Chuyện cafe

Thứ Sáu, 03/04/2020, 10:38
Bên bàn điểm tâm sáng, bên ly cafe sớm, nơi quán hàng ăn xế buổi chiều hay kể cả là giữa một quán ăn khuya, chúng ta có thể quan sát cuộc sống ở một góc nhìn mới và khác.

Từ góc nhìn của tôi, những câu chuyện quà vặt đã bắt đầu. Và các bạn, chính các bạn cũng có những câu chuyện quà vặt của riêng mình, ở chỗ các bạn đang ngồi.

Sáng có hẹn cafe với một người bạn mà lại vướng một cuộc họp nhỏ nên tôi chủ động hẹn anh ở cái quán ngay sát bên hông cơ quan mình. Rời buổi họp, sang đến nơi đã thấy anh ngồi đó đợi từ bao giờ. Ly cafe đã cạn hơn nửa, trong gạt tàn cũng đã dăm cái đót thuốc rồi. Chứng tỏ, anh đợi cũng lâu.

Như lệ thường, bao giờ cũng là những hỏi thăm về chuyện công việc. Lại đúng lúc đang trong mùa dịch bệnh, mọi thứ đóng băng, chuyện công việc càng khiến người ta muốn tò mò hơn cả. Nhưng rồi anh đã khiến tôi ngạc nhiên với câu trả lời của mình. Không biết là anh hay, hay là anh may nữa.

"Từ hai năm trước, anh nhận thấy sai lầm của mình là dàn trải quá. Và cũng dự đoán cái chu kỳ 10 năm sẽ lặp lại nên lo lắng là 2020 này sẽ khó khăn. Nên hai năm qua anh đã cắt giảm quy mô của mình rất nhiều. Xưa anh hơn 400 nhân viên. Giờ anh chỉ còn giữ lại khoảng 70 nhân viên cơ hữu thôi", anh rỉ rả. 

"Vậy là anh mới cắt giảm đợt dịch này ư?", tôi hỏi. "Không, anh chủ động cắt giảm từ hai năm qua rồi. Mỗi người cắt giảm anh đều bồi thường cho họ 3 tháng lương nếu như họ còn trong hạn hợp đồng. Cho đến trước Tết vừa rồi là bên anh đã cắt giảm xong, nên may mắn là không phải cắt giảm ai vì dịch bệnh cả", anh từ tốn trả lời.

Ảnh: LG.

Hóa ra là kế hoạch cắt giảm của anh ấy chẳng liên quan gì đến COVID-19. Anh tâm sự rằng thấy mình cần phải tập trung lại, vào đúng thế mạnh của mình sau khi đã nhận thấy sai lầm từ sự phình to quá mức của doanh nghiệp. 

Việc anh chủ động cho nhân viên thôi việc, với 3 tháng lương lót tay, theo anh là để họ có thể an tâm đi kiếm tìm việc khác. Theo anh, cắt giảm từ từ như thế ít ra sau này nhân viên cũ gặp lại mình còn vui vẻ ngồi với nhau uống được cốc beer chứ nếu nhân đợt dịch mà giảm nhân sự thì gặp mặt nhau trở lại rất khó.

Câu chuyện của anh khiến tôi liên tưởng đến một dòng trạng thái của một cậu em cách đó mấy hôm. Cậu chụp lại màn hình cái tin nhắn của một nhân viên gửi mình, đại ý tự xin giảm 50% lương đợt dịch để cùng chia sẻ với sếp. Nhưng câu trả lời của cậu là "Các chú ở đâu cứ ở yên đó. Chưa đến mức phải như thế. Có cơm hay có cháo gì thì anh em ta cũng cùng một mâm mà". Câu chuyện của cậu đủ khiến người đọc ấm lòng trong giai đoạn khó khăn này. Hóa ra, những sẻ chia là luôn có. Chỉ là quan trọng ta ứng xử với nhau thế nào khi đang đủ đầy mà thôi.

Quay lại với anh bạn cafe, tôi hơi giật mình khi được anh tiết lộ rằng chính ra trong đợt dịch này công ty của anh lại nhiều việc hơn. Anh lý giải rất đơn giản. Trước đây, lúc thị trường sôi động, ngân sách của khách hàng rất lớn, đối thủ cạnh tranh của anh có cơ hội hơn anh dù họ không vượt trội anh về năng lực, thậm chí còn kém hơn, là bởi nhân viên của nhiều khách hàng có cơ hội "gửi giá" vào trong các gói thầu. 

Còn bây giờ, khi ngân sách bị cắt giảm rất mạnh tay, cái việc "tham nhũng vặt" ấy khó lòng thực hiện được thì họ lại tìm đến anh. "Cứ khó thì họ tìm đến mình mới lạ em ạ", anh cười lớn khi kể chuyện ấy, "còn khi nào hồi phục rồi, lại quay lại con đường cũ hết cả thôi".

Câu chuyện của anh khiến tôi giật mình. Xưa nay, nói đến tham nhũng, chúng ta hay nghĩ về những người trong bộ máy nhà nước chứ ít ai ngờ ở những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tồn tại thứ hành vi ấy. Nhưng không phải vậy. Khi ai đó được trao niềm tin và được ở một vị thế có thể quyết định điều gì đó liên quan đến ngân sách, lòng tham vẫn có thể khiến họ trở thành một con sâu trong một bộ máy. Chỉ có điều, hành vi của họ qua mắt được giới chủ hay không mà thôi, và nếu qua mắt được, nó tồn tại được bao lâu mà thôi.

Cách đâu cũng chẳng lâu, tôi cũng bị vạ miệng khi tham gia vào chuyện của người khác. Trong một cuộc nhậu với một anh bạn và nhóm nhân viên của anh ấy, tôi được nghe họ kể rằng để mời một cá nhân tham gia dự án của họ, họ cần phải trả cho cá nhân ấy một số tiền rất lớn. 

Vốn dĩ thân với cá nhân kia, và cũng đã làm việc với cá nhân ấy nhiều lần ở các dự án tương tự, tôi "hới mưng" tình nguyện "Ôi thế để mình nói giúp cho. Bình thường cậu ấy chỉ lấy ngần này thù lao cho một việc như vậy thôi mà". 

Và đúng là cá nhân kia đã báo cái giá mà tôi nói ra, thấp hơn giá mà nhân viên của anh bạn nọ báo tới gần nửa. Hậu quả của việc "hới mưng" ấy thì chắc ai cũng biết. Tôi bị đám nhân viên kia ghét ra mặt. Và tự thấy mình dại. Thôi, sau này chẳng đụng vào chuyện thiên hạ làm gì.

Thế mới thấy, quản trị một doanh nghiệp, một tổ chức khó khăn đến mức nào. Doanh nghiệp như một xã hội thu nhỏ mà ở trong nó có đầy đủ mọi loại người. Người chính trực, người trung thành, người tận tâm có. Mà người xảo quyệt, nịnh bợ, trục lợi vô đạo đức cũng có. Nhìn nhận con người về năng lực đơn thuần đã là một quá trình rất vất vả rồi. 

Đánh giá con người về tư cách, đạo đức còn vất vả gấp bội phần. Rồi đối xử với những con người ấy sao cũng là một nghệ thuật đòi hỏi người chủ doanh nghiệp phải thực sự là bậc thầy mới mong thành công. Và đó mới chỉ là những việc rất "đơn giản" trong chuyện vận hành một doanh nghiệp thôi chứ chưa nói tới những thứ lớn lao hơn như mô hình kinh doanh, đánh giá thị trường, đánh giá thời cuộc vân vân và vân vân…. Chỉ cần họ sai một ly thôi, có khi cả cơ nghiệp cũng tiêu tan.

Ảnh: LG.

Nói đến chuyện sai một ly, lại cũng ở ngay cái quán cafe quen thuộc sát nách cơ quan này, tôi sực nhớ đến một quán cafe khác kế bên. Cái quán ấy, vâng, chính cái quán ấy mới là chỗ ngồi quen của anh em đồng nghiệp chúng tôi xưa nay. Hồi mới khai trương, quán ấy đông kinh khủng. Nhưng bây giờ thì khách chỉ còn lèo tèo và kẻ đến sau, tức cái quán tôi ngồi tiếp chuyện ông anh mình, mới là quán thu hút hết khách. Không phải là vì vấn đề chất lượng cafe hay chất lượng phục vụ mà là vì lý do khác. Lý do định giá.

Cái quán cũ, khi mới khai trương định giá một ly cafe đen đá là 22 ngàn đồng. Giá ấy phù hợp với một quán cafe bình dân ở trung tâm quận 1, quận 3. Rồi khi bắt đầu đông khách, quán ấy tăng giá lên 27 ngàn một ly tương tự. Khách vẫn đông bởi cả khu vực ấy, quán là địa điểm duy nhất nên vẫn giữ được lợi thế. Nhưng tôi bắt đầu ngờ ngợ có điều gì đó không ổn. 

Quán vận hành theo kiểu "take and go" tuy vẫn có chỗ ngồi cho khách. Song khó lòng mà khách có thể ngồi lâu khi mặt thoáng của quán là mặt tiền hai con phố chính luôn ồn ào xe cộ. Trong khi ấy, nhân viên thì luôn mở nhạc rất lớn khiến không gian quán như một cái chợ vỡ ồn ào. Và đúng lúc quán tăng giá lần thứ 3, lên 32 ngàn đồng một ly đen đá thì đối thủ cạnh tranh xuất hiện. 

Mô hình gọn nhẹ, không gian yên tĩnh hơn, gần gũi hơn. Cả chủ lẫn nhân viên tối đa đông nhất chỉ 4 người và cafe thì sạch, ngon với mức giá khiêm tốn 22 ngàn đồng. Lập tức, cái quán mới hút sạch khách của quán cũ. 

Quán mới ấy lại có cái tên và slogan rất lạ, thú vị và biết chơi chữ. Tên của chủ quán cộng với chữ Cafe thành tên quán nhưng slogan thì lại đảo lại là "Cafe là…(tên chủ quán)" mà ở đó, cái tên ông chủ đã thành một tính từ. Sự hút khách của đối thủ mới này khiến quán cũ lập tức tiến hành giảm giá. Nhưng tất cả đã quá muộn. Nó như một thành trì đã bị thảo phạt và chỉ còn lại là sự hoang phế.

Tôi kể chuyện ấy với người anh của mình, để làm ví dụ về việc quản trị một doanh nghiệp. Ông anh tôi, người đầy kinh nghiệm và thương tích thương trường, đã nhận xét rằng "thực ra, vận hành một doanh nghiệp nhỏ và vừa là cực khó, nhất là ở những ngành hàng phổ thông và cạnh tranh cao. Không ai có thể chỉ dạy cho ai được cả. Chẳng có công thức chung nào cả. Chỉ có cái mũi của người chủ có thính nhạy hay không mà thôi".

Tiễn ông anh về rồi, tôi còn ngồi nghĩ mãi về câu chuyện mà anh chia sẻ cũng như những chuyện mình chứng kiến ở góc phố này. Giấc mộng kinh doanh là giấc mộng nhiều người theo đuổi nhưng thực sự mấy ai hiểu con người mình có phù hợp với công việc ấy hay không. Như tôi, cũng từng mở quán cafe, mở công ty, và thất bại. Nguyên nhân do bản thân mình hết. Không thể chịu khó, không thể tập trung, lúc nào cũng mải chơi theo kiểu nghệ sỹ nửa mùa thì không thành công được. 

Và rồi tôi tiếc cho một người chiến hữu của mình. Cậu ấy là người đi đầu trong phong trào cafe sạch, ước vọng cao tót vời với thương hiệu cafe là "Trinh Nguyên" như một thách thức với một ông lớn cafe. Nhưng cái sản phẩm tuyệt vời ấy của anh bây giờ vẫn chỉ bán lắc rắc cho bạn bè. Vì anh ham chơi quá. Bây giờ anh ấy đang ở Hội An. Phất phơ nghĩ mình như Alexis Zorba. Mà chuyện kinh doanh nào có Zorba bao giờ. 

Hà Quang Minh
.
.