Chuyện nhỏ họa lớn

Thứ Năm, 14/11/2019, 10:00
Mấy nay thời tiết nhiều bất an quá đỗi, hết bão này đến bão kia, hết ô nhiễm này đến ô nhiễm kia, rồi Đồng bằng Sông Cửu Long và TP HCM với nguy cơ bị xóa sổ do mực nước biển dâng cao theo cảnh báo của các nhà khoa học nước ngoài...

Tất nhiên, nhận định TP HCM hay Đồng bằng sông Cửu Long bị xóa sổ do  mực nước biển dâng cao không hẳn đã chính xác hoàn toàn. Dẫu vậy, thay vì cãi nhau thông số đúng hay sai khi đưa ra nhận định đó thì các nhà khoa học đang công tác ở những cơ quan chuyên trách về môi trường nên lấy thực tế làm lo mà cùng nhau bàn bạc tìm giải pháp, chứ rõ ràng cả TP HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối diện với những trận ngập năm sau cao hơn năm trước.

Cách đây mươi năm, chỉ có Thủ đô Hà Nội và TP HCM là chịu ngập khi mưa lớn, triều cường... thì nay cái chuyện ngập đã chia đều cho khắp các nơi ở nước mình từ đô thị cho đến vùng xa, từ Tây Nguyên cho đến đồng bằng... Đáng tiếc là ngoài khoản kinh phí nghìn tỷ dự tính chi cho công tác chống ngập như nhiều năm trước (mà tính hiệu quả rõ ràng chưa như kỳ vọng của lãnh đạo lẫn nhân dân) thì hiện tại vẫn chưa có giải pháp nào đủ tính thuyết phục cho một tương lai ngập nhiều còn ngập ít, ngập ít thành hết ngập.

Nhưng câu chuyện vĩ mô này là chuyện tiện nghĩ thì viết, chứ Ngô muốn bàn về một vấn đề khác, vấn đề nhỏ thôi.

1. Có ông cán bộ đang công tác tại một phường ở thành phố Đà Nẵng vừa bị cấp trên kỷ luật vì hành dân. Thiệt ra, cái chuyện cán bộ phường xã hành dân vốn không mới. Ngô nói cái này các anh chị đang công tác ở phường xã đừng buồn, chứ Ngô thấy nhiều anh chị phong thái còn oai hơn cả Bộ trưởng. Ngô tiếp xúc với Bộ trưởng, thấy Bộ trưởng nói năng nhẹ nhàng từ tốn, phong thái đường hoàng, cử chỉ khoan thai. Nghiễm nhiên, Ngô chỉ đang miêu tả về thái độ chứ chưa bàn sâu về đóng góp.

Ông cán bộ đang công tác tại một phường ở thành phố Đà Nẵng, ông này siêu nhân không kém ông bà cán bộ của một phường ở thành phố Huế. Ngô nhớ không nhầm thì từ Đà Nẵng ra đến Huế chưa đến 100km, lẽ ra cán bộ phường ở Đà Nẵng nại xa không hay tin thì cũng phải đọc báo mà am tường tình hình thời sự chứ.

Ở Huế, có cá nhân không may bị tai nạn giao thông tử vong tại chỗ. Cơ quan Công an cung cấp hồ sơ xác thực nạn nhân đã tử vong, biên bản bàn giao thi thể để người thân thuận tiện trong việc xin giấy chứng tử tại địa phương. Vậy mà, người thân của nạn nhân về đến phường xin thì bị phường bắt lý.

Cán bộ phường nói, chết thì phải có đơn xin xác nhận đã chết, đơn xin xác nhận đã chết phải có mộc đỏ của cơ quan công an thì mới hợp lý. Chứ chết mà không có đơn xin xác nhận thì không phù hợp, không cấp giấy chứng tử được. Hồi mấy năm trước ngay tại Thủ đô Hà Nội, một nhân viên của phường cũng đã bị cho thôi việc vì hành dân trong việc xin cấp giấy chứng tử.

Ngô nghĩ, đến nghĩa tử là nghĩa tận mà vẫn khô khốc như ngói, xơ xác như rạ rơm để dân lên dân xuống nhiều lần thì không tài nào chấp nhận được. Cán bộ như vậy thì giữ lại để làm gì, nên đuổi hẳn chứ tiếc nuối gì mà giữ. Không phải cán bộ hiện hữu là để phục vụ nhân dân hay sao, cán bộ ăn lương ngân sách để phục vụ nhân dân rồi quay lại hành nhân dân nhưng vẫn tiếp tục công việc thì hóa ra ngân sách đang “công đức” cho một đối tượng rất không xứng đáng.

Mà nhà người ta đang có việc hiếu, mắt còn đỏ hoe, lòng còn tan nát, lên đến phường xã còn bị này kia kia nọ, còn bị đi lên đi xuống lần này lượt kia thì ngang tu hú đậu trên đầu sư, tâm nào tịnh được, lòng nào nhẫn được.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Trở lại câu chuyện của ông cán bộ của phường ở Đà Nẵng, ông này trần tình đã công tác hai mươi năm ở vị trí hiện tại, ông ấy không làm khó dân chút nào, bị kiểm điểm thiệt là oan ức.

Có gia đình đặt tên con trùng với tên của em ruột của ông ngoại, một húy nặng cần sửa đổi. Người nhà lên xin cho con được đổi tên thì gặp ngay ông cán bộ phục vụ dân hai mươi năm này.

Đầu tiên, ông cán bộ yêu cầu người nhà phải làm giấy xác nhận tên của cháu bị trùng với tên của em ruột ông ngoại. Xác nhận này phải có chữ ký tươi từ trưởng tộc cho đến cơ quan có thẩm quyền. Cán bộ yêu cầu thì người nhà buộc phải đáp ứng, chứ không đáp ứng thì biết ai đồng ý cho đổi tên bây giờ.

Có xác nhận này, người nhà mang lên gặp ông cán bộ công tác hai mươi năm để nộp. Nộp xong, ông cán bộ công tác hai mươi năm đưa thêm mẫu đơn khác yêu cầu người nhà khai tiếp.

Khai xong, lại nộp. Lần này, ông cán bộ công tác hai mươi năm lại bảo thiếu chữ ký của cha cháu bé. Thôi thì tranh cãi với cán bộ công tác hai mươi năm chỉ có lỗ chứ không có lãi, đành mang đơn về bổ sung.

Bổ sung xong mang lên, cán bộ đang công tác hai mươi năm vẫn chưa cảm thấy thoải mái nên lệnh tiếp, trong đơn không có thông tin của người trùng tên đã mất, mang hồ sơ về làm lại rồi tính sau.

Sức người có giới hạn, đến biển bị lấp còn phải nhường cho cao ốc mọc lên huống hồ thần kinh của con người. Thế nên, người nhà xin gặp Chủ tịch UBND Phường, tức là sếp của ông cán bộ đã công tác hai mươi năm để phản ánh. Nói phản ánh cho đúng chữ chứ hẳn nhiên là mắng vốn.

Ông Chủ tịch UBND phường nghe người dân kể lại toàn bộ câu chuyện thì hoảng quá, một mặt vội vã yêu cầu họp xem xét trách nhiệm ông cán bộ đã công tác hai mươi năm, mặt khác xin lỗi người dân vì bị “hành ra hơn cả bã”. Ông cán bộ đang công tác hai mươi năm phải làm kiểm điểm, kiểm điểm xong lãnh đạo Phường chuyển ông sang công tác ở lĩnh vực khác.

May cho người dân là còn ông Chủ tịch UBND phường hiểu chuyện, chứ không thì chắc húy hay không húy gì cũng để con em mình tên trùng với tên ông bà. Chứ cán bộ chơi vậy ai mà chiều cho nổi.

2. Ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (quê của Ngô) có chị kia tên dài quá, dài đến độ đi làm thẻ ATM ngân hàng từ chối vì không đủ chỗ để in nổi tên của chị. Nghĩ mọi việc đơn giản, chị xin đổi tên cho ngắn gọn hơn. Ai ngờ, ông cán bộ tư pháp huyện nhận đơn xin đổi tên của chị xong trả về.

Cảm thấy việc không được đổi tên là không chính đáng, chị lại tiếp tục lên tỉnh để xin đổi tên. Lên đến tỉnh, cán bộ còn độc đáo hơn khi từ chối cho chị rút gọn tên với lý do, “Tui thấy tên của chị cũng đẹp mà, mắc mớ gì đổi chi cho phức tạp. Khi nào tên của chị dở khiến chị bị trầm cảm, bị tự ti... thì tụi tui mới đổi cho chị”.

Vậy là thay vì cho chị rút gọn tên, cán bộ huyện lại liên lạc với chi nhánh ngân hàng để mong chi nhánh ngân hàng linh động làm thẻ ATM cho chị. Chị cáu lắm trần tình, tui đi lại cả tháng xin rút gọn tên không được, mà tui chưa chồng chưa con còn thuận tiện để xin rút gọn tên chứ sau này giấy tờ nhiều hơn lại còn mệt nữa.

Thôi thì không bàn quá nhiều chi cho thêm nhiễu sự, tên họ là quyền cá nhân của công dân, công dân mong muốn được rút ngắn tên nhằm thuận tiện cho công việc, giao dịch tài chính hay gì đó thì khó khăn với công dân làm gì. Công dân cũng có phải đối tượng gây trọng án rồi thay họ đổi tên phẫu thuật thẩm mỹ để trốn truy nã đâu mà làm khó khăn chi.

Mà Ngô thưa thiệt, đôi lúc với người này thì khó nhưng với người kia thì dễ. Nhìn cán bộ ở ở địa phương này xài bằng giả bị phát hiện, nhìn cán bộ kia giả hồ sơ để thăng tiến bị bại lộ... mới thấy rằng cán bộ thay đổi nhiều thứ thì dễ đến vậy nhưng công dân chỉ xin đổi tên lại khó ngang vớt trăng dưới nước, hái gió trên trời. Thậm chí, có ông trốn truy nã còn thay đổi được mọi thứ rồi thênh thênh thang thang vào cơ quan công quyền phụng sự. Mấy ông này làm cách nào mà lọt cửa những cán bộ án ngữ lĩnh vực mà họ đảm nhiệm đầy mẫn cán như vậy, biến hóa thần thông như Tề Thiên Đại Thánh cũng tài đến thế là cùng.

Tiện cho Ngô xin nói, cha mẹ đặt tên con cũng nghĩ ngợi sau này cho con một chút. Có bậc cha mẹ thích đặt gì thì đặt, đặt từ Mai Phạt Sáu Nghìn Rưỡi cho đến Phan Hết Ga Hết Số, rồi còn những cái tên nghe rất buồn Hoài Hận hay Trường Hận. Đời sống nhân gian ngắn ngủi, chuyện gì bỏ qua được thì bỏ, chuyện gì quên được thì quên, chứ mình hận đời mình còn chưa đủ hay sao chuyển sang tên gọi của con để hận tiếp thì vừa tội lại vừa không công bằng cho con.

Hết tên hết chứng tử lại đến xin chứng nhận độc thân khi mua bán, giao dịch tài sản... Ông nào nghĩ ra phát kiến chứng nhận độc thân thật sự là kỳ tài, người độc thân cũng phải chứng nhận độc thân mà người đã lập gia đình cũng phải chứng minh tài sản ấy có từ hồi còn độc thân. Anh chị nào không may từ Lạng Sơn vào Cà Mau lập gia đình mưu sinh lập nghiệp, sực nhớ ra có chiếc xe gắn máy từ hồi thanh xuân còn dư nên tính bán kiếm thêm chút đỉnh.

Đến lúc tìm được người mua, anh chị ấy sẽ thấy cái cảnh lộn ngược về Lạng Sơn xong chạy thẳng về Cà Mau chứng thực độc thân sẽ đường xa thăm thẳm dịu vợi nghìn trùng là như thế nào.

Chính phủ đẩy mạnh cải cách, số hóa dữ liệu, thêm thời đại trí tuệ nhân tạo rồi nhưng cán bộ địa phương vẫn không đồng bộ hóa được dữ liệu cư dân, cán bộ địa phương vẫn giữ tư duy xin cho thay vì phục vụ. Lắm lúc, cán bộ địa phương ngồi bia tranh nhau nói, tranh nhau cười nhưng tiếp dân thì kiệm một câu hướng dẫn, tiếc luôn cả một nụ cười.

Cái này là chuyện nhỏ, nhưng rõ ràng họa rất lớn. Ấy chính là niềm tin của nhân dân vào thể chế. Như Ngô từng trình bày, thành lũy của niềm tin chính là cán bộ địa phương, mà cán bộ địa phương lại làm việc theo kiểu chỗ này khó đến bất ngờ chỗ kia thoải mái đến dễ dãi thì làm sao thành trì ấy có thể bền vững được...

Ngô Nguyệt Hữu
.
.