Còn trong thương nhớ

Thứ Tư, 15/03/2017, 09:30
Tôi ngồi trong quán cà phê nhỏ này, uống một ly tháng Ba. Chẳng buồn chống lại mình một mảy may, tôi tự thả trôi mình vào một miền giá lạnh. Giá lạnh lắm, chứ không phải cái rét hờ sợt nhẹ qua da của thời tiết ẩm ương năm này.

Tháng Ba lạnh từ ký ức lạnh về, ẩm buồn như bài hát từ chiếc đài quay băng cũ kỹ. Những giá lạnh đủ sâu sắc để thương nhớ một đoạn đời đã trôi qua không bao giờ trở lại…

Làng từ bao giờ đã có quán cà phê. Nó không đủ lớn như những quán ngập ánh đèn, phòng điều hòa máy lạnh ở thành phố. Nó là cái quán chạng vạng, tường vách xanh đỏ, lửng lơ mấy chùm hoa giả đủ sắc màu treo trang trí. Thỉnh thoảng về thăm mẹ, tôi ghé quán ngồi. Cà phê không ngon, và giọng em gái bán cà phê nửa quê tôi nửa quê người.

Có lần nghe em kể, em lưu lạc tận Sài Gòn học nghề sửa móng tay móng chân, nghề cắt tóc gội đầu, rồi khó sống vì Sài Gòn đắt đỏ, em về nhà mở cái quán bé xíu này. Tóc em thường nhuộm màu vàng chói gắt. Quần bò rách gối áo phông đúng xu hướng thành thị. Em thường thở ngắn than dài kiếm người yêu sao quá khó. Khách vào quán em thường là những anh thợ mộc ở xưởng đóng tàu bên cạnh. Rồi đám trai làng đi làm ăn xa thỉnh thoảng về quê ghé uống.

Rồi có cả đám học trò cấp 3 choai choai ngày ngày đạp xe đi học qua vào uống cà phê ngắm cô chủ. Em nói, bán cà phê tích cóp được kha khá tiền một chút, em lại ra thành phố. Ngoài sự đắt đỏ ra thì em thích nhiều thứ ở thành phố lắm, nhất là sự giải trí. Thành phố có nhiều trò vui.

Tháng Ba mà vẫn chẳng kiếm đâu ra một ngày đủ rét mướt. Mưa phùn trốn biệt phương trời nào. Tôi, một kẻ nghiện ký ức ngồi trong nắng tháng Ba, uống thứ cà phê không rõ mùi vị. 

Tôi uống một Tháng Ba quê nhà, dầu cho quê nhà hôm nay đã khác, và tôi hôm nay đã khác. Tôi uống một nỗi gì rất buồn trong em gái tóc vàng bán cà phê tuổi 20 kia. Em đã khao khát một cuộc đổi đời, một cuộc vượt thoát, một cuộc rời xa, rồi em lại về ngồi đây, mỗi ngày chế nước đun sôi vào những chiếc cốc đã đổ sẵn cà phê hòa tan trong đó. Em bán cà phê cho những vị khách không đòi hỏi. Đối với họ, mọi thứ cà phê đều như nhau.

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Tôi thường không có đủ thời gian để ngồi lâu. Một người đàn bà tuổi 40 thường xuyên cảm thấy mình không có đủ thời gian cho mọi việc. Nháo nhào những cuộc đi về, nháo nhào những lo toan. Tôi đã xé vụn đời sống mình cho trăm ngàn thứ. Và lúc nào cũng khổ sở với ý nghĩ thiếu chu toàn.

Mỗi khi có thể đi hàng trăm cây số, tôi về gặp mẹ, rồi thường dành một khoảng nhỏ thời gian ngồi trò chuyện một mình ở cái quán này. Tôi uống. Không có mùi cà phê trong ly của tôi, mà toàn mùi của ký ức. Tôi trò chuyện với em gái tóc vàng, nhưng có thể em không đã không biết về cuộc trò chuyện đó. Có lần, nước mắt tôi đã rơi, mà tôi không hay.

Em gái tóc vàng thường ngồi dựa lưng vào cánh cửa, mắt không rời màn hình chiếc điện thoại. Đó cũng là hình ảnh cố định ở đâu tôi chẳng gặp. Thỉnh thoảng em mỉm cười, tôi đoán là có một bình luận thú vị gì đó từ trên facebook của em. Nhưng tôi luôn thấy em buồn. Tôi thấy một tuổi trẻ buồn, một thế hệ buồn. Đằng sau mái tóc vàng của em là tiếng thở dài. Một niềm tuyệt vọng mà tuổi thanh xuân ai chẳng có lần từng cảm nhận.

Tôi trò chuyện với em về con đường nhỏ trước cái quán nhỏ của em. Nó là con đường dẫn đến cánh đồng xanh bao la khi tôi còn nhỏ. Con đường của cỏ mềm đẫm sương mỗi sớm ban mai. Con đường hoa sài đất mọc như ngàn vì sao rớt xuống từ bầu trời đêm trước. Con đường Tháng Ba sình lầy bùn đất, và đứa trẻ là tôi đã nhiều lần ngã vì trơn trượt. Cái lạnh dường như còn nằm đâu đó trong kẽ ngón chân tôi, dù con đường đã biến mất, cánh đồng cũng gần như biến mất.

Tôi trò chuyện với em về cây hoa gạo. Nó nằm giữa con đường đã mất. Nó là cây cổ thụ nằm lẻ loi giữa cánh đồng. Nó là cái cây kiêu hãnh nhất trong ký ức tôi, trong tuổi thơ tôi. Nó đã đứng một mình trên con đường nhỏ đó từ khi cụ tôi còn sống, từ khi bà tôi còn nhỏ, từ khi mẹ tôi được sinh ra, và đến lúc tôi có mặt trên đời. 

Mỗi tháng ba về nó điểm màu rực rỡ trên cánh đồng. Sắc đỏ của nó thêm bừng lên trong ngày nắng. Vào ngày mưa phùn giá lạnh, cũng sắc đỏ của nó, sưởi ấm cảm xúc của tôi buổi đi học về. Người làng thường dặn bọn trẻ con đừng đến ngồi giữa trưa dưới gốc cây hoa gạo, vì sợ con ma bắt.

Trong cây gạo có ma. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy ma trong cây gạo. Tôi vẫn thường ngồi dưới gốc của nó, ngửa cổ đếm hoa. Vào những ngày mưa phùn lạnh buốt, gió thổi từ cánh đồng về, hoa rơi lả tả trên con đường bùn đất. Những bông hoa nằm như đang thở. Chúng nói với tôi về sự tàn lụi của cái đẹp, dù tôi đâu đã cảm nhận được gì nhiều. Nhưng bởi vì tôi đã luôn mở trái tim mình, nên tiếng nói của hoa cũng ít nhiều đập vào tôi. Nhìn hoa rơi lòng tôi đã biết nhói đau từ buổi ấy.

Tôi trò chuyện với em về những người thân yêu của tôi đã khuất nẻo chân trời. Về ông ngoại tôi, người đã một đời cày cuốc trên cánh đồng. Tháng Ba lúa xanh mượt thời thiếu nữ. Tôi cùng ông men theo những bờ ruộng, bứt ngọn đòng đòng ngậm sương, rồi đưa lên miệng nhấm nháp. Mùi hương dịu dàng từ đọt lúa non thấm vào đầu lưỡi.

Nó đánh thức những mùa màng từ đâu đó trong tâm hồn non nớt của tôi, những hương vị được chưng cất từ tiềm thức, từ những kiếp sống mà tôi đã từng trải qua, từ những tín hiệu vô hình mà tổ tiên ông bà đã mã hóa trong mỗi tế bào của tôi. Có những khi tôi cảm thấy như tôi và cánh đồng là một. Chúng tôi hòa vào nhau, xao động trong nhau.

Tôi muốn nói với em về bà ngoại tôi lưng còng tóc bạc. Bà đã hóa thành đám mây bay trên bầu trời. Có đêm tôi nằm mơ bà chống gậy một mình đi dọc con đường mòn nhỏ về phía cánh đồng. Chiếc áo bà ba màu nâu của bà thẫm lại trên nền trời xanh nhạt. Bà dừng lại thật lâu dưới cây hoa gạo.

Những đám hoa bừng lên như đám lửa. Bà đặt chiếc gậy dưới gốc cây, rồi bà như trôi trong không gian, trở thành một chấm nhỏ xíu trên bầu trời. Tôi chạy theo bà, nhưng con đường xa mãi. Và hoa gạo từ đâu trút xuống cả một miền. Rồi tôi tỉnh giấc, nghe quanh mình đặc quánh mùi của thương nhớ. Tôi ước sao tôi được quay về làm đứa trẻ, lang thang trong tình yêu của ông bà cha mẹ. Lang thang trên cánh đồng tuổi thơ. Lang thang trong tháng ba đồng ruộng.

Những ngày tháng ba trong tuổi thơ tôi sao mà rét thế. Cái ổ rơm của bà còn ấm, còn thơm trong ký ức đến tận bây giờ. Mưa phùn tái tê nhớ mùi khói bếp của mẹ. Và những bữa cơm nhà nghèo độn khoai sắn còn cay nồng khóe mắt...

Tôi đã đi khỏi làng, hạnh phúc có và đau buồn có. Tôi theo đuổi những điều mà phải rất nhiều năm tháng sau nhìn lại, chợt ngộ thấy mình như thể đã tham gia một trò chơi vô tăm tích. Và nơi chốn quay về sau những lần hụt hơi, sau những vô định, sau những hoang mang, vẫn là làng. Nơi có nhà thờ tổ tiên, nơi có mộ ông bà tôi, nơi có cha có mẹ, và nơi có tuổi thơ tôi ở lại đó, một phần đời vĩnh viễn đẹp và đã vĩnh viễn mất đi.

Rất nhiều tháng Ba trôi qua, rất nhiều mùa hoa gạo đến rồi đi, tôi mới hiểu một điều giản dị. Bông hoa rơi nằm thở trên cỏ xanh năm nào đã dạy tôi bài học, về sự thoảng qua của đời người. Rằng cái đẹp vĩnh hằng có thể chỉ hiển lộ trong phút giây, trong khoảnh khắc con tim ta run rẩy. Chúng ta đã đi xuyên qua đời sống này để tìm kiếm thiên đàng phía trước.

Nhưng thực sự thiên đàng luôn ở đằng sau. Là thời thơ ấu với bao nhiêu trong trẻo. Nơi con đường, dòng sông, cánh đồng, khu vườn của mẹ thực sự là một vương quốc để tôi nằm mộng. Nếu thiên đường không ở phía sau, vì sao mỗi người trong chúng ta càng đi xa càng muốn quay trở lại? Tìm về nguồn cội, nơi mình bắt đầu. Tìm lại những tháng ngày tươi đẹp đã qua. Tìm lại thời gian đã mất.

Tháng Ba của những mùa hoa, của những nhớ thương vời vợi. Những biến đổi của đời sống này, hiển nhiên không thể khác. Tôi đâu đã đủ già để hoài niệm. Tôi chảy đi trong cuộc đời này, như sông kia mỗi ngày cập những bến bờ khác lạ. Nhưng một phần nào đó trong tôi vẫn không ngừng ngoái lại. Vì như thế nên màu hoa của ký ức chưa khi nào thôi rực rỡ. 

Những con đường vẫn đợi để nối tôi về với ngày tháng đã qua. Đó là cách tôi điểm chỉ mình vào nơi tôi bắt đầu, để quê nhà bao dung trong tôi vẫn luôn còn vết dấu. Như  một chấm nhỏ định vị trong tâm hồn, không thể mất...

Bình Nguyên Trang
.
.