Chuột ơi là chuột
- Thịt chuột vòng quanh thế giới
- Những biến tấu thịt chuột
- Ghé làng thịt chuột Xuân Cầu
- Thịt chuột đồng - Món ăn khoái khẩu của cư dân Nam Bộ
Cuối tháng, anh em đội bóng đá cơ quan kéo nhau về miền Tây tham dự giải giao lưu với liên quân báo chí Đồng bằng sông Cửu Long, một chuyến đi "tốc hành" chỉ trong vòng 2 ngày. Tiếng là 2 ngày, nhưng thực ra thời gian có mặt ở miệt dưới cũng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Trưa hôm trước lên đường, trưa hôm sau đã trở về rồi. 3 trận bóng sân 7 gói gọn trong một buổi sáng. Cũng may, nắng lớn nhưng gió cũng dịu dàng nên ra sân cũng chẳng mệt bằng lần giao hữu trước ở đây cũng khoảng 3 năm về trước.
Về miền Tây giao lưu bóng đá, chắc mẩm kiểu gì cũng được đãi thịt chuột đồng. Cái món khoái khẩu này đến với tôi cũng thật lạ kỳ. Nó bắt đầu bằng nỗi sợ, và đói. Ở Đồng Tháp và cho đến tận bây giờ, nếu có ăn thịt chuột, chắc chắn tôi vẫn chỉ ăn ở miền Tây. Không hiểu sao, về Sài Gòn rồi, có ai mời thịt chuột là lòng lại thấy lưỡng lự, và ăn cũng là gắng gượng, không có được cái sảng khoái, thèm thuồng, hưng phấn kiểu ngồi mâm nhậu dưới miền Tây.
Ảnh: L.G. |
Đâu như 16 năm trước, thời còn ở cơ quan cũ, mọi người cũng rủ nhau về miền Tây chơi một bữa. Chuyến đi ngắn, nội nhật nhưng cũng đủ để hẹn nhau về nhà một bà chị trong cơ quan chơi chút buổi trưa. Nhà chị ở Đồng Tháp. Cả cơ quan chưa ai từng ghé đó bao giờ nên ai cũng thống nhất trưa ấy về nhà chị dùng cơm.
Thế nào mà xe không kiếm ra đường. Ngày ấy đâu có tân tiến như bây giờ để mà dùng bản đồ định vị cho dễ kiếm. Thế là cứ điện thoại qua điện thoại lại. Thế là cứ quẹo sai rồi quẹo lại lung tung cả. Tới 1 rưỡi trưa rồi vẫn chưa ra đường. Đến cuộc điện thoại cuối, tìm ra hướng rồi, chị mới nói "vô lẹ, vô lẹ, nhà chuẩn bị xong hết rồi. Hôm nay có thịt chuột ngon lắm".
Trời ạ, nghe đến thịt chuột tôi nổi hết da gà. Rón rén "chị ơi em không ăn được chuột". "Ô, ngon thế mà không biết ăn. Thôi để chị nói làm con gà cho mấy người không ăn được chuột nhé". Rồi xe xịch đỗ đầu hẻm, cả nhóm lục tục kéo nhau đi bộ trên con đường đất vô nhà chị. Sân rộng, mâm bát bày sẵn hết rồi. Mọi người cứ thế nhập cuộc thôi. Rượu quê rót đầy, uống vài ly đã thấy ngất ngây.
Mời thì cứ uống mà gà thì chưa lên mâm. Bụng đói càng đói cồn cào hơn. Nhìn cái đĩa thịt chuột chiên sả ớt vàng rộm cũng thấy thèm thèm. Rồi khi không chịu nổi nữa, tôi mới đánh liều thử một gắp. Kết quả là bữa ấy tôi chẳng đụng tới miếng thịt gà nào. Còn riêng chuột, mình tôi xơi tới 9 con.
Ảnh: L.G. |
Kể từ ấy, không còn biết sợ thịt chuột nữa. Những lần về miền Tây sau này, lúc nào cũng phải có dĩa thịt chuột đưa mồi. Lạ lùng là chuột vốn là con tôi sợ nhất trên đời, cứ nhìn thấy ở đâu là né ở đó. Luẩn quẩn trong đầu tôi vẫn là cái xóm nhỏ thời còn thơ ấu khi mà chuột cống duyệt binh đầy sân, con nào con nấy hùng dũng to như cổ chân. Nhưng chẳng hiểu sao, nỗi sợ đó không tồn tại khi ngồi bên mâm nhậu có dĩa thịt chuột đồng chiên sả ở miền Tây. Bạn bè cứ chọc, chắc nó ăn cho thỏa nỗi thù chuột.
Đặc biệt là những lần về miền Tây với anh em cơ quan bây giờ. Có cha của một người bạn, quý mến anh em lắm. Cứ mỗi lần biết đoàn kéo về, ông đích thân ra chợ lựa chuột. Rồi đích thân ông làm thật kỹ, thật sạch, tẩm ướp sẵn mới mang qua cho nhà hàng người ta nấu nướng. Đúng chất người miền Tây, quý mến nhau thiệt tình. Miếng thịt chuột ấy bản thân nó cũng tải trong mình bao nhiêu là tình cảm, là gửi gắm.
Cứ nghĩ đến dĩa thịt chuột miền Tây, lại nghĩ đến lối ăn thịt chuột của người Việt mình. Không biết, nếu thống kê ra thì cả nước có được bao nhiêu người chịu món thịt chuột. Có lẽ, số người kinh sợ nó chắc chắn đông hơn nhiều rồi. Ấy vậy mà vẫn có những nơi, thịt chuột là đặc sản quý, cỗ bàn bắt buộc phải có. Như ở Thạch Thất, Hà Nội chẳng hạn. Cỗ cưới mà không có đĩa thịt chuột là không sang. Còn ở miền Tây, thịt chuột gần như món rất thường. Cái lạ là ở một vùng sông nước trù phú với đủ loại thực phẩm như thế, chẳng hiểu sao người ta vẫn dùng thịt chuột. Để lý giải cho lựa chọn này chắc chẳng còn nguyên do nào khác ngoài mấy tiếng "nó ngon gì đâu".
Ảnh: L.G. |
Ngẫm đến miếng thịt chuột đồng, tự dưng tôi ngẫm đến miếng thịt chó, thịt rắn. Ở Việt Nam mình, bao năm nay rồi, chuyện cãi nhau xoay quanh thịt chó vẫn cứ rộ lên hàng năm. Số người chống việc ăn thịt chó ngày càng đông. Nhưng số người ủng hộ cũng không bớt đi chút nào.
Cùng tồn tại với hai nhóm đối địch nhau ấy là nhóm nhỏ chẳng phát biểu gì. Họ vẫn ăn được thịt chó, nhưng không ăn đều, hoặc cũng đã bỏ. Nhưng bỏ ở đây không phải là vì họ bắt đầu yêu chó. Cơ bản, họ cảm thấy không còn nhu cầu. Nếu có ai mời, bất đắc dĩ bàn tiệc có thịt chó, họ vẫn ăn được, và vẫn thấy ngon. Nhưng ăn như một thói quen hàng tháng sau rằm thì không còn nữa.
Rồi thịt rắn nữa. Không nhiều người ăn được rắn nhưng rắn vẫn là món khoái khẩu của dân nhậu. Lẩu rắn luôn có cái vị ngọt sắc sảo vô cùng. Người ta ăn rắn nhiều tới mức bây giờ đã có những trại nuôi rắn thương phẩm để cung cấp cho quán xá. Vậy mà thật lạ, chưa bao giờ tôi thấy có một phong trào trên truyền thông đả kích việc ăn thịt rắn, thịt chuột bao giờ. Những người bảo vệ thú cưng, bảo vệ động vật hoang dã chỉ lên tiếng chống lại việc ăn thịt chó, thịt mèo, thịt thú rừng mà thôi. Họ quên tiệt con chuột đồng và lũ rắn trong tất cả các chiến dịch của mình. Có lẽ, với họ, hai con vật này chẳng phải động vật hoang dã thì phải.
Mà nói về thú cưng, vẫn có người nuôi những con cùng họ với chuột đấy thôi. Hamster này, chuột bạch này… chúng được cưng có khác gì chó hay mèo đâu. Thật khó để lý giải vì sao chuột đồng lại không được "bảo vệ" như chó trong chuyện ăn uống này? Càng khó hơn khi ai đó định so sánh chuột đồng với hamster và chuột bạch để nêu lên những khác biệt. Thế thì chó không có khác biệt sao, nhất là khi những người bảo vệ thú cưng toàn nuôi poodle, fox, bulldog, Golden… trong khi chó bị mang làm thịt thì toàn chó ta, chó cỏ.
Rõ ràng, có một sự kỳ thị chuột, kỳ thị rắn không hề nhỏ ở đây. Và tôi nghĩ, cái kỳ thị này đến từ định kiến rằng chuột là giống phá hoại và rắn là con độc ác. Hehehe, vậy là rõ rồi, loài người sẽ chỉ cao đẹp bảo vệ cái gì mà họ cho là cao đẹp. Trong khi đó, cái thực tế nhất là trước thiên nhiên mọi giống loài bình đẳng như nhau thì họ quên phứt, quên khẩn trương, quên càng nhanh càng tốt.
Bảo vệ chuột thì có lợi gì cho họ nào? Trong khi đó, bảo vệ chó, mèo thì lại khác. Thậm chí, sang trọng hơn nữa, người ta sẽ bảo vệ cả tê giác. Đến động vật mà họ còn phân chia đẳng cấp trong xã hội như thế, huống chi là những thứ khác trong đời.
Ảnh: L.G. |
Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta tỉnh giấc và thấy chó hoang chạy khắp nơi, đông hơn cả chuột, thì liệu cái việc ăn thịt chó có còn bị lên án một cách dữ dội như bấy lâu nay hay không? Tôi nghĩ là không. Khi mà cái sự đông đảo ấy nó trở thành nỗi phiền với loài người, và bắt đầu con người đẻ ra các câu chuyện thổi phồng lên cái sự xấu xa và độc ác của loài chó, chắc chắn họ sẽ nghĩ rằng "thịt chó phải chén". Rõ ràng, con người đã tự cấp cho mình một cái quyền thượng đẳng quá đà trong việc quyết định chuỗi thức ăn rồi. Và rõ ràng hơn, loài người may mắn khi trên tinh cầu này vẫn còn động vật khác sống bên cạnh họ, dù số lượng nhỏ nhoi hơn. Chứ nếu họ chỉ sống với nhau mà thôi, e là thảm họa.
Thôi thì khi thịt chuột đồng còn chưa bị đả phá, cứ tranh thủ được xơi bữa nào, cứ thưởng thức bữa ấy cho đã đời. Không chỉ là chiên sả ớt mà còn cả chuột đồng khìa, hấp lá chanh, xé bóp gỏi. Nó ngon hơn thịt gà, không mềm quá như thịt ếch, lại không hoi mùi như thịt chim. Thật sự, nếu tất cả loài người cùng thống nhất với nhau coi chuột là thực phẩm hàng ngày, có lẽ điều ấy sẽ có ích hơn là coi lợn, gà, cừu, bò mới là thực phẩm chính. Bởi chuột sinh sôi nảy nở nhanh lắm, nuôi chúng cũng chẳng khó khăn gì. Số lượng của chúng đông đảo cũng chẳng kém gì những giống loài đông cư dân nhất thế giới.
Nhưng tôi thì vẫn luôn như vậy thôi, chỉ mê ăn chuột khi về miệt miền Tây sông nước. Phải chăng, ở nơi ấy, gần với những cánh đồng hơn, nên niềm tin trong lòng rằng miếng thịt chuột mình ăn là chuột đồng xịn nó vững vàng hơn nên nỗi sợ trước hình ảnh những con chuột cống gớm ghiếc cũng không còn nữa. Điều đó có lẽ cũng đúng, nhưng đúng hơn là người miền Tây vốn dĩ thật thà.Chẳng ai lại đi đánh lừa mình bằng con chuột cống cả. Cái ranh ma, xảo quyệt ấy là của người thành thị chứ không phải của người miệt vườn. Thế nên, về với miệt vườn, ăn miếng thịt chuột vẫn là số dzách. Cái gì gần với ruộng, với đồng bao giờ chả yên và lành. Còn ruộng, còn đồng là tình người vẫn còn đấy, những thứ gì của dân gian cũng còn cả đấy…