Chuyện Hà Đông ngày vắng

Thứ Năm, 04/06/2015, 06:03
Hai thị xã (TX) đặc biệt gắn với tuổi thơ tôi: Hà Đông (thuộc Hà Tây cũ) và Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hà Đông là tuyến xa nhất của tàu điện Hà Nội gần 100 năm. Chuyến tàu đang chạy trở lại từ trí nhớ tôi, tiếng chuông leng keng, rộn rã.

Hà Đông từ TX, tỉnh lị của tỉnh nhiều chùa nhất Việt Nam, rồi trở thành quận trực thuộc Thủ đô gần 7 năm nay. Trong tôi, vẫn là Hà Đông ngày nào hay bởi chính tôi chỉ muốn Hà Đông là thế, còn nguyên thế mãi. Chỉ sự vắng lặng mới khiến ta tĩnh tâm, suy nghiệm. Nên tôi muốn trở lại Hà Đông trong tâm tưởng bằng hình dung TX ít người và không ồn ào. Chống lại hiện thực.

Hà Đông là TX gần Hà Nội nhất. Lịch sử của TX có những biến chuyển hơi hài hước ở thập niên đầu thế kỷ XXI. Từ TX, tỉnh lị - Hà Đông cùng với Sơn Tây (TX thuộc xứ Đoài) được nâng lên thành phố trực thuộc tỉnh với ý tưởng “Lập thành phố vệ tinh quanh Hà Nội”.

Ít lâu, hình như chưa kịp thay đổi con dấu các văn bản hành chính, thành phố Hà Đông lại xuống... quận, một quận ngoại vi, thuộc Thủ đô Hà Nội mở rộng. Việc sáp nhập cả tỉnh Hà Tây cùng một số xã của Hòa Bình, huyện của Vĩnh Phúc đưa Hà Nội vào top các thủ đô... rộng nhất châu Á và thế giới. Với tôi, văn học Việt Nam đương đại, không ai viết về quê mình hay, ấn tượng và số lượng tác phẩm bằng Nguyễn Quang Thiều.

Qua gần 40 năm sống ở Hà Đông, Nguyễn Quang Thiều dành cho đất này nhiều tình cảm, nơi ông sống cùng vợ con, địa bàn sáng tác chính. Từ “thị xã” vang lên trìu mến, máu thịt, thân thương và huyền nhiệm ở thơ, truyện Nguyễn Quang Thiều dù không định danh cụ thể Hà Đông, tôi hiểu thi sĩ viết về TX này. Dù đổi thay, từ cảnh vật đến cách gọi, thì với ông và những người bạn thân, Hà Đông vẫn là TX - miền thơ.

Hà Đông nổi tiếng bậc nhất trong các TX nước ta không hẳn vì cảnh sắc, di tích hay đặc sản như các TX vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Gần Thăng Long - Kẻ Chợ, nên từ xa xưa Hà Đông cũng là đất sinh trưởng, dựng nghiệp của nhiều tài năng.

Đến như Tổng đốc đại thần Vi Văn Định từ Lộc Bình, Lạng Sơn về làm quan đồng bằng cũng đã là Tổng đốc chốn này. Dấu ấn đô thị, sự thức thời do thuận lợi địa lý làm nên bản sắc giao thoa cho TX. Khó bàn đến “quê” hay “tỉnh” ở Hà Đông. Người bốn phương biết đến Hà Đông dù chưa từng đặt chân tới hay nhìn thấy nó trên ảnh, màn ảnh vì nhầm lẫn địa danh này với cách nói “sư tử Hà Đông” mà không hề biết đây là Hà Đông của Trung Quốc - lục địa rộng lớn có nhiều tên tỉnh, thành trùng với nước ta.

Cạnh chợ Hà Đông mới được xây dựng, các khu phố còn giữ được khá nhiều ngôi nhà cổ. Ảnh: Hữu Nghị.

Người phương Nam, nhất là ở đô thị lớn, hầu như không ai mà không biết tình khúc Áo lụa Hà Đông do Ngô Thụy Miên (1948, quê Hải Phòng), phổ thơ Nguyên Sa (1932-1998), hai nghệ sĩ tài năng sống hơn nửa cuộc đời về sau ở California, Mỹ. Nguyên Sa nhớ Hà Nội mà gửi tình vào lụa Hà Đông và cô gái mặc lụa ấy. 37 lần vào TP HCM, lần nào tôi cũng nghe đoạn hát này hoặc thầm hát khi đi trên những con đường rợp cổ thụ me bay: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng...”.

Sự mơ mộng, thơ mộng, chỉ đến nơi không gian ít người, đầy bóng cây, thoáng đãng. Tôi viết về Hà Đông tại nhà mình ở phía Tây thành phố, trong sự gián cách ở cự ly đủ để nỗi nhớ đồng hiện chuỗi hình ảnh, kỷ niệm lên đầy.

Lên đầy khác với Nhuệ Giang - dòng chảy ven TX Hà Đông đổ qua làng bún Phú Đô ra Cầu Diễn (Hà Nội). Nhà báo Vũ Hương, thầy giáo tôi ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 18 năm trước đã mơ mộng gọi dòng sông Nhuệ sau nhà mình là Nhê-va. Nhê-va dù đã được vớt rác, nạo bùn, kè đá hai bờ đoạn chảy qua TX thì vẫn bốc mùi, nhất là những hôm nóng nực. Sông như dòng chảy “tiền đồn” trước khi vào TX đi qua qua Cầu Trắng từ phía Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Khi có kè thì mọc thêm quán café, nhiều đôi lứa ngồi bên. Phố nhỏ bên sông được đặt tên phố Nhuệ Giang; có khách sạn, chung cư và taxi Sông Nhuệ. Ngoài hãng này, còn có taxi Hà Đông, Quê Lụa. Làng lụa Vạn Phúc là làng nghề lâu đời, niềm tự hào của đất này mà! Địa danh nào ở Việt Nam hầu như cũng có cầu hoặc tên cầu hoặc chữ cầu đứng đầu danh từ riêng. Hà Đông có 2 cầu bắc qua sông Nhuệ để vào TX Hà Đông. Cầu Trắng là cầu chính, to, sơn trắng (dài 66,8m), từ Hà Nội vào rẽ trái theo đường Phùng Hưng qua công viên Nguyễn Trãi là Cầu Đen (dài 64,4m). Tên theo màu sơn nhưng Cầu Đen chẳng đơn điệu là khối sắt, thành cầu được những dây thép kéo lên cao, kết đèn màu giả cầu dây văng và buổi tối thì như cánh buồm.

Cuối phố Nhuệ Giang, đường cụt có café Hẻm rẽ vào khu tập thể Bà Triệu nơi bà Vi Ái Vân - cô ruột của bố tôi (em gái ông nội tôi) sống ở đó cùng gia đình con trai lớn. Tôi biết Hà Đông lúc rất nhỏ và vừa trở lại khi có con bế bồng. Tôi dự định sau này sẽ cho con đến những nơi mà tuổi thơ tôi đã được bố đưa đi, đến những vùng đất mà tôi muốn trở lại và ao ước tới.

Tháng 5/2015, tôi nhờ chú Nguyễn Thượng Hà chở xe máy về nhà cũ của bà. Chú tuổi Mậu Thân, hơn tôi một giáp. Tôi muốn cùng chú Hà trở lại ngôi nhà gắn bó với gia đình chú và họ hàng chúng tôi nhiều năm - nhà 4 tầng trong khu tập thể Cầu Đơ. Tên cầu này gần gũi với tôi hơn Cầu Đen, Cầu Trắng. Tôi thường viết thư cho bà lúc đang là học sinh cấp 3 trường Yên Hòa. Khi chưa có xe máy, cả tuổi thơ đến lúc hết cấp 3, mỗi lần vào Hà Đông, tôi phải lệ thuộc người lớn đèo vì đường xa.

Bây giờ xe máy, taxi sẵn, mỗi lần vào theo đường tắt đi từ Mỹ Đình vào Vạn Phúc, vẫn thấy Hà Đông xa, bước sang một vùng khác dù chỉ cách nhau sông Nhuệ hẹp dòng. Tôi muốn quay lại ngôi nhà cũ để tìm Hà Đông cũ, tìm lại Hà Đông ngày thơ bé tôi thường đu cửa sắt nhà bà nhìn ra ngõ, có lúc chạy sang hàng xóm, một cô bé nhanh nhẹn, ngoan, hễ ai hỏi tuổi thì trả lời “khỉ vàng 1980”. Trân trọng ký ức vì đấy là quá khứ đủ đầy, khi tôi còn nguyên những người thân. Ông bà tôi sinh chú út Nguyễn Mạnh Hưng tháng 2/1971 tại Hà Đông, tuổi của chú tương đương tuổi ngôi nhà và số năm gắn bó với TX này.

Từ phố Bà Triệu rẽ ra đường Tô Hiệu, đường có Đài Truyền hình Hà Tây cũ (nay là kênh H2 của Đài truyền hình Hà Nội ) đối diện Sân vận động Hà Đông, thuộc phường Nguyễn Trãi. Thi sĩ quê Thường Tín được tôn vinh bằng tượng đài, tên trường cấp 1, 2. Cao ốc Hud 3 Tower, 24 tầng gắn biển CLB Bia tươi, tiệc cưới Hoàng Gia, VP Bank ngay đầu lối rẽ từ đường Tô Hiệu vào phố nhỏ Lương Văn Can. Dừng xe cho tôi đếm số tầng của toà nhà không có trong ký ức này, chú tôi nói chuyện với một bà người quen bị điếc, nói qua nói lại bà ấy cứ hả hở suốt. Đầu khu tập thể là nhà trẻ Hoa Hồng 3 tầng, hơn tuổi tôi vẫn hoạt động.

Khoảng sân nhỏ trước khi rẽ vào khu nhà kê 3 chiếc ghế đá của nhà trẻ cho. Tốc độ xây dựng của Hà Đông cũng siêu chóng mặt, đường Lê Hồng Phong kéo dài có trường cấp 2 cùng tên nơi chú Hà đã học và nay con chú học. Đối diện cánh đồng không còn hoa màu, toàn nhà san sát, làng Hà Trì phía sau đã thành chung cư chủ đầu tư Hàn Quốc.

Bên trái khu nhà mới gọi là “khu giãn dân”, đường Tô Hiệu kéo dài kín biệt thự mang tên Hill State Villa. Cánh đồng này tôi đã từng ra mót khoai lang. Mót là đi nhặt củ rơi vãi sau thu hoạch, song ngày ấy đúng dịp về Hà Đông, nghe từ “mót khoai” lần đầu, cô bé cấp 1 hỏi mấy chị quen thế nào là mót khoai, bèn bị các chị dẫn ra ruộng... nhổ trộm. “Hai anh em chú thường ra đây câu nhái về nuôi ngan tăng gia, bán ngan lấy tiền mua đồ học tập giúp đỡ bố mẹ”.

Vị trí câu nhái nay là Viện kiểm sát Quân sự cao hơn 30 tầng, chung cư 12 tầng đang xây dở phần nền chờ giải tỏa nốt cánh đồng mảnh ruộng trước mặt xây tiếp. Nhà cũ bà tôi cho chú Hưng ở cũng đã bán đi từ tháng 9/2013. Chú được phân ở riêng 10 năm trước và sinh ra 2 con gái tại ngôi nhà bao kỷ niệm, chú phải đổi chỗ ở vì không hợp. Nhà bán được vài tỷ nhưng kỷ niệm thì sao mua được.

Chẳng gì mua lại được nối dài ký ức. Chú có thêm con trai đang xây ngôi nhà mới 5 tầng phía cuối “cánh đồng chung cư” tại khu đô thị Văn Phú, cách nhà cũ gần 3 km. Chú cháu tôi quay lại Hà Đông cũ, đối diện cổng chính chợ Hà Đông là Trụ sở Cảnh sát biển Việt Nam (trước là tỉnh đội, kiến trúc cũ 3 tầng). Ôi may quá, chếch chợ vẫn còn hiệu sách Nhân Dân 90 Lê Lợi! Cạnh đó là tòa nhà Pháp treo biển “Trung tâm tư vấn”. Bên hông chợ là đường Trưng Trắc, Trưng Nhị song song. Phố rất ngắn.

Đảng ủy phường Nguyễn Trãi nằm trên đất nhà thờ ở cổng sau gần trường cấp 2, trường cấp 1 gần ngay đó. Nhà thờ duy nhất của Hà Đông có cây hoa đại màu hồng ở tiền sảnh. Thứ hoa này ở Lào thường gọi là hoa Chămpa, đa số hoa trắng nhị vàng, màu hồng hiếm lắm. Cổng chính của nhà thờ phía mặt phố Hoàng Hoa Thám gần rạp cũ mang tên Đại Đồng chiếu phim 3D. Chữ điện tử màu đỏ chạy 24 giờ quảng cáo phim đang chiếu, song xem ra rạp không mấy thu hút. Thời buổi quá nhiều loại hình giải trí, mỗi loại hình nghệ thuật đều cạnh tranh khốc liệt, chưa nói cạnh tranh giữa các bộ môn với nhau. Điện ảnh đã không còn thời hoàng kim. Bộ phim nào, rạp chiếu nào quay lại Hà Đông thuở trước?

Chúng tôi ra đường Quang Trung, trục chính xuyên TX nối quốc lộ 6, Bách hóa Hà Đông đã thành Hiway do Công ty Sông Đà đầu tư xây dựng, là trụ sở của BIDV và Sapo Mart. Hình như chỉ Bưu điện 5 tầng là vẫn thế, dù cả Hà Nội lẫn Hà Đông hầu như không còn những thùng thư màu vàng. Sáp nhập Hà Nội, các cơ quan của Hà Tây được đổi tên. Thư viện Hà Tây, nơi vợ thi sĩ Nguyễn Quang Thiều làm việc nhiều năm giờ gắn biển Thư viện Hà Nội (phân hiệu 2).

Sau lưng là sông Nhuệ, tượng Nguyễn Trãi nằm giữa công trình vườn hoa được sửa sang dịp 1.000 Thăng Long trông sang Nhà khách tỉnh và tòa nhà làm việc các ban của Tỉnh ủy Hà Tây. Phố Phùng Hưng của quận Hoàn Kiếm được biết đến với lẩu, bán đồ nhựa và nhà tang lễ thành phố; còn Phùng Hưng của Hà Đông thì có trung tâm văn hóa và trường mầm non, trường cấp 1, 2 Ban Mai. Phố của Hà Đông vẫn giữ nguyên tên, nên để tránh nhầm lẫn khi nói hay viết phải đề rõ phố Bà Triệu, Phùng Hưng của quận Hà Đông hay quận Hoàn Kiếm Hà Nội...

15/5/2015

(Phần tiếp theo kính mời độc giả đón đọc trên ANTG Giữa tháng 6,
số 89 phát hành 8/6/2015)

Vi Thùy Linh
.
.