Chuyện ông Thức, chuyện ông Biền

Thứ Năm, 19/01/2017, 17:04
Cả ông Thức và ông Biền đều là những nhà văn nổi tiếng. Thường thì, mấy ông nhà văn, nhà thơ ít khi “chịu nhau. Nhưng với hai ông nhà văn này lại rất hợp tính hợp tình...

Ông Biền, tức nhà văn Đoàn Thạch Biền tuổi Đinh Hợi (1947), quê Nam Định, học trung học ở Đà Nẵng, học đại học ở Sài Gòn. Thời trẻ, ông Biền đi dạy học ở Phan Rí (Bình Thuận), sau này đi làm công nhân rồi làm báo đến khi về hưu.

Ông Thức, tức nhà văn Nguyễn Đông Thức tuổi Tân Mẹo (1951), quê Quảng Ngãi, sinh ra lớn lên ở Sài Gòn. Thời trẻ đi thanh niên xung phong, đi bộ đội và làm báo đến khi về hưu.

Cả ông Thức và ông Biền đều là những nhà văn nổi tiếng. Thường thì, mấy ông nhà văn, nhà thơ ít khi “chịu nhau. Nhưng với hai ông nhà văn này lại rất hợp tính hợp tình, vừa tôn trọng văn tài, vừa kính nết sống của nhau. Phải chăng, tuổi của hai ông hợp nhau như dân gian truyền tụng: “Mẹo - Hợi - Mùi tam hạp”. 

Ông Thức rất quý ông Biền không vì tuổi tác, mà đơn giản vì, “Hiền như ông Biền”. Theo ông Thức, chưa thấy nhà văn lứa đàn anh nào như ông Biền lại dành quá nhiều thời gian để chăm lo chuyện viết lách của lớp trẻ như ông Biền.

Hơn hai mươi năm nay, ông Biền khai sinh ra tuyển tập văn thơ Áo trắng để giới thiệu các cây bút trẻ và các sáng tác đầu đời của họ. Khi “phát hiện” ra một cây bút có triển vọng, ông Biền xuất tiền túi hoặc giới thiệu với đầu nậu sách in tác phẩm đầu tay cho họ. 

Nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh hiện nay được ông Biền in tác phẩm đầu tay như thế. Cái ân tình này khiến nhiều bạn văn trẻ của ông Biền gọi ông là thầy không vì quá khứ ông từng dạy học, mà còn ông là người đỡ đầu họ trong những ngày chập chững văn thơ.

Ông Thức cũng có những đặc tính này giống ông Biền. Khi còn phụ trách mảng văn nghệ ở một tờ báo, ông Thức cũng ưu ái nhiều cây bút mới để giới thiệu tác phẩm của họ đến người đọc. 

Chẳng hạn khi phát hiện ra “nhà văn trẻ” Mạc Can, ông Thức động viên “ông hề già” mạnh dạn cầm bút, cứ viết sẽ có tác phẩm. Tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can được ông Thức đọc từ bản thảo chép tay. Ông Thức sửa cho ông Can từ dấu chấm, phẩy và từng lỗi chính tả chi chít. Ông Can nói: “Tui đi diễn hề thì được chứ có biết viết văn là gì, nếu không có mấy ông như ông Thức xúi”.

Có lẽ “Mẹo - Hợi - Mùi tam hạp”, nên ông Thức còn quý một người tuổi Kỷ Hợi là nhà thơ Lê Minh Quốc (1959). Quốc làm thơ, viết báo, viết sách biên khảo in cao từng chồng nên rất quý thời gian kể cả những khoảnh khắc gà gáy ban mai hay tiếng chuông chùa gần nhà điểm canh đêm vắng. 

Nhà văn Đoàn Thạch Biền và nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Thế nhưng, Quốc cũng khoái bạn bè, rượu vào một tí là nghĩa tình bốc lên ngời ngời, nhìn mỗi mặt người đều muốn ôm hôn còn miệng thì “yêu lắm, yêu lắm” để tỏ bày trọn vẹn. Mỗi lần Quốc bốc như thế, ông Thức mắng: “Ồn như cái đồn” nhưng mấy bận vắng Quốc lại nhớ.

Ông Biền cũng quý Quốc theo cách nhìn của một người từng trải. Ông Biền nói: “Quốc nó cô đơn nên khi Quốc yêu say đắm một ai đó mới làm thơ được”. Thật vậy, Quốc yêu rất nhiều như anh tự bạch: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết”. Hai ông Biền và Thức thương quý Quốc như một thằng em trong nhà dù đôi khi Quốc “ồn như cái đồn” nhưng mà “Quốc nó cô đơn”.

Khoảng 4 năm trước, ông Thức về hưu thèm đi chơi bèn rủ ông Biền đi cùng. Ông Thức chở ông Biền trên chiếc mô-tô kèm theo ít tiền bỏ phong bì cho học trò nghèo ở những vùng hẻo lánh. Vài lần đi như thế, bạn bè của hai ông biết được góp thêm chút quà, cái áo, sách vở và tiền. Từ đó quỹ Mô-tô học bổng hình thành với các chuyến đi khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, ra tận hai bên bờ sông Bến Hải và vùng tam giác vàng thuộc tỉnh Điện Biên.

Thời gian đầu, ông Thức chở ông Biền ngồi sau ôm eo ếch như các cặp tình nhân đưa nhau dạo phố. Khi nước Mỹ công nhận hôn nhân đồng tính, nhiều bạn bè ghẹo rằng hai ông đang rủ nhau qua Mỹ định cư. Ông Biền tếu táo phúc đáp sự trêu đùa này: “Không đồng tính cũng đồng tình/ Ngày ôm eo ếch tối rình ngủ riêng”.

Bây giờ, có đi đâu ông Biền cũng không thể “ôm eo ếch” ông Thức nữa, vì ông Thức đã thay khớp háng một lần, lại nhập viện nhiều lần vì viêm, lại mới mổ một lần nữa. 

Cuối đông 2015, hai ông phối hợp với nhóm Cơm có thịt của nhà văn Phạm Ngọc Tiến và nhà báo Trần Đăng Tuấn đi phát học bổng và áo ấm cho học trò một xã biên giới thuộc vùng “tam giác vàng”. Đêm ở Hà Nội trời lạnh run, cái khớp nhân tạo của ông Thức trở chứng phải bay gấp về Sài Gòn nhập viện. Ông Biền ở lại một mình đi Điện Biên, tuy không nói ra nhưng mặt ỉu xìu.

Đêm ở Điện Biên, hai đoàn Mô-tô học bổng và Cơm có thịt hợp lại, vào bản ăn cơm tối kèm vài ly rượu sưởi ấm. Thiếu ông Thức, ông Biền uống nhát gừng. Thấy thế, Phạm Ngọc Tiến khích: “Mô-tô học bổng sao chơi paragame thế?”. 

Ông Biền liền thọc một tay vào túi quần đứng lên: “Tôi xin đại diện Mô-tô học bổng mời anh Tiến”. Cứ thế đến hết buổi, hết chén này đến ly nọ, ông Biền chỉ mời mỗi Phạm Ngọc Tiến khiến “Tiến trọc” lơ đòn dù ông Tiến là người hay rượu.

Mô-tô học bổng bắt đầu tự phát từ sự ham chơi của ông nhà văn và sự góp công góp vật chất của bạn bè, chứ không có bất kỳ một “Mạnh Thường Quân” nào nhằm đánh bóng thương hiệu hay dương danh với đời. Khi thiếu tiền để phát ở một địa phương nào đó, ông Thức đánh tiếng xin thêm bạn bè và công khai rất rõ đến từng đồng đã chi. 

Ông Mạnh Thường Quân trong truyện Tàu nuôi môn khách đầy nhà, ông cũng phải lấy uy tín, danh tiếng của mình đi xin các nhà giàu trong vùng, chứ gạo tiền trong nhà ông làm sao có đủ. Khi làm một việc vì cộng đồng, chỉ cần thực tâm và minh bạch, thì không lo gì không có sự cộng hưởng từ những tấm lòng.

Mô-tô học bổng đến tai nhiều người, họ không ngần ngại đóng góp bằng nhiều cách, nhiều người còn xin ẩn danh. Chẳng hạn, một cô giáo về hưu tuổi ngoài 80 sống ở quận Thủ Đức, biết chuyện đã viết thư tay mời ông Thức đến tận nhà để trao số tiền tiết kiệm mà con cháu cho bà để tiêu. 

Cứ vài ba tháng, khi để dành số tiền kha khá, bà lại gọi ông Thức đến đưa tiền. Tại sao nhiều người như cô giáo về hưu kia lại tin tưởng ông Thức đến vậy? Đơn giản, vì họ tin thôi. Mà, niềm tin thì không thể lý giải!

Sau khi phát học đại trà, kiểu như mỗi tỉnh chọn ra một huyện nghèo nhất rồi chọn ra một xã nghèo nhất có một hai trường học khó khăn nhất, Mô-tô học bổng đang chuyển sang chiều sâu cấp học bổng hằng tháng cho những học trò, sinh viên học giỏi nhưng nhà nghèo. Mỗi tháng ông Thức đều ra ngân hàng chuyển khoản cho những học trò, sinh viên cần trợ giúp. Trong các lần đi phát học bổng như thế, ông Thức đều nói: “Chỉ có học mới mong thoát nghèo, giúp bản thân, gia đình và mọi người xung quanh”.

Trong học bổng chiều sâu, không chỉ cho tiền là đủ. Ông Thức thường xuyên thăm hỏi đến hoàn cảnh sống và học lực hằng tháng của các em. Khi biết cháu này thiếu máy tính để học, ông Thức đi xin máy tính. Khi biết cháu kia ngày khai giảng không có áo quần, giày dép, ông lại đi xin. Thậm chí, các cháu bệnh tật, ông Thức rủ ông Biền cùng đi lo.

Năm 2015, hai ông và bè bạn dắt nhau ra thăm cháu Hồ Dôm ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Cháu Dôm bị tật một chân từ nhỏ, do cha mẹ đi làm rẫy để cô bé ở nhà bò vào bếp lửa, khiến một chân bị cháy còng queo. Dôm lớn lên đi học như chúng bạn, Dôm học giỏi nhưng đi học bằng một chân nhảy lò cò. Việc đầu tiên, Mô-tô học bổng tặng Dôm đôi nạng, hẹn mùa hè đưa Dôm về Đà Nẵng để phẫu thuật. Hiện, bé Hồ Dôm đã đi lại gần như người bình thường sau mấy lần lên bàn mổ.

Ông Thức, ông Biền không thể thường trực ở bệnh viện ngoài Đà Nẵng chăm Dôm. Hai ông nhờ anh Lê Minh Tâm và anh Ngọc Thành ở Đà Nẵng thay mặt mình. Anh Lê Minh Tâm là anh ruột nhà thơ Lê Minh Quốc, Tâm bị bệnh dẫn đến liệt hai chân từ nhỏ, nên anh rất đồng cảm với những người không thể đi lại bình thường. Mỗi ca mổ của bé Dôm, anh Tâm đều thường trực bệnh viện. Khi cái chân cong quéo của Dôm chạm được đất và bước chập chững, Tâm vui mừng chụp hình gửi ngay cho ông Thức “post Face” báo với mọi người trong gia đình Mô-tô học bổng.

Mô-tô học bổng tồn tại được dù ông Biền không “ôm eo ếch” ông Thức được nữa, là nhờ mạng xã hội Facebook. Đây là kênh kết nối tiện lợi, hiệu quả, nhanh nhất của những tấm lòng. Thế nhưng, ông Biền nhất mực không chơi Face vì ông sợ... công nghệ như sợ người yêu nói lời chia tay đi lấy chồng. Một lần, ông Thức mượn cái iPhone của ông Biền mới được con gái ruột tặng, khi ông Thức hỏi mật khẩu thì ông Biền nói tui quên rồi.

Kiên trì lôi kéo, dụ dỗ và cả “hăm dọa” vài lần như thế, ông Thức cũng lập cho ông Biền tài khoản chính danh trên Face. Mấy ngày đầu ông Biền còn e dè, giờ thì có ai nhắn tin hay comment, ông trả lời ngay. Mấy ngày đầu, ông trả lời không bỏ dấu, giờ thì ông bỏ dấu ngon lành. 

Mấy ngày đầu, ông còn nhờ ông Thức hay bạn bè post hình và viết status giúp, giờ thì ông ra riêng một góc ngồi viết và post xong đem lại khoe với gương mặt rạng rỡ như trẻ nhỏ được tặng quà. Có lần, ông Biền ngồi cạnh ông Thức, ông Biền nhắn qua Face cho ông Thức; ông Thức hỏi tui ngồi đây có gì nói chứ anh nhắn làm gì? Ông Biền trả lời: “Ông bày tui chơi Face, tui nhắn cho ông xem có được không, được là thành công rồi”.

Từ ngày về hưu, ông Biền thường tắt điện thoại nằm nhà đọc sách, coi phim. Lâu lâu ông mở máy xem có ai nhắn tin thì ông gọi lại. Ông nói vui: “Về hưu lương ít nên điện thoại cũng phải tiết kiệm pin”. 

Nói thế, nhưng ông chơi rất sộp, với các bạn văn trẻ ông không chỉ “Hiền như ông Biền” mà còn là “Ông Biền trả tiền” vì ông không bao giờ để các cây bút trẻ trả tiền dù là ly trà đá trong các cuộc gặp mặt. Mới đây, ông còn đem cả chục bức tranh của nhiều danh họa sưu tập được tặng lại cho ông Thức bán đấu giá cho Mô-tô học bổng. Từ khi có Face, có việc gấp muốn tìm ông Biền không cần gọi điện mà máy thì ông tắt nữa, chỉ cần inbox là ông trả lời ngay.

Trần Hoàng Nhân
.
.