Chùa làng – góc thiên đường thơ ấu

Chủ Nhật, 04/09/2016, 09:16
Duy Dương quê tôi (tên nôm là làng Họ) là một làng cổ giữa vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam - đồng bằng Bắc Bộ. Thế hệ tôi được sinh ra sau hòa bình lập lại (1954) trong nắng gió, bão giông mùa Hạ, rét mướt tái tê mùa Đông và cả những ngày Xuân tràn ngập tiếng trống chèo, lễ hội trong mưa xuân phơi phới đất trời.


Tuổi trẻ chúng tôi thật thiếu thốn, vất vả cùng đất nước nhưng cũng thật tươi đẹp, đầy ắp nghĩa tình làng xóm thôn quê.

Làng tôi nhỏ bé, hiền hòa bởi dòng sông Cầu Họ thơ mộng, đồng lúa mênh mông biếc xanh, những đầm, hồ trong vắt ngát hương sen, hương súng mỗi lúc Hè về, những lũy tre xanh ngút ngát chao chát tiếng chim, gò đống gần xa… 

Đẹp nhất vẫn là những mái đình, chùa, miếu, phủ rêu phong cổ kính ẩn mình dưới vòng cây cổ thụ hay soi bóng bên giếng nước trong veo. Riêng với tôi, ngôi chùa làng gắn bó suốt thời thơ trẻ đầy sắc màu huyền ảo, lung linh đậm nét từ bi, hỉ xả của nhà Phật.

Làng tôi nghèo nên ngôi chùa cũng nhỏ bé, khiêm nhường cùng Miễu Tre nhìn ra bến cửa Nghè huyền thoại của dòng Thanh Giang (sông Và) nay đã bị bồi lấp nên cánh đồng Và, liền tới cửa Từ đường cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Quanh làng có đồng Xa (cánh đồng to nhất nay đã biến thành khu công nghiệp), nằm ở bên kia đường quốc lộ; đối diện là cánh đồng Cửa Nghè. Sau làng là đồng Sau, đồng Và.

Ngôi chùa được dân làng góp công, góp sức xây dựng kiên cố mới được hơn hai trăm năm. Ngày xưa, chùa cùng với đình làng còn nền đất, lợp rạ, nhìn ra gò con Mộc về phía Đông giữa ao Lớn mênh mông sen, súng, lau lác. Tại gò này, sau một lần đi ăn cướp bị bại lộ, dân làng đã tập trung toàn bộ khí giới chôn giấu xuống dưới gò và thề từ bỏ nghề này để tránh sự truy bắt của quân lính triều đình nhà Lê thời ấy.

Rồi dân làng tôi theo nghề tạc tượng, đúc chuông của ông Phó Non quê ở Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam) mang về khi cụ đến định cư, làm rể cụ Tú Khanh xóm Đông vào đầu thế kỷ XVIII. Nghề này đã trở thành nghề truyền thống của làng ngót ba trăm năm, đến năm 2008 khi cụ Phó Vậng (xóm Trại) mất mới hoàn toàn bị mai một. 

Cánh đàn ông, con trai quanh năm ngày tháng vác đồ nghề, quẩy khăn gói đi làm ăn tứ xứ, chỉ có mặt ở làng vào dịp lễ tết cuối năm hoặc đình đám hội hè. Việc chăm lo nhà cửa, ruộng vườn, nuôi dạy con cái chủ yếu do đàn bà làng tôi quán xuyến.

Cũng vì thế, mà mọi thứ trong ngôi chùa cổ, từ hoành phi, câu đối, chuông đồng đến toàn bộ các pho tượng to nhỏ đều do đội thợ tài ba làng tôi tạo tác và cung tiến. Tất thảy đều hết sức tinh xảo và rất có hồn - niềm tự hào của các thế hệ con cháu làng Họ chúng tôi. Thời gian vừa qua, tuy đình làng bị mất trộm hết tất cả đồ thờ, riêng ngôi chùa nhờ được canh gác rất cẩn thận nên vẫn còn nguyên vẹn cả.

Tôi lớn lên, nhập ngũ và thành người lính sống xa quê mấy chục năm qua, cứ mỗi lần có dịp về thăm nhà là thế nào tôi cũng dành thời gian để thăm lại ngôi chùa yêu dấu với rất nhiều kỷ niệm thuở ấu thơ. Tôi bỏ hàng giờ ngắm nhìn từng pho tượng Phật, từng ngọn cỏ, gốc cây thân quen ngày trước. 

Đây ông Di Lặc béo tốt nhịn mặc để ăn đến nỗi để hở cả rốn sâu hoay hoáy với khuôn mặt lúc nào cũng tràn đầy niềm vui tươi, hoan hỷ. Kia ông Tuyết Sơn nhịn ăn để mặc, áo quần luôn tươm tất, đẹp đẽ nhưng da bọc xương.

Ông Thiện hiền từ ban phúc lành cho mọi người. Còn ông Ác mặt đỏ như say rượu, râu tóc dựng ngược, hai mắt trợn trừng, tay vung cao lưỡi dao sắc như muốn chặt đầu kẻ xấu trong cõi nhân sinh cực nhọc…

Những người muôn năm cũ của làng quê lần lượt ra đi vào cõi vĩnh hằng, mộ chôn rải rác ngoài các gò đống gần xa quanh làng, hòa dần vào cát bụi hư không  vẫn như đang hiển hiện đâu đây trong ánh hoàng hôn, những chiều tà êm ả bên ngôi chùa cổ.

Trước mắt tôi như hiện lên rõ ràng, sống động chiếc chõng tre với những bát nước chè tươi vàng sóng sánh, cái điếu bát luôn được rít lên sòng sọc vui tai và tuôn ra những “đụn mây trắng biếc” sau mỗi câu chuyện kể dí dỏm nở tựa ngô rang của các bậc phụ lão đức cao vọng trọng trong làng. 

Bên tai tôi vẳng tiếng hát chèo dịp hội làng, tiếng kể chuyện rổn rảng đầy ngẫu hứng của cụ Trương Nghiễn, giọng cười hào sảng với ánh mắt hiền từ, chòm râu bạc trắng, thưa dài phơ phất gió của cụ Chánh Thuận hay những vệt roi quắn đít của cụ Trương Viên mỗi khi bắt gặp bọn trẻ con vào bẻ trộm nhãn, vải của đình, chùa…

Một mình tôi với cái bóng xiên xiên tần ngần dạo gót quanh khuôn viên nhỏ bé của vườn chùa - thiên đường tuổi thơ một thời của lũ trẻ con ngày xưa vắng. Chốc chốc, tôi lại dừng bước trước từng gốc nhãn, vải chua, mít na cổ thụ thân thuộc.

Tôi áp chặt bàn tay vào lớp vỏ xù xì, sứt sẹo đạn bom một thời máu lửa để tìm lại nét quen xưa cũ đang bị thời gian dần xóa nhòa. Giữa thinh không êm ả của chiều quê, một cánh chim trời thấy động chợt vỗ cánh bay vút lên làm tôi nhớ tiếng chim cu gù trong nắng sớm hay tiếng tu hú gọi bầy ngày ấy trong màu hồng rực của rặng vải chua khi lúa chiêm ngoài đồng đang rưng rưng giấc mơ vàng bội thu. 

Những cây cổ thụ xưa cây còn, cây mất mà cách đây bốn năm chục năm trước bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy mắt xanh trong ánh trời, đầu bốc lửa nắng Hè hay lẻn vào leo trèo bẻ trộm quả ăn như một bầy chim.

Hai cây mẫu đơn trắng già nua trước cửa chùa mà chúng tôi thường bẻ hoa cùng những chùm hoa bên Miễu Tre để bày hàng chơi không còn nữa. Giếng nước chùa tròn như mặt nguyệt đêm mười sáu luôn ngát hương sen bên cây muỗm già nay đã kè bờ xây cầu vồng và đảo đặt tượng Phật.

Ngày xưa, chùa làng còn có một cụ ni sư trụ trì mà dân làng quen gọi là cụ Chùa. Cụ Chùa lúc ấy rất đẹp lão và hiền từ. Cụ có dáng người nhỏ nhắn, hơi còng, da dẻ hồng hào trắng trẻo. Cái miệng tuy móm, luôn đỏ tươi do cụ ăn trầu thuốc. Đặc biệt, cặp mắt cụ hiền từ, ấm áp, tinh anh với nụ cười tươi tắn trên môi. 

Theo truyền tụng của dân làng, cụ vốn là tiểu thư lá ngọc cành vàng con vị quan tuần phủ, do không chịu cảnh ép duyên nên cụ đã đến nương nhờ cửa Phật, quyết tâm xuống tóc đi tu từ lúc còn rất trẻ.

Ngày nhỏ, tôi thường theo mẹ lên chùa lễ Phật vào ngày Rằm, mồng Một hay các dịp lễ, Tết trong năm. Riêng ngày xá tội vong nhân rằm tháng Bảy hàng năm, nhà chùa và các già tổ chức cúng cháo chúng sinh rất chu đáo. Bọn trẻ con chúng tôi được dịp thỏa thích tranh nhau cướp bỏng ngô, bỏng gạo thật vui. Khi các già lễ bái xong xuôi, mỗi đứa còn được chia phần lộc Phật.

Ảnh trong bài: Nguyễn Hoàng Lâm.

Cụ Chùa là người tu hành chân chính, quý trẻ, đặc biệt rất mến tôi. Mỗi lần gặp gỡ, cụ thường ôm tôi vào lòng, xoa đầu hỏi chuyện rồi lấy xôi, chuối hay oản lộc Phật cho ăn. Với tôi, cụ Chùa như bà tiên hiền hậu, bao dung trong chuyện cổ tích hàng ngày mẹ kể.

Nhà Chùa ngày ấy cũng rất nghèo như cả nước ta thời chống Mỹ. Cụ Chùa, ngoài việc sớm hôm đèn nhang thờ Phật cũng phải lao động mưu sinh như bao người khác. Hợp tác xã nông nghiệp chỉ cấp cho vài sào ruộng và hỗ trợ công cày bừa. Mỗi khi có việc hoặc phải đi chợ mua sắm, cụ Chùa đều nhờ tôi trông giúp vạt đậu mới tra hạt hay rặng nhãn, vải để xua lũ chim tu hú, chào mào, sẻ… háu ăn thường sà xuống phá phách.

Trong cái yên ả và mát mẻ ngát hương hoa mùa Hạ, một mình tôi ngồi gật gà ngủ dưới bóng mát của cây nhãn già góc vườn chùa. Thỉnh thoảng, khi bất chợt choàng tỉnh dậy, tôi lại vơ lấy cái dùi gỗ để cạnh mình đập phèng phèng vào cái mui ôtô sắn cũ rỉ làm chim chóc lớn nhỏ đủ loại giật mình bay vù lên cao tán loạn cả một góc trời. 

Có lần thấy động, tôi vác gậy chạy ra sau chùa thì bắt gặp chú Út đang vắt vẻo trên tán nhãn bứt trộm. Thấy tôi, chú ra hiệu im lặng rồi tụt xuống ôm túm nhãn to tướng chạy vù ra đống mả sau chùa chia nhau ăn với hội thợ cày đang nghỉ giải lao giữa buổi ở đấy. Tôi bực lắm, nhưng không biết làm gì nữa.

Gần trưa, vừa nhác thấy bóng dáng nhỏ nhắn trong bộ nâu sồng bạc màu của cụ Chùa thấp thoáng đằng xa, tôi ào ra giành lấy việc xách cái làn mây và dắt cụ về gian nhà Tổ sau chùa. Mắt nheo nheo cười hiền hậu, cụ Chùa lập cập lấy quà chợ cho tôi ăn rồi cất rau, đậu vào trạn. 

Xong xuôi, cụ mới ngồi xuống góc giường vừa ôm tôi vào lòng, quạt mát bằng quạt mo cau, vừa trò chuyện và khen tôi: "Cháu cụ ngoan lắm!". Nghỉ ngơi chốc lát ráo mồ hôi, cụ Chùa lại tay xách cù nèo, tay dắt tôi ra vườn bẻ nhãn để tôi mang về làm quà cho mấy anh chị lau nhau trứng gà trứng vịt trong nhà.

Tiễn tôi ra đến cổng chùa, sau khi dặn dò kỹ lưỡng và gửi lời cảm ơn bố mẹ tôi, cụ Chùa lại tần ngần đứng trông theo cho đến khi cái bóng nhỏ nhoi, bụ bẫm của tôi khuất sau lũy tre làng mới quay vào chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc.

Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc Việt Nam lần đầu tiên bằng máy bay và hải quân (1964 - 1968) bước vào giai đoạn ác liệt. Hàng ngày, từng đàn máy bay phản lực Mỹ gầm rú xé nát bầu trời, ném bom, bắn phá bằng tên lửa, rốc két khắp nơi. Bọn trẻ chúng tôi đầu đội mũ rơm, vai khoác túi cứu thương cùng sách vở đi sơ tán sang học trong những căn nhà nửa nổi nửa chìm ở các vùng lân cận xa trục giao thông, kho tàng - trọng điểm đánh phá của địch. 

Cụ Chùa cũng chuyển đi trụ trì chùa vùng khác và từ đó tôi bặt tin cụ. Chắc cụ đã lên cõi Niết Bàn tịch diệt nơi Tây Phương cực lạc của Phật Tổ Như Lai và vẫn hằng dõi theo dân làng tôi để phù hộ độ trì với ánh mắt hiền từ, nụ cười tươi tắn từ tít tận cao xanh.

Sau thời gian dài trong hoang tàn, dột nát, chùa làng tôi đã được bà con góp công góp, góp của sửa sang, tu bổ cùng các công trình khác của làng. Bà con rước ni sư mới về ngày đêm đèn nhang thờ Phật. Nơi tôn nghiêm lại rộn rã tiếng cười, tấp nập bước chân của trẻ già làng xóm. Khói hương cửa Phật lại thơm ngát như thuở nào. Lòng tôi dâng lên niềm vui ấm áp của đứa con xa lâu ngày lúc trở về nhà khi bước chân vào cổng ngôi chùa thân thuộc.

Như thoát xác, tôi xuất thần cất lên câu niệm Phật thân quen: "Nam mô A di đà Phật!" bên cây bồ đề tôi trồng trước cổng chùa đang tỏa bóng xanh.

Trần Công Khanh
.
.