Cùng Kim Lân về làng Phù Lưu

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:11
Trên mặt đất có bao nhiêu đường, một đời người đã đi trên bao con đường, nào ai đếm xuể. Một số người ưu tú, tên được đặt cho những đường phố và đó không chỉ là cách duy nhất họ được nhớ sau khi chết. Mùa hè 2015, tròn 8 năm nhà văn Kim Lân từ trần (1920 - 2007), tôi như lại gặp ông đi trên con đường mang tên mình ở TP Bắc Ninh.

Thực ra chẳng phải từ mùa hè này, Kim Lân đã “đi” trên phố mang tên ông từ mùa đông năm 2014. Đấy là kỷ niệm mãi mãi không quên của tôi. Hôm ấy, sáng thứ bảy ngày 22/11/2014, vợ chồng tôi lên ôtô về Bắc Ninh. Hai ôtô 24 chỗ, 1 ôtô 7 chỗ và nửa tá taxi chở văn nghệ sĩ, nhà báo được họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái cả của nhà văn cùng các em thuê để đưa bạn bè vong niên của ông, con cháu ruột, người yêu mến đến với ông trên quê hương Kinh Bắc.

Hoàng Cầm (1922 - 2010), người bạn, đồng hương của Kim Lân có tập thơ nổi tiếng Về Kinh Bắc (1960). Kinh Bắc - nơi hội tụ tinh hoa châu thổ đồng bằng Bắc bộ, của nền văn minh sông Hồng, quê hương thuỷ tổ người Việt: Kinh Dương Vương - Luy Lâu ở huyện Thuận Thành, nơi có giống gà Hồ, tranh Đông Hồ nức tiếng ấy cũng là quê Hoàng Cầm. Vì thế, không thể nói “đi”, “lên” mà phải là “về” Kinh Bắc, xu hướng cao độ hay chiều địa lý hay của những người quê ở đây và của con dân đất Việt.

Với riêng tôi, về Kinh Bắc còn là về quê bà nội tôi, người con gái đẹp của dòng họ Chu, một trong 3 dòng họ lớn của làng Phù Lưu - chợ Giầu, làng nổi tiếng nhất phủ Từ Sơn lẫn tỉnh Bắc Ninh bởi sầm uất về kinh tế và nhân tài. Càng không thể quên chuyến đi ấy vì đó là cuộc đi sau chót trước khi tôi ở cữ. Mang thai tháng cuối đi lại nặng nề, thậm chí nguy hiểm, tôi vẫn về với Kim Lân bởi quý trọng văn cách của ông và tự nhận đấy là bổn phận của người có dòng máu Phù Lưu, tự hào về một người con thành đạt của làng.

Ba ngày sau, chiều 25/11/2014, tôi sinh con đầu lòng. Chuyến về với Kim Lân ấy có con tôi đồng hành. Tình cảm ấm áp ấy của mọi người còn bởi sự trân trọng, thịnh tình của những người con Kim Lân, nhất là Nguyễn Thị Hiền, một tấm gương hiếu thảo đặc biệt. Nhà tôi có nhiều điểm gắn bó với gia đình nhà văn. Bố tôi (NSƯT Vi Hòa) học cùng lớp quay phim khóa 6 (1972 - 1976) Trường Điện ảnh Việt Nam cùng NSƯT Nguyễn Lê Văn - con trai NSND Nguyễn Đăng Bảy (Bảy Hổ), anh vợ Kim Lân. 

Ông Bảy Hổ biết ông ngoại của bố và bà ngoại tôi từ trẻ, đã chụp ảnh bà tôi. Chú út tôi (Họa sĩ Vi Kiến Thành) là bạn học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh cùng cô Hoàng Hạnh Đào (con gái nhà văn Hoàng Công Khanh) - con dâu út của nhà văn Kim Lân.

Rất hiếm khi lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ cùng hội tụ đông đến thế. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán bấm máy mỏi tay, hàng ngàn bức ảnh được ghi lại bởi các iPhone, iPad cá nhân của khách dự; chưa kể máy quay và máy ảnh của đại gia đình Kim Lân. Hàng trăm người từ Hà Nội nô nức về Bắc Ninh chung vui. Họa sĩ Quách Đông Phương còn tự phóng xe máy về. Điểm danh những gương mặt uy tín của nền văn nghệ Việt Nam về với Kim Lân, càng hiểu ông đã sống thế nào và để lại những gì.

Lĩnh vực điện ảnh, có vợ chồng đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân - NSƯT Phạm Nhuệ Giang, nhà quay phim - NSND Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn phim hoạt hình NSND Phạm Minh Trí, đạo diễn NSƯT Phạm Việt Thanh, NSƯT Minh Châu. Giới văn chương có: dịch giả Hoàng Thuý Toàn, Dương Tường; các nhà văn: Nguyễn Xuân Khánh, Trung Trung Đỉnh, Ngô Thảo; các nhà thơ: Trần Nhương, Trần Ninh Hồ, Y Phương, Nguyễn Thụỵ Kha, Vi Thuỳ Linh, Bình Nguyên Trang; nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Giới sân khấu, mỹ thuật: NSND Lê Khanh, PGS. Họa sĩ Trần Huy Oánh, Lê Vinh, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Lê Đức Biết, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Nguyễn Vũ - Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương. Hiện diện một đội nhà báo của báo Tiền Phong, nơi con trai út của nhà văn - Nguyễn Việt Tuấn là họa sĩ trình bày. Đó là nhà báo - dịch giả Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong và cây bút cự phách Trịnh Xuân Ba. 

Các văn nghệ sĩ, trí thức cùng chụp hình lưu niệm nơi biển tên phố Kim Lân (tác giả ngoài cùng bên phải).

Nhà phê bình - TS Văn học Lê Thị Bích Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo TW luôn có mặt trong các sự kiện gắn với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà báo Đỗ Quang Hạnh. Còn có hai con của hai nhà văn thân thiết với Kim Lân từ thuở đầu đời cầm bút đến suốt cuộc đời: Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng), Nguyễn Thị Nhã Nam (con gái nhà văn Nguyên Hồng). Tấp nập phóng viên: nhà báo Nguyễn Bá Sinh, Tổng Biên tập báo Bắc Ninh, Đài PT&TH Bắc Ninh, Đài TH Hà Nội, Đài TH KTS VTC, ANTV, TTXVN.

Theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, tên nhà văn Kim Lân đã được đặt cho một con phố của TP Bắc Ninh. Nhà văn vốn lặng lẽ, ưa sự yên tĩnh nhưng ngày hôm ấy, 22/11/2014 chắc chắn ông chẳng phiền vì sự hân hoan, rộn rã, náo nức ấy. Tôi còn nghe như thấy tiếng ông cười hồn hậu và đôi mắt nhân từ ánh lên niềm vui. Tiếng cười ấy an ủi tôi chiều 20/7/2007 tại Paris, lúc tôi khóc khi được tin ông mất.

Bắc Ninh được coi là thành phố nhỏ nhất ở Việt Nam, nhưng được bao quanh bởi những làng quan họ - loại hình dân ca tình tứ và giàu chất văn học nhất trong hệ thống dân ca Việt Nam mà hình thức diễn xướng thật trữ tình, lời ca đẹp như thơ lại sâu sắc. Kim Lân say mê quan họ và đã góp phần duy trì, tôn vinh linh hồn quê hương. Ông nhận Thuý Hường là con nuôi. Thuý Hường là giọng ca trụ cột và là NSND duy nhất của tỉnh, lại là Trưởng khoa Quan họ của Trường Văn hoá - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh.

Trên phố Kim Lân, lại được nghe NSƯT Thuý Cải áo mớ ba mớ bảy cùng Thuý Hường, Khánh Hạ, Hải Xuân... hát chay quan họ cổ. Giữa thời kỳ đô thị hoá xô bồ thì phố Kim Lân yên tĩnh nằm bên công viên nhỏ rợp cây xanh thơ lãng. Phố ít nhà dân, toàn cây xanh, cỏ mượt, Kim Lân thật may mắn vì sang thế giới bên kia vẫn tránh được sự ồn ã bát nháo như lúc sinh thời. Nguyễn Huy Thắng có biên soạn cuốn Kim Lân - ẩn sĩ giữa làng văn, nhưng Kim Lân đâu tách biệt mình. 

Sống ở thủ đô hơn nửa thế kỷ trong ngôi nhà số 6, ngõ Hạ Hồi, trên phố Quang Trung, mảnh vườn nhỏ của ông là thế giới hoa, chim, cây cảnh. Nhiều lớp nghệ sĩ đã đến với ông ở đấy. Ông là người thầy đầu tiên, truyền cho các con niềm say mê đọc sách. Chính mối quan hệ với các tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX là nền tảng quan trọng, bước đà giúp các con ông thuận lợi vào đời qua sự học hỏi, được gần gũi các bác họa sĩ bậc thầy. Ông viết ít nhưng có tác phẩm để đời.

Tên tuổi Kim Lân sáng bền hơn bởi sự thành đạt của các con. Đàn con ông 7 người thì có 5 họa sĩ, trong đó nổi bật nhất là Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Thành Chương, được giải thưởng quốc tế từ khi còn nhỏ, tài năng đạt độ thần đồng và sức sáng tạo của họ vẫn nở rộ khi tuổi U70. Người gần gũi chăm lo cho cha mẹ nhất, gìn giữ tư liệu về cha một cách ý thức sâu sắc từ thời trẻ làm nhà lưu niệm cho cha để gìn giữ mọi kỷ vật, được cha tin cậy nhất chính là người con gái cả hiếu thảo, đầy hy sinh cho các em - Nguyễn Thị Hiền. Đàn con của ông tóc hơi quăn, có tiếng cười giống nhau, giống cha, ngón tay cái uốn cong và đều mê quan họ. 

Riêng Nguyễn Thị Hiền được bố yêu nhất nên bố “truyền” cho cả bệnh hen suyễn lẫn huyết áp thấp. Tôi vẫn nhớ tối 21/10/2005, tôi là nhà thơ đầu tiên được Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace mời làm đêm thơ riêng - Hành trình tình yêu. Nhà văn Kim Lân đến dự, nhưng ông phải đứng dậy giữa chừng, nhờ nhà văn Lê Lựu đưa về, vì hội trường đông nghẹt, ông khó thở.

Những người gần gũi với Kim Lân biết trong ngôi nhà chật chội của ông (vốn là tầng trệt của toà nhà Pháp), rất nhiều sách và đồ cổ ông gom nhặt cả đời. Nhưng theo tôi, tài sản lớn của ông là con. Ông từng dạy các con dù thành đạt hay không thì vẫn phải làm người tử tế. Ông nhiều bạn, chơi được với những lứa trẻ hơn, thậm chí cách vài thế hệ bởi trong thân hình gày gò mảnh khảnh ấy là trái tim bác ái, tư duy hiện đại dù rất coi trọng nề nếp truyền thống, rất chịu xem, nghe và tải được đám trẻ, những cá tính mạnh, khác biệt của đời sống và sáng tạo. Tôi vẫn nhớ nụ cười hóm hỉnh của ông qua điện thoại khi nói chuyện với tôi rằng ông đã đọc xong tập thơ tình của Linh và khen nó.

Công chúng trong và ngoài nước hầu như ai cũng biết Kim Lân. Ông là nhà văn có dấu ấn đặc sắc với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam ở mảng diễn xuất. Đấy là sự cống hiến cần ghi nhận sòng phẳng. 

Nhận ủy quyền của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, khi khai lại lý lịch nghệ thuật cho nhà văn Kim Lân để in Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam phát hành dịp Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam tháng 7/2015, tôi không quên đưa vào những vai diễn đáng nhớ của Kim Lân trong phim nhựa: Lý Cựu - phim Chị Dậu (1980), Pụ Pạng - phim Vợ chồng A Phủ (1961), Cụ Lang Tâm - phim Hà Nội 12 ngày đêm (2002). Đấy là một thành tựu không được phép quên. Chỉ riêng vai lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (Đạo diễn: NSND Phạm Văn Khoa) đã khiến hình ảnh Kim Lân sống trong lòng khán giả và xứng đáng là hội viên danh dự của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Lần cuối về làng, nhà văn đi cùng các con. Ông vốn có gương mặt khắc khổ lại càng buồn hơn khi ngồi trên xà gồ đổ nát của ngôi nhà năm xưa đã sống. Về làng mà chẳng còn nhà, mấy người cháu họ ở hết những phần đất của ông, dù ông là con trai duy nhất của bố mẹ. Ông chịu thiệt thòi và cũng không muốn các con mình đòi lại quyền sở hữu chính đáng.

Kim Lân yêu làng, thông thạo các thú chơi, phong tục song ông không bị lệ làng, sự quẩn quanh sau lũy tre làng bó hẹp. Chẳng phải do làng Phù Lưu Văn Minh chỉ cách Hà Nội 17km mà bởi vì ông biết cách yêu làng. Viết những dòng văn tài hoa về làng, về những thú chơi lâu đời, mỹ tục Kinh Bắc, ông trao truyền cho các con con đường hội họa ông yêu thích mà không theo được. Từ thiếu niên ông đã mê diễn kịch, tuồng, chèo, lớn lên Nguyễn Văn Tài lấy vợ Nguyễn Thị Tám người cùng làng.

Trước khi thành nhà văn Kim Lân, chàng trai Tài từng là thợ vẽ tranh sơn mài trong xưởng vẽ của Nguyễn Gia Trí ở Hà Nội. Yêu làng, đâu chỉ ngợi ca mà phải làm cho sức sống của làng, quê hương Kinh Bắc rạng danh bằng tâm huyết dồn vào các con mình.

Văn hào Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất lúc đầu làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường mà thôi”. Từ con đường làng Phù Lưu đá xanh duy nhất Việt Nam còn lại đến giờ, mỗi phiến đá xanh là một album ảnh lưu giữ bao gương mặt, dấu chân của những người con sinh ra từ đây. Từ đường làng ấy, những đứa con của làng trưởng thành toả đi muôn ngả đường đời. Không phải ai hiển hách đều được đặt tên đường, cũng có con đường của riêng mình.

Nhưng con đường của nhân văn, nghệ thuật và cái đẹp thì dù ở nơi nào, châu lục nào cũng đến với nhau, đi tận cùng mình sẽ đến được với mọi người. Kim Lân đã đi con đường văn chương thanh cao, nhân văn; đã đi những con đường của tình yêu thương trọn đời; đã đi suốt trên quê hương mình dù sống ở đâu dù về cõi khác. Ngày 22/7/2015 (tức 7-6 âm lịch) là giỗ ông lần thứ 8.

Kim Lân vẫn sống không chỉ ở tác phẩm đưa vào sách giáo khoa, vào các đề thi phổ thông và thi vào đại học, đề tài luận văn cử nhân, thạc sĩ... mà trong sự nhắc nhớ của những người thân, đồng nghiệp, bạn bè, độc giả, cả những người sang trọng đến dân lao động lam lũ nhất đi trên phố Kim Lân.

Vi Thùy Linh
.
.