Đi tìm trường ca "Những vùng rừng không dân"

Thứ Tư, 20/01/2010, 15:55
Chúng ta vẫn còn day dứt khi biết rằng một trong những tác phẩm có thể lớn có tầm vóc nhất của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong hành trang thơ chống Mỹ và thơ Trường Sơn của anh hiện đang thất lạc chưa tìm lại được. Đó là trường ca "Những vùng rừng không dân" anh viết trong những năm chiến tranh...

Phạm Tiến Duật, nhà thơ của Trường Sơn đã đi xa không kịp dự Đại lễ kỷ niệm  50 năm con đường huyền thoại. Anh đã để lại sự nuối tiếc nhớ thương  một con người tài hoa có đóng góp to lớn cho thơ ca góp sức vào cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Bạn bè nhớ thương anh đề xuất phong tặng anh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hoặc danh hiệu Danh nhân Trường Sơn, hoặc…

Vâng! Tất cả đều đáng quý, nhưng anh đâu còn để chứng kiến niềm vinh quang ấy.

Dịp kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, câu chuyện về trường ca Những vùng rừng không dân lại được đặt ra. Liệu tập bản thảo Trường ca của Phạm Tiến Duật còn hay đã mất? Ai là người đang giữ toàn bộ tập bản thảo hoặc từng phần bản thảo quý báu đó? Vậy là vẫn chưa có ai nhận đang giữ nguyên vẹn bản thảo trường ca ấy. Tập bản thảo quan trọng đối với đời thơ chiến trường của anh đương ở đâu? Câu hỏi ấy như giục bước tôi cất công đi tìm…

Từng gặp nhà thơ trên đường ra trận, chúng tôi đã quen nhau từ mùa đông 1971. Hôm ấy trong một binh trạm chúng tôi đã nghe ca sĩ Tô Lan Phương hát một lúc mươi bài. Rồi Phạm Tiến Duật nói chuyện thơ. Cuối cùng thể nào cũng trở về với chuyện đời lính, chuyện tiếu lâm… Khuya ấy trong căn hầm chữ A bên suối, anh đã đọc cho chúng tôi nghe những sáng tác mới của mình. Những Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Ai bảo nước Lào không có biển đừng tin

Cuối cùng anh tiết lộ: Mình đang viết một trường ca về con đường Trường Sơn huyền thoại này. Tạm đặt tên là Những vùng rừng không dân. Rồi anh đọc cho chúng tôi nghe những chương đầu tiên từ cuốn sổ tay nhoè mực. Thôi đi em đừng bẻ đốt ngón tay/ Nước mắt thì dễ lây mà rừng thì lặng quá

 Tôi bảo anh thắng Mỹ rồi, ra Hà Nội anh tặng tôi tập thơ này nhé!

- Nhất định rồi. Cậu cũng sẽ làm thơ…

Tôi ám ảnh câu động viên khéo của anh và ám ảnh giọng thơ chỉ riêng Phạm Tiến Duật. Nó dây cà dây muống nhưng mạch lạc, nhưng lôi cuốn dễ thuộc.

Thắng Mỹ rồi, từ miền Trung, tôi được tin anh đoạt giải thưởng cao về thơ trên báo Văn Nghệ Hội Nhà văn VN. Tôi tự hào kể với bạn bè rằng tớ đã từng gặp Phạm Tiến Duật và được nghe anh đọc thơ. Rồi tôi đọc cho bạn bè nghe một lèo những bài thơ Trường Sơn: Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính. Tiếng bom ở Seng Phan, đặc biệt bài thơ dài Gửi em cô thanh niên xung phong… Tuổi trẻ lớp chúng tôi, cả người ra trận và người không ra trận đều thuộc thơ Phạm Tiến Duật. Mấy tập thơ chiến trận của Phạm Tiến Duật thường được bạn bè tôi gối đầu giường. 

Nhiều năm sau, khi tôi ra Hà Nội thì anh đã là nhà thơ tên tuổi. Nhiều lần gặp anh ở quán rượu Lý phố Lê Văn Hưu. Quán Lý hồi ấy bán chỉ rượu cỏ nhưng mồi thì ngon. Từ ổi xoài tới các món nóng như hến xào răm, bắp bò chần… Lần nào cũng vậy anh rà cái Vespa cũ màu ghi vào, dựng bên phố gọi một cốc Liên Xô (loại ly nhỡ có thể dùng uống bia hoặc rượu). Tu một lúc hết cốc rượu lại lên xe tà tà… Áo quần bảnh bao. Áo trắng quần trắng tóc chải ngược bóng láng…

Nhân một lần có việc phải lên toà nhà văn nghệ ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi vào phòng Tổng Biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Anh vui vẻ tiếp tôi dù không nhớ đã gặp nhau mấy chục năm trước, hồi còn "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa".

Nhưng khi có người cơ quan đi vào anh giới thiệu tôi: "Bạn cũ hồi Trường Sơn" làm tôi cảm động. Tôi cảm ơn anh vì anh oách thế, hình ảnh anh đẹp thế lại cho tôi được làm bạn anh, làm đồng đội anh… Anh lôi ra chai rượu Tây rót hai ly và đưa tôi một cái. Tôi cụng ly chúc anh sức khoẻ và thành đạt. Hai anh em ôn chuyện ngày gặp nhau trên Trường Sơn, chuyện đời thường ngày về sau chiến tranh.

Nhân lúc tôi nhắc đến cái trường ca của anh, Phạm Tiến Duật có vẻ dửng dưng. Anh bảo: "Mình đang hoàn thiện. Đã in mấy chương rải rác rồi đấy, không biết Linh đã đọc chưa. Còn viết và hoàn thiện thêm. Thú thật, hồi chiến trường chưa có điều kiện để viết. Chỉ có ý tưởng từng chương… Sau đó thì mình gặp tai nạn bởi bài thơ Vòng trắng. Linh biết rồi còn gì. Trường ca của mình cũng có nhiều chương đụng đến đề tài tình yêu, đụng đến mất mát, đau thương, mà đến bây giờ đó vẫn là những vấn đề "nhạy cảm", nên mình cần viết lại, sửa chữa hoàn thiện thêm. Lúc nào tiện thì in riêng".

Anh tu một hơi hết ly rượu rồi bắt tay tạm biệt sau khi ký tặng tôi tập thơ mới nhất của anh có tựa Đường dài và những đốm lửa. Đó là ấn phẩm đầu tiên và là cuốn sách cuối cùng anh tặng tôi…

Bây giờ đi tìm trường ca của anh, việc đầu tiên là tìm đến nhà anh. Nhưng nhà nào? Từ lâu anh không ở cùng chị Vân và các con ở khu tập thể Trung Tự. Trước ngày đổ bệnh và sau này, trước khi mất, anh ở hẳn nhà người bạn gái tên Bình bên ngõ Văn Chương. Nhưng biết đâu di cảo của anh vẫn còn ở ngôi nhà cũ, hoặc thất lạc đâu đó. Chiều ấy tôi ghé vào khu tập thể Trung Tự leo lên tầng năm. Nhắc đến việc đi tìm trường ca, chị Vân bảo: Tôi cũng đã tìm nhưng chẳng thấy đâu. "Anh Duật chả mấy khi cẩn thận trong việc lưu trữ tài liệu, ngay với trước tác của mình".

Tôi bảo chị thử tìm lại trong kho đồ cũ, biết đâu…

- Đồ cũ không có. Cả những kỷ vật chiến tranh anh cũng chả giữ lại được cái gì.

- Thế hồi anh viết, có bao giờ chị được đọc các bài thơ hay trường ca của anh?

- Tôi có được đọc cái trường ca ấy. Lúc đầu anh viết vào cuốn vở giấy học trò. Chính tay tôi đóng lại cho anh ấy. Cuốn vở ấy hình như không có bìa…--PageBreak--

Chị Vân kể: Chúng tôi mấy lần chuyển nhà. Chả biết tài liệu sách vở có thất lạc không. Ngày trước, lúc anh vào chiến trường, mẹ con tôi ở tận trên Bất Bạt. Tôi dạy học trên ấy, nhà chỉ có một phòng tuềnh toàng lắm. Anh Duật về thì cái nhà như cái phòng họp. Lúc nào cũng đông thầy cô giáo đến chơi. Bao nhiêu người bạn tôi đến cốt để hỏi chuyện Trường Sơn, chuyện chiến trường, rồi thì chuyện thơ ca… Nhà không cửa. Thơ anh viết để lên bàn lẫn cả vào giáo án dạy học của tôi. Anh về rồi anh lại đi. Chẳng dặn dò phải giữ cái này cái nọ mà tôi thì bận bịu vừa dạy học vừa nuôi con nhỏ…

Như vậy là tại nhà anh, không còn bản thảo nào về thơ ca. Vậy biết tìm đâu giữa mênh mông bóng chim tăm cá, giữa hàng trăm mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp của anh.

Một hôm ông Tiến sĩ địa chất Lê Văn Thân, bạn học của Phạm Tiến Duật từ hồi phổ thông ở trường Hùng Vương - Phú Thọ nay về hưu ở cùng phố với tôi cho biết: Có một người thuộc thơ Duật hơn cả … Phạm Tiến Duật. Ấy là Trần Ngọc Chuỳ giáo viên văn Đại học Thái Nguyên đã nghỉ hưu. Trần Ngọc Chuỳ trước đây cũng là bạn học của Phạm Tiến Duật. Tôi đâm nghi và đoán có thể anh Trần Ngọc Chuỳ đã đọc trường ca của Phạm Tiến Duật?

Tôi nhớ có lần anh Chuỳ xuống Hà Nội chơi nhà anh Thân, anh Thân bảo rằng cạnh đây có Tân Linh nghe nói có thời là bạn của Duật hồi Trường Sơn. Thế là anh Trần Ngọc Chuỳ bắt anh Thân đưa vào nhà tôi. Mấy chén rượu nhỏ chào buổi sáng, và rồi chuyện xoay quanh Phạm Tiến Duật. Đúng là Trần Ngọc Chuỳ có trí nhớ kỳ lạ. Ông này thuộc thơ Duật làu làu. Có thể đọc không bỏ sót một câu hàng trăm bài thơ Phạm Tiến Duật, cả những bài thơ Duật làm từ thời còn học cấp ba Hùng Vương - Phú Thọ. Trong số thơ Duật mà Chuỳ đọc có bài chưa từng công bố. Nhưng tại sao hôm ấy tôi lại quên hỏi Chuỳ về cái trường ca…?

Nhớ chuyện Trần Ngọc Chuỳ thuộc thơ Duật làu làu, lần này tôi lại mò lên thành phố Thái Nguyên, anh bảo: "Tôi thuộc thơ Duật nhiều lắm nhưng cái trường ca Những vùng rừng không dân kia thì không thuộc hết, chỉ mấy chương đã công bố".

Lại tiu nghỉu ra về…

Còn một nơi cuối cùng cần tìm, biết đâu còn cất giữ thơ anh. Đó là nhà người bạn gái anh nơi anh ở những ngày tháng cuối đời. Chị Bình có già hơn so với ngày anh Duật còn bên chị. Tiếp tôi trong căn nhà có chút cảm giác hoang lạnh từ ngày vắng anh, chị cho biết anh Duật không nhiều tài liệu giấy tờ. Tất cả những gì anh có đều được chị giữ gìn cẩn thận, nhưng với tập trường ca…

Chị Bình kể có lần anh đã khóc nức nở sau khi uống đâu về. Gặng hỏi anh bảo: "Anh mất hết rồi. Bao nhiêu bản thảo trong đó có tập trường ca đã bị mất rồi, không thể làm lại được…". Lý do mất những đứa con tinh thần ấy, thật bất nhẫn để chúng ta đi tìm, nhưng như thế, tập bản thảo ấy coi như đã không còn…

Chị Bình kể thêm, khi có một cơ quan bên quân đội đến đề nghị anh viết lại sáu chương đã bị mất của tập trường ca ấy, anh nhận lời và có ký hợp đồng hẳn hoi. Đơn vị đưa trước cho anh 5 triệu bảo là để anh "chuẩn bị giấy bút". "Tại buổi gặp ấy, tôi thấy có nói đến việc đơn vị sẽ bố trí cho anh về lại chiến trường xưa để đi tìm lại cảm hứng mà hồi tưởng lại câu chữ đã từng lên giấy. Anh Duật hứa sẽ cho Bình theo cùng phục vụ anh… Đến khi anh lâm chung, đơn vị lại đến không những không nói chuyện viết lại trường ca mà các anh ấy còn tặng thêm tiền cho anh…". Bây giờ thì tôi hiểu anh không chỉ có nỗi đau mất bản thảo những chương còn lại của tập trường ca về Trường Sơn. Anh mất nhiều hơn, bởi sau khi ra khỏi chiến tranh, anh đã "đi lạc giữa thời bình" như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nói. Vâng! Anh đã gặp những trống rỗng, những hoang mang vô định nào đó mà vì thế không đủ tâm thái để viết lại những câu thơ lửa cháy như năm xưa nữa…

Nhân có chuyện kể rằng nhà thơ Đỗ Trung Lai sau khi nhắn tin trên báo tìm trường ca Phạm Tiến Duật thì có một hôm anh Đỗ Trung Lai nhận được điện thoại của một người đàn ông lạ cho biết hiện giờ anh ta đương giữ bản thảo tập trường ca của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Người đầu dây ra giá: 10.000 USD. Mười ngàn đô la Mỹ? Nhẩm tính một hồi, rằng mười ngàn đô vị chi là gần một trăm tám chục triệu. Chao ôi! Giá thơ sao mà cao vời vợi. Nghĩ đi nghĩ lại, anh Đỗ Trung Lai đưa ra lời đồng ý nhưng với một đề nghị là người kia phải đọc cho anh qua điện thoại vài chương trong tập thơ chưa in ấy. Thất vọng thay, người đàn ông kia chỉ đọc được vài ba chương nhưng đó là những chương đã công bố trên báo và đã in trong một số tuyển tập thơ…

Vậy là phần còn lại bản thảo gốc của tập trường ca Những vùng rừng không dân đã không còn. Việc đi tìm lại bản thảo quý ấy của tôi coi như đã kết thúc trong tâm trạng nuối tiếc như bao người yêu thơ anh…

Hà Nội trước ngày giỗ hết nhà thơ Phạm Tiến Duật, 12/2009

Tân Linh
.
.