Chăm bẵm những sử làng cùng sử nước

Chủ Nhật, 10/01/2010, 12:12
Có thể nói ông là một người sung sướng! Chứ lại không? Quá thất thập đã lâu, tuổi ấy mà giời còn cho thung thăng đi đây đi đó khắp nơi trong tỉnh. Vùng nào có điều chi đang lấn bấn về sử sách lẫn dư địa chí đều cử người hay ới điện thoại rước ông tới...

Cái chức Phó Chủ tịch Hội Sử học xứ Thanh kiêm Chủ tịch Hội Sử học huyện Thọ Xuân (cái huyện mà góp cho đất nước những 33 vị vua Lê) dường như là thứ chính danh để ông ngôn thuận cho những sử làng sử nước... Giữa những hàng chữ ấy là thấp thoáng những tri thức của một nhà giáo dạy văn sử của người làm sử làm báo cộng thoáng chút tinh ranh của người từng hơn 20 năm quan chức...

Tôi biết ông từ những năm 80 khi đó ông đang là Phó Chủ tịch huyện Thọ Xuân phụ trách văn xã. Hồi ấy xứ Thanh đang rộ lên chuyện phát lộ một viên ngọc quý rồi bị chiếm đoạt này khác. Rồi những sôi sục nháo nhác sau Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc. Phùng tiên sinh lại là học trò của ông. Cũng cần nói thêm lứa chức dịch địa phương hồi ấy nhiều vị bí thơ, chủ tịch xã là học trò của ông bởi gần 20 năm ông là giáo viên dạy văn sử của trường huyện Thọ Xuân. Sướng cái là đi với ông chả cần phải giới thiệu hay làm các thủ tục chi cho mệt...

Ông gọi nhiều chức sắc của xã của nhiều làng mà tôi đương có nhu cầu tiếp cận để lấy tài liệu, chất giọng trầm rè đặc âm sắc ngữ vựng của xứ Thanh: "Này mi giúp thằng ni ở Hà Nội về nhá. Hắn hỏi chi thì nói thực cho hắn nghe không người ta lại cười cho thằng nói lẫn thằng nghe thối mũi...". Không rõ là họ có nể ông thực hay không nhưng đa phần cứ bám ông là được việc! Phùng tiên sinh thời điểm ấy có nhiều lý do chưa tiện kể ra đây nhưng sau sự kiện Cái đêm hôm ấy đêm gì phải trốn biệt ở một xó xỉnh khi thì ở một góc xứ Thanh, khi thì ở Hà Nội. Nhưng tôi đã có nhiều dịp tiếp cận chuyện trò với nhà văn họ Phùng này khá suôn sẻ bởi có sự giới thiệu của ông. Ánh mắt Phùng tiên sinh bớt cảnh giác và cái cười như cởi mở thêm lên rằng: "Thầy Kỳ mà đã triệu tập thì cách chi cũng phải tới".

Tôi có cảm giác từng ấy năm với cương vị Phó Chủ tịch huyện phụ trách văn xã, chức ấy với ông cứ như chơi chơi vậy? Chả thấy ông tất bật hay vống lên chuyện chi thành những thứ quan trọng chết người cháy nhà như nhiều vị chức dịch hàng huyện hàng tỉnh mà tôi từng gặp lẫn từng chán! Khề khà nước thuốc. Rề rà chuyện...

Mọi sự xuôi chèo mát mái, kể cả những việc những vấn đề gay cấn. Có lẽ cái đế văn hóa, sự hiểu biết tường tận ngóc ngách về nông thôn nông dân về lòng người thói đời này khác và kể cả cái tinh ranh (tôi cho đó là một cái tài) đọc vị được những lỗ hổng những mong manh vạn biến trong cái bất biến của cơ chế đã giúp ông vững vàng trong việc xử lý những vấn đề vụ việc này khác? Bận ấy tôi hơi bị choáng khi tận mắt chứng kiến cảnh ông thu xếp một cách tài tình một đám đông của một xã bị vài người quá khích kích động định tổ chức biểu tình vì chuyện đất đai bầu bán gì đó! Lại ấn tượng thêm cái lần ông cứ rề rà mà làm cho tác gia của một cuốn sách hàng chợ thêm bẽ khi ông ta khăng khăng Lê Hoàn quê ở Ninh Bình chứ không phải ở làng Xuân Lập, Thọ Xuân.

Phó Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hoá Lê Xuân Kỳ với bà con xã Xuân Giang, nơi sắp hoàn táng vua Lê Dụ Tông.

Không biết ông đọc lẫn tích tụ khi nào mà có kiến thức lịch sử chắc chắn như vậy? Điều băn khoăn lần ấy của tôi đã được giải đáp khi ông dẫn tôi về đền Lê Hoàn tại xã Xuân Lập nơi phát tích vị vua Lê đầu tiên của nước Đại Việt. Chất giọng rề rà của ông trở nên vanh vách sang sảng khi điểm qua những văn bia câu đối trong đền. Lại cất công dẫn tôi đi gặp một vài vị cao niên trong làng để bổ sung phần dã sử về nơi phát tích vị vua tiên khởi mà mình vốn rất mù mờ. Ngạc nhiên thêm cái xứ Lôi Dương (tên huyện Thọ Xuân cũ), Sông Lương (tên cũ của sông Chu. Tên huyện và tên sông có từ thời Lê) ấy có lắm người tài mà còn ẩn tích. Ông dắt tôi đến nhà ông Hoàng Hùng. Không hề quá khi nói đó là một nhà nghiên cứu sử, một nhà văn hóa. Ông Hoàng Hùng chả chức sắc bằng cấp gì nhưng thông thạo Hán văn. Ông với nhà nghiên cứu Hoàng Hùng chơi thân với nhau đã lâu và họ như bổ khuyết cho nhau những điều mà cả hai đang thiếu hụt mà những người chơi sử nghiệp dư thường mắc phải?

Chưa rõ ông Hùng có học với ông không nhưng trong tiếp xúc cứ một thầy hai thầy... Sau này được tiếp cận với những cuốn sử về nhiều xã ở Thọ Xuân cũng như viết về danh lam thắng tích, tôi thấy đồng tác giả những sách ấy là Lê Xuân Kỳ, Hoàng Hùng! 

Bẵng đi một dạo những năm đầu 90, tôi mới gặp lại ông. Ông đến cơ quan tôi không phải một mình. Một cụ gầy mảnh tóc bạc chấm vai trông rõ là tiên phong đạo cốt, vai đeo một chiếc bị cói. Mãi khi ra quán, nghe ông giới thiệu tôi giật mình, ông cụ gày mảnh kia là nhà thơ Hữu Loan. Đó là lần đầu tôi giáp mặt với tác giả Màu tím hoa sim. Tôi không ngạc nhiên vì ông vốn giao thiệp rộng. Ông cho hay đang sắp được hưu. Theo yêu cầu của mấy người viết, ông đang tìm tư liệu về nhà thơ Hồng Nguyên, về tướng Nguyễn Sơn. Tướng Nguyễn Sơn thời gian ở khu Tư cũ, đặc biệt tướng Nguyễn Sơn từng ở Thọ Xuân một thời gian dài. Nhà thơ Hữu Loan lại là chỗ thân quen với tướng Nguyễn Sơn...

Cuộc gặp chiều đó nhà thơ Hữu Loan  khá cởi mở kể nhiều chuyện thú vị... Tối ấy nhà thơ Hữu Loan nghỉ lại đằng chỗ nhà người quen, còn ông đến nhà tôi. Trong căn gác bé tẹo, chuyện trò đã khuya lắm lại có tí rượu nên tôi díp mắt lúc nào. Được một giấc dài tỉnh ra thì giật mình bởi thấy ông vẫn thu lu chỗ bàn viết... Ngó đồng hồ đã bốn giờ! Ông cười ghi lại chuyện hồi chiều với nhà thơ Hữu Loan sợ để lâu nó nhạt mất. Ít lâu sau tôi thấy bài viết về nhà thơ Hữu Loan ra Hà Nội đăng trên Báo Đại đoàn kết thì phải. Không biết tự bao giờ ông đã là cộng tác viên của nhiều báo...

Một thời gian sau bất ngờ tôi thấy ông xuất hiện tại phiên khai mạc của một kỳ họp Quốc hội! Ông được mời? Hay nghỉ hưu ông tham gia giúp việc cho đoàn ĐBQH Thanh Hóa? Trật hết khi ông cười khì khì "Cậu quan liêu quá! Tớ bây giờ là ký giả rồi nhá. Ra hẳn Hà Nội rồi... về làm ở Báo Người cao tuổi". Nhiều buổi giải lao trong các kỳ họp QH, người ta vẫn thấy một ông già rất khó đoán tuổi vai khoác chiếc túi dết màu nâu, mái tóc bồng bềnh muối nhiều hơn tiêu thập thững đi lại chỗ sân sau của Hội trường Ba Đình tay lăm lăm cái máy ghi âm đời mới sẵn sàng hỏi chuyện các ĐBQH. Đó là nhà báo Lê Xuân Kỳ!--PageBreak--

Thời gian ở Báo Người cao tuổi cũng là thời gian ông đi nhiều nhất như ông cười để bõ những ngày tù cẳng ở xứ Thanh. Đọc báo mới biết ông khi thì tít tận một tỉnh phía Nam khi thì vùng cao phía Bắc, mấy lần sang cả Trung Quốc. Cái lần được cầm lên và được đọc bản thảo tập phóng sự Mực đen phấn trắng của ông, tôi thực sự kinh hãi bởi sức đi sức nghĩ của một ông lão đã sáu mấy! Ít lâu sau, Mực đen phấn trắng được xuất bản xếp bên cạnh những tập khảo cứu về lịch sử về phong tục của những vùng miền xứ Thanh, tôi có cảm giác cái cổng làng xứ Thanh của ông đang thông thống ngó ra những dặm dài đất nước! Tấm tắc sức đi của ông, ông cười: "Tớ chỉ làm mươi năm nữa cố đến những tỉnh thành mình chưa được đến rồi thì nghỉ!".

Tưởng ông nói vui nhưng tròn 10 năm làm ở Báo Người cao tuổi, ông nghỉ thật. Nhưng ông đâu có kịp vui thú điền viên mà là dành hẳn thời giờ cho việc như ông nói vui là mó máy lịch sử thứ ông yêu thích từ lâu. Lần ấy ông hối tôi về Thọ Xuân gấp bởi có việc một bọn bất lương đương đêm quật lên mộ bà vợ của đức vua Lê Thánh Tông. Chúng ngu muội tưởng mộ bà hoàng hậu thì có chôn theo vàng bạc đồ quý. Kể ra đây thì kinh hãi bởi mấy trăm năm rồi mà mọi thứ vẫn chưa suy suyển gì lắm. Nhân việc mộ vợ đức vua bị phạm, ông gợi ý cho tôi nhiều phần mộ vua chúa ở vùng đất Lam Kinh thứ thì bị phạm thứ để hoang phế... Lần ấy tôi về hoàn thành loạt bài viết Âm phần Lam Kinh bi ký có nhiều người để mắt tới.

Lần này gặp lại ông nhân Thanh Hóa đang hoàn tất các việc để hoàn táng vua Lê Dụ Tông sau 40 năm nằm trơ trọi ở đất Thăng Long. Tôi biết với uy tín và hiểu biết của mình ông đã bỏ nhiều công sức để giúp địa phương Thọ Xuân nói riêng và Thanh Hóa nói chung làm tốt một công việc chưa hề có tiền lệ này.

Trong căn nhà ấm cúng tứ đại đồng đường sum vầy, tôi được ngồi giữa vợ chồng con cái cháu chắt dâu rể của cựu ký giả Lê Xuân Kỳ trong bữa cơm mà tất cả các thức đều biện từ vườn nhà. Cái may của ông là  có một gia cảnh một hậu phương chắc vững, an lành. Thứ nữa trên giá sách của ông mấy năm nay lại dày mãi lên những cuốn thứ ông viết chung viết riêng Các vị thần thờ ở xứ Thanh. Lê Triều ngọc Phả (tái bản) Lịch sử thị trấn Thọ Xuân, Lịch sử xã Thọ Nguyên, v.v... Điều độc đáo đáng kể là nhiều năm nay, với cương vị Phó Chủ tịch Hội KH Lịch sử Thanh Hóa, ông đứng đầu Hội đồng biên tập trực tiếp trông nom, trực tiếp viết bài cho Tạp chí Thanh Hóa Xưa & Nay ra hai tháng một kỳ.

Cuốn tạp chí mà tôi phải lùng phải mượn thì mới có bởi không chỉ đơn thuần kể việc biên tên và địa danh lịch sử mà có sự đầu tư nghiên cứu sâu. Dấu vết người Thái trong vùng cư dân Mường Việt dọc sông Mã. Bảo chính đại vương Lê Văn Linh. Tìm hiểu Lê Văn Linh qua gia phả. Truyền thống thượng võ xứ Thanh qua những người đỗ võ khoa. Một vài nét về thân thế Hồ Tùng Mậu v.v... Nội một số của Tạp chí thôi mà toàn thứ bắt mắt, đáng đọc cả.

Sẽ trống vắng thế nào nếu nói dại mồm mai kia về đất Thọ Xuân không thấy không gặp lại thầy Lê Xuân Kỳ? May mà bây giờ ông vẫn được mạnh dẫu sức đi sức viết có kém so với hồi làm báo và chỉ thi thoảng váng vất bệnh già với huyết áp. Thôi cũng ơn giời!

.
.