Chuyện quan – chuyện dân

Thứ Sáu, 08/05/2015, 03:20
Nếu chúng ta cứ che đậy, nếu chúng ta cứ vờ không thấy những điều đang hiển hiện, nếu chúng ta vẫn cố giữ tư duy nước đến đâu đắp bờ lên đến ấy, thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể kiểm soát được những thứ có thể sẽ diễn ra.
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười. Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Ấy là điều Ngô nói, rất thật lòng. Ngô có phạm húy không, Ngô không chắc nữa. Nhưng Ngô nghĩ, sự thật cần phải được nói ra.

1. Ở Bình Thuận, người dân tràn ra Quốc lộ để chặn xe, như là cách biểu thị sự giận dữ khi nhà máy nhiệt điện tính toán không đúng chuẩn khiến bãi xỉ thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Sau khi người dân tràn xuống đường, lực lượng công vụ đã rất vất vả để vãn hồi trật tự, vừa đảm bảo về an ninh trật tự vừa đảm bảo cho lưu lượng phương tiện có thể tham gia lưu thông.

Quan nhân tỉnh Bình Thuận lúc này mới vội vã đốc thúc kiểm tra, hứa hẹn với người dân rằng sẽ đảm bảo không còn ô nhiễm nữa. Bất chấp trước đó, người dân đội đơn trên đầu kêu cứu không biết bao nhiêu lần. Bất chấp trước đó, người dân sinh sống chung với xỉ thải, khổ sở không sao nói xiết.

Theo tri phủ tỉnh Bình Thuận, các chuyên gia đầu ngành về nhiệt điện của VN đã không đánh giá hết hướng gió tại nơi xây dựng bãi xỉ thải khiến đời sống của người dân bị đảo lộn. Chuyện hết sức buồn cười.

Bất cứ ai cũng biết rằng, khi xây dựng một công trình hay đơn giản chỉ là một ngôi nhà, việc đầu tiên phải tính đến hướng gió. Nói xin lỗi, đến những cá nhân cõng hàng lậu vượt biên giới còn biết tính hướng gió như thế nào để tránh bị lực lượng tuần tra phát hiện. Người nông dân lựa lúa chắc, lép còn biết được hướng gió ra sao… huống hồ, các chuyên gia đầu ngành về nhiệt điện.

Chuyên gia đầu ngành về nhiệt điện mà không tính được hướng gió thì đủ biết trình độ của các chuyên gia nước mình đến đâu. Thực tế là như vậy, thì làm sao ngăn được tư duy nghi ngờ vào chức danh rất kêu mà nhiều trí thức đang sở hữu.

Khi mà ở Bình Thuận sự ầm ĩ mới vừa tạm lắng, thì đến khu vực Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa người dân lại đổ cá tôm chết đã bốc mùi lên đường Quốc lộ, lại tắc nghẽn phương tiện lưu thông từ Bắc vào Nam và ngược lại. Người dân hành động như vậy là vì theo người dân, nguyên nhân khiến cá, tôm chết hàng loạt là do hai dự án đang nạo vét luồng lạch làm ô nhiễm nguồn nước.

May mà lần này, quan nhân tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng tổ chức đối thoại tìm ra hướng giải quyết để người dân cảm thấy hài lòng, nên tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã không xảy ra tình trạng đáng tiếc như từng xảy ra tại Bình Thuận.

Hai vụ việc xảy ra liên tiếp, có đáng để gọi là hồi trống cảnh báo hay không? Ngô nghĩ rằng, là có tính cảnh báo rất cao.

Tự bấy lâu nay, dẫu muốn dẫu không thì vẫn phải thừa nhận một thực trạng, quan nhân của một số địa phương muốn gì là quyết nấy. Bỏ qua hoàn toàn phương thức “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dạy cách đây hơn nửa thế kỷ. Chính từ chuyện dân không biết nên dân không thể bàn, dân không tham gia làm nên dân không thể kiểm tra này đã nảy sinh biết bao nhiêu hệ lụy vô cùng nguy hại.

Khi quan nhân địa phương tự quyết các công trình phúc lợi hay đầu tư lớn trên địa bàn chỉ duy nhất với đối tượng là nhà đầu tư, thì vô hình trung quan nhân đã gạt người dân ra bên rìa của dự án. Trong lúc, người dân chính là những cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những dự án này.

Người dân có muốn xa quan không? Chắc chắn là không. Chưa người dân trong một quốc gia nào lại muốn xa rời quan nhân. Bởi, quan nhân chính là những người được giao quyền năng mà mỗi quyết định của quan nhân sẽ có tác động lớn đến đời sống của người dân.

Quan quyết đúng thì dân nhờ, quan quyết sai thì dân chịu. Có quy trách nhiệm hay xử lý quan nhân thì chỉ mỗi mình quan nhân chịu, hoặc cùng lắm thì quan nhân này kéo theo quan nhân kia, hai tay bưng mũ trả lại triều đình về làm thứ dân. Chứ đã thấy quan nhân tầm tri phủ nào bị xử lý đâu. Ngoại trừ thi thoảng thấy mấy ông tri huyện đã về hưu liên đới chịu trách nhiệm.

2. Ngô không tin chuyện quan nhân ở hai tỉnh Bình Thuận hay Khánh Hòa không biết chuyện người dân khổ sở như thế nào với những dự án nhà máy nhiệt điện hay nạo vét luồng lạch.

Thân làm quan nhân, trọng trách đầu tiên là phải vì dân. Thì vì dân thế nào mà để dân phải phản ứng thì mới tá hỏa dập lửa. Vì dân thế nào mà để dân tràn cả ra tuyến quốc lộ huyết mạch chặn xe thì mới vội vã đến thị sát tình hình. Vì dân thế nào mà cứ đẩy dân vào sự đã rồi, những biện pháp vạch ra chỉ là những biện pháp tạm thời, có hiệu quả xoa dịu là chủ yếu.

Quan nhân Bình Thuận đang có phương án di dời người dân ra khỏi khu vực ô nhiễm do bãi thải xỉ của nhà máy nhiệt điện gây ra. Nếu điều này diễn ra, người dân đã phải gánh chịu thiệt hại từ quyết định của quan nhân. Mà điều này rất có khả năng diễn ra, đơn giản bởi các chuyên gia hàng đầu về nhiệt điện đã đánh giá sai về hướng gió. Cái sai không chỉ một li mà là hàng vạn li, sai một li thì đi một dặm, sai hàng vạn li thì đi bao nhiêu dặm? Hàng đống tiền đã ném vào dự án, rất khó mà thay đổi được, mà trùm mền đắp chiếu dự án, mà nhổ bỏ dự án đi để xây dựng ở một nơi phù hợp hơn…

Di chuyển người dân đến một nơi khác, tức là thay đổi hoàn toàn điều kiện sống của người dân từ bao đời nay. Cho Ngô hỏi, nếu là bạn nằm trong số người dân bị di dời này, bạn sẽ cảm thấy như thế nào?.

Nếu di dời để đảm bảo sự phát triển chung cho cộng đồng, đó là sự di dời hy sinh, nếu di dời để đảm bảo sự phát triển cho tương lai, đó là sự di dời hy vọng, còn nếu di dời chỉ là để tránh khỏi sự ô nhiễm, thì đó là sự di dời cho hợp ý quan. Quan đã không lo được cho dân, quan còn làm cho đời sống của người dân xáo trộn, thử hỏi là – quan còn có khả năng để được nhân dân tin tưởng nữa hay không? Quan còn xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân hay không?.

Căn nguyên của mọi vấn đề mà Ngô đang bàn luận cùng bạn đọc, Ngô nghĩ chung quy không thoát ra khỏi hai chữ “quan liêu”. Chính là vì quan liêu mới xa dân quá, chính vì xa dân quá nên mới xảy ra tình trạng dân kêu cứ kêu quan lơ cứ lơ, chính vì dân kêu cứ kêu quan lơ cứ lơ nên mới có chuyện dân tràn ra Quốc lộ chặn cả xe để phản ứng.

Không phải tự ngàn xưa đã có câu “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, nghĩa là, nước thì lấy dân làm gốc, dân thì lấy ăn làm đầu. Hiểu thoáng hơn, phải làm sao để người dân đảm bảo được mâm cơm hàng ngày, chu tất được đời sống sinh hoạt hằng ngày. Người dân ấm êm thì nước mới vững mạnh, bởi không có dân thì lấy đâu ra quốc gia, lấy đâu ra quan nhân.

Lại có câu, “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Quan thì làm thoáng chốc thôi, hết nhiệm kỳ thôi, còn dân thì mới trường tồn. Không phải lịch sử đã từng minh chứng hay sao, bao nhiêu can qua, bao nhiêu bể dâu chỉ có quan nhân là thay đổi còn người dân thì vẫn vậy.

Nước ta, là một đất nước thuần nông. Có chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì người nông nghiệp vẫn làm gốc. Điều này thể hiện rất rõ từ tư duy cho đến sinh hoạt hằng ngày. Từ đặc điểm là một nước thuần nông với văn hóa làng xã, thôn xóm làm chủ đạo, dân nước ra rất lành.

Lành đến độ trong làng xã thì nhất nhất tuân theo lời cụ Lý, cụ Tổng. Ra khỏi làng xã thì nhất nhất nghe lệnh cụ Huyện. Ra khỏi huyện thì cụ Tỉnh bảo sao cứ vậy mà làm. Về đến đất kinh kỳ thì chỉ biết có triều đình.

Dân ta lành, dân ta không đòi hỏi quan nhân những điều khó, dân chỉ muốn quan nhân duy trì một xã hội trật tự, yên ổn để dân có thể chú tâm làm ăn. Ngô nghĩ rằng, điều này có gì là quá khó khăn đâu.

Dân ta lành, dân chỉ cần một quan nhân thật sự biết gần dân, thật sự biết lắng nghe dân, thật sự cầu thị trong đối thoại với dân.

Dân ta lành, dân ta ngại nhất là đến nơi công quyền. Cực chẳng đã dân mới phải đội đơn trên đầu tìm đến quan nhân, hay không còn cách nào khác dân mới phải chọn lối phản ứng mở cờ giong trống.

Ngô không thể nào hiểu được, đến một người bận trăm công nghìn việc như Bác còn có thể ra đồng ủy lạo người nông dân, đến thăm một người công nhân điện đêm ba mươi Tết… thì làm sao quan nhân địa phương lại có thể xa rời người dân đến như vậy.

Xử lý quan nhân là điều rất dễ, mỗi khi quan nhân vi phạm. Thế nhưng, điều khó khăn nhất là phải nâng cao ý thức phục vụ người dân một cách tự nguyện và đầy trách nhiệm.

Quan nhân mà không phục vụ nhân dân, thì quan nhân phục vụ ai đây?. Không nhẽ, cứ là quan nhân thì chỉ chuyên tâm làm chuyện vinh thân phì gia?

Không dân – lấy đâu ra quan nhân!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.