Cỏ dại bên đường

Thứ Hai, 05/01/2015, 17:19
Mấy hôm, ba nói với tôi: “Sớm nào đó, ba sẽ gọi thợ sơn lại cửa sắt. Không sơn, cửa sẽ hư mất, con ạ”. Tự dưng, tôi lại nhớ câu chuyện hai mươi bảy năm về trước.

Ngày ba chân trần đẩy xe lúa ngược đỉnh dốc quê, bụi đỏ bám gót chân, bùn khô ánh trên gối… Tôi học thêm nhà cô trên đỉnh dốc, thoáng thấy ba vội chạy đến đẩy phụ. Ba thương, lần tìm trong túi cho ít tiền vặt. Tôi cười, ba cũng cười. Tiền ấy, tôi mua một cái mặt nạ giấy họa hình nhân vật Tôn Ngộ Không.

Tôi nhớ nhiều quá về những ngày xưa cũ, chạm đâu tôi cũng nhớ. Bằng hữu hay đùa, giá mà tôi có thể quên bớt đi. Lại có bằng hữu bảo, sao mà tôi nhớ nhiều đến vậy. Chính tôi cũng không rõ mình nữa, nhưng tôi tin rằng, làm sao mà chúng ta có thể quên được những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời này. Có quên, là chúng ta đang giả vờ quên mà thôi.

1. Bằng hữu của tôi từ phương xa vào Sài Gòn, mải vui với bạn, tôi hơi say. Về đến ngõ nhà, ngẫu nhiên hay hữu ý mà bất chợt gặp một đám cỏ gấu xanh tươi. Cỏ gấu nghe đâu bây giờ có người dùng để trị bệnh gì đó, tôi không am tường lắm.

Ngày bé ở quê, ba trồng mấy khóm hoa huệ, cỏ gấu mọc lẫn trong luống huệ. Huệ lên trắng muốt, ngát thơm, để dành bán vào ngày Rằm và ba mươi hay mồng Một. Cỏ gấu lấy hết dưỡng chất trong đất, bón phân cho huệ, cỏ gấu cũng tranh phần, phải rẫy đi.

Cỏ gấu sống dai lắm, lấy cuốc rẫy, bay hết mảng xanh cứ tưởng đã diệt. Nhưng thoảng trận mưa mau, lại xanh um. Muốn diệt cỏ gấu, phải dùng tay nhổ. Nhổ quẳng trên đất, phơi khô rồi dùng cào gom lại, đốt.

Ngày mưa bay, tôi với anh trai ngồi nhổ cỏ, hương huệ thoang thoảng thơm. Có con chào mào đâu đó đậu trên đọt cây sầu riêng hót những điệu gió mưa nghe hiu hắt lắm. Phải ở quê, thì mới biết tiếng chim hôm mưa khác tiếng chim ngày nắng.

Chị tôi từ phố về quê, vào rẫy chơi. Nghe tiếng chó sủa, tôi bật dậy: “Chó cắn rắn”, chị theo tôi ra sau hè, rồi cứ thắc mắc hoài, “Làm sao em biết chó cắn rắn?”.

“Em đoán vậy thôi chị”, tôi đáp. Thật ra thì, “Chó sủa giọng này giọng khác, nghe nhiều thì quen”. Chó sủa gió qua cây khác với chó sủa người, chó sủa trăng khác với chó sủa tiếng chuột bụi tre…

Ông ngoại tôi lúc còn sống, thích chơi nhất là bầu cua tôm cá. Ở quê, gần chạng vạng tháng Chạp như thế này là đã chơi bầu cua tôm cá. Chơi nho nhỏ, đủ để vui vui buồn buồn chứ chẳng ai lại chơi đến mức khánh kiệt gia sản.

Ông ngoại có con chó khoang, suốt ngày quấn chân. Ông ngoại mất, con chó khoang ra mộ nằm, gọi sao cũng không về. Mắt chảy nước suốt, cố ẵm chó đốm về, chó bỏ ăn vài hôm rồi mất. 

Chị đồng nghiệp về thăm quê chồng ở Phú Quốc, mang cho tôi con chó nhỏ. Chó Phú Quốc nghe là khó nuôi, nhưng sao tôi nuôi nhẹ tênh, đặt tên là Mực. Mực nhỏ, ngủ trong cũi sắt. Mực lớn, được nuôi trong khoảng không bé xíu phía sau nhà. Vẫn giữ thói quen cũ, mỗi đêm ngủ, Mực cố chui vào cũi sắt, ngủ theo kiểu đầu phía trong đuôi phía ngoài hay ngược lại… Rồi tôi cũng phải đưa Mực về quê, tôi không chịu nổi cảnh phải để Mực sống trong cảnh chật chội của phố. Mỗi lần tôi về, Mực nhận ra hơi, vui mừng quá đỗi. Vậy đó, có mỗi cây cỏ gấu mà nhớ đến tận đẩu tận đâu huống hồ là chuyện khác.

2. Dạo này, ở phố hay xuất hiện những cô chú mang dáng dấp người quê chạy xe gắn máy cũ, khoác áo lao động dài tay, phía sau yên xe là một mớ cỏ được rửa sạch rất cẩn thận, phía trước xe là cái cân nhỏ. Họ đi bán loại “thần dược” mới được truyền thông phát hiện ra, có tên gọi rất buồn cười “Cây nở ngày đất”, giới thiệu là chữa được gout, tiểu đường.

Có bệnh thì vái tứ phương thôi, chứ cũng không chắc là loại cây cỏ ấy có hữu hiệu hay không.

Quê tôi ngày trước có anh thanh niên không bình thường lắm về thần kinh, cả ngày lang thang mãi trên đường để tìm và nhổ cho bằng sạch những bụi cỏ mắc cỡ. Cỏ mắc cỡ thương lắm, hoa màu hồng phấn, lá khum khum… Chạm nhẹ tay vào sẽ tự động khép lá lại. Cứ như thiếu nữ dậy thì nghe cợt nhả nợ duyên. Mấy hồi tôi thấy người ta ngạc nhiên vì cây ổi biết cười ở Thanh Hóa, tôi tự hỏi có gì là ngạc nhiên đâu nhỉ. Cỏ cây cũng như người, đầy sự lạ lùng. Lúc lâu có đọc tích, trước cửa phòng của vua thường trồng một cây tường vi, tường vi tiến vua là loại đặc biệt, giai nhân đi ngang thân cây sẽ rung lên như xao xuyến do cảm mà ứng.

Người lớn nói anh thanh niên nhổ cỏ mắc cỡ về để nấu nước uống, tôi cứ đinh ninh người lớn thường có thói quen dọa trẻ con. Lớn lên mới biết, hóa ra cỏ mắc cỡ có công dụng đều hòa máu huyết, giúp cơ thể thêm vượng khí. Năm tôi học lớp 8, có cô bạn cùng lớp tết cho cái nhẫn cỏ khô, dúi vào tay. Tôi vừa ngại vừa là lạ, chẳng biết làm gì, ném đại vào cặp rồi quên đi.

Người bạn của tôi tu học ở Ấn Độ, về thăm quê có nói với tôi trước khi chia tay, “Vội ngày vội tháng vội năm/ Quên mất ngoài sân hoa hồng vẫn nở”.

Tôi không biết đây là thơ ai, hôm ấy nhìn thấy bụi cỏ gấu xanh, mạo muội mà sửa lại thành, “Vội ngày vội tháng vội năm/ Bên đường cỏ dại xanh nhầm mắt nhau”.

Cỏ dại bên đường, cứ ánh lên trong mình ngập những niềm thương.

Ngô Kinh Luân
.
.