Địa ngục nằm ở đâu?
Ta có thể tìm thấy hàng loạt mảnh vụn ngữ ngôn minh chứng cho sự hòa tan của Phật giáo trong kho từ vựng tiếng Việt, các từ ngữ như: ma quỷ, quỷ đói (ngạ quỷ), quỷ sứ, đầu trâu mặt ngựa, bãi tha ma, hoàng tuyền, vong linh, oan hồn, địa ngục, âm ty, địa phủ, súc sinh, Diêm La, đầu thai, vãng sinh, hóa kiếp... đến những thành ngữ, quán ngữ vẫn quen dùng, như “về suối vàng/ ở dưới suối vàng”, “đi chầu Diêm Vương”, “đi chầu ông bà ông vải”, “về thế giới bên kia”, “gầy như quỷ đói”, “địa ngục trần gian”,... Tôi còn nhớ, mẹ tôi mỗi khi bắt con gà trong chuồng, tay liếc dao, miệng đều lẩm bẩm câu “tao hóa kiếp cho mày được sang kiếp khác nhé”.
Người ta khi nhỏ, đứa nào cũng đã từng bị ám ảnh về ma, với những câu chuyện huyền hoặc vu vơ do người lớn đem dùng để dọa - dỗ. Cách giáo dục con trẻ như thế chủ yếu bắt đầu từ các bà các mẹ, những người lân mẫn chốn cửa chiền, rồi lan tỏa ra đầu sông bến chợ, đền phủ miếu lăng. Có một thứ “văn hóa về ma quỷ” trong đời sống dân gian ngàn đời, vốn là sự hòa kết từ Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa.
Các tầng địa ngục dưới Nam Thiêm Bộ Châu. Nguồn: “Pháp giới an lập đồ” |
Phật giáo vẽ ra những tầng địa ngục dầu sôi lửa bỏng để trừng ác khuyến thiện, đơm thổi sự hy vọng của con người vào những kiếp lai sinh (kiếp sau) tốt đẹp hơn nhưng thực chất là để răn dè con người sống lương thiện hơn ở cái hiện kiếp. Đạo giáo sáng tạo nên những phép thuật phù chú, hệ thống khoa nghi, để làm dịu mát sự phấp phỏng chông chênh của những người đang sống phải đối diện những cái chết của những người thân, nhằm hóa giải những tai ương bất trắc vô lường của cuộc sống.
Nho giáo đặt định những người đã mất vào hệ thống quan hệ xã hội - chính trị và hệ giá trị đạo đức, với các tiên thánh, tiên hiền, tiên triết, tiên vương, tổ khảo... Trong thế giới quan của Nho giáo, chỉ có một thế giới, đó là thế giới con người đang sống, đang tồn tại, với 3 tài: thiên-địa-nhân. Thời gian là chuỗi tuyến tính không thể quay lại nên lịch sử được đếm bằng “lịch triều”, được tính bằng lịch sóc và niên hiệu.
Cái chết được cho là dấu chấm hết của một sinh mệnh. Nho giáo phân loại thành nhiều kiểu chết khác nhau: chết non (yểu tử), chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ và một kiểu chết được chú ý đặc biệt: chết chẳng toàn thây... Cho nên, các hình phạt cao nhất của Nho giáo đều là thuộc dạng chết cuối cùng này: lăng trì (cắt từng miếng cho đến chết), chém đầu, chém ngang lưng (trảm yêu), tứ mã phanh thây, voi giày ngựa xé,...
Người ta coi sự xương thịnh của hiện tại là bắt nguồn từ tổ tiên (âm đức: đức từ cõi âm nên các nhà thờ dòng họ thường đề các bức hoành: quang tiền dụ hậu, đức lưu quang). Để cắt đứt phúc ấm/ âm phù của kẻ thù thì người ta thực hiện đào mả, quật xác tổ tiên nhà khác. Người được “khảo chung mệnh” (theo cách nói nôm na là chết già, xưa từ 50 trở đi thì đã được gọi là lên lão) thì được gọi là thọ, ngược lại nếu không hưởng hết số trời một cách tự nhiên thì chỉ được gọi là “hưởng dương”.
Nho giáo không có quan niệm về thế giới bên kia mà tất cả những người chết được sắp đặt trong những nghi thức hữu dụng dành cho những người đang sống: tang chế, mồ mả, gia phả, hệ thống bài vị (theo chiêu mục), từ đường, nhà thờ họ,... Tổ tiên dẫu có được mường tượng được sống ở “thế giới người hiền” thì đó vẫn là thế giới của những người đã chết, nên “Trời” (thiên, hạo thiên,...) trong quan niệm của Nho giáo lại không thuộc thế giới quan mà vẫn chỉ là một khái niệm của đạo đức chính trị.
“Thiên mệnh” được kiến tạo (và là trung tâm của bộ 5 khái niệm dân bản - đức trị - tự tu -) để các chính trị gia vần chuyển càn khôn, cải canh triều đại! Còn Đạo giáo thì mượn hẳn mô hình triều đình của Nho giáo, nhấc lên trời để hình dung ra một Thiên đình ở trên cao cai quản 3 cõi. Ở khía cạnh thế giới quan và nhân sinh quan thì Đạo giáo gần với Phật giáo hơn.
Ở khía cạnh thực dụng, Nho giáo gần với đời hơn. Cho nên, cái thế tam giáo tịnh hành (tôi muốn từ khước khái niệm tam giáo đồng nguyên được phổ dụng bấy lâu nay) diễn ra hàng ngàn năm ở Á Đông, là một chuyện không cần phải bàn cãi, trong đó, Phật và Đạo chỉ là các tôn giáo ngoại vi của hệ thống chính trị. Các ông tăng thống, tăng cang cũng chỉ là tăng quan (tăng ăn lộc triều đình), cùng lắm cũng chỉ ngang bằng mấy vị chức sắc Phật giáo thời nay, để giúp nhà nước cai quản giáo đoàn của mình.
Trước đây, tôi từng coi Phật giáo là quốc giáo vào thời Đinh-Lê-Lý-Trần, thực ra chỉ là ăn theo nói leo các học giả đi trước. Nhưng, nay xét ra, quan niệm này có lẽ cần phải nghĩ lại. Vì rằng, dù các triều này xây dựng chùa tháp khắp nơi nhưng điều đó không đủ để chứng minh cho khái niệm “quốc giáo”, tư tưởng chính trị - hệ thống chính trị - bộ máy hành chính các triều này về cơ bản vẫn là theo công thức nội pháp ngoại Nho (hay đúng hơn, “pháp” chỉ là thủ pháp của các nhà Nho trong các hoạt động chính trị thực tiễn).
Tu Di sơn trong một tiểu thế giới. Nguồn: “Phật tổ thống kỷ”, 1856, chùa Liên Phái |
Viết theo kiểu tùy bút như thế để thấy thế giới quan Phật giáo trong tổng thể phức hợp của tam giáo ra sao. Giờ thì quay trở lại với địa ngục trong văn hóa Phật giáo. Tư tưởng nhà Phật cho rằng có 3 thế giới: địa ngục, nhân gian (cõi thế) và Niết bàn. Nhân gian là thế giới thực hữu, nơi con người cư trú. Thế giới này được hình dung là một dạng đĩa dẹt hình tròn, trên bề mặt gồm 9 núi và 8 biển (cửu sơn bát hải). Trung tâm là núi Tu Di cao nhất như hình hoa sen, trên đỉnh núi nở rộng là cung Đao Lị. Lưng núi ở 4 phía là Tứ Thiên Vương. Bao quanh núi Tu Di lần lượt là 8 biển và 8 vòng núi. Ở biển lớn thứ 8 rộng nhất, có 4 châu lớn: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiêm Bộ Châu, Bắc Câu Lô Châu. Nhìn từ trên cao mỗi thế giới có hình dạng như hoa sen nhiều lớp cánh, hay hoa sen trong hoa sen. Toàn bộ cửu sơn bát hải đặt trên kim luân, dưới kim luân (tầng sắt) lần lượt là thủy luân (tầng nước), phong luân (tầng gió), không luân (tầng không). Con người sống, ngụp lặn ở trong khổ hải (dục giới, khổ giới) dưới chân núi Tu Di. Phía trên núi Tu Di là các tầng trời (sắc giới, vô sắc giới). Những hình dung thế giới này được ghi chép đầy đủ, chi tiết trong các sách Phật tổ thống kỷ, Liên hoa tạng, Pháp giới an lập đồ, A Di Đà Kinh,... hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Địa ngục nằm ở Nam Thiêm Bộ Châu (châu Thiêm Bộ ở phía Nam của thế giới). Dưới châu Thiêm Bộ có một Đại Địa Ngục, phía trên châu lại có Biên Địa Ngục và Độc Địa Ngục. Đây là nơi ở của các ác nhân gây tội. Sách Địa tạng kinh lại cho phía đông Diêm Phù Đề có núi Thiết Vi, không có ánh mặt trời, là nơi có Đại Địa Ngục gọi là Vô Gián. Sách Pháp giới an lập đồ ghi 16 địa ngục, chia làm 2 loại: 8 địa ngục nóng và 8 địa ngục lạnh. Đây là dấu vết bảo lưu từ quan niệm của Phật giáo Nam tông trong Hán tạng Bắc truyền. Nhưng, phần minh họa (ảnh trên) thì thấy dưới Nam Thiêm Bộ Châu lần lượt là tầng đất bùn, tầng đất thó, hoạt địa ngục (1), Hắc Thằng địa ngục (2), Hợp chúng Địa Ngục (3), Hào Khiếu địa ngục (4), Đại Khiếu Hoán địa ngục (5), Viêm Nhiệt địa ngục (6), Cực Nhiệt địa ngục (7), Vô Gián địa ngục (8). Mười loại người ác hữu tình chứa đầy trong các ngục này. Trường A Hàm kinh (trích địa ngục phẩm) ghi: núi Kim Cương bọc ngoài đại hải thủy (biển ngoài cùng của thế giới).
Ngoài lại có một vòng núi Kim Cương nữa. Giữa 2 vòng núi này mờ mờ mịt mịt. Nhật nguyệt thần thiên không thể chiếu sáng đến nơi ấy. Ở đó có 8 đại địa ngục, gồm: Tưởng, Mặc Thằng, Đôi Áp, Khiếu Hoán, Đại Khiếu Hoán, Thiêu Chá, Đại Thiêu Chá, Vô Gián. Địa ngục thứ nhất (Tưởng) có 16 địa ngục nhỏ. Mỗi địa ngục rộng 500 do tuần, gồm: Hắc Sa (cát đen), Phí Thỉ (cứt sôi), Ngũ Bách Đinh (500 đinh), Cơ (đói), Khát (khát), Nhất Đồng Phủ (vạc đồng), Đa Đồng Phủ (nhiều vạc đồng), Thạch Ma (đá mài), Nùng Huyết (máu đặc), Lượng Hỏa, Hôi Hà (sông tro), Thiết Hoàn (hòn sắt), Cân Phủ (búa rìu), Sài Lang (chó sói), Kiếm Thụ (rừng kiếm), Hàn Băng (băng lạnh). Các loại địa ngục này biến đổi khác nhau theo từng ghi chép của mỗi thời. Ở Việt Nam, quan niệm về địa ngục xuất hiện từ khi nào và có diễn biến ra sao trong kinh điển, văn học và nghệ thuật Phật giáo? Điều ấy sẽ được trình bày ở kỳ sau.