Để không còn những sự hồn nhiên chết người

Thứ Hai, 23/03/2020, 10:46
Khoái trá với việc làm này, cô gái sau đó đã livestream trên facebook cá nhân của mình để thực hiện cái việc gọi là "chia sẻ bí quyết khai báo không trung thực", trong đó nhấn mạnh: "Những người không thông minh là những người bị cách ly. Còn những người thông minh như em thì đâu có bị cách ly đâu. Phụ nữ phải sống bằng cái não".

Kính gửi Tòa soạn Báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Câu chuyện diễn ra từ cuối tháng 2, nhưng vẫn để lại trong tôi nhiều suy nghĩ: Đó là câu chuyện của một cô gái ở Bình Dương trở về sân bay Tân Sơn Nhất từ thành phố Daegu - tâm dịch COVID-19 của Hàn Quốc. Chắc chắn là quý báo cũng biết rằng cô này đã khai báo không trung thực khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay, và qua đó đã không bị cách ly như những trường hợp khác.

Khoái trá với việc làm này, cô gái sau đó đã livestream trên facebook cá nhân của mình để thực hiện cái việc gọi là "chia sẻ bí quyết khai báo không trung thực", trong đó nhấn mạnh: "Những người không thông minh là những người bị cách ly. Còn những người thông minh như em thì đâu có bị cách ly đâu. Phụ nữ phải sống bằng cái não".

Thưa quý báo, câu chuyện của cô gái này đã được cộng đồng mạng và nhiều tờ báo phân tích, mổ xẻ dưới nhiều khía cạnh khác nhau, và khi đọc những phân tích đó tôi hoàn toàn thỏa mãn. Do vậy, điều mà tôi muốn đề cập ở đây không phải là chuyện cô gái đó hành động đúng hay sai, mà là có phải rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta bây giờ đang vô tư thể hiện những sự hồn nhiên chết người của mình không?

Và có phải mạng xã hội, ở một góc độ nào đó đã dễ dàng gọi ra những biểu hiện "hồn nhiên chết người" ấy không? Tôi nghĩ rằng trong quá trình chúng ta đang cố gắng xác lập một xã hội pháp quyền, tức là mọi công dân phải ý thức rất rõ về việc phải sống và làm việc theo pháp luật thì những biểu hiện vô tư chết người như thế nhất định phải bị đẩy lùi. Nhưng có thể đẩy lùi bằng cách nào cho thật sự hiệu quả, đấy là điều mà tôi thắc mắc. Rất mong tòa soạn lắng nghe và phản hồi ý kiến nhỏ của tôi.

Xin chân thành cảm ơn tòa soạn!

Ngô Quốc Kỳ (Phú Thọ)

Kính gửi độc giả Ngô Quốc Kỳ.

Chúng tôi rất đồng cảm với cụm từ "hồn nhiên chết người" mà độc giả sử dụng trong câu chuyện của cô gái khai báo không trung thực để trốn cách ly nói riêng, và trong nhiều câu chuyện, nhiều hiện tượng khác trên mạng xã hội nói chung.

Thực ra trong câu chuyện của cô gái này, có ý kiến cho rằng chưa chắc đấy đã là sự "hồn nhiên", hoặc giả đấy là một sự "hồn nhiên có chủ đích", bởi "hồn nhiên" kiểu ấy thì rất dễ nổi tiếng, và với một bộ phận người trẻ nào đó thì chỉ cần nổi tiếng là đã thỏa mãn lắm rồi, bất chấp việc họ đã biết trước rằng biên giới giữa nổi tiếng và tai tiếng là rất mong manh.

Điều này đặc biệt đúng với một vài biểu hiện đây đó trong giới showbiz, khi hết người mẫu này chụp ảnh khỏa thân vì môi trường đến người mẫu khác chụp ảnh khỏa thân vì "sẵn sàng tận hiến" cho nghệ thuật. Trong quan điểm của riêng chúng tôi, với trường hợp cụ thể của cô gái người Bình Dương, thực sự là chúng tôi không đủ thông tin và cơ sở để kết luận rằng đấy là "hồn nhiên" vô tình hay "hồn nhiên" cố ý.

Nhưng có một khía cạnh chắc chắn rằng, dẫu là vô tình hay cố ý thì nó cũng đi ngược lại tinh thần của cộng đồng, trong bối cảnh mà cả cộng đồng đang gồng lên chống dịch. Và hậu quả của sự đi ngược đó là gì? Là hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phải nhắc đi nhắc lại một điều rằng, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Người nào có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, mang theo mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Nếu bị truy tố, tuỳ theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng. Tất cả những điều trên đây có nghĩa là gì? Có nghĩa là những biểu hiện "hồn nhiên chết người" có thể sẽ khiến chủ nhân của sự "hồn nhiên" phải trả những cái giá rất đắt.

Kính thưa độc giả, không riêng gì cô gái vô danh người Bình Dương trong câu chuyện về "trốn cách ly" ở sân bay Tân Sơn Nhất, quan sát mạng xã hội, chúng tôi chợt nhận ra rằng từng có những trường hợp mà ngay cả những người rất nổi tiếng cũng vô tư thể hiện sự hồn nhiên chết người của mình, hệt như cô gái ấy.

Sở dĩ chúng tôi phải lấy ví dụ về người nổi tiếng là để nhấn mạnh rằng với những người này nhu cầu "đi ngược số đông" - "nói ngược số đông" để nổi tiếng không tồn tại nữa. Họ đã thừa sự nổi tiếng để phải đi làm những điều như vậy. Cho nên sự "hồn nhiên" trong trường hợp này có lẽ là "hồn nhiên" thật sự, "hồn nhiên" 100%.

Không biết độc giả có chú ý không, cách đây chỉ vài tháng, một ca sĩ rất nổi tiếng đã viết một status trên trang Facebook có rất đông người theo dõi của mình rằng, anh ta sẵn sàng treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào sẵn sàng đến tát vào mặt một người đàn ông ở An Giang. Sở dĩ anh ta treo thưởng như vậy là vì ở thời điểm đó cộng đồng mạng xôn xao, bức xúc với một clip ghi lại cảnh một người đàn ông ở An Giang say rượu, và đã tát tới tấp vào mặt một đứa trẻ.

Xét về mặt cảm xúc thuần tuý, chúng tôi hiểu rằng, cũng giống như rất nhiều cư dân mạng khác, nam ca sĩ bức xúc với một hành vi bạo lực trẻ em. Sự bức xúc ấy là chính đáng, bởi đứng trước cái ác, chúng ta không bức xúc thì có lẽ chúng ta đã đánh mất đi những phần nhân văn sâu thẳm nhất vốn là thuộc tính của con người.

Tuy nhiên bức xúc đến mức sẵn sàng treo thưởng cho những người theo dõi facebook của mình 20 triệu đồng để họ đến "xử" người gây ra cái ác, mà nói theo ngôn ngữ dân gian là "thay trời hành đạo" thì lại đi quá đà rồi.

Bởi nếu ai cũng vì cảm xúc của mình mà sẵn sàng "thay trời hành đạo" theo kiểu ấy thì rồi chúng ta sẽ sống trong một xã hội vô pháp, đi ngược hoàn toàn tinh thần "pháp quyền" mà chúng ta đang gia sức tạo dựng nên. Các luật sư của nhiều trung tâm luật khác nhau đã phân tích rất rõ câu chuyện này, và cùng đi tới kết luận rằng, biểu hiện "treo thưởng" của nam ca sĩ nói trên cũng chính là biểu hiện kích động bạo lực, và biểu hiện đó hoàn toàn có thể bị xử lý theo pháp luật.

Cụ thể, nếu ai đó nghe theo lời treo thưởng của nam ca sĩ để đến hành hung người đàn ông ở An Giang thì sẽ bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc Làm nhục người khác; và người đăng tải nội dung treo thưởng trên facebook của nam ca sĩ cũng sẽ bị nhìn nhận, xét xử như một đồng phạm với tội danh tương ứng.

Có lẽ nhận thức rõ những lời treo thưởng có biểu hiện phạm pháp của mình mà nam ca sĩ sau đó đã xóa status, nhưng đây rõ ràng là một bài học lớn cho một biểu hiện "hồn nhiên chết người", trong những khoảnh khắc hành xử theo cảm xúc, và rất thiếu suy xét của anh.

Thưa độc giả, một cô gái vô danh và một nam ca sĩ vang danh đều đã có những biểu hiện hồn nhiên chết người như vậy đấy. Chúng tôi đồng tình với độc giả rằng mạng xã hội là một công cụ để con người hiện đại dễ dàng bày tỏ ý kiến/quan điểm của mình hơn, và vì thế nó cũng vô tình gọi ra/lôi ra những sự hồn nhiên chết người của chúng ta hơn.

Vậy phải làm gì để tiêu diệt những sự hồn nhiên chết người như thế? Theo chúng tôi, cái gốc sâu xa vẫn là giáo dục, từ giáo dục trường lớp đến giáo dục gia đình, để ý thức pháp luật của mỗi cá nhân được nâng cao.

Song song với đó, ý thức về mạng xã hội của mỗi một người tham gia mạng xã hội cũng cần phải được thay đổi theo chiều hướng cẩn trọng hơn, nghiêm túc hơn và có trách nhiệm hơn. Đừng nghĩ đơn giản nói trên mạng xã hội là "nói chơi", nên không ảnh hưởng gì. Đừng nghĩ đơn giản phát ngôn trên mạng xã hội là có thể vô tư lôi ra cả những phần tinh anh nhất lẫn những phần hồn nhiên, hoang dại nhất của con người mình.

Mạng xã hội là ảo, nhưng tác động của nó là thật. Do vậy mọi sự hồn nhiên chết người trên mạng xã hội hoàn toàn có thể khiến người ta phải trả giá và hối hận.

Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.