Chùa sạch

Chủ Nhật, 25/10/2015, 10:42
Mình đang “âm mưu” làm một việc quan trọng, cứ nơm nớp không biết có thành công hay không. Một người bạn thân biết chuyện, bảo: để tôi gọi điện hỏi cô S., xem tình hình thế nào. Cô S. là nhà ngoại cảm lừng danh. Bạn mình với cô lại là chỗ quen biết cũ. Hỏi, mười phần thì thể nào cũng biết trước được bảy, tám phần.

Mấy hôm sau, bạn phấn khởi báo tin: khả quan lắm, ông ạ. Nhưng để cho chắc ăn, cô dặn ông phải làm gấp một việc. Việc đơn giản. Ông xin bà xã một lọn tóc của bà ấy, không cần nhiều, rồi gói vào mảnh vải sạch sẽ, cho vào túi áo ngực. Chọn ngày lành, tốt nhất là Rằm hay mùng Một, lên chùa, thắp hương khấn Phật, làm công đức tuỳ tâm, rồi khi ra cổng chùa thì lẳng lặng để món tóc ấy lại.

Bạn còn dặn kỹ: nhớ chọn một ngôi “chùa sạch”

Việc đơn giản thật. Và nếu chỉ đơn giản vậy mà khiến cho việc lớn của mình thành quả thì đúng là nhiệm màu! Nhưng mình không làm. Tính mình lười. Thực ra lười cũng chỉ là một cái cớ. Quan trọng hơn, mình thích để đời “trôi theo tự nhiên” (chữ của nhà văn Nguyễn Khải). Mấy lời nhắn nhủ của bạn, cuối cùng, chỉ đọng lại trong đầu mình hai chữ: “chùa sạch”.

Cách đây khoảng dăm năm, mình cất công đưa vợ con đến thăm một ngôi chùa tiếng tăm đang nổi như cồn. Nào là chùa có khuôn viên mênh mông, tượng Di Lặc vĩ đại, quả chuông khổng lồ… Và du khách thập phương đến lễ chùa nườm nượp như hành hương về đất Phật. Tin đồn quả không sai. Nhưng vừa đến cổng chùa, mình đã kịp thất vọng. Hệt như một điểm du lịch ở bất cứ đâu trên đất nước mình. Taxi, hàng lưu niệm, hàng ăn uống, nhang đèn đồ lễ, viết sớ thuê, đổi tiền lẻ, chụp ảnh, mang giúp hành lý… Bao nhiêu thứ dịch vụ ăn theo nháo nhào chèo kéo, tranh giành. Chưa kịp dọn mình cho trong sạch để vào lễ Phật thì đã bấn loạn tinh thần, tối tăm mặt mũi.

Qua hết các “cửa ải” nói trên, bước vào trong, mới thấy chùa gì mà hoa hòe hoa sói, vàng son sơn phết lóa hết cả mắt. Tượng La Hán tạc bằng đá, rõ ràng theo kiểu sản xuất hàng loạt, xếp hàng một dãy dài. Vui nhất là trên mình các vị, bất cứ chỗ nào sơ hở, là có những tờ tiền lẻ của chúng sinh “hối lộ” giắt vào…

Sau lần thăm thú đó, tuyệt nhiên không còn chút tín ngưỡng để mình có thể tìm đến nơi này lần thứ hai.

Thế mà ngôi chùa nhỏ vô danh ở làng mình khác hẳn.

Chuyện xưa còn truyền lại: Thuở ban đầu chùa làng chỉ là mấy gian nhà tranh, do bà Hướng Tự trông coi. Bà có cô con gái mười bảy tuổi, xinh nhất làng. Một sáng người mẹ thức dậy, không thấy cô con gái đâu cả. Tìm khắp vườn trước vườn sau không thấy, bà quay vào hậu cung, nơi có cái giếng tự nhiên, lòng giếng tối om, sâu hút. Trên miệng giếng, kỳ lạ chưa, ai đã đặt sẵn ở đó một chiếc đĩa với ba quả cau vàng và ba lá trầu vàng.

Dân làng biết tin rủ nhau kéo đến. Mọi người tha hồ đoán già đoán non… Có người hiến kế: lấy trái bưởi khắc tên bà Hướng Tự thả xuống giếng, rồi sai người ra đón sẵn ở cửa sông Tuần Vường - nơi con sông Cái cuồn cuộn băng ra biển. Hai ngày sau, quả nhiên thấy trái bưởi nọ dập dềnh trôi ra. Dân làng thở phào: không còn nghi ngờ gì nữa, đích thị vua Thủy Tề đã xin cưới con gái người coi chùa!

Bà Hướng Tự - bây giờ đã là mẹ vợ vua Thuỷ Tề - hiến cau vàng trầu vàng cho làng bán đi để lấy tiền xây chùa mới. Còn cái giếng, khi bà mất, dân làng xây trùm lên trên một ngôi miếu nhỏ thờ bà. Cả chùa, cả miếu lẫn giếng vẫn còn đến tận hôm nay.

Mình về quê, ghé thăm chùa. Vườn chùa ngan ngát hương hoa móng rồng, hoa lan tiêu, hoa mộc… Trong chùa, vẫn những pho tượng Phật mộc mạc, hiền từ, thân thuộc như người làng. Ngồi trên bậc cầu ao, dưới gốc si già, gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Sư già pha ấm trà ướp hoa ngâu, thong thả ngồi bên hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện làm ăn… ở nơi xa xứ. Thời gian như ngưng lại. Lòng mát trong như ao chùa. Bỗng bàng hoàng nghe câu hỏi vô tình của nhà sư như sợi dây buộc chặt mình vào quê:

- Lần này ông đi, liệu khi nào quay về?

Trần Đức Tiến
.
.