Con Mực nhà ta…

Thứ Sáu, 24/07/2020, 11:59
Có phải thế không? Thế nào? Rằng, nhiều người hễ mỗi lần nghĩ đến từ “về hưu” là len lén thở dài. Có nhiều lý do. Ngày kia, y bạo miệng hỏi dò một quan chức nọ, đại khái sau khi đã về nhà đuổi gà cho vợ, tự sâu thẳm trong lòng thường nhớ đến điều gì nhất? Sau một lúc ngẫm nghĩ, ông ta cười mếu mà rằng: “Nhớ nhất là được… đi họp”.

Trời, họp hành có gì mà thích? Vậy mà có đấy. Họp riết thành nghiện. Nhà thơ Mayakovsky kể, ngày kia ông bước vào phòng họp nọ nhìn thấy một cảnh kinh hoàng, chỉ nửa thân người ngồi đấy, hoảng quá, cứ như xem phim kinh dị bèn cuống cuồng la toáng lên. Chuyện gì hãi hùng thế? Bỗng nghe vọng lên tiếng giải thích của ai đó vô cùng bình thản (Hoàng Ngọc Hiến dịch):

Một ngày

Chúng tôi

Họp hai chục bận

Họ phải đi hai cuộc họp một lần

Biết tính sao đành cắt đôi thân

Ở đây một nửa tới ngang hông

Còn nửa kia

Đi họp hành nơi khác

Do thèm họp, nhớ họp  nhưng dù chẳng ai mời, buồn tình cha chả buồn tình, đành phải:

Lúc buồn quá ghé cơ quan cũ

Hỏi thăm xem mấy chú thế nào

Mấy cậu bảo vệ ra chào

Nơi đây công sở, bác vào làm chi?

Quay xe lẩm bẩm câu gì

Không ai nghe được, rồi đi về nhà

Tội cho con cún chạy ra

Ăn một nhát đá, thế là hết phim

Ối dào, nơi mình từng ăn trên ngồi trốc, nay mới thấu rõ tình đời đen bạc (!?). Quay về nhà, đang chán như con gián, chú cún tí toe như mọi ngày liền bị chủ đá cho một phát. Thiệt tội nghiệp. Tại làm sao phải “Ăn một nhát đá”, nó ngẩn tò te đến độ “đứng hình”, tức sững sờ, kinh ngạc, không thể thốt nên lời. Cái sự “đứng hình” này, dù vậy vẫn còn may mắn, tốt số hơn cậu Vàng của lão Hạc.

Lão kể: “Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại”. Hễ nhớ đến con Vàng của Nam Cao, y lại nhớ con chó mực xấu xí của Kim Lân - có lẽ đây là hai con chó nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam hiện đại, không thua gì… Milou của nhà báo Tintin chăng?

So sánh như thế, vì làm sao quên được câu văn yêu thương, nhân ái quá đỗi. Nhà văn Kim Lân viết: “Nó là một con chó xấu xí! Xấu đến nỗi trong nhà chẳng ai buồn đặt cho nó một cái tên. Nó không được là tôtô, kiki, cũng chẳng là quýt, là cún, là gì gì cả. Gọi nó người ta chỉ việc “êu, êu…” như gọi bất cứ một con chó nào là nó đến. Mãi đến lúc nó chết, đại khi nhắc đến, vợ tôi mới gọi nó bằng cái tên nghe rất đỗi thương yêu: “Con Mực nhà ta… Ngày Tây nhảy dù Việt Bắc, con Mực nhà ta… Ngày con Hiền mới chập chững biết đi, con Mực nhà ta…”.

Với con chó, không chỉ gọi mực còn có các tên khác như phèn, đốm, cún, vện, vàng… Thậm chí nhân vật của Kim Lân còn gọi bằng mỹ hiệu cực kỳ sang chảng cỡ như: “Anh gọi chó là “hươu thềm”, là “nàng thơ của cụ Lỗ Trí Thâm”. Chó vàng anh gọi là “ka ki”, chó đen anh gọi là “nhung Thượng Hải”. Những con chó thui nhoáng mỡ treo lủng lẳng trước quán hàng anh gọi là “leo coóc”.

Rồi khi nhìn mâm thịt cầy là nghĩ tới “phanh dương, tể ngựu…”. Nói tóm lại, con chó rất quen thuộc với người Việt, không phải ngẫu nhiên có cả tục thờ chó đá nữa, do đó, nó đi vào ca dao, tục ngữ là một lẽ tất nhiên, chẳng hạn:

Em ngồi gốc cầy

Em bán thịt chó

Em lấy tiền bó

Em lại mua muông

Anh mà đối đặng em theo luôn về nhà

Cầy, chó, muông cùng nghĩa. Nhà thơ Phan Văn Trị viết: “Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở/ Bủa lưới săn nai cũng có ngày”. Câu thành ngữ “Lòng muông dạ thú” nhằm chỉ tâm địa độc ác, mất hết tính người, nay có lẽ do từ “muông” ít sử dụng, nên dần dà về sau người ta mới đổi thành Lòng lang dạ thú/ Lòng lang dạ sói. Lang là loại chó rừng.

Truyện thơ Nôm khuyết danh Trinh Thử có câu: “Nhiều bề cách vật trí tri/ Tiếng muông chim lại hay suy nên lời” thì “muông chim” lại nói chung về thú vật và chim chóc; muông thú là thú rừng nói chung. Thành ngữ xưa có câu Tiền cột cổ chó, nay hầu như chẳng mấy ai hiểu nghĩa lý ra làm sao.

Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Của bỏ, của thí. Ngu tục hiểu là con chó chết rồi, hồn nó xuống giữ cầu âm giái (giới), cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, họa ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti”. Sự việc này, trong Lục súc tranh công, chó có nói rõ ràng khi kể công với trâu:

Khi sống thì gìn giữ của đời

Khi thác xuống giữ cầu âm giới

Người có phước, muông đưa qua khỏi

Ai vô nhơn, qua chẳng đặng đâu

Chủ có lòng suy trước, xét sau

Khi lâm tử, gạo tiền tống táng

Chủ đã có công dày, ngãi rộng

Muông dễ không đón tiếp đãi đưa

Do ngày nay chẳng mấy ai tin, làm theo, vì thế, câu thành ngữ Tiền cột cổ chó đã “thất truyền”, đã mất hút con mẹ hàng lươn. Tương tự Chó cỏ rồng đất, dù có nhớ đến nhưng nhiều người cũng khó tường tận.

Theo tự điển của Lê Văn Đức: “Người hết được trọng dụng, bị bỏ xó như khi công việc đã xong như chó bện bằng cỏ và rồng nắn bằng đất dùng trong việc cúng tế, khi đám xong người ta liệng bỏ”. Rõ ràng, chẳng khác gì “Vắt chanh bỏ vỏ”.

Qua đôi thí dụ trên, ta thấy rằng, thành ngữ - những cụm từ không chỉ nêu lên những hình ảnh, những khái niệm mà còn nhằm phản ánh phong tục, tập quán của một thời. Một khi phong tục, tập quán đó mất đi thì bản thân câu thành ngữ có liên quan cũng rơi rụng dần.

Đọc Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes (1651) không thấy ghi nhận “muông”, chỉ có từ “muôn” như hiện nay ta đã hiểu là vạn; số lượng lớn không xác định như Muôn sắc muôn màu, Muôn hồng nghìn tía, “Gia Định có ông Thủ Huồng/ Nhà nhiều vàng bạc cả muôn cả ngàn” (Vè Thủ Huồng)…

Thế nhưng lại có từ “buồn muôn” là chán nản, buồn. Do đồng nghĩa với lo, nên trải qua năm tháng buồn không đi chung với muôn nữa, lại se duyên với lo/ buồn lo.  Nhân đây cũng xin nói luôn, thời xa xưa đó, “buồn” được ký âm qua chữ Quốc ngữ là “buần”. Nay ta hiểu buồn bực là buồn và bứt rứt khó chịu trong lòng. Nhưng hơn 360 năm trước, với người Việt lại hiểu là “buồn như có tang”. Dấu vết của cách hiểu này chính là “bực”, “áo bực” là áo tang - A. de Rhodes đã giải thích.

Thời trước, một khi chó sủa còn gọi cắn. Nhà văn Nam Cao cho biết lúc Chí Phèo “kêu làng cũng như người khác buồn, hát ngao. Đáp lại hắn chỉ có lũ chó cắn xao lên trong xóm”. Ông bà ta bảo, “Chó ông thánh cắn ra chữ”, dù i tờ ít mít đặc nhưng làm tôi tớ cho người hay chữ thì cũng vỡ vạc đôi điều, ăn nói văn hoa, do đó, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là vậy.

“Cắn” trong câu trên của Nam Cao hoặc Chó cắn áo rách, Nhăng nhẳng như chó cắn ma - đều cũng nhằm chỉ động tác sủa. Nay, ta hiểu, chó cắn là nó nhe răng ra ngoạm một phát, chứ không chỉ há mồm phát ra âm thanh. “Chó sủa là chó không cắn”. Cắn và sủa đã phân biệt rạch ròi. Thử hỏi, có “cắn” có “g” hay không? Trong tiếng Việt chỉ có mỗi một từ “cắng” nhằm gọi tên một loại chim câu. Hiểu như thế, ta mới rõ bài đồng dao của trẻ em:

Vừa mưa vừa nắng

Cái cắng đánh nhau

Bồ câu ra gỡ

Chốc nữa lại tạnh.

Do quen thuộc trong mỗi nhà, vì thế, con chó đã đi vào lời ăn tiếng nói của người Việt cực kỳ phong phú. Câu mắng những ai dù nghe lời hay lẽ phải nhưng vẫn không thay đổi được so sánh “Trơ như đầu chó đá”, chẳng khác gì “Nước đổ đầu vịt”. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ đến câu Đánh chó đá vãi cứt. Con chó tạc bằng đá, người ta chôn đầu ngõ, bên đường như một cách trừ tà thế mà cũng ra nông nỗi này ư? Là ám chỉ đến hạng riết róng quá, chẳng khác gì “Vắt cổ chày ra nước”.

Có bao giờ “Chó đá vẫy đuôi”? Câu này nhằm chỉ điều vô lý không thể xảy ra, chẳng khác gì: “Bao giờ cho chuối có cành/ Cho sung có nụ, cho hành có hoa/ Bao giờ trạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình/ Bao giờ cây cải làm đình/ Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta”. Phải ngả nón mà chào, nghiêng mình thán phục cho cách nói lịch lãm, giàu hình tượng văn chương bay bổng của ông bà mình.

Đã từng nghe đến nhiều loại chó như phèn, mực, ngao, luốc, đốm… nhưng không ngờ lại còn có cả… chó lửa. Con chó mà khạc ra lửa? Vâng, là tiếng lóng chỉ khẩu súng côn, rulô. “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, điều này cho thấy chúng rất nhớ đường, có thể nhờ dắt về nhà, về ngõ. Nhưng “chó dắt” cũng ngụ ý chỉ sự thành công của ai đó do may mắn, tình cờ chẳng khác gì “Chó táp phải ruồi”.

Một khi mắng chửi, khinh bỉ ai, người ta dùng từ “chó má”. Vậy má là gì? Câu hỏi đơn giản này đã khiến nhiều nhà nghiên cứu phải nhọc công lắm đây. “Chó má”: Người Tầy gọi con chó là “tu ma”, cái thành từ “chó má” của ta, tiếng “má” ấy có lẽ bởi tiếng “ma” của Tầy mà ra; có một số danh từ của Tầy giống của ta lắm” (Phan Khôi); nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy lại cho rằng: “má” gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là chó” (dẫn theo Việt ngữ tinh hoa từ điển của Long Điền - NXB Hoa Tiên - 1952).

Trong khi đó, đã có một thời “chó má” lại là “Bộ ngộ nghĩnh, dễ thương. Nói về con nít” - từ điển của Huình Tịnh Paulus Của (1895), Génibrel (1898) đã giải thích. Thế thì, từ bao giờ chó má lại hàm nghĩa như nay ta đã hiểu? Trả lời câu này, khó quá, y bí rị bà rì. Vì lẽ đó, bèn quay lại cái chuyện về hưu, ngẫm nghĩ thêm một chốc cho hoan hỉ cái sự đời. Rằng, sở dĩ thở dài khi nghe đến hai chữ hắc ám này còn vì lý do mà thơ ca hò vè dân gian gần đây đã khái quát hài hước:

Đương chức như phượng như công

Về hưu mới biết mình không là gì

Lúc đương chức bao người dạ bẩm

Về hưu rồi lẩm bẩm kêu ca

Lâu nay nó chẳng ghé nhà

Hồi này nó chẳng biếu quà là sao?

Ngày hai buổi ra vào đóng cổng

Con ở riêng cháu quẳng cho mình

Vợ già cáu gắt linh tinh

Hận cô thư ký bạc tình theo trai

Cái hận ở câu chót mới đáng kể nhất, còn những liệt kê trên, chỉ là chuyện nhỏ/ nhỏ như con thỏ.

Lê Minh Quốc
.
.