Chúng ta đã cho kẻ khác mượn cuộc đời mình

Thứ Sáu, 08/05/2020, 21:11
Trong tập thơ Dưới trăng và một bậc cửa, NXB Hội Nhà văn 2020 có bài thơ dài Đoản ca về buổi tối. Bài thơ này tôi viết về linh hồn những người đã chết trở về mượn người đang sống để thực hiện những giấc mơ đẹp đẽ của họ. Trà trộn trong những linh hồn thánh thiện ấy là ma quỉ. Chúng cũng mượn người sống để tiếp tục nhưng mưu đồ xấu xa. 

Bài thơ có đoạn:

Những người chết trở về mượn nhà cửa, đồ đạc và phương tiện của người sống

Mượn công việc của người sống, mượn lý do của người sống

Và đôi khi mượn cả giấy khai sinh của chúng ta

Những câu tôi trích ở trên là chỉ là những câu thơ. Nhưng câu chuyện của bài thơ ấy là hiện thực đang diễn ra hàng ngày trong đời sống chúng ta. Chúng ta đang sống và đừng nghĩ rằng thân xác chúng ta chỉ thuộc quyền sở hữu của chúng ta và tâm hồn chúng ta chỉ thuộc quyền sở hữu của chúng ta.

Tranh: Nguyễn Quang Thiều.

Về mặt pháp lý đúng là con người ta là của ta. Nhưng thực ra không ít người đã cho ma quỉ mượn cuộc đời mình. Ma quỉ mượn hình dáng họ, mượn gương mặt họ, mượn giọng nói họ, mượn chứng minh thư của họ, mượn công việc của họ… để thỏa mãn những ước muốn tăm tối của chúng.

Chúng ta không khó khăn lắm để bảo vệ ngôi nhà của mình để không cho người lạ lọt vào. Nhưng chúng ta lại vô cùng khó khăn khi canh giữ những cánh cửa mở vào cuộc đời của chúng ta. Tôi luôn mang cảm giác quanh chúng ta mọi nơi mọi lúc là những ''bóng ma''.

Chúng bám quanh chúng ta với đôi mắt không bao giờ chớp để nếu thấy ta bỏ ngỏ cửa, thấy ta lơ là canh giữ tâm hồn mình là chúng ùa vào ngay lập tức và mượn tất cả những gì chúng ta có thể hành sự. Cách đây nhiều năm, tôi có nói ý nghĩ này với một nhà chiêm tinh học Ấn Độ, ông cũng là một nhà thơ mà tôi gặp trong một liên hoan thơ quốc tế.

Ông nhìn tôi rất lâu rồi hỏi: “Vì sao ông biết được điều này?''. Tôi nói, tôi cảm giác về điều này bởi hai cách: thứ nhất là do trực giác của tôi. Thứ hai là do trải nghiệm sống. Lý do thứ hai tôi nghĩ nếu ai quan sát và suy ngẫm một cách nghiêm túc sẽ đều nhận ra. Một người buông bỏ những nguyên tắc sống, buông bỏ những ý nghĩ tốt lành sẽ dễ dàng sa vào những ý nghĩ đen tối và những hành động tội lỗi. Với cá nhân mình, tôi thấy có những lúc mình chợt nghĩ tới một thứ vật chất hay danh vọng nào đó thì ngay lập tức một loạt những ý nghĩ ích kỷ, đầy mưu mẹo và tham lam ùa theo.

May là tôi choàng tỉnh như choàng tỉnh khỏi một cơn buồn ngủ khi mình đang lái xe. Thế là việc gây ra tai nạn có thể dẫn đến những điều tồi tệ cho mình hoặc cho người khác được ngăn chặn. Nhưng lúc ấy, tôi tự tin để nói rằng: những ý nghĩ ích kỷ, đầy ham muốn vật chất, quyền lực hay sự háo danh không đến từ bản chất của tôi.

Những thứ đó không có trước đó trong con người tôi. Nhưng nó đã xuất hiện mà cho dù chúng ta không nhìn thấy nó nhưng vẫn cảm thấy một cách chính xác nó đang bắt đầu xâm chiếm cho tới lúc nó thống trị ta hoàn toàn. Nó đến bởi ta đã có những khoảnh khắc buông xuôi những giấc mơ tốt đẹp, những nguyên tắc sống và ý chí sống của ta.

Mỗi chúng ta khi đang sống là mang theo một thứ vừa làm nên hình bóng, chân dung bên ngoài của chúng ta là thân xác. Nhưng đó cũng là nơi tốt nhất để ma quỉ trú ngụ. Ngay cả những người tu hành hay các bậc thiền sư cũng vậy. Họ cũng mang một thân xác như ta và vì thế sự tu hành của họ chính là tìm cách để cho thân xác (nhục dục) không thống trị con người mình.

Tôi luôn thấy rằng: tâm hồn chúng ta giống một phòng khánh tiết. Nếu căn phòng khánh tiết đó luôn sạch sẽ và ngập tràn ánh sáng thì các Thiên thần sẽ đến và trú ngụ ở đó trong một hình thức nào đó. Còn nếu nó đầy rác rưởi và bóng tối thì giống như chúng ta dọn một cái hang để ma quỉ bước vào.

Tôi thường xuyên nhớ tới câu chuyện và thường sử dụng câu chuyện thực tế đó khi nói về những vấn đề liên quan đến Thiện - Ác. Đó là một lần từ hơn hai mươi năm trước, trong buổi nói chuyện với các phụ huynh học sinh ở một trường học. Một phụ huynh hỏi liệu tôi và các nhà văn có thể viết một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy có trên cuộc đời để con cái họ có thể cầm trong tay để bước vào cuộc đời mà tránh được những cạm bẫy không.

Các nhà văn hay tôi có thể ngồi vài tháng hay một năm để đưa ra rất nhiều loại cạm bẫy trong đời sống. Nhưng cho dù chúng tôi viết một cuốn cẩm nang với 1.000 cạm bẫy hay nhiều hơn nữa thì khi đứa trẻ bước vào đời chúng sẽ gặp cái cạm bẫy 1001, chúng sẽ bị cái cạm bẫy thứ 1001 giết chết. Chỉ khi tâm hồn chúng chứa đầy vẻ đẹp thì chúng sẽ tự xác định được đâu là Thiện và đâu là Ác. Và chúng sẽ đi qua mọi cạm bẫy trong đường đời của chúng. Nghĩa là, lúc đó trong tâm hồn chúng cái đẹp thường trực. Chúng sẽ luôn nghĩ về những điều tốt đẹp và hành động cho cái đẹp.

Thực tế cho thấy, có những người được sinh ra trong một gia đình tử tế, được học những trường lớp tử tế, được giao những công việc tử tế nhưng đã trở thành những kẻ tham lam, vô cảm và độc ác. Không phải con người đó từ lúc sinh ra đã tham lam, đã vô cảm và độc ác. Thậm chí con người đó sống rất nhiều năm là một người tốt. Nhưng con người đó đã rời bỏ hoặc lãng quên một lúc nào đó những ý nghĩ tốt đẹp và những nguyên tắc sống của mình.

Chỉ rời bỏ một lúc thôi thì ma quỉ đã chiếm lấy cái không gian của những điều tốt đẹp vừa vắng mặt. Rồi ma quỉ sẽ tìm mọi cách kéo con người đó đi theo chúng hết đoạn đường này đến đoạn đường khác mà con người đó không có khả năng tỉnh ngộ để chống lại. Thần thánh và ma quỉ, tôi nghĩ, có sức mạnh như nhau. Ai thắng ai không phụ thuộc vào sức mạnh của người đó mà phụ thuộc vào con người.

Con người chính là sự thay đổi cán cân một cách vô cùng lợi hại trong cuộc đấu tranh giữa thánh thần và ma quỉ. Bởi nếu thánh thần luôn mạnh hơn ma quỉ thì các ngài đã quét sạch ma quỉ ra khỏi đời sống con người từ lâu rồi. Thánh thần chỉ là biểu tượng của những điều tốt đẹp để con người đi tới. Thánh thần không phải là vũ khí có sức công phá mạnh nhất giúp con người chiến thắng ma quỉ. Bởi cả thánh thần và ma quỉ có diện tích không gian bằng nhau trong mỗi con người chúng ta.

Mỗi ngày chúng ta nghĩ tới một điều tốt đẹp và làm được một điều tốt đẹp thì diện tích không gian của thánh thần lại rộng thêm một chút và phần không gian của ma quỉ lại thu hẹp đi một chút. Những suy nghĩ và hành động ấy thực ra chẳng phải là những gì to tát, ghê gớm hay bí ẩn cả, mà chỉ là những điều đơn giản trong đời sống hàng ngày như lắng nghe một người bạn góp ý, hỏi thăm một người bạn ốm đau, tưới một bình nước cho một cái cây, nhường đường cho một người sang đường, đóng góp một đồng cho người nghèo khó, tiếc nuối một ngày trôi đi mà mình chìm trong ăn uống và những chuyện phiếm, đọc một trang sách cho con hoặc cháu, nghe một bản nhạc hay, gọi điện thoại cho ông bà hoặc bố mẹ, nói thẳng về một điều bất công…

Tất cả những điều ấy ai cũng có thể làm được. Nếu chúng ta thường xuyên suy nghĩ và hành động như vậy thì ma quỉ không có bất cứ cơ hội nào mượn chúng ta để thực thi những gì đen tối vốn là bản chất của chúng. Có lẽ điều tôi nói cũng có cùng một tinh thần với những nhà tu hành là thường xuyên nghĩ về những điều tốt đẹp, thường xuyên có những hành động tốt đẹp và không bao giờ rời bỏ dù một phút giấc mơ, khát vọng và ý chí của mình.

Trong bài thơ nói trên, đoạn cuối tôi viết về các thánh thần từ trời xanh bay về và mượn gương mặt trẻ con, mượn giọng nói trẻ con và mượn tâm hồn chúng để ở lại và nhắc nhở chúng ta phải sống với những điều tốt đẹp và gián tiếp bảo vệ chính những người lớn chúng ta.

Bởi đơn giản là trong tâm hồn trẻ con, sự tham lam, vô cảm, háo danh, thèm khát quyền lực không có. Ở chúng, những đứa trẻ, lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng của sự tinh khiết đến vô tận. Chính điều đó làm chúng ta khi đứng trước một đứa trẻ hay khi chúng ùa đến ôm lấy ta thì phải dừng lại những ý nghĩ và cả những hành động vô cảm, tham lam và độc ác của mình có thể lúc đó đang dấy lên trong đầu óc mình:

Từ phía những ngôi sao các Thiên thần bay về

Đậu lên trán những đứa trẻ say ngủ

Những đưa trẻ lẻn dậy trốn bố mẹ ra khỏi giường

Chúng che kín đèn chỉ để lọt tia sáng nhỏ

Và bí mật mở từng trang sách của một cuốn sách

Đọc đến trang cuối cùng và ngủ gục

Trong mơ chúng mang những gương mặt trong sáng bay lên

Những Thiên thần đã mượn gương mặt chúng, giọng nói của chúng và tâm hồn chúng

Để vừa bay vừa ca hát đêm đêm trên bầu trời thành phố

Và bài hát như những ngọn gió đêm gần sáng

Xoa dịu những hung hãn, những tội lỗi, những nức nở,...

Vào một giấc ngủ như những người bệnh sau cơn đau

Như những người điên thiêm thiếp sau những gào thét

Thành phố được chữa chạy, được hồi sức trong buổi rạng đông

Bầu trời trên những mái nhà yên tĩnh và xanh thẳm

Tất cả cửa đã mở, đã đánh thức những đứa trẻ với gương mặt ngái ngủ

Những Thiên thần đã mượn gương mặt chúng, giọng nói chúng và tâm hồn chúng

Để hiển thị và bày tỏ và ở lại

Trong thành phố còn đầy lú lẫn và tội lỗi của chúng ta.

Hà Đông, một đêm tháng 4 năm 2020

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.