Chuyến đi săn nhuốm máu

Thứ Sáu, 03/03/2017, 17:08
Vừa rồi, Hoàng tử Anh William, công tước xứ Cambridge đến Việt Nam, Sứ quán Anh đã cho mời tôi (cùng 4 cá nhân tiêu biểu khác), với dày đặc các hoạt động liên quan đến bảo vệ các loài hoang thú đến để cùng đàm đạo. Chúng tôi cà phê vỉa hè và hàn huyên lan man "chuyện nọ xọ chuyện kia".

Ngài công tước xứ Cambridge từng sống, gắn bó và có ảnh hưởng lớn tới các cộng đồng người ở châu Phi, chúng tôi cùng nói về những ám ảnh thiên nhiên sum vầy và nỗi đau động vật bị tàn sát ở châu Phi... Chia tay Hoàng tử, trở về, tôi đã nghĩ và hối hận miên man về một chuyến đi săn nhuốm máu mà mình từng tham gia ở Nam Phi. Quả là chưa bao giờ tôi dám kể với ai điều đó.

Những phát súng vô đạo

Chuyện là thế này, trong quá trình điều tra thâm nhập các tổ chức buôn lậu ở châu Phi, nhóm chúng tôi đã phải vào rất nhiều vai để cùng các đối tượng da đen, da trắng và da vàng đi săn, đi thì thụt buôn bán môi giới hoặc ăn chơi kiểu dân anh chị ở nhiều nhà hàng, quán bar overnight (trắng đêm). Đi từ Johannasburg đến Cape Town, từ Kruger đến thủ đô Petoria. Một trong các chuyến đó, tôi đã vào vai thành viên của một đoàn bắn thú hoang.

Cái ám ảnh tôi nhất, từ hôm đó, đến tận khi viết những dòng này, vẫn là cảnh giết chóc vô đạo với các loài động vật tuyệt sắc. Gã da đen, ngồi chồm hỗm ở cái ghế đẩu bằng sắt thiết kế bung biêng trước mũi xe.

Gã da trắng bồng bềnh cầm khẩu súng săn nòng to như ống điếu, kiêm luôn lái xe địa hình. Hắn nạp đạn, dâng súng ngang mặt cho người giàu có và người thích thể hiện đẳng cấp bằng cách kết liễu sự sống của con vật khổng lồ tội nghiệp. Xe đặc chủng leo vào khu safari rộng mênh mông, đó là một thế giới bảo tồn do tư nhân quản lý. Cỏ và cây bụi của hệ sinh thái savan cứ lúp xúp, đứng góc nào cũng dễ dàng phát hiện được muông thú đang di chuyển. Tê giác, sư tử, ngựa vằn, sơn dương, voi... cứ hồn nhiên nô đùa. Đàn sơn dương đầu bò lao đi, đen đặc cả thung lũng, như một cơn mưa màu nâu xám.

Con thú tội nghiệp bị xả thịt, lột da ngay sau đó.

Một loài vật gì đó, trông giống lũ hươu nai. Chúng đi thành đàn lớn, sừng cả đám cùng nhô lên tua tủa, mờ ảo trong sương. Lũ chim đặc trưng của rừng châu Phi cắp cỏ rác làm vô số các cái tổ tròn thuôn duyên dáng. Tổ chim bằng cỏ vàng ươm như rơm mùa gặt Bắc bộ nước ta.

Hàng nghìn tổ chim treo kín, treo vàng các tán cây bìa rừng, chim bay như vãi trấu. Người khách săn nín thở, đĩnh đạc siết cò và ngẩn tò te nhìn chiến tích của mình. Anh ta say máu, chạy tiếp vào các trảng cỏ và bắn nhiều phát nữa. Tiếng nổ làm anh ta sướng phát rồ lên. Anh ta quẳng súng và múa may đến gần một con sơn dương đầu bò đang nằm thoài loài. Con vật thở dốc, mũi nó phập phồng ướt sũng.

Có vẻ như nó đang căm phẫn. Cả đàn sơn dương vẫn túa đi bốn phương tám hướng mong được thoát thân. Sau tiếng súng, chúng tăng tốc khủng khiếp. Như có một trận động đất, một cơn cuồng phong đang mù mịt cả cánh rừng.

Một đồng đội của đàn sơn dương đã nằm lại. Lũ tê giác cắm cổ chạy, con vật cao đến 3m, nặng hàng tấn ấy, trông cồng kềnh vậy, mà khi cận kề sinh tử, nó chạy với tốc độ 65km/h (như khoa học đã chứng minh). Lũ sư tử đực chậm rãi bỏ đi, có vẻ như chúng không sợ lắm, chỉ chán nản "tránh voi chả xấu mặt nào" thôi. Riêng đàn voi tai to như cái mẹt thì khinh khỉnh quay các cặp mông khổng lồ lam nham bùn đất về phía chúng tôi.

Vừa rút đi vừa tranh thủ bẻ lá rào rào. Như đàn voi chiến, chúng không sợ tiếng súng hoặc mùi thuốc súng? Khổ thân chú sơn dương đầu bò đực vạm vỡ. Người ta siết cò vì họ thích ra oai khi săn bắn thôi, chứ họ có thù oán gì loài sơn dương hiền như nai cái. Đám thợ săn (trong đó có tôi), cũng không cần thịt của sơn dương để ăn hoặc bán lấy tiền. Họ săn bởi họ thích săn. Họ bắn bừa, bắn vào đàn vô thiên lủng muông thú ở các cánh rừng giàu có nhất địa cầu đó, thì bắn trượt khó hơn bắn trúng rất nhiều.

Thú hoang loang máu, gục đầu. Đám người nhao lên tự sướng nhiều ảnh trước thi thể còn nóng hôi hổi, những sợi lông cứng quèo quánh bùn đất của con vật to đùng. Họ không chỉ bắn một phát và không chỉ tước mạng sống của một con vật.

Hổ và sư tử đều được nuôi nhốt, sinh sản hàng đàn và chúng bị tiêm thuốc gây mê trước khi thả cho thợ săn bắn, người ta bỏ ra hơn 10 nghìn USD để bắn một con thú lớn.

Những khẩu súng lớn được dựng kiêu hãnh bên xác con vật vô tội, gương mặt hớn hở của đám thợ săn thời a-còng, những chiếc điện thoại đắt tiền được "show" để chụp chán chê rồi lại quay, quay xong lại "úp" (up) lên phây (Facebook). Tôi cũng chụp ảnh kỷ niệm và cũng thấy mình oai hùng như một chiến binh bất bại khi học đòi chụp kỉ niệm một tấm ảnh bên thi thể con vật ở cánh rừng cách quê tôi ngót nửa vòng trái đất.

Nhưng, như có một luồng điện, như có sự sắp đặt của thiên thần hoặc ác quỷ, như là số phận. Trong tích tắc. Tôi điếng người, ngơ ngẩn khi phát hiện cặp mắt xanh như miếng ngọc bích của con vật tội nghiệp.

Mắt nó xanh kỳ lạ lắm, không như mắt mèo, chẳng như màu trứng chim sáo, cũng không giống hồ Namtso xanh thẫm huyền thoại của Tây Tạng. Nó là một màu xanh rạn vỡ, xanh thăm thẳm như Thái Bình Dương ở chỗ thật sâu, xanh như hòn bi ve vừa ra khỏi lò luyện thủy tinh nước Ý. Con sơn dương đầu bò giương cặp mắt xanh rợp mi đen, dài và cứng nhìn chúng tôi. Cái nhìn vô hồn tuyệt vọng. Cặp mắt như viên bi ve xanh rạn vỡ của nó trôi đi, cứ trôi mãi về phía trán nó. Như dòng chảy của hàng nghìn cặp mắt xanh đang trôi dần dà.

Gã da trắng mặc quần soóc, đội mũ chào mào kiêu hãnh rút súng ngắn ở thắt lưng, nhằm thẳng đỉnh đầu con vật dường như đã chết kia siết cò. Phát đạn nhân đạo cũng không làm con vật giãy thêm được cái nào. Gã nhìn tôi tinh tướng. Gã bảo, nếu nó chưa chết hẳn, có thể ai đó trong chúng ta sẽ phải chết. Con vật vẫn hực hờ khe khẽ. Mắt nó vẫn mở, hàng trăm hòn bi ve vẫn trôi lên phía trán. Trán nó sứt sẹo, lồi lõm lởm chởm. Vẻ như rêu mốc, vẻ như xương và da nó đã hóa thạch trên đỉnh đầu. Đó là các tấm huy chương trời và rừng trao cho một con đực hoành tráng.

Cuộc chiến giành lãnh địa và giành con cái của nó kết thúc tại đây, với phát súng lục vào hàng nghìn huân huy chương lồi lõm sau các cuộc huyết chiến. Con sơn dương nhìn tôi như oán thán. Linh hồn nó dường như vẫn chưa thoát khỏi xác phàm kia. Tôi cúi sát xuống cỏ, nhìn vào đôi mắt ấy. Cỏ cháy, gai chằng chịt bốn bề.

Trông nó khắc khổ như cây cỏ trên hoang mạc này vậy. Nơi đây, những cái cây phải tự trút lá để tránh thoát hơi nước trong cái hanh khô giòn tan các trảng cỏ của châu Phi. Nhiều cây khác buộc phải sống sót trước các cái mồm phàm ăn của voi, tê giác hoặc hươu cao cổ - các loài không tha thứ cho cả cành lá ở tít trên đỉnh trời - bằng cách mọc ra vô số gai nhọn để tự vệ. Có thảm gai khô trắng, mốc thếch, nhọn như kim, cứng như sắt, gai nhọn phủ kín cả tán rừng.

Mắt con vật vẫn trân trối nhìn tôi. Sơn dương đầu bò khổng lồ đã chết không nhắm được mắt. Bùn đất khô quánh bao quanh cơ thể nóng rực của nó đang rạn vỡ rơi ra như lớp áo giáp. Tôi đứng góc nào thì đôi mắt to và đầy oán thán đó cũng như ngước theo nhìn. Tôi thấy mồ hôi chảy lạnh buốt dọc sống lưng.

Thuê gái điếm đi săn tê giác

Trước giờ vào cuộc săn, tôi đã nhiều lần hỏi những người bạn da trắng và da đen ở Nam Phi, rằng khu bảo tồn tư nhân đó có được bắn thú không? Họ đều xác nhận là có, có giấy phép nuôi và có quyền bắn. Tôi nghi ngờ câu trả lời dạng này. Mặc kệ, họ có cả kho súng, cả đoàn xe địa hình và có cả hệ thống người phục vụ thú săn bắn quái đản của người châu Mỹ, châu Âu và đặc biệt là châu Á.

Con sơn dương đầu bò bị sát hại và thợ săn dựng súng bên cạnh để chụp ảnh tự sướng.

Ví như người Việt Nam, vì mê lú với đống tiền rồi đống huyền thoại chữa bách bệnh của sừng tê giác, nên họ quyết tâm bằng mọi giá để giết được con vật tội nghiệp. Lợi dụng chính sách cho nộp tiền để bắn tê giác hợp pháp, người Việt tính rất nhanh. Nộp hơn 10 nghìn đô được bắn một con, đem mẫu vật về "trưng bày" rồi mài ra uống, hoặc lén bán nó đi, có khi giá được thổi lên tới 50 nghìn đô/chiếc. 

Lãi nào bằng. Đến lúc quá nửa tội phạm bắn tê giác ở Nam Phi là người châu Á, thì nước bạn bèn cấm người Việt Nam được ghi tên vào cuộc săn bắn dạng trên. Bí quá, các chàng cao bồi hám tiền bèn qua Thái Lan "vui vẻ" với gái ở phố đèn đỏ, rồi rủ các nàng du hí Nam Phi một chuyến gọi là "du lịch tuần trăng mật".

Nàng nào cũng mắt sáng lên, sang đó lại được tiệc đứng giữa rừng, lại bắn toàn những con vật khổng lồ đẹp đẽ. Cụm từ "thuê gái điếm đi bắn tê giác" đã có trong nhiều bản báo cáo thống thiết, đã trở thành nỗi ám ảnh với quá nhiều nhà bảo tồn Nam Phi.

Trong khu bảo tồn tư nhân có những chàng và các chị da đen hiền lành mà chúng tôi thâm nhập, người ta kiếm được nhiều tiền hơn từ nhờ các mánh tìm kiếm, nuôi dưỡng hoặc mua gom động vật về cho thiên hạ bắn.

Chúng tôi vào khu vực nuôi hổ, nuôi sư tử cho sinh sản. Tưởng kiêu hãnh và kỹ tính cầu kỳ thế nào, hóa ra "ông ba mươi" và chúa sơn lâm đều rất xuề xòa ăn ở, lại giao cấu lung tung, con cái thì đẻ cả đàn bốn năm đứa lóc nhóc. Mấy anh chị hổ đưa từ châu lục khác sang châu Phi, nhốt gần những người bạn lớn bản địa là sư tử. Cả vua và chúa sơn lâm đều ăn đầu gà công nghiệp, xác gà chết trong các trang trại sắp bị vứt đi cả.

Người làm công cho safari ấy là một gã da đen vui tính: "Hổ này nhốt lâu quá, lúc mở cửa chuống nó cũng chả thèm chạy. Nhưng lúc nó cáu tiết lên thì cũng hăng lắm. Có ông săn cả ngày không bắn được con hổ. Ông ta cáu tiết không trả tiền hơn 10 nghìn đô "dịch vụ giết thú". Từ bấy, trước lúc thả hổ ra cho người ta đuổi bắn, chúng tôi cứ chắc ăn, tiêm cho ông cọp một mũi thuốc mê nhẹ. Độ 2 tiếng sau là bắn trượt bắn trúng thì ngài cũng lăn vào bụi cây ngủ vùi. Muốn bắn giết kiểu gì thì tùy!".

Trở về từ cuộc đi săn tàn nhẫn đó, tôi ngoái lại các cánh rừng, thấy hoàng hôn đã nhuộm thắm chân trời, như là một vũng máu khổng lồ thú loang đang tung tóe đỏ ối trong ráng chiều. Nó ruộm thắm cả miền ký ức của tôi từ bấy.


Trần Tâm
.
.