Chốn lui tới của lòng hiếu tri

Thứ Tư, 02/01/2019, 10:53
Nhiều năm qua, tại các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh, ngày càng có sự bung nở của các không gian văn hóa nghệ thuật, nơi mà mỗi cá nhân có thể biểu đạt, thụ hưởng các nhu cầu tinh thần khác nhau, từ văn chương, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc đến các vấn đề học thuật, chuyên môn chuyên sâu. 


Đảm nhận vai trò kiến tạo kiểu không gian này, khác thói quen trước đây trông chờ vào nhà nước hay chính quyền địa phương, lại là các quán café và hiệu sách tư nhân với diện mạo và tính cách mới mẻ, sinh động, hấp dẫn.

Định hình lối sống đô thị

Robert M. Young, nhà nghiên cứu nổi tiếng Hoa Kỳ, khi nói đến các trải nghiệm về văn hóa của mình, từng than phiền rằng, khi còn bé, ông chỉ hiểu “văn hóa” là những gì mà giới giàu có đang làm, từ xem kịch, nghe nhạc giao hưởng, hay đi thăm thú triển lãm nghệ thuật. Không ai nói với ông rằng phim ảnh, nhạc jazz, thứ pop thô thiển hay áo xống thời trang cũng là văn hóa. 

Về sau, ông ý thức rằng, văn hóa không chỉ là những giá trị đã tồn tại mà còn là các lối/kiểu sống. Khái niệm không gian văn hóa (cultural space) của ông, vì thế, được mở rộng tối đa: Nhà cửa, trường học, góc phố, nhà máy, điệu disco, kịch dài tập, quán xá, chợ búa, khu mua sắm, văn phòng, nghề nghiệp, hội thảo hay nhóm nghiên cứu, cơ sở giáo dưỡng tâm thần hoặc tâm lí trị liệu, sòng bài, bể bơi, lớp yoga, phòng tập thể hình, quán bar đồng tính, rạp chiếu bóng,... nghĩa là bất cứ nơi đâu con người tụ hợp và hoạt động trong các cách liên kết, các giá trị và mối quan hệ xã hội khác nhau. 

Không gian học thuật trong quán cà phê.

Nhìn kĩ, các loại không gian này cũng đang có mặt, lắp ghép nên đời sống, cấu trúc đô thị Việt Nam. Trong đó, hẹp hơn, khi các quán café, hiệu sách tham gia tổ chức nội dung, hoạt động văn hóa nghệ thuật, nó đồng thời chạm đến hai tính cách: định hình lối/kiểu sống cho thị dân; và, dĩ nhiên, cố gắng xây dựng sự liên kết xã hội dựa trên mối quan tâm chung về tri thức, vốn văn hóa.

Ở Hà Nội, nếu là người quan tâm đến các buổi giới thiệu sách, các thảo luận/trao đổi về những chủ đề học thuật khác nhau, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật hay triển lãm…, bạn sẽ dễ dàng kể ra dăm ba cái tên: café sách Đông Tây, hiệu sách Cá Chép, Book Hunter, Heritage Space, Tranquil Books & Coffee, Café sách Nhã Nam, Manzi Art Space, Café 3A Ngô Quyền, Ơ Kìa Hà Nội, Ago Hub Hòa Mã,… 

Nơi lâu thì cả chục năm, chốn mới nổi thì dăm ba năm, địa điểm lớn thì hàng tuần hàng tháng, không gian nhỏ thì xuân thu nhị kì. Sẽ không quá lời nếu nói “trăm nhà đua tiếng” và tuy khác nhau về quy mô, mức độ, cách thức tổ chức nhưng đều có chung ý muốn, thậm chí, tham vọng đem đến những thực đơn tinh thần phong phú hơn cho thị dân. 

Thay vì chỉ trưng đồ ăn thức uống thuần túy, các không gian này còn mang lại ít nhiều lợi lạc kiến thức, nên băn khoăn của “khách hàng” không chỉ là ăn/uống gì mà sẽ là chủ đề gì, ai nói, nói cái gì, tác phẩm tác giả nào, nội dung nhắm tới đối tượng nào, mới và cũ ở đâu, hữu ích hay vô vị…  

Một buổi chia sẻ học thuật tại quán cà phê.

Những câu hỏi đó, xét trong tương quan với những câu hỏi về sinh kế, về nhà lầu xe hơi, chứng khoán hay phẫu thuật thẩm mĩ, cho thấy mối bận tâm của thị dân biến chuyển đa màu sắc hơn. 

Rõ ràng, theo đà tiến của xã hội, đô thị sẽ không ngừng gia tăng công năng, ngoài cư trú và làm việc, ắt hẳn còn đáp ứng các đòi hỏi, nhu cầu tinh thần văn hóa nghệ thuật dẫu nó phù phiếm đến đâu.

Tùy khẩu vị và nhãn quan của mỗi người mà các không gian văn hóa trở thành địa điểm để lắng nghe, trao đổi, bàn luận, tiếp nhận hay phản đối, yêu thích hay thất vọng, giải trí hay nuôi dưỡng tâm hồn. Không loại trừ đấy cũng là nơi chốn để “chém gió” vô thưởng vô phạt, cao đàm khoát luận hoặc đơn giản chỉ để thỏa mãn tính hiếu kì so sánh, phân biệt không gian trong đô thị. 

Do đó, ngay cả khi thừa nhận sự phù phiếm trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, người ta cũng không thể phủ nhận tính chất dân chủ hóa của các kiểu cách sống. 

Với một “bộ phận nhỏ” những người ưa thích, lựa chọn văn hóa làm điểm đến, người ta có thể nhận ra công chúng văn hóa giờ đây đã mở rộng, phổ thông hơn. Không phải lúc nào tầng lớp “tinh hoa” cũng nhạy bén thụ hưởng hay mau chóng tạo đặc quyền về vốn văn hóa.

Lịch sử các đô thị hiện đại, mà Hà Nội là điển hình, có một phần nhỏ nhưng sinh động của lịch sử các không gian “diễn thuyết”. Trước 1945, trong thắng lợi của phong trào thơ Mới chẳng hạn, diễn thuyết là chiêu thức hữu hiệu. 

Ảnh hưởng của những Hội Trí Tri, Hội Truyền bá học Quốc ngữ, Hội Khai trí Tiến đức, Hội Ánh sáng…, đều tăng lên qua các buổi diễn thuyết, mà nếu nhìn lại đầy đủ, chắc chắn rất đáng cho thời nay học tập. Kênh diễn thuyết khi xưa và các buổi “trò chuyện” (talk show) hiện nay, không gì khác, là nét sinh hoạt tương đồng trong lối sống thị dân bất chấp thời gian và các biến cố xã hội có lúc đã làm nó bị mờ đi. Cần nhận thấy hạt nhân này để không bị bức xúc, sốt sắng quá mức trước hiện tượng giàu xổi, trọc phú mà “kém văn hóa” như báo chí thường ngày lớn tiếng.

Cá nhân hóa vốn văn hóa

Trong Nhà thờ Đức Bà Paris (1831), Victor Hugo có vẻ đầy lo ngại, khi để nhân vật Claude Frollo chỉ vào cuốn sách rồi nhìn ra tháp chuông, nhìn vào những hình ảnh trong thánh đường, và nói rằng “cái này sẽ giết chết cái kia”, tức cuốn sách có thể giết chết thánh đường. 

Đặt câu chuyện vào thế kỉ XV, văn hào Pháp sợ rằng thời đại in ấn sẽ giảm thiểu vai trò truyền bá tri thức gần như chủ yếu của nhà thờ. Về bản chất, trong quá trình kiến tạo, lưu giữ các giá trị văn hóa, giáo dục, nỗi lo sợ “cái này giết chết cái kia” luôn vang lên mỗi khi xuất hiện một thiết chế, cách thức mới.  

Cũng đã có người lo ngại, các quán café và hiệu sách nhúng tay tổ chức hoạt động văn hóa thì một mặt, nó chẳng đi đến đâu trong cái gọi là định hình khung hiểu biết cho số đông, mặt khác, chẳng thể kiểm soát hay đánh giá được chất lượng, nội dung của các hoạt động đó. Lo ngại này, theo tôi, hoàn toàn không tương thích với bối cảnh hiện nay khi mức độ cá nhân hóa diễn ra sâu sắc trong mọi lĩnh vực, nhất là đời sống tri thức. 

Trong khi các thiết chế mang tính quan phương như nhà văn hóa/ trung tâm văn hóa, các thư viện công hoạt động chưa hiệu quả, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và thường phải đi qua nhiều bước mới có một chương trình - kế hoạch triển khai thì sự “cơ động”, linh hoạt, thức thời của các không gian café, hiệu sách là lợi thế lớn.

Chưa kể, một số địa chỉ tỏ ra khá chuyên nghiệp từ việc lên chủ đề, nội dung, diễn giả đến truyền thông, tương tác với khách tham dự. Nhìn bao quát, hoạt động văn hóa nghệ thuật ở hiệu sách, hiệu café là một loại hình dịch vụ đặc thù. Nếu chất lượng kém, thiếu cập nhật và hấp dẫn thì không thể thu hút khán thính giả. 

Trong trường hợp đó, chính người tham dự mới là những đại cử tri quyết định sự tồn tại của các không gian văn hóa. Vậy nên, điều tưởng như không thể là thương mại hóa văn hóa, dẫu chưa phải to tát, cũng đã diễn ra nhẹ nhàng, lịch sự trong các quán café, hiệu sách, nơi chi phí cho chút khoái cảm tinh thần chỉ tương đương bát phở.

Lời quảng cáo ấn tượng cho một buổi trò chuyện.

Sự thay đổi không gian cung cấp vốn văn hóa, dẫu sớm hay muộn, sẽ đặt câu hỏi rằng thiết chế nào sẽ ưu thắng trong việc tạo nơi chốn lí tưởng cho những người hiếu tri? 

Trường học, giảng đường, các cơ sở đào tạo, giáo viên, nhà nghiên cứu? Không một thiết chế hay chủ thể nào trong số này đóng vai trò tối ưu duy nhất. Xã hội phát triển và đô thị văn minh đúng nghĩa sẽ cho phép tinh thần hiếu tri lan tỏa khắp nơi. 

Mỗi một địa điểm và cá nhân đều tự thân đứng vào sự sinh thành và biến đổi, nói như nhà xã hội học Pháp Pierre Bourdieu, các “trường lực” văn hóa của mình. 

Trong hoạt động nghệ thuật, ở đâu đa nguồn cung và phong phú dữ liệu thì càng dễ dàng chiếm lĩnh thị phần; ở đâu cho phép những điều riêng tư và khó thổ lộ được bộc bạch, những đa bội hay đối nghịch trong ý kiến được lắng nghe, những tìm tòi và khác biệt được tôn trọng, những khúc mắc và khuyết trống được bù đắp và trả lời, những hoài nghi và phủ nhận được thấu hiểu,…, thì nơi đó càng có vị thế. 

Nếu các thiết chế quen thuộc như trường học/ giảng đường thiên về sự áp đặt, mặc định tri thức thì ngược lại, tại các không gian văn hóa nhỏ, trạng thái tự do tiếp nhận hoặc đối thoại là ưu tiên hàng đầu. 

Bởi vậy, không lạ khi phần đông những người lui tới các buổi trò chuyện, thảo luận thường là người trẻ, và riêng điều này thì có thể gây niềm lạc quan: sự chăm chú, hào hứng ở họ tạo nên vẻ đẹp riêng, mà với cá nhân tôi, đó là vẻ đẹp của sự tĩnh tâm, một đối ngược hoàn toàn với hình ảnh bạo lực trong một số lễ hội vốn tốn kém nhân lực, tiền bạc để giữ gìn trật tự.

Cố nhiên, quán café hay hiệu sách đều không phải là diễn đàn của mọi diễn đàn, lớp học của mọi lớp học. Chúng vẫn song hành, dưới nhiều áp lực, với các không gian khác, đặc biệt là không gian mạng. Chúng có thể bị thu hẹp hoặc tệ hơn là sớm nở tối tàn. 

Bởi thế, điều mà các tín đồ văn hóa nghệ thuật cần tỉnh táo ấy là khi bước ra khỏi không gian nào, phẩm chất và hiểu biết văn hóa phải trở lại đúng nơi nó có nghĩa lí nhất: cuộc sống thường ngày, từng giây phút, trong lời ăn tiếng nói, hành vi, ứng xử, trong cả ước mơ và khát vọng vô tận vô cùng.

Mai Anh Tuấn
.
.