Có một lớp học viết văn như thế!

Thứ Ba, 03/11/2015, 19:49
Bây giờ, nói đến việc “học viết văn”, hình như không ít người “tuyên ngôn” là trong chuyện văn chương thì không ai dạy ai được; cũng có nghĩa là viết văn không thể “đi học” mà nên. Theo tôi, đó là cách nói để nhấn mạnh tính “cá thể” và bản chất sáng tạo của văn chương, chứ như tôi được biết, trên thế giới cũng có không ít nơi mở lớp dạy viết văn. 

Mà đã gọi là “nghề” thì phải học, phải có “thầy”, có “trò”. Chỉ khác, do đặc thù của nghề văn, lớp viết văn mà tôi may mắn được dự chắc là không giống bất kỳ lớp học của một ngành nghề nào khác. Chính vì vậy mà Hội Nhà văn Việt Nam gọi là “Lớp bồi dưỡng những người viết trẻ”.  

Gần nửa thế kỷ đã qua, kể từ ngày tôi được dự Khóa 3 “Lớp bồi dưỡng những người viết trẻ” do Hội Nhà văn tổ chức vào cuối năm 1968. Ngày nay, có em học sinh vừa ra trường đã thốt lên “chữ nghĩa trả cho thầy”; còn lớp chúng tôi hồi ấy, “chữ nghĩa” các thầy cho đã biến hóa thành hàng vạn trang sách báo, dù lớp học hầu như không có sách giáo khoa! Nhắc chuyện lớp học 47 năm trước, cũng là dịp để nhớ lại một số các nhà văn tên tuổi, bạn bè cùng lứa gắn bó chặng đầu trên đường văn của mình.

Tôi còn nhớ, hầu như tất cả học viên hồi đó, trong 9 tháng dự lớp, đơn vị nào cử người đi học vẫn trả lương cho “nhà văn trẻ”. Việc một cán bộ giao thông như tôi đi học viết văn, nhất là trong lúc Quảng Bình đang là “tuyến lửa”, nghe qua như “trái khoáy” nên Đảng ủy ngành giao thông Quảng Bình phải họp ra “nghị quyết”. 

Thật may là đồng chí Lại Văn Ly, Trưởng Ty Giao thông, nhiệt tình ủng hộ, tuy nhiên “Nghị quyết” ghi một câu khá “đặc biệt”, đại ý: “Ty Giao thông đồng ý cho đi học, nhưng việc có đi hay không do đồng chí Nguyễn Khắc Phê quyết định”! Điều ấy nhắc tôi hãy suy nghĩ trước khi chọn con đường tương lai - vì ai biết được đi học viết văn rồi sẽ “thành cái gì, có lợi lộc gì không”; hơn nữa, đường từ Quảng Bình ra Hà Nội vượt qua biết bao “cửa tử”, nếu không may có “sự cố” thì đó là do đương sự tự nguyện.

Trước ngày tôi lên đường đi học ít lâu, kỹ sư Minh, anh bạn cùng công tác trên đường 12A với tôi, bao lần vượt qua các trọng điểm La Trọng, Khe Ve, Ca Tang… an toàn, khi được chuyển về đồng bằng một lần với tôi, đã bị trúng bom lúc đi công tác qua đèo Lý Hòa! Tất nhiên, có lẽ số tôi bị bom đạn Mỹ… chê, nên nay mới có dịp nói chuyện lớp học viết văn “ngày xưa”…

* * *

Có lẽ điều thích thú nhất của những cây bút trẻ được dự lớp (từ đây xin được viết gọn như thế, vì nói lớp học viết văn hay “bồi dưỡng” đều không đủ ý tứ…) là không chỉ được gặp mà được sống gần gũi với nhiều nhà văn, nhà thơ mà mình từng ngưỡng mộ, rồi được kết bạn, giao lưu với bạn viết cùng lứa khắp các miền đất nước tụ về.

Thời gian mở lớp, tuy từ vĩ tuyến 20 trở ra, Mỹ tạm ngừng ném bom, nhưng để bảo đảm an toàn, Hội Nhà văn vẫn tổ chức tại nơi sơ tán: làng Thanh Oai, Hà Đông. Cứ hai ba học viên ở một nhà. Nếu tôi nhớ không lầm thì nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được cử làm “Hiệu trưởng”. 

Cùng phụ trách lớp còn có nhà văn Đỗ Quang Tiến và nhà văn Thành Thế Vỹ. Hầu hết những nhà văn, nhà thơ tên tuổi ở Hà Nội đều được mời đến lớp nói kinh nghiệm sáng tác: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… Ấn tượng hơn cả là “thầy” Nguyên Hồng với bản đề cương bộ tiểu thuyết Cửa biển trình bày trên nhiều trang giấy lớn dán kết lại, với việc thầy đã bật khóc khi đọc một đoạn trong cuốn Sóng gầm. “Thầy” Nguyễn Đình Thi thì hấp dẫn với cách nói tỉnh táo, uyên bác mà có duyên. Sang giai đoạn sáng tác và đọc bản thảo thì các nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân xuống cùng ăn cùng ở với học viên nhiều ngày.

Lớp có 40 học viên. Gần nửa thế kỷ đã qua, nên không thể nhớ hết, nhất là những anh em ít xuất hiện trên báo chí. May sao, gần đây, trong lúc soạn lại những tập ghi chép cũ, bỗng rơi ra một trang giấy nhỏ ghi đủ tên 40 người: Trần Nhật Thu (Quảng Bình), Hồng Nhu, Tường Lân (Nghệ An), Nguyễn Hữu Nhàn (Vĩnh Phú), Sỹ Hồng, Tô Ngọc Hiến (Quảng Ninh), Lê Điệp, Đào Cảng, Trần Lưu (Hải Phòng), Phạm Đức, Nguyễn Trí Huân, Kiều Kim Trùy (Quân đội), Triều Dương, Bích Thuận, Tô Hà (Hà Nội), Đồng Tâm (tức Nghiêm Văn Tân ở Thái Nguyên), Triệu Nguyễn (TNXP Lạng Sơn), Nghiêm Đa Văn, Trần Tự, Nguyễn Gia Bào (Công an), Quách Ngọc Liêu, Đàm Văn Hiển, Hoài Giang, Hán Văn Tỉnh, Giang Phong (viết kịch bản), Bùi Công Bính (Thái Bình), Đào Ngọc Chung (Hà Tây), Vương Anh (Thanh Hóa), Văn Lợi (ở Bắc Cạn), Huy Hùng (Cao Bằng), Hoàng Trung Thu (Lạng Sơn), Trúc Chi, Liên Nam (Phú Khánh), Lê Hường (Lâm nghiệp), Nguyễn Phan Hách, Lò Văn E, Triều Ân,  Đặng Cao Sầm, Nguyễn Minh Tám, Vũ Thái…

9 học viên Khóa 3 trước Hội trường Ba Đình (Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 6). Từ phải qua: Hồng Nhu, Triệu Nguyễn, Trúc Chi, Triều Dương, Lê Điệp, Bích Thuận, Nguyễn Khắc Phê.

Phần nhiều những cây bút trẻ dự lớp hồi đó, về sau đều đi tiếp con đường văn với những thành tựu không nhỏ và lần lượt được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Một số bạn nay đã ở “cõi khác”, nhưng tác phẩm thì hẳn còn ở với đời, ít ra cũng được các thư viện và con cháu trân trọng giữ gìn…

Về cuối, lớp học chuyển về Hương Canh, một làng chuyên làm đồ sành (trong đó có tiểu dùng để “cải cát”). Còn nhớ một số gia đình trong làng đã dùng những cái tiểu phế phẩm chất thành “tường” quanh nhà. Ngày ấy còn ít kiêng kị, chẳng sợ chi ma quỷ, chứ bây giờ, chắc lãnh đạo Hội Nhà văn không chọn một nơi lo chuyện “hậu sự” đời người để đào tạo đội ngũ tương lai cho nền văn học nước nhà!

Cuối đợt học, lớp chia ra các nhóm đi thực tế. Nhóm đi Quảng Bình có 10 người (còn nhớ có Sĩ Hồng, Lê Điệp, Đào Ngọc Chung…); tôi được cử đi “tiền trạm” ngày 10/3/1969. Chép lại vài dòng Nhật ký để lưu niệm:

Trích Nhật ký ngày 12/3/1969

Sáng 10, từ Hà Nội đi vào Vinh.

Chỗ bán vé xe lửa ở một quãng đất trống giữa bến xe Kim Liên và vườn hoa Thống Nhất. Một cái lều bạt to. 6 giờ bán vé, 5 giờ ra đã thấy người đông nghịt. Bảng giờ tàu viết bằng phấn, hoặc bằng mực trên giấy. Thay đổi luôn mà ! Mấy ngày trước, tàu vào Vinh chạy buổi tối, nay đổi lại chạy buổi sáng để đến Vinh trong đêm, phòng chúng ném bom trở lại, đỡ nguy hiểm.

Hà Nội đã dẹp nhiều hàng rong, nhưng ở ga vẫn có không ít người bán hàng. Một chàng thanh niên, tay xách túi nhựa đựng bong bóng nhiều màu nhăn nheo, tay lấy một bóng thổi căng tròn rồi rao hàng. Giá 2 hào một cái. Có anh bộ đội mua mấy cái, thổi căng quá, đánh “bụp”. Một cô gái kêu: “Thế là mất hai hào rồi!”. Một bà cụ bán mấy thứ bánh. Bánh nướng 5 hào, bánh quy một gói 1,3 đồng. Chừng khoảng mươi cái thôi, nhưng hấp dẫn nhờ bao nhựa vẽ một em bé bằng màu xanh đỏ rực rỡ…

Tàu qua ga Giáp Bát mới làm, rất rộng. Nhiều ga cũ chỉ mới san được hố bom, làm một nhà tranh nhỏ để bán vé. Những ống đựng tên lửa xanh sẫm xếp đống quanh ga. Đường vào Vinh nhiều cầu bị phá, tàu phải qua những đoạn đường tránh uốn hình chữ S, đầu máy phun khói một cách mệt nhọc. Tiếng bánh sắt cọ vào đường ray rít lên như tiếng còi vậy. Các cầu tạm đều tựa trên trụ cầu làm bằng những chồng tà vẹt xếp trên các khối đá hộc. Tàu qua Hàm Rồng, ai cũng nhô ra cửa xem. Nhìn thanh sắt nào cũng mang dấu bom đạn, mọi người đều chặc lưỡi.

Tàu dừng ở ga Quan Bánh, chứ không được vào ga Vinh vì phòng không. Đã 3 giờ rưỡi sáng. Mất gần 1 giờ mới lấy được xe đạp…

Tôi chờ ở Vinh đến ngày 18/3 mới ra ga đón 10 anh em trong đoàn. Nghỉ một ngày ở Vinh, không mua được vé ôtô, nên sáng 20/3, hơn 10 “nhà văn trẻ” nối nhau đạp xe qua Hà Tĩnh, leo dốc đèo Ngang vào Quảng Bình…

So với chuyến tôi đạp xe khi đi học, nay thoát nguy hiểm bom đạn Mỹ đe dọa nhưng phải vượt quãng đường trên trăm kilômet mới được khôi phục lại cũng khá vất vả. May là anh em còn trẻ và sự háo hức muốn thấy tận mắt tuyến lửa Quảng Bình ra sao, nên tất cả đều hăng hái, vui vẻ bám đuổi nhau suốt trên chặng đường dài.

Nhóm đi thực tế ở Quảng Bình cho đến 10/4/1969 lại phải còng lưng đạp xe ra Vinh và mãi đến ngày 17/4, anh em mới tụ họp đông đủ tại địa điểm mới là Hương Canh để tổng kết lớp học….

* * *

Dù “ai nói ngả nói nghiêng”, mỗi chúng khi gặp lại nhau đều tự hào đã được dự một lớp học viết văn thành công, căn cứ vào tỷ lệ số học viên đã có tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận, được dư luận chú ý. 

Nếu so với chương trình của các lớp viết văn của Trường Viết văn Nguyễn Du sau này thì có lẽ lớp tôi học thiên về nghe kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn lớp trước và thực hành mà ít chú trọng đến lý luận, càng ít giới thiệu những trào lưu, trường phái văn nghệ cách tân trên thế giới. Có phải vì thế mà hầu hết nhà văn trưởng thành từ Khóa 3 này đều sáng tác theo “truyền thống”, không có ai mạnh dạn đổi mới thi pháp. Cũng chưa biết đây là “rủi”hay là “may”!…

Cũng chẳng biết là may hay rủi, lớp học chỉ có một “bóng hồng” là nữ sĩ Bích Thuận, lại là “đàn chị” đứng đắn của hầu hết chàng trai trong lớp, nên chúng tôi hồi đó, ngày đêm đều chăm chỉ tu luyện, không có chuyện “tình tang” nghe nói là rất xôm trò ở các lớp viết văn về sau. Nếu có lúc mơ mộng thì đó là với các nhân vật trong sáng tác đang hình thành giữa những đêm vắng lặng, điện đài không có, chỉ có gió trăng vờn ngoài cửa sổ đang chờ tứ thơ mới và cốt truyện sẽ hiện ra trên giấy trắng mực đen khi ngày mới bắt đầu…

Nguyễn Khắc Phê
.
.