Diều thức bay suốt đêm

Chủ Nhật, 11/09/2016, 19:16
Những buổi chiều mùa hè, lũ trẻ con xóm mình thường rủ nhau ra đầu ngõ chơi thả diều. Chỗ ấy hướng ra cánh đồng, bên dưới rặng tre râm mát. Hôm nào mê chơi, vui chân thì ra tận Bờ Ngang. Bờ Ngang là con đường đắp nổi băng qua đồng, nối xóm mình với xóm Ngoài, tha hồ có không gian thoáng đãng cho diều lên.

Lũ lít nhít bốn, năm tuổi chơi "diều" lông gà: mấy chiếc lông gà buộc vào nhau bằng tơ chuối, dây "diều" cũng bằng tơ chuối - những sợi tơ mảnh trắng muốt tước ra từ thân cây chuối tiêu nối vào nhau. 

Nhỉnh hơn vài ba tuổi thả én: tờ giấy xé ra từ vở học trò dán lên chiếc khung đơn sơ bằng mấy thanh đóm ghép lại, được tô điểm thêm chiếc đuôi dài  cũng bằng giấy. "Diều" lông gà lơ lửng ngang ngọn chuối. Én lên cao hơn, tầm ngọn tre, vẫy vẫy cái đuôi dài…

Mình lớn hơn tụi nhóc, mình chơi diều - những con diều thực sự. Tầm mười tuổi là mình đã tự làm được diều. Vài thanh tre cật để vót nan, mấy tờ giấy nho, một ít nhựa sung là phất được một con diều ngon lành: diều doi, diều bầu, diều cánh cốc… Tre với nhựa sung ở nhà quê lúc nào cũng sẵn. Thứ khó kiếm nhất chính là giấy nho - thứ giấy ngày trước các cụ dùng để viết chữ nho, còn gọi là giấy bản, vừa mềm vừa dai. 

Ở làng mình lúc đó hầu như chỉ có một "nguồn" khai thác giấy nho duy nhất là kệ sách của cụ đồ Nhưng - ông ngoại thằng Thắng "tò". Bọn mình phải bày đủ trò, nghĩ đủ mẹo để hối lộ, đánh lừa Thắng "tò", hòng kiếm được mấy tờ giấy nho quý như vàng xé trộm từ sách của ông nó. Phất xong diều, phải lo tìm dây để thả. 

Dây diều của bọn mình thường là dây chuối. Chuối trồng đầy vườn, muốn lớn nhanh, thỉnh thoảng mẹ phải bóc đi một lớp bẹ già. Bẹ chuối phơi khô, cất đi dùng dần: bó rơm, bó rạ hay nhiều việc linh tinh khác. Bọn trẻ con xé nhỏ bẹ chuối khô nối lại thành dây diều. Đứa nào chơi sang thì dùng chỉ khâu, giá tám xu một cuộn. 

Sang hơn nữa dùng dây gai, loại dây làm từ vỏ cây gai, se liền nên không có mối nối. Dây gai vừa chắc vừa nhẹ. Diều lên bổng mà không bao giờ sợ đứt dây. Nhưng than ôi! Loại dây ấy mình chỉ biết thèm rỏ dãi chứ đã bao giờ thửa riêng cho mình được một cuộn?

Trải qua bao mùa hè làm bạn với diều, biết rõ tính nết từng loại diều cũng như những cái tật của chúng. Diều doi mình thon, nam tính, lên mạnh, lên cao nhưng hay bổ nhào. Diều bầu nữ tính, mềm mại, ngoan hiền. Diều cánh cốc giống đàn bà mang bầu, ngực to, váy xòe rộng, thả bao nhiêu dây cũng chỉ lên tà tà. 

Khi vót khung diều bao giờ cũng phải cân nặng nhẹ cho đều hai bên cánh. Diều không cân, lên cao bị nghiêng, gặp gió mạnh xoay như cái chong chóng, gọi là diều ngoáy cháo. Chữa diều nghiêng không khó. 

Cứ bình tĩnh thu dây, hạ xuống đất, dán thêm vào bên cánh nhẹ một mảnh giấy, hoặc gài thêm cọng cỏ. Nếu buộc lèo chưa cân thì chỉnh lại lèo. Lèo dài diều khó lên. Lèo ngắn quá lại hay bị gập lèo…

Tật nào cũng tìm ra cách sửa. Chỉ có đứt dây là chịu thua! Dây chuối không dẻo, nối không chắc, hoặc dây chỉ quá mỏng manh, gió quái giật một cái là đứt. Nếu đứt ở đoạn gần dưới đất, nhanh chân đuổi theo sợi dây lòng thòng có thể tóm lại kịp. Đứt ở đoạn gần diều thì chỉ có nước trơ mắt đứng nhìn. 

Con diều đứt dây như con chim gãy cánh bị gió thổi tạt, chấp chới xa dần. Nó có thể bay xa hàng mấy cây số, mới từ từ hạ xuống, mắc vào ngọn cây, đâm đầu xuống ao xuống hồ, bục hết giấy. Ngày hôm sau theo hướng diều lân la đi tìm, may vớt vát được bộ khung.

Những con diều xinh xinh được gió, thả dây hết cỡ, dưới đất nhìn lên thấy bé như những cái lá mít. Thế mà nhiều hôm mê mẩn với diều đến xẩm tối chưa thèm biết đường về nhà.

Trẻ con chơi diều trẻ con, người lớn chơi diều người lớn. Diều của người lớn đương nhiên phải to hơn và cầu kỳ hơn. Diều bồi mấy lớp giấy cho chắc. Xong, còn phải hái những quả hồng xanh giã dập ra lấy nhựa, tẩm cho diều thật kĩ, đem phơi nắng. Nhựa hồng khô se, con diều ngả màu nâu bùn, căng cứng, búng ngón tay kêu coong coong. Lỡ khi gặp cơn mưa bất ưng, thu diều xuống vẫn lành lặn như thường.

Khi đem thả những chiếc diều "khủng" ấy, một đầu cuộn dây phải được neo chặt vào chiếc cọc đóng sâu dưới đất. Đầu kia một hoặc hai người nâng diều, lựa chiều gió để đâm lên. Con diều chao bên này, chao bên kia mấy bận rồi lấy lại thăng bằng, bắt đầu đòi dây. 

Người canh cuộn dây nhanh tay thả dây cho đều, để diều không gập lèo. Dây diều của người lớn cũng là dây gai se săn, to như chiếc đũa ăn cơm. Diều đói dây lên vù vù. Lên mãi, lên mãi, khi đã đủ độ cao thì đứng im, sợi dây cũng vừa độ căng, không bị võng.

Ở hội thi diều còn có những con diều "vĩ đại" hơn nữa. Có khi người ta pha cả cây tre đực ra để vót nan làm khung diều. Khi thả, vài ba anh đàn ông lực lưỡng mới khênh được diều đâm lên. Cuộn dây bện chặt bằng lạt tre bánh tẻ ngâm kĩ nước muối hối hả nhả ra, kêu ken két.

Diều người lớn thường cõng thêm ống sáo, sáo đơn hoặc sáo kép. Tùy theo độ to nhỏ của diều mà lựa ống hóp, ống tre hay ống nứa làm sáo. Sáo đơn chỉ dùng một ống rỗng, hai đầu bịt lại bằng hai cái nắp gỗ có khe thủng, gọi là miệng sáo. Sáo kép là hai tầng sáo gắn song song, tầng trên thường bé và ngắn hơn tầng dưới.

Sau này đi nhiều nơi, mình thấy có những chiếc sáo diều đến năm, sáu tầng. Nhưng mình vẫn nghĩ một, hai tầng như diều làng mình ngày trước là vừa. Mỗi ống sáo có một âm thanh riêng. Tiếng trong tiếng đục. Tiếng dày tiếng mỏng. 

Tiếng trầm tĩnh tiếng thất thanh. Tùy thuộc cả vào độ dày mỏng, độ đằm của chất liệu làm ống sáo, vào miệng sáo rộng hẹp, vào "tính khí" con diều - diều nào lên cao đứng im, diều nào càng lên cao càng dễ nghiêng đảo… Bốn, năm cái diều sáo thả lên đủ làm thành bản hòa tấu nhạc đồng quê lúc réo rắt, lúc êm đềm. 

Những đêm trăng sáng, tiếng sáo diều hình như cũng trong trẻo hơn, vang xa hơn. Những con diều của người lớn thả lên trời đủ độ cao là không xuống nữa, đứng gió cũng không xuống, mưa nhỏ chẳng hề hấn gì. Có những đêm diều thức bay suốt đêm trên nóc làng, tiếng sáo càng về khuya càng mênh mang vời vợi.

Tre, nứa, giấy, nhựa sung, nhựa hồng, dây gai… Những thứ làm nên con diều đều thân thuộc, mộc mạc như hồn của đất đai.

Ngày xưa thả diều là thả lên trời giấc mơ của đất.

                                                                  ***

Anh Tùng là người làm sáo diều hay hơn cả. Sáo của anh không đều đều một giọng o o, u u như nhiều chiếc sáo khác. Chiều nào anh thả diều là mọi người biết ngay. Nghe tiếng sáo lúc to lúc nhỏ, lên bổng xuống trầm, "ầm vu… ầm vu…u u u…", không lẫn đi đâu được.

Chị Thắm cũng mê tiếng sáo "ầm vu", nhưng chị đâu biết diều của ai vào với ai? Vì chị không phải là người trong làng. Chị ở mãi trên Đà Tiềm, cách làng mình bốn, năm cây số.

Chị Thắm bị bệnh khó ngủ. Đêm nào cũng thức chong chong. Nhưng ban ngày có khi đang dở việc gì đó lại thiếp đi giữa chừng. Người ta kể có hôm chị đang cấy ngoài đồng thì cơn buồn ngủ bất thần ập đến. Cứ thế chị vừa cấy vừa ngủ. Đến khi cấy hết đon mạ mới giật mình choàng thức. Hóa ra chị đã cấy tràn cả sang ruộng của người khác mà không biết…

Đêm đêm chị Thắm trải chiếu ra nằm ngoài hè, ngửa mặt nhìn trời đếm sao. Đếm đi đếm lại số sao trên khoảng trời từ ngọn tre cuối vườn sang nóc bếp nhà hàng xóm mà vẫn không sao chợp mắt nổi. Những sợi dây thần kinh trong đầu chị chỉ dịu đi khi nghe tiếng sáo diều. Ầm vu… ầm vu… u u u… Cái thanh âm đặc biệt ấy giống như con thuyền bập bềnh đưa chị trôi đi thật xa, thật xa… Trôi vào miền chiêm bao.

Nhưng có một đêm, tiếng sáo lạ lùng đột nhiên bị ngắt quãng. Chị Thắm choàng tỉnh. Rõ ràng đang "ầm vu" êm tai, bỗng nhiên "ủ ủ ủ ủ" mấy tiếng như người đứt hơi. Tất cả rơi vào thinh lặng. Những ngôi sao như sáng lên. Chị Thắm lại mở mắt chong chong nhìn sao trời.

Sớm hôm sau, vừa ăn xong mấy củ khoai lót dạ để chuẩn bị ra đồng, chị thấy bóng người lạ thấp thoáng ngoài cổng rào nhà mình. Chị đánh tiếng hỏi vọng ra. Người đàn ông vội vàng trả lời rồi đưa tay chỉ chỉ lên ngọn tre cuối vườn. Chị nhìn lên. Chiếc diều cánh cốc to đùng mắc kẹt trên đó, với một bên cánh bị trọng thương vì gai tre đâm rách toạc. Một đoạn dây ngắn lòng thòng dính theo diều.

Người đàn ông lạ mặt ấy chính là anh Tùng. Sáng sớm, khi phát hiện ra diều đứt dây bay mất, anh đã nương theo hướng gió chạy đi tìm. Chạy mãi, chạy mãi lên Đà Tiềm, rồi trời đất run rủi anh tìm đến bụi tre cuối vườn nhà chị Thắm.

Chị mở cổng rào cho anh vào tìm cách lấy lại diều.

Vậy là nhờ có con diều đứt dây mối lái, anh Tùng gặp được chị Thắm. Ít lâu sau cả hai phải lòng nhau. Một năm sau, họ tổ chức đám cưới.

Chị Thắm khỏi tiệt căn bệnh mất ngủ. Anh Tùng cũng nghỉ chơi thả diều. Suốt ngày chỉ thấy anh chí thú với công việc đồng áng. Nghe nói nhiều người tìm đến hỏi mua cái ống sáo "ầm vu" có một không hai của anh, nhưng anh không bán. Anh vẫn để sáo gắn với diều, và đem cái kỷ niệm để đời ấy gác kỹ lên xà nhà.

13-7-2016
Trần Đức Tiến
.
.