Hay như: Đã từ lâu em biết chẳng có thiên đường/ Mặt trời luôn phía sau ngọn núi/ Hết cơn mưa, không phải sẽ là nắng/ Và cầu vồng chỉ ảo giác mà thôi… (Gian dối).

Nhiều ý thơ của Đoàn Ngọc Thu như để giãi bày với ai đó, đôi khi lại như tự vấn chính mình. Tự làm đau mình có khi cũng là một cách để giảm đau, để vin vào đó mà nguôi ngoai. Đau thật chứ, từng câu chữ không cần mài dũa kĩ càng cũng đã sắc nhọn lắm rồi: Không nhắm mắt quên được/ Tươi nụ cười giả vờ/ Sống chung cùng bão lũ/ Lừa dối cả giấc mơ… (Tặng ngày sinh). Tự nhận mình có số phận đa mang, đa sự, đa đoan, Đoàn Ngọc Thu luôn ôm đồm nhiều việc về mình và theo lời chị thì “ôm rồi thì làm cho bằng được”. Có lẽ phần nào đó vì cái sự đa mang trong công việc mà chị trở nên đa đoan về tình duyên.

Cố gắng ôm đồm mọi thứ rồi, hết mình với tất cả. Nhiều lúc có vẻ như chị cũng bị quá tải: “Rồi lại điên lên vì nhớ lũ gấu con/ Rồi lại chẳng yên vì bao việc còn dang dở/ Rồi lại chẳng thể quên, đã từng yêu đến thế…” (Nhăng cuội viển vông). “Ly rượu chát một mình em uống cạn/ Tỉnh ra rồi, mới tiếc một lần say” (Nếu một ngày, tháng Ba, em lỡ hẹn…). Con là vì sao sáng nhất trên bầu trời đầy sao yên tĩnh/ Và mãi là ánh sáng trong tim mẹ lấp lánh (Nguyện ước mùa giáng sinh). Và cứ thế, Đoàn Ngọc Thu với tấm vé một lượt lao thẳng về phía trước dẫu đó sẽ là “Lối Thu đi, mưa ướt hết Thu rồi…”.

* Nhân vật trong truyện của Kim Dung nổi tiếng vì thất tình với câu:
Hỏi thế gian tình là vật gì?

Thế hệ trẻ chúng tôi vẫn thường nhắc đến Đoàn Ngọc Thu như một thần tượng sống. Không chỉ bởi những vần thơ tinh tế, thông minh, đầy gợi cảm của chị, mà ở Đoàn Ngọc Thu còn toát lên một phong cách sống rất riêng biệt. Đoàn Ngọc Thu yêu và sống thật quyết liệt, dữ dội nhưng cũng đầy vững vàng, chắc chắn với một tinh thần không quay đầu lại, giống như tên tập thơ “Vé một lượt” được ra mắt năm 2013 của chị.

Ta có thể dễ dàng bắt gặp ở thơ Đoàn Ngọc Thu những nồng nàn, cháy bỏng trong tình yêu, những khao khát khiến tim người đọc phải thổn thức: Sóng gió, độ cao và chiều sâu/ Hiểm nguy và cực nhọc/ Không cản nổi em đâu/ Đôi chân sẽ không ngã quỵ cho dù trầy xước/ Những bước chân hướng tới mặt trời (Khúc ca gọi mặt trời). Tình yêu và khát khao ở thế hệ của chị luôn khiến chúng tôi phải ngưỡng mộ. Thế hệ ấy đã trải qua cả chiến tranh khốc liệt nghiệt ngã và sở hữu niềm kiêu hãnh được sống trong thời bình với một tâm hồn từng trải. Điều mà chúng tôi chẳng thể có được. Chị vẫn yêu, vẫn say mê dù có nhiều khi như dằn dỗi, vờ như vô cảm: Chẳng nước mắt gặp mặt/ Chẳng nước mắt biệt ly/ Yêu nhau mấy, khóc - cười hoài cũng chán… (Cho một ngày thất tịch không mưa)

Những câu thơ của Đoàn Ngọc Thu khi buồn cũng theo một cách rất riêng, rất giản dị, từng trải và đủ khiến người đọc chia sẻ nỗi buồn với cảm xúc… thú vị: Bãi bờ phù sa vẫn đợi người gieo hạt/ Mà cánh chim nào bị nhốt giữa lồng son? (Bây giờ đã tháng Ba). Hay như: Đã từ lâu em biết chẳng có thiên đường/ Mặt trời luôn phía sau ngọn núi/ Hết cơn mưa, không phải sẽ là nắng/ Và cầu vồng chỉ ảo giác mà thôi… (Gian dối).

Nhiều ý thơ của Đoàn Ngọc Thu như để giãi bày với ai đó, đôi khi lại như tự vấn chính mình. Tự làm đau mình có khi cũng là một cách để giảm đau, để vin vào đó mà nguôi ngoai. Đau thật chứ, từng câu chữ không cần mài dũa kĩ càng cũng đã sắc nhọn lắm rồi: Không nhắm mắt quên được/ Tươi nụ cười giả vờ/ Sống chung cùng bão lũ/ Lừa dối cả giấc mơ… (Tặng ngày sinh). Tự nhận mình có số phận đa mang, đa sự, đa đoan, Đoàn Ngọc Thu luôn ôm đồm nhiều việc về mình và theo lời chị thì “ôm rồi thì làm cho bằng được”. Có lẽ phần nào đó vì cái sự đa mang trong công việc mà chị trở nên đa đoan về tình duyên.

Cố gắng ôm đồm mọi thứ rồi, hết mình với tất cả. Nhiều lúc có vẻ như chị cũng bị quá tải: “Rồi lại điên lên vì nhớ lũ gấu con/ Rồi lại chẳng yên vì bao việc còn dang dở/ Rồi lại chẳng thể quên, đã từng yêu đến thế…” (Nhăng cuội viển vông). “Ly rượu chát một mình em uống cạn/ Tỉnh ra rồi, mới tiếc một lần say” (Nếu một ngày, tháng Ba, em lỡ hẹn…). Con là vì sao sáng nhất trên bầu trời đầy sao yên tĩnh/ Và mãi là ánh sáng trong tim mẹ lấp lánh (Nguyện ước mùa giáng sinh). Và cứ thế, Đoàn Ngọc Thu với tấm vé một lượt lao thẳng về phía trước dẫu đó sẽ là “Lối Thu đi, mưa ướt hết Thu rồi…”.

Nguyễn Kim Anh
.
.