Chầm chậm đi qua một nước Nga tráng lệ

Thứ Sáu, 25/09/2015, 19:51
Tôi đã định bụng không viết gì về nước Nga. Những ngày dọc ngang xứ sở này lòng đã đầy cảm khái. Những tưởng ngang dọc hoang dã châu Phi, những tưởng quỳ lạy nền văn minh rực rỡ với thành quách, lâu đài, các quảng trường lớn nhất thế giới ở kinh đô ánh sáng châu Âu đã khiến mình tâm phục khẩu phục “bè bạn bốn phương” lắm rồi. Ai dè, phải đến lúc nước Nga, với đủ Moskva, Saint Peterburg rồi Krasnodar, Sochi, Biển Đen…, cứ lần lượt hiện ra, thì tôi mới thật sự dám dùng từ sững sờ cho cảm xúc “đi vòng quanh trái đất” của mình.

Sững sờ vì sự giàu có, trù phú của thiên nhiên, kinh ngạc về sự tráng lệ của các công trình văn hóa lịch sử. Saint Peterburg, tôi đã đặt máy quay ở mũi ôtô, để lưu giữ lại cảnh hai bên phố xá hiện ra suốt nhiều cây số, mỗi vòng bánh xe lăn, (hoặc mỗi bước chân tản bộ) là những huyền thoại được “mắt thấy tay sờ”. 

Phải nói, đó là kinh đô của các di sản, đấy là chưa kể Cung điện Mùa Hè, Cung điện Mùa Đông, Cung điện Mùa Thu với xiết bao hạng mục vàng mê mải. Mênh mông toàn dát vàng theo đúng nghĩa đen. Không chỉ là lắm vàng ròng, mà họ lắm tài sản và công sức, họ giàu có và chịu chơi kinh khủng. “Tay chơi” từ ba trăm năm trước khi xây dựng thành phố này, tay chơi đến tận bây giờ, khi mà nước Nga gặp không ít khó khăn.

Chuyện kể rằng, miền đất này lắm người giàu muốn góp tiền xây nhà thờ và cung điện quá, vị Đại đế không biết chọn ai để ban phát cho cái “ưu tiên” cung tiến. Ông bèn bảo, nơi này có nhiều sông ngòi, các vị nhớ chở gạch đá theo đường sông đến cho chúng tôi. Khi các thuyền “cự phú” đỗ la liệt dưới dòng nước Neva, triều đình bèn yêu cầu các gia tộc giàu có cho ném toàn bộ nguyên vật liệu “cung tiến” của mình lên bờ. 

Nhà nào có một hòn gạch hòn đá vỡ ra, thì họ sẽ bị truất toàn bộ quyền góp của cải vật liệu cho các công trình thiêng quý. Đó là lý do để các kỳ quan nơi này bền vững qua bao chiến tranh, giặc dã, thiên tai, thời gian khắc nghiệt. Thời phát xít Đức chiếm đóng, chúng tàn phá kinh khủng, nhưng rồi người Nga cho xây lại hết bằng sức lực của chính lũ tù binh vừa bị tóm. 

Thậm chí, nhiều cây cầu tuyệt mỹ ở Vơ-ni-dơ của Phương Bắc này còn được người ta cầu kỳ chọn hơn nghìn viên đạn do phát xít Đức bắn (tượng trưng cho hơn nghìn ngày thành phố bị chiếm đóng) ra, rồi nấu chảy nó, đem đúc các tấm biển hoành tráng, các con ngựa sắt hùng dũng tung vó bên bờ sông… Quả là, người Nga đã đi qua cuộc chiến đẫm máu ấy bằng sự dũng mãnh, với lòng kiêu hùng tột độ.

Đêm trăng trên sông Neva, Saint Peterburg.

Có phải vì Sa hoàng lớn hơn một vị vua, có phải vì các vị Đại đế nơi này chiếm nhiều “kỷ lục” nhất thế giới, là bởi vì họ vốn đã có cùng các bộ óc vĩ đại, có lãnh thổ và tài nguyên lớn hơn bất cứ bậc quốc vương nào? Hay là còn vì một sức mạnh nào đó vẫn chảy giần giật trong huyết quản, trí tuệ và cốt cách của người Nga từ thượng cổ đến giờ? 

Một phần, dĩ nhiên là như thế. Bởi, trừ “ba phần tư nước mắt” của trái đất này (tức là các đại dương), thì riêng phần lục địa nổi (mặt đất) của loài người, cứ chia làm 6 phần, người Nga chiếm trọn 1 một phần. Thế nên họ giàu có và dát vàng, đính kim cương khắp nơi, từ chóp cung điện ở khu vực Điện Kremly, đến Quảng trường Đỏ, Cung điện Optina, Nhà thờ Chúa cứu thế, các kỳ quan thế giới ở “Thành phố cung điện” Saint Peterburg, thôi thì chỗ nào cũng vàng rực. Dát và ốp vàng “tứ tung ngũ hoành”. 

Cục vàng, cục kim cương ở khu trưng bày báu vật quốc gia Nga ở gần điện Kremly, khi tôi qua các vòng kiểm soát an ninh nghiêm ngặt đến mức tháo rời cả ống kính máy ảnh ra để soi khám; vừa bước vào, người quản lý đã mỉm cười kiêu hãnh: khối vàng rồi khối kim cương “nguyên đai nguyên kiện” mà người Nga đào được kia, nó to đến mức, chúng tôi xếp một dãy ở kia kìa, bạn nào đủ sức khênh chúng ra khỏi kho báu thì chúng tôi biếu luôn. Nó nặng tới mức, về Việt Nam rồi, viết lại, tôi có kể ra đây cũng chẳng ai tin.

Vào Cung điện Mùa hè ở Saint Peterburg thì thậm chí gần 200 cái đài phun nước cũng ốp vàng, các bức tượng cũng như tạc bằng vàng ròng óng ả; hệ thống đài phun nước và cả cung điện thông ra vịnh Phần Lan bảng lảng sương biển. Người ta xẻ tung cả đại dương, dẫn một con kênh nước mặn thẳng tắp, đắp các ông tượng ở trần truồng dát vàng đứng ôm các đài phun nước. 

Nước dẫn từ một đỉnh núi từ thuở tạo sơn không một lần khô hạn về, theo nguyên tắc bình thông nhau, mấy trăm năm qua, gần hai trăm cái đài phun nước “vàng ròng” cứ “làm mưa làm gió”, trắng xóa bên vườn thượng uyển và mặt giáp Vịnh Phần Lan của cung điện, mà chưa bao giờ cần đến một máy bơm hay thiết bị gì tương tự. 

Tác giả tại Quảng trường Đỏ.

Saint Peterburg, nơi được mệnh danh là “Thành phố của những cung điện”, thành phố thánh Phero, nơi được Pyotr Đại đế xây dựng từ 300 năm trước, tôi lang bang khám phá, sững sờ cảm thán, rồi láo xược nghĩ: ông này và triều thần của ông này, có lẽ chỉ có trứng trâu gan trời là họ chưa thấy và chưa… đánh chén thôi. 

Quá nhiều thứ đồ “độc nhất vô nhị”, kể cả kỳ quan thế giới “căn phòng hổ phách” đều đã được “khênh” về kinh đô của cung điện này. Bên các con phố, trong cái kỳ ảo của đêm trắng phương Bắc (nơi không có đêm, trời luôn sáng 24/24), tôi như nhảy cẫng lên trước một hiện tượng thiên nhiên mà quê mình chưa bao giờ xuất hiện. Tôi lại lẩn mẩn bên Cung điện Mùa Đông dài rộng kỳ vĩ đến rợn ngợp. 

Lại nghe tiếng khèn của người nghệ sỹ vô gia cư trải miên man dọc bờ sông Neva. Lại thấy các con phố với lâu đài nối tiếp lâu đài, chúng cứ thế dài mãi đến tận phía chân trời. Lại thấy liên tiếp các cây cầu nghệ thuật, cầu mở cầu quay cho tàu bè thông thương trong “đêm trắng” Saint Peterburg. 

Chằng chịt sông nước và cầu tiếp cầu, có cây cầu lớn đến mức cả một con phố, với khu dân cư, các tác phẩm nghệ thuật sừng sững, cả “đảo giao thông” nằm gọn trên ấy. Nhiều cầu, nhiều sông rạch, đã khiến người ta gọi nơi đây là Vơ-ni-dơ của phương Bắc… Có lẽ, đến nơi này xong, tôi sẽ không còn gì để nghi ngờ nữa, khi ai đó bảo: con người là chúa tể của hành tinh này thật sự.

Nơi này rộng đến mức, 1/6 diện tích thế giới, trùm từ lục địa châu Á, sang châu Âu; giàu tới mức, họ đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ; rồi lại đứng đầu thế giới về sản lượng khai thác kim cương. Tôi đã đứng trân trân nhìn những toa tàu thuôn tròn như con tàu vũ trụ, chúng gầm rú lao đi, chúng dài tưởng như bất tận, chuyên dùng để vận chuyển khí đốt bán đi “bốn phương tám hướng”. 

Chao ôi, một thế kỷ trước, bấy giờ nhân loại đang làm gì trước chiến tranh, đói nghèo, tật bệnh, lạc hậu tang thương; vậy mà khi ấy, người Nga đã chui xuống 85m dưới sâu lòng đất để đào bới, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt như mạch máu vươn khắp thủ đô mênh mông của họ (gồm 196 nhà ga dưới lòng đất). Bây giờ, mỗi ngày có 8,5 triệu lượt người đi dưới lòng đất Matxcova. 

Bạn tôi du học ở Nga, mỗi ngày đi ba bốn chục cây số đến trường, tàu điện ngầm “rước” đi, cứ đúng là vèo một cái. Chúng tôi lấy xe của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đi tham quan, có khi lúc đi mất cả tiếng, lúc về chui xuống tàu điện ngầm, đi chỉ vài phút đã “come back home” (về đến nơi ở). Kỷ lục tàu điện ngầm nước Nga, là ở chỗ nó sâu dưới lòng đất tận 85m, nó được thi công và hoàn thành từ gần một thế kỷ trước. Nó có tới 196 nhà ga, và 328km chỉ ở dưới âm ti địa ngục kia! Và, mỗi cửa ga, mỗi lòng đường ngầm, mỗi bến đỗ tàu điện ngầm của Moskva, đều là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Họ gọi đó là những bảo tàng nghệ thuật, những cung điện trong lòng đất. 

Mỗi cửa đều có tượng, có hoa văn riêng, 196 nhà ga là 196 phong cách thiết kế với hoa văn kiến trúc riêng biệt, mỗi trần của đường ngầm to lớn đều được vẽ các tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, quyến rũ. Đi trong đó, ngửa mặt lên giời ngắm các tác phẩm trên “trần nhà”, tôi cứ ngỡ mình đang ngẩn ngơ cùng các bức tranh trần lừng danh thế giới của Bảo tàng Vatican nước Ý, của Bảo tàng Louvre ở Paris nước Pháp.

Ở nước Nga, cái gì cũng to. Đường sắt đi Seberia thì (lại) nhất thế giới một lần nữa. Nó đi qua tới 87 thành phố, bạn có thể ngồi tàu liên tục 7 ngày đêm, qua nhiều múi giờ và các vùng khí hậu ngược nhau 100%, trải dài từ khu vực châu Âu đến vùng Viễn Đông của Nga. 

Bức tranh tròn Borodino được vẽ theo lối “độc nhất vô nhị” sau 100 năm kể từ ngày nguyên soái Kutuzov của Nga cầm quân huyết chiến với đại binh của Napoleon 1 đến từ nước Pháp. Tranh trông như thật, với cả mùi vị, cả khói, xác người và xác động vật hiện lên kiểu 3D, cả phối cảnh hiện vật thật nữa, nó giăng quanh các tường thành quây tròn dài 115m (với 4000 nhân vật!), mà người xem ở giữa, đi vòng rồi chóng mặt, rồi thổn thức trước sự sinh động và khốc liệt của chiến tranh.

… Bạn tôi nửa đời gắn bó với xứ sở bạch dương, bảo, nơi này lạ lắm, có khi lạnh âm hai mươi độ, tuyết trắng lưng trời, vậy mà tuyết vừa dứt, sáng hôm sau đã thấy cây cối đâm chồi nảy lộc xanh rì. Ba hôm sau, lá phủ kín trời đất. Cứ như cây cối phục kích sẵn kỹ càng lắm, chờ tuyết tan là vùng dậy xanh miên man. Mà người Moskva tự hào khoe với khách rằng: thành phố của chúng tôi không phải đẹp vì các tòa cao ốc, mà sở dĩ nó đẹp vì nó không có các tòa cao ốc đáng ghét. Rừng rộng thâm u. Ngồi máy bay khi cất hạ cánh, nhất là lúc ngồi trực thăng, tôi đều ngỡ mình lạc trong cánh rừng nào đó của Amazon, bởi rừng nhiều quá. Rừng quá nhiều so với hình dung thông thường về một thủ đô hiện đại. 

Các tỷ phú Nga thường thích vào rừng làm biệt thự. Họ làm những con đường bé, vừa đủ hai xe ôtô tránh nhau, rồi ba bề bốn bên, cao vút, rộng mêng mông toàn rừng già. Rừng và vườn nhà đại gia chỉ cách nhau một cái bờ rào sắt sơn xanh, có khi cao vài chục mét mà người thường không nhìn thấy. Rồi họ ở trong rừng, nhìn bốn bên chỉ thấy cây.

Chợt liên tưởng: sao mà triết lý nhà cửa của họ thông tuệ thế, sao “tỷ phú” của Việt Nam ngốc nghếch thế.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.