"Cậu ký đi": Câu chuyện cá nhân hay dấu hỏi cho guồng máy?

Thứ Tư, 08/01/2020, 20:02
Cũng như rất nhiều người dân khác, thời gian này tôi đã theo dõi rất kỹ phiên toà xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, gây thất thoát tới hơn 6.000 tỷ của Nhà nước...


Kính gửi Ban biên tập báo  ANTG Giữa tháng - Cuối tháng!

Cũng như rất nhiều người dân khác, thời gian này tôi đã theo dõi rất kỹ phiên toà xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, gây thất thoát tới hơn 6.000 tỷ của Nhà nước. Các khía cạnh pháp lý của phiên tòa này đã được những người có trách nhiệm ở cả trong và ngoài  phân tích rất rõ ràng, chí lý, nên tôi không có thắc mắc gì. Nhưng tôi lại có rất nhiều thắc mắc liên quan đến mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trong vụ việc này, cụ thể là những điều sau:

1. Tại tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông thừa nhận việc đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư truyền hình của MobiFone trong tình trạng "2 chưa - 1 có". Cụ thể, 2 chưa là: Chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư dự án. Còn 1 có là: Có sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son. Ở thời điểm đó, ông Son là Bộ trưởng, ông Tuấn là thứ trưởng.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Và căn cứ vào lời khai của ông Tuấn, chúng ta thấy rằng bộ trưởng đã chỉ đạo là thứ trưởng nghe theo, bất chấp việc "nghe theo" có nghĩa là pháp luật. Cách đây vài tháng, xuất hiện dư luận rằng ở thời điểm đó ông Tuấn chủ động nghe theo vì được ông Son hứa hẹn là sẽ tạo điều kiện đưa lên làm Bộ trưởng thay mình, nhưng đứng trước tòa, ông Tuấn đã phủ nhận điều này. Nếu sự phủ nhận đó là chính xác thì việc "nghe theo" ở đây hoặc vì một lợi ích nào đó, hoặc vì đơn giản đấy là chỉ đạo của cấp trên.

Điều tôi tò mò và muốn hỏi quý báo nằm ở chỗ: trong khoảnh khắc ấy liệu có một động cơ đặc biệt - một lý do đặc biệt nào đó để ông Tuấn có thể dũng cảm lắc đầu, không nghe theo cấp trên của mình được không? Chưa hết, vẫn theo lời khai của ông Tuấn thì việc ông đề xuất đưa giao dịch MobiFone - AVG vào danh mục "tài liệu mật" cũng là do ý kiến chỉ đạo của ông Son. Như thế hóa ra ông Son cứ nói gì, cứ chỉ đạo gì là ông Tuấn nghe theo và làm theo, mà không có bất cứ một sự phản biện xác đáng nào?

2. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở mối quan hệ Nguyễn Bắc Son - Trương Minh Tuấn, mà còn ở mối quan hệ Nguyễn Bắc Son - Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone. Tại toà, bị cáo Lê Nam Trà khai rằng trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG cho MobiFone thì ông ngồi ăn trưa với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Khi ông Son hỏi: "Hơn một giờ nữa là ký hợp đồng với AVG, các cậu chuẩn bị đến đâu rồi?" thì Lê Nam Trà báo cáo là sẽ để tổng giám đốc Cao Duy Hải ký.

Nhưng ông Son lại bảo "cậu ký đi", và thế là ông ký. Không hiểu mọi người nghĩ thế nào, nhưng với riêng tôi, khi đọc 3 từ "cậu ký đi" xuất hiện trên nhiều trang báo, tôi nghĩ đến những cái lệnh miệng vẫn thường xuất hiện đâu đó trong guồng máy hành chính của chúng ta. Theo tôi "cậu ký đi" ở đây không khác gì lệnh miệng, và khi cấp trên đã đưa ra "lệnh miệng" thì cấp dưới thường răm rắp theo ngay.

Ở đây, cũng giống y như trường hợp của Trương Minh Tuấn, tôi thắc mắc là lúc đó liệu có một động cơ đặc biệt - một sức mạnh đặc biệt - một dũng khí đặc biệt nào để Lê Nam Trà có thể cự lại lệnh miệng của cấp trên hay không?

Thưa quý báo, theo tôi cấp dưới thường chỉ nhắm mắt nghe theo lệnh miệng của cấp trên (dẫu đấy là những cái lệnh miệng vi phạm pháp luật) trong hai trường hợp sau. Một là tư cách cá nhân và bản lĩnh của cấp dưới quá kém. Họ luôn luôn chỉ biết nghe theo cấp trên để lấy lòng cấp trên, từ đó chờ đợi cơ hội thăng tiến mà cấp trên ban phát cho mình. Không bao giờ họ dám can gián cấp trên. Càng không dám chống lại những mệnh lệnh phi nhân, phi pháp (nếu có) của cấp trên.

Hai là suy cho cùng thì cả cấp dưới - cấp trên đều có chung một lợi ích nào đó, ở trong một kết cấu nhóm nào đó, với cái vòi bạch tuộc tham ô, tham nhũng được giật dây bởi ai đó. Trong guồng máy của chúng ta, chẳng nhẽ tìm được một cấp dưới mang màu sắc "gián quan", một cấp dưới trung thực khảng khái, dám chống lại những mệnh lệnh vô pháp của cấp trên lại khó khăn đến vậy sao?

Hay là những người có những phẩm chất như vậy đã sớm bị loại ngay từ "vòng gửi xe" trong chốn quan trường? Nếu điều này chính xác thì đấy có phải mới chính là thất bại lớn nhất trong việc tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta không?

Thưa quý báo, tôi tin rằng đây không chỉ là những tâm tư của riêng mình tôi, mà còn là tâm tư chung của nhiều công dân có trách nhiệm với đất nước khi phải xót xa nhìn cảnh hai ông Bộ trưởng cùng "rủ nhau" ra tòa. Nhất định chúng ta phải thay đổi, phải là một điều đặc biệt nào đó để tăng thêm những con người có khí chất và lòng tự trọng vào bộ máy của mình. Nhưng chúng ta phải làm gì? Đấy là điều mà tôi muốn hỏi.

Ngô Hoàng Anh (Hà Nội)

Kính gửi độc giả Ngô Hoàng Anh!

Chúng tôi rất xúc động khi nhận được lá thư của độc giả, và chúng tôi hiểu độc giả là một người rất có trách nhiệm với đất nước của chúng ta. Mỗi lần nhận được những lá thư với những trằn trọc, tâm tư như của độc giả là những người tổ chức nội dung tờ báo này  lại đọc đi đọc lại nhiều lần, và cùng ngồi xuống tìm ra giải pháp, để có thể trả lời độc giả một cách thỏa đáng nhất.

Độc giả có đặt ra câu hỏi: Liệu có thể xuất hiện một động cơ đặc biệt - một sức mạnh đặc biệt - một dũng khí đặc biệt để những cấp dưới như Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà có thể chống lại những chỉ đạo sai pháp luật của cấp trên mình lúc đó là Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hay không? Xét về mặt lý thuyết khi chúng ta phải hy vọng vào một "sức mạnh đặc biệt" để cấp dưới phản bác lại những chỉ đạo vô pháp của cấp trên thì đấy đã là một hy vọng bất thường.

Bởi chống lại những điều vô pháp lẽ ra phải là một hành động bình thường mà mọi viên chức tử tế  trong một guồng máy đều phải thực hiện. Nếu độc giả cho rằng khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong nhiều trường hợp là xa vời thì chúng ta lại phải đặt tiếp câu hỏi: Vậy thì cách xây dựng thực tế của chúng ta đã tiệm cận đến một cái chuẩn mực bình thường hay chưa?

Bị cáo Trương Minh Tuấn.

Không chỉ ở phiên tòa xét xử thương vụ mua bán MobiFone - AVG, trong nhiều phiên toà trước đây, mà ví dụ gần nhất là phiên toà xét xử vụ gian lận thi cử gây rúng động dư luận ở Hà Giang và Sơn La, chúng ta cũng phải đặt ra nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong một guồng máy. Và chúng tôi đã từng đề cập điều này, trên chính mặt báo này cách đây ít số.

Chúng tôi xin nhắc lại lời của bị cáo Vũ Trọng Lương, nguyên Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang trước HĐXX ngày 14-10: "Bị cáo rất hối hận về những việc mình đã làm. Bị cáo đã không làm chủ được mình khi nghe theo lời anh Hoài. Cái giá bị cáo phải trả là quá đắt". Một ông phó trưởng phòng khảo thí thế mà lại dễ dàng nghe theo "lời anh Hoài" để rồi bây giờ phải đứng trước vành móng ngựa như vậy đấy.

Độc giả sẽ tò mò: Anh Hoài là ai? Chúng tôi xin được tiếp tục nhắc lại, đó là Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, nghĩa là sếp trực tiếp của Vũ Trọng Lương. Nhưng vẫn chưa hết, vẫn ở phiên toà này Vũ Trọng Lương khai mình đã tác động vào quá trình nâng điểm cho hàng loạt thí sinh là do những lời nhờ vả, trong đó phần lớn những lời nhờ vả này đều từ những nhân vật ngang cấp hoặc trên cấp mình. Thế đấy: trên nhờ dưới, dưới nhờ dưới nữa, tất cả thành một hệ thống, thành một quá trình, thành một đường dây, và dường như không có mắt xích nào trong hệ thống dám phản biện lại những lời nhờ vả hoàn toàn phi pháp.

Kính thưa độc giả Ngô Hoàng Anh, trong thư gửi chúng tôi, độc giả đặt một dấu hỏi lớn về bản lĩnh và tư cách của những quan chức trong guồng máy, chúng tôi thấy điều đó đúng, nhưng là chưa đủ. Bởi một guồng máy phải "ơn nhờ rủi chịu" với bản lĩnh và tư cách cá nhân của từng quan chức chưa phải là một guồng máy thông minh. Cho nên chúng tôi nghĩ đến mặt thứ hai của vấn đề: phải tổ chức một guồng máy theo một cách nào đó để các cá nhân có muốn biển thủ công quỹ, tham ô, tham nhũng cũng khó lòng thực hiện.

Muốn vậy phải minh bạch hoá guồng máy, phải tổ chức đội ngũ thanh tra giám sát một cách thực chất, và nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì phải nhốt quyền lực vào trong "cái lồng" luật pháp. Độc giả hãy tin rằng chúng ta đang cải cách guồng máy theo xu thế này, và trong quá trình cải cách đó, những cái giá rất đắt mà những quan tham phải trả sẽ là tấm gương tày liếp để không ai còn dám đi vào "vết xe đổ" của những quan tham này nữa.

Một lần nữa, chân thành cảm ơn những dòng chia sẻ hết sức tâm huyết và xúc động của độc giả Ngô Hoàng Anh!

Vương Trọng Tín
.
.