Cuối năm, xứ Mỹ

Thứ Sáu, 19/02/2016, 10:18
Sáng, bạn gọi điện thoại hỏi “Cuối năm rồi, ở bển thế nào? Bên này mọi người đang nôn nao chờ hết năm”. Cười thầm, không biết tự hồi nào, cái từ “ở bển” với bạn nghe thân thương và gần gũi như thế, bên bển, bên này, bên ni, bên nớ.

Nghe thấy hai đầu không xa lắm, như hai người cầm hai múi dây, cứ vừa kéo vừa thu vào, có khi gặp nhau ở giữa. Rồi ngẩn người ra. Bạn bảo cuối năm rồi. Trả lời bạn “Cuối năm gì nữa, qua năm mới rồi còn gì”. Bạn cười khúc khích có pha chút giễu cợt và trách móc: “Trời ơi tui nói năm Âm lịch mà”.

Mỗi cuối năm đếm nhẩm xem mình đã sống ở “bển” được bao lâu rồi. Năm này nữa là 36 năm. Thời gian chạy kiểu gì mà nhanh quá. Cứ cuối năm, đếm chưa xong là qua đầu năm. Rồi lại cuối năm. Rồi thời niên thiếu và tuổi trẻ tự nhiên bị xếp vô  “dòng thời gian”. Khi người ta có đủ tư liệu cuộc đời hỉ, nộ, ái, ố để gom thành dòng thời gian, là họ không còn trẻ nữa. Mà thôi kệ, những u buồn của người không còn trẻ nữa vẫn được gọi một cách trân trọng là kinh nghiệm. Kinh nghiệm càng nhiều thì thanh xuân càng ít đi.

1. Bạn hỏi: “Có lau dọn sơn phết nhà cửa lại chưa”. Năm nay lật bật quá bạn không kịp kêu thợ sơn nhà thì họ đã về quê chuẩn bị ăn Tết gần hết rồi. Thế là năm nay bạn không có nhà mới ăn Tết.

Buổi chiều đi lững thững một vòng trong nhà. Có gì đâu mà cần sơn phết. Nhà ở đây không mau cũ, khu nhà ở không nằm chung với khu phố kinh doanh, nhà nào cũng có cây cối, chút sân vườn, xe cộ đâu có chạy rầm rầm ngay trước mặt nhà thổi khói phun bụi vô nhà. Gần tết, cũng bê hết những đồ vật trên bàn thờ ông bà xuống, lau chùi, dọn sạch nhang khói. Việc này làm chừng 30 phút là xong. 

Ở đây nhiều lễ lớn vào dịp cuối năm quá. Trước lễ Tạ ơn là đã lo dọn sạch nhà, gia đình tụ tập đông đủ nhất vào dịp này. Gần một tháng sau là Noel. Lại dọn dẹp để trang trí mùa Giáng sinh. Rồi một tuần sau là tết tây. Hơn 1 tháng sau nữa là tết mình. Ăn xong mấy cái lễ, tết là chóng mặt nhức đầu vì tăng cân và tăng xông.

Nhưng mà vẫn dọn, vì mẹ nói dọn nhà để đón ông bà về ăn tết với mình. Ông bà chỉ ăn tết ta chứ có ăn tết tây đâu. Nhớ thằng con út, mỗi lần làm mâm cơm cúng ông bà, hay dặn con là không được đụng vào, không được bóc nếm, làm thế sẽ bị ông bà phạt. Hồi nhỏ nó sợ một phép. Nhưng năm ngoái thằng con tâm sự, Mẹ à con biết ông bà không hề về ăn. Hỏi sao con nói thế, nó bảo, con bóc nếm thử chả thấy ai phạt gì cả.

Ở đây cuối năm trong hộp thư hay nhận được những mẩu quảng cáo khuyến mãi các công trình sửa chữa, sơn phết nhà cửa, lợp mái ngói, thay cửa sổ, chả phải vì đầu năm phải tươm tất nhà cửa đón ông bà đâu, chỉ là vì đầu năm ai cũng chuẩn bị khai thuế, có cần tiêu tốn tiền gì cũng làm trước đó, hy vọng sẽ khấu trừ được vào những khoản thuế phải nộp thôi. Nghĩ cũng ngộ thật, người phương Tây họ luôn quan niệm ông bà cha mẹ khi chết đi là... hết. Họ chỉ lưu giữ hình ảnh và kỷ niệm của người đã mất trong tim họ, trong tâm họ. Người chết, với họ, không bao giờ quay về để... ăn.

Bạn khoe đã đặt được mấy ký măng khô ngon, đã có chương trình tụ họp gia đình gói bánh chưng bánh tét. Sẽ có đánh bài cào bài xì dách thức đêm canh nồi bánh. Có nhậu nhẹt đàn ca hát xướng.

Vụ này thì thua bạn xa lắc luôn. Hồi mới qua, mẹ cũng còn thích gói bánh, nấu bánh. Ba mua gỗ đóng cho mấy cái khuôn bánh chưng vuông vức. Nấu nồi bánh chưng mười mấy tiếng đồng hồ, tốn biết bao nhiêu tiền gas. Mà có ăn đâu cho hết, toàn đi biếu bạn bè, bà con bên này cũng không có ai.

Được vài năm thì ngán ngẩm quá, bèn gửi nhà bạn bè nấu giùm. Gửi là người mang thịt thà, người mang đậu mang lá, người mang nếp mang khuôn, một nhà xung phong làm “chủ hụi”, gói và nấu. Sau đó mang phân phát cho các nhà có đóng góp. Cũng được chừng chục năm thôi. Thế hệ ba mẹ già đi, thế hệ con cái lớn lên lại không cảm thấy việc làm ấy có gì là hứng thú cả. Ai cũng ăn kiêng sợ tinh bột. Thôi cuối năm ra tiệm mua về một cặp bánh chưng bày bàn thờ. Nhang khói ông bà xong mang xuống xắt miếng chiên giòn cho mấy đứa nhỏ ăn. Không ai cực nhọc mệt mỏi nên ai ăn cũng thấy ngon miệng.

Nhưng vụ đánh bài và đàn ca hát xướng, có khi bên này lại hơn bên đó. Ở đây, cuối tuần bạn bè thân thường gặp nhau ở một nhà quen, chủ nhà có hẳn một căn phòng cách âm đặc biệt dành để mọi người tụ tập vui chơi, ăn uống xong thường là ca hát, có ban nhạc sống hẳn hoi, piano, đàn, trống và sân khấu. Dịp cuối năm có thêm phần dạ tiệc và dạ vũ. Cũng có gầy sòng đánh bài lấy hên. Rồi bạn bè mừng tuổi nhau, hát với nhau bài Ly rượu mừng, mừng năm mới sắp đến. Không khí y như những buổi party gia đình trước 1975 ở Sài Gòn.

2. Bạn than tết năm nào cũng làm hùng hục mệt quá. Cuối năm chạy show công ty gần đứt hơi, đầu năm nghĩ đến chuyện đón tiếp khách khứa ngán quá. Bạn hí hửng nói năm nay cả nhà lên lịch đi chơi xa, để thư giãn. Nghe bạn kể cũng thấm mệt. May quá, bên này không phải tiếp đón ai cả. 

Tác giả Lê Phương Thảo tại Mỹ.

Cuối năm mọi người đã lo quà cáp gửi đến biếu gia đình bà con và bạn bè thân thuộc hết cả rồi. Bà bạn neo đơn của mẹ năm nào cũng được bạn bè biếu bánh trái, mứt, hạt dưa. Mẹ thường biếu bạn bè cặp dưa hấu đẹp. Một cô bạn khác của mẹ thường biếu các lọ củ kiệu, hành ngâm thật đẹp mắt. Họ cứ biếu qua biếu lại như thế vào cái cuối tuần ngay trước Tết. Ở đây làm gì cũng chờ cuối tuần. Cuối tuần giống như… lễ. Họ tổ chức ăn uống vào cuối tuần ấy. Rủ nhau đi chợ Tết cũng vào cuối tuần đấy. Riết rồi Tết giống như lọt vào cái cuối tuần của cuối năm, chứ không phải những ngày đầu năm nữa. Vì những ngày đầu năm ai cũng bận đi làm, trẻ con bận đến trường. 

Cũng chẳng ai có thể tổ chức đi chơi thư giãn vào dịp này được cả, vừa mới nghĩ một lèo nhiều ngày của các dịp lễ cuối năm. Bên này đầu năm công việc ai cũng bận rộn kinh khủng. Năm này qua năm khác, bây giờ hỏi ở “bển” ăn tết ra sao, cũng thiệt khó trả lời. Mọi thứ đều theo thuận tiện mà nên, chứ không thể áp đặt vào những gì mặc định từ xưa nữa.

Bởi vậy, có khi nói chuyện với bạn, cùng màu da, tiếng nói, lịch sử, vậy mà đứa nói đông người nói tây, nói chuyện xong hai đứa có lúc thở dài, thôi kệ biết sao bây giờ. Nhập gia thì tuỳ tục, nói qua nói lại nhiều chi cho lục đục mất vui.

3. Cứ qua khỏi Noel, dẹp hết những chậu trạng nguyên đỏ đi là mẹ mua những chậu cúc đại đóa  về đặt vào các góc nhà. Màu vàng tươi rực rỡ mỗi buổi chiều khi nắng lướt qua. Căn phòng tươi tắn và vui hẳn lên. Mấy đứa nhỏ đã quen, bọn nó không biết lúc nào là tết đâu. Nhưng cứ thấy hoa cúc là biết sắp tết. Các phong bao lì xì được cắm xen vào với hoa.

Và nhạc xuân sẽ được mở lên mỗi ngày. Những bản nhạc của một thời xưa cũ. Và bọn nó tuy năm nào cũng nghe giải thích, nhưng năm nào cũng phải hỏi việc sao mùa đông rồi mà mẹ cứ nói là xuân về. Chả biết phải nói thế nào để mấy đứa con hiểu, xuân ở đây, lúc này, chẳng phải là mùa xuân, mà là niềm vui. 

Giống như chiều qua lạnh ngắt, trùm áo đóng khăn mang găng tay đi bộ một vòng trong xóm. Những bụi cây, bụi cỏ xanh một màu khô khốc, đọt cỏ ngả vàng nâu, tự nhiên thấy những bụi thuỷ tiên nhú hoa lên vì tuần vừa qua tự dưng trời ấm quá, cây cỏ cũng bị gạ gẫm nghĩ rằng đã đến lúc nở hoa. Vậy mà mừng mừng cũng muốn rưng rưng, niềm vui là như thế. Là một thứ gì mang lại cho người ta ấm áp hy vọng trong lúc họ không hề mong đợi. Như được ăn một quả ngon trái mùa.

Nói với bạn như thế, bà đâu có được như tui, cuối năm đầu năm tết nhất gì với bà là bình thường, vì sẽ không có gì bất thường xảy ra, niềm vui của bà cứ đến hẹn lại lên thôi. Còn niềm vui của tui mới thật sự là vui. Những ngày đông lạnh lẽo lại ăn những món của mùa xuân, trùm chăn dầy nghe Hoa cỏ mùa xuân mới thật là tuyệt diệu.

Bạn cười ha hả trong phone, bảo, bà thiệt là lẩm cẩm.

Rồi bạn lại hỏi “Cuối năm rồi, ở bển thế nào?”.

Ừ, cuối năm rồi. Mọi thứ xếp lại để qua năm mới ai cũng hy vọng mọi việc sẽ khác đi, sẽ may mắn hơn, sẽ hạnh phúc hơn, sẽ vui vẻ hơn, sẽ khoẻ mạnh hơn, sẽ bình yên hơn. Đâu đây nghe giọng thằng con hỏi “Ơ mà sao năm nào cũng nghe Mẹ hy vọng như thế hết vậy?”.

Hóa ra niềm hy vọng của người ta cũng cứ đến hẹn lại lên, ở đông ở tây gì cũng thế.

Lê Phương Thảo
.
.