Chúng ta đang “đói” một lịch sử có linh hồn?

Thứ Tư, 02/12/2015, 10:30
“Từ những gì đã học và đã biết, hãy phát biểu cảm nghĩ của em về hình tượng vua Quang Trung”.

Đó là một đề bài lịch sử mà tôi đã làm khi còn học lớp 8 trường THCS Tây Sơn (Hà Nội), và chính từ cái đề bài cùng cách dạy sử rất đặc biệt của cô giáo tôi ngày ấy mà dần dần tôi bỗng yêu thích lịch sử, và sau này luôn tìm tòi, suy ngẫm về những giá trị lịch sử dân tộc. Cô giáo tôi ngày ấy vốn là một giáo viên dạy văn, và buổi đầu tiên đứng lớp môn sử chúng tôi, cô bảo: “Cô chưa bao giờ dạy sử, nhưng rất yêu sử. Trường mình đang thiếu giáo viên dạy sử nên ban giám hiệu đề nghị cô tập dạy môn này...”.

Không biết có phải là một giáo viên văn hay không mà cô dạy sử theo một cách rất riêng và... rất văn. Chẳng hạn như khi dậy về Vua Quang Trung, những kiến thức cơ bản, khô khan, cô chỉ tóm gọn lại bằng vài gạch đầu dòng, và thú thực, những thứ ấy, lũ trò lớp 8 chúng tôi tuyệt nhiên không nhớ.

Điều đáng nói là cô luôn tập trung thời gian kể những câu chuyện rất thú vị về Vua Quang Trung, và những câu chuyện ấy thì đến lúc này tôi vẫn nhớ như in trong đầu. Đến khi kiểm tra bài, cô cũng không kiểm tra giống các giáo viên dạy sử khác, nghĩa là phải kể lại trận đánh, phải liệt kê ý nghĩa chiến thắng của Quang Trung và những thứ tương tự, mà lại ra một đề bài rất văn như tôi đã dẫn.

Hôm ấy tôi làm bài như thế nào nhỉ? Tôi vẫn nhớ rằng cả bài viết mình chỉ tập trung vào duy nhất một câu chuyện trong những câu chuyện về Vua Quang Trung mà cô kể, đó là sau khi thắng giặc, Quang Trung đã cầm một cành đào tặng Công chúa Ngọc Hân, rồi phát biểu cảm nghĩ rất ngô nghê rằng: Có phải vua cũng biết yêu? Thú thực, lớp 8, nhưng là đứa lớn trước tuổi nên ngày đó tôi đã bắt đầu biết thích bạn này bạn kia trong lớp, dĩ nhiên chỉ là thích ngầm thôi.

Nên khi đặt câu hỏi “vua cũng biết yêu?” thì tôi nghĩ đến chính cái cảm xúc “đang yêu” (giờ nghĩ lại thấy cái từ ngữ này - trạng thái này vừa đẹp mà vừa... xấu hổ) của mình. Mà câu chuyện Vua Quang Trung tặng Công chúa Ngọc Hân một cành đào được cô giáo tôi kể lại rồi dặn dò, nhắc nhở một cách chân thật, gần gũi lắm. Cô bảo: Ngày tết, nhà các em thường cắm cành đào. Vậy thì cứ nhìn vào cành đào là các em sẽ nhớ ngay đến Quang Trung.

Những ấn tượng lịch sử đầu tiên của tôi về Vua Quang Trung, những rung cảm đầu tiên của tôi về một người anh hùng áo vải của dân tộc là như thế đấy. Giờ nghĩ lại mới thấy nó gần gũi, thành thật, giản dị và ngô nghê, nhưng chính những cái giản dị ngô nghê ấy, chứ không phải những điều đao to búa lớn theo kiểu “kiến thức chính thống” lại khiến tôi đặc biệt thích ông vua này. Để rồi từ sự thích thú giống như một ám ảnh ấu thơ đó (nếu có thể nói như vậy) mà sau này lớn lên, học nhiều, đọc nhiều, tôi đã tìm hiểu thật nhiều về cuộc đời Quang Trung. 

Từ nhiều năm nay, tôi vẫn luôn giữ thói quen cứ chiều mồng 5 Tết - ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là lại tới gò Đống Đa trên phố Tây Sơn (Hà Nội), thắp một nén nhang ở ban thờ trên đỉnh gò, nhắm mắt lại, mường tượng đến bước chân oai hùng của một vị anh hùng dân tộc. Lúc ấy tôi luôn rùng mình tự hào với cái suy nghĩ mình là người Việt Nam. 

Trong những giấc mơ đây đó, tôi  cũng từng mơ sẽ có ngày dẫn những đứa con của mình thắp hương trên đỉnh gò, và lúc ấy rất có thể con tôi cũng yêu Vua Quang Trung, yêu lịch sử dân tộc rồi cũng thấy rùng mình với một niềm kiêu hãnh Việt Nam y như tôi vậy...

Nhiều lần tôi tự hỏi, nếu những đứa trẻ cấp 2, cấp 3 cũng được học lịch sử như tôi từng được học hồi lớp 8 thì sao: một lịch sử được tái hiện lại bằng những câu chuyện, chứ không đơn thuần chỉ là những con số hay những chiến công; một lịch sử có cảm xúc, có linh hồn, chứ không phải một lịch sử khô khan, chết đóng trên trang sách; một lịch sử mà ở đó những đứa trẻ được tạo cơ hội phát biểu cảm nghĩ riêng của mình về một vị vua, một vị tướng, chứ không phải một lịch sử bị áp đặt, bị cưỡng bức?

Nếu chúng ta có một chương trình lịch sử hướng đến những điều đó, có những thầy/cô giáo lịch sử đủ trình độ, đủ bản lĩnh, đủ tâm hồn, đủ yêu thương để giúp những đứa trẻ được học lịch sử theo cách đó thì môn lịch sử có trở thành nỗi khiếp sợ của học sinh như những gì chúng ta phải đau lòng chứng kiến hay không?

Minh họa: Lê Phương.

Những ngày này, những nhà giáo dục và giới học thuật trong nước đang tranh cãi nảy lửa về cái mà theo một bộ phận các nhà sử học là “môn lịch sử sẽ bị khai tử”. Phương án giáo dục lịch sử kiểu mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến áp dụng, rằng thay vì đứng thành một môn học độc lập, lịch sử sẽ trở thành một bộ phận của môn “công dân với tổ quốc” (cấp độ giáo dục PTTH)  dễ khiến người ta nghĩ đến điều ấy, mà đã nghĩ như thế, hẳn nhiên sẽ phản ứng tới cùng.

Nhưng bình tâm suy xét sẽ thấy, môn lịch sử không bị khai tử, mà được chuyển qua một cách dạy - cách giáo dục khác mà thôi. Lại phải thấy tiếp, việc thay đổi, thậm chí là thay đổi mạnh tay một thực thể “đang chết” để tìm ra những triển vọng sống mới là điều rất nên làm.

Vậy nên, vấn đề đáng phải bàn ở đây không phải là để môn sử đứng độc lập hay ghép nó vào một môn tích hợp, mà là rốt cuộc, trong cái môn tích hợp  mà nghe tên gọi đã cực kỳ rung cảm kia - “công dân với tổ quốc” (tổ quốc nào cũng luôn cần những công dân biết yêu nó), kiến thức lịch sử rồi sẽ được dạy dỗ, truyền đạt ra sao? 

Nếu vẫn là kiểu truyền đạt nặng tính tầm chương trích cú, giáo khoa giáo điều như trước đây, khi lịch sử còn là một môn độc lập thì chẳng nên cải cách làm gì cho phí phạm thời gian, công sức và tiền bạc. Còn nếu coi đây là một cơ hội để dạy lịch sử theo phương pháp mới - một lịch sử có cảm xúc, có linh hồn, có trái tim, và từ trái tim lịch sử đến trái tim học sinh là một khoảng cách gần gũi, máu mủ thì cái được chắc chắn là rất lớn.

Nhìn lại lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước và mở nước (đã đến lúc phải nhấn mạnh cả vào yếu tố mở nước nữa?) chúng ta có thể bắt gặp hàng trăm câu chuyện thú vị, hàng trăm tình tiết thú vị, hàng trăm vấn đề thú vị để học sinh có thể xúc cảm và suy nghĩ theo cách riêng của mình. Cảm hứng lịch sử trong trái tim học sinh cần được khởi động và kích thích từ chính những câu chuyện có linh hồn như thế, để rồi từ chính cảm hứng ấy các em sẽ yêu sử, và sau này lớn lên sẽ tự tìm hiểu lịch sử một cách sâu sắc để thoả mãn nhu cầu của chính tâm hồn mình.

Chúng ta không thiếu những cuốn sách giáo khoa hay những giáo trình lịch sử, chúng ta càng không thiếu (nếu chẳng muốn nói là luôn thừa mứa) những cuộc tranh luận về cách dạy sử trong nhà trường, nhưng thực tế là những em học sinh - những đứa trẻ - những người chủ tương lai của dân tộc vẫn đang rất thiếu và rất đói một lịch sử có linh hồn.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục, Tiến sĩ Ngô Tự Lập:
“Lịch sử không chỉ là khoa học”

Một số người nghĩ rằng lịch sử là một môn khoa học, nên nó cần được dạy giống như dạy một môn khoa học. Cách nghĩ đó không sai, nhưng không đầy đủ. Trong nhiều thứ tiếng, lịch sử được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất là quá khứ của cộng đồng, thứ hai, đó là khoa học về quá khứ đó. Lịch sử theo nghĩa thứ hai chủ yếu được dạy ở bậc đại học. 

Trong giáo dục phổ thông, ba mục tiêu căn bản là đào tạo con người lao động, con người dân tộc và con người nhân loại. Để có con người dân tộc người ta cần dạy ngữ văn, lịch sử, địa lý, và nếu có thể cả nghệ thuật, của một dân tộc. Khi đó môn lịch sử chủ yếu được dạy theo nghĩa thứ nhất. Đó là môn học về tâm hồn dân tộc: nó biến quá khứ dân tộc thành quá khứ của mỗi cá nhân. Nhưng ngoài lịch sử dân tộc, còn có lịch sử thế giới. Lịch sử, văn chương và triết học từng là một và đến nay vẫn gắn bó chặt chẽ. Vì thế, học lịch sử cũng là học đạo đức, mĩ học, triết học - tức là học làm người.

Nếu coi lịch sử chỉ là một môn thuần túy khoa học, nhất là thứ khoa học bị biến thành công cụ tuyên truyền, thì nó sẽ rất khô khan, chỉ toàn những ngày tháng, sự kiện, khó thuyết phục. Vì thế, theo tôi, vấn đề không phải là thời lượng, mà là quan điểm và phương pháp.

PĐ (ghi)

Phan Đăng
.
.