Cậu có ổn không?

Thứ Năm, 16/04/2020, 08:29
Bên bàn điểm tâm sáng, bên ly cafe sớm, nơi quán hàng ăn xế buổi chiều hay kể cả là giữa một quán ăn khuya, chúng ta có thể quan sát cuộc sống ở một góc nhìn mới và khác.

Từ góc nhìn của tôi, những câu chuyện quà vặt đã bắt đầu. Và các bạn, chính các bạn cũng có những câu chuyện quà vặt của riêng mình, ở chỗ các bạn đang ngồi.

Buổi trưa, ngày cách ly toàn quốc thứ tư, bên ô cửa sổ nhỏ quen thuộc, trên bàn viết của tôi là ly nước chanh sả mật ong theo công thức của ông anh Hoàng Hải Vân. Vợ nấu nước sả theo công thức ấy, bảo "uống đi cho nó sạch họng, sạch phổi. Đang mùa dịch cứ cẩn thận là hơn hết". Đúng là cẩn thận hơn hết nhưng cẩn thận quá thì lại đâm ra hơi hoảng.

Mấy ngày cách ly theo lệnh "toàn quốc kháng chiến", tự dưng lòng tôi lại thanh thản hơn. Nỗi lo lắng về chuyện bệnh dịch cứ vơi dần. Có lẽ, do mình ở nhà cả ngày, chẳng tiếp xúc với ai khác ngoài vợ con, nên bởi thế chẳng còn thấy nỗi sợ. Hơn nữa, bạn bè trên facebook lại toàn những người tích cực. 

Thay vì chia sẻ kiểu "mọi người ơi, lại thêm xyz ca nữa rồi" thì họ đa phần chia sẻ thông tin mỗi ngày có bao nhiêu bệnh nhân khỏi bệnh. Đúng là con số nó có sức trấn áp người ta kinh khủng.

Nói "Việt Nam đã có 239 ca nhiễm COVID-19" rõ ràng sẽ khủng khiếp hơn nói "Chỉ còn 149 ca nhiễm COVID-19, 90 ca đã được chữa khỏi". Vậy mà chẳng hiểu tại sao người ta cứ ưa cái con số trấn áp kia hơn. Đến lạ.

Nhấm nháp ly nước chanh sả mật ong, tự dưng thấy nó ngon lạ. Không có cái cảm giác đó là một thứ thức uống kiểu "thảo dược" mà nó như nước giải khát uống mỗi ngày vậy. Cái vị chanh chua se se, cái thơm nức nở của sả, quyện vào đó là cái ngọt thanh cao của mật ong. Thứ nước ấy lại được bà xã ướp trong tủ lạnh, bỏ thêm cọng sả đã nấu và lát chanh cắt mỏng nữa, nó làm dịu hẳn đi một buổi trưa mùa khô giữa miệt Nhà Bè này. 

Và tôi sực nhớ, nên ngoái lại hỏi vợ  "Này, mật ong này hơi lạ so với mấy lần trước em nấu. Có phải mật ong chị Hà gửi tặng mình không?". "Dạ đúng đó anh. Ngon hơn hẳn. Mật ong rừng xịn luôn".

Tôi khẽ cười, nhớ tới bà chị đồng nghiệp có cái địa chỉ email "kỳ diệu". Tôi chơi với cả hai vợ chồng chị. Lần đầu tiên cộng tác viết bài cho tạp chí của chị, một tạp chí cho phụ nữ, tôi quên béng lấy địa chỉ email để gửi bài. Gọi điện thoại, máy ngoài vùng phủ sóng. Thế là tôi gọi cho ông xã chị. 

"Cú mèo già a còng gờ mêu chấm com em nhéá", anh trả lời. "Anh trêu em à?". "Không, đúng đấy. Cú mèo già đấy". Và từ ấy, trong tôi, cứ nghĩ đến chị Phạm Hà là lại nghĩ đến "cú mèo già" trước đã. Sau đó mới nhớ tới bài thơ "Gửi Trương Tửu" vì nó có đoạn mang thúng theo đàn bà bán văn. He he he.

Lan man nghĩ đến mật ong rừng chị Hà gửi tặng, tôi sực nhớ tới chị, người phụ nữ không ngừng nghỉ. Về hưu rồi vẫn tiếp tục làm nghề, vẫn đi lên rừng lên núi để làm từ thiện (làm đường cho một xã hẻo lánh tít mù). Và chị cũng chạy một chương trình dài hạn hỗ trợ những người ở "xóm thận" nữa. 

Chương trình ấy cũng nhiều năm rồi. Cứ con cá lá rau mà giúp họ thôi. Nhỏ nhỏ nhưng sẻ chia nhiều, người ủng hộ nhiều, giống y như chuyện chị kể hôm nọ về một nữ bác sỹ là con gái của bạn chị dù đang "trực chiến" dịch COVID-19 vẫn nhắn tin xin ủng hộ 5 triệu đồng cho xóm. 

Những câu chuyện về lòng nhân hậu ấy chỉ những người trong cuộc hoặc có quan tâm mới biết với nhau chứ chưa hề được chia sẻ rộng rãi bên ngoài bao giờ.

Và khi nghĩ về người chị Phạm Hà với câu chuyện xóm thận Ngọc Hồi của chị, tôi nhớ lại rằng đúng là kể từ ngày bắt đầu dịch COVID-19, đã có không biết bao nhiêu tấm lòng chia sẻ đỡ đần nhau ở giai đoạn khốn khó này. Nào là chuyện một đại lý vé số ở miền Tây ủng hộ cho tất cả những người bán vé số dạo đã hợp tác với họ nhiều năm qua mỗi ngày 50 ngàn đồng mỗi người trong suốt 15 ngày phong tỏa chỉ với một yêu cầu cơ bản nhất "các bạn cứ ở nhà theo đúng chủ trương của chính phủ". 

Rồi chuyện một cửa hàng tạp hoá ở Bình Dương để cả chồng những phần nhu yếu phẩm mà mỗi phần có đủ mì gói, bánh trái để phân phát cho người nghèo. Họ chỉ nhắn nhủ rất nhẹ nhàng rằng, "Nếu khó khăn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Tôi thích cái chữ ổn ấy. Bạn có ổn không? Tôi có ổn không? Đó là câu hỏi chúng ta sẽ hỏi và nên hỏi trong kỳ đại dịch này. 

Cái ổn ấy không phải là ta có bị nguy cơ lây nhiễm hay không mà nó là chuyện của đời sống. Sự đình trệ toàn cầu chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ lên nền kinh tế và lên mỗi chúng ta. Có ổn không? Câu hỏi đó day dứt vô chừng. Như chính tôi đã hỏi một cô em gái ngày hôm qua khi nghe tin cô ấy thuộc diện bị cắt giảm hợp đồng ở nơi mình đang làm. "Em ổn, em về quê với tía má". Câu trả lời nhẹ nhàng ấy thật ra không nhẹ chút nào. Sau khi về với tía má, sau khi dịch đi qua, cô ấy sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Nhiều trong chúng ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Với người trẻ, điều đó không khó khăn quá sức. Nhưng với những người trung niên rồi, ngoài bốn mươi rồi, làm lại từ đầu nhiều khi là bất khả.

Ảnh: LG.

Chính trong cái hoàn cảnh bất khả ấy, con người ta mới cảm thấy cần bạn bè, cần sự hỗ trợ, cần lá lành đùm lá rách như thế nào. Cái đức sẻ chia đã và đang được ươm mầm trong chính mùa dịch này bởi khi ta tự hỏi mình hay hỏi người "có ổn không?" là khi lòng trắc ẩn bắt đầu nảy nở. Cái tình người chia sớt nhau khi đang đủ đầy, như khi tôi nhận được mật ong rừng của chị Phạm Hà hay thi thoảng là những món quà ý nghĩa cho sắp nhỏ của chị Đoàn Ngọc Thu, vốn dĩ nó đã đáng qúy rồi. Cái tình người chia sớt nhau khi khốn khó bủa vây nó càng dễ khiến con người ta xúc động hơn nữa. Đúng là dịch bệnh oái oăm thật nhưng cũng vì sự xuất hiện của nó mà nhân tính được khơi dậy trong những ngày thế giới tĩnh lặng nhất trong suốt mấy chục năm qua.

Tôi cứ miên man nghĩ về cái tình người ấy trong lúc nhấm nháp đến tận cùng vị ngọt của mật ong rừng chỉ đến khi chuông điện thoại réo lên. Đầu dây bên kia, "Phi hí", anh bạn chủ của cái nhà hàng Phi Phố Biển, nơi tôi và mấy anh em cựu cầu thủ bóng đá vẫn hay tụ tập những ngày thường, nói sang sảng: "Có nhà không. Để tui gửi qua ít cá". Tôi trả lời đại ý anh cầu kỳ quá, nhà em đâu có thiếu chi đâu. Nhưng anh gạt đi: "À, tui với mấy anh em đang đi chia quà mùa dịch, có đi ghé ngang chỗ nhà Minh ở nên tính gửi ít cá ngon". Hoá ra anh và bạn bè đang phân phát 300 phần quà, mỗi phần có gạo, mì gói, dầu ăn, trứng và một bao thơ năm chục ngàn để ủng hộ cho các điểm nấu cơm từ thiện giúp người cơ nhỡ, hoàn cảnh, thất nghiệp ở mùa dịch này. Và những người lẳng lặng làm việc thiện như anh bạn tôi đây đang tồn tại rất nhiều đó đây trên cả nước. Họ làm vì lẽ gì đây ngoài cái từ tâm và lương tri được đánh thức?

Tự dưng, tôi nhớ bài hát của ông Trần Tiến tên là "Ngẫu hứng phố". Bài ấy có câu "Hà Nội cái gì cũng rẻ. Chỉ có đắt nhất tình người thôi". Rẻ-đắt là khái niệm để định giá và thường người ta vẫn nói cái gì quý thì nó đắt. Phải chăng, ông Trần Tiến muốn nói rằng "cái gì cũng tầm thường hết so với tình người bởi tình người là thứ quý nhất"? Nhưng tôi cũng băn khoăn là cái gì đắt thì thường khó có thể có được, thường hiếm hoi. Nếu đúng là tình người hiếm hoi quá thì ông Trần Tiến sai rồi. He he, giờ này mà ngồi nhậu với ông Trần Tiến, trêu ông ấy thế, chắc ông ấy lại nheo mắt: "Chú mày gà mờ. Chả hiểu gì cả. Anh có nói thế bao giờ". Đến là đau đầu vì ông Trần Tiến này quá. Nhưng nhớ tới ông, lại nhớ tới một người giàu tình. Và dứt khoát bữa nào phải trêu ông mới được. Tình người ai lại nói chuyện rẻ đắt bao giờ. Tình người chẳng mua được, chẳng đong được bằng tiền. Mang giá trị vật chất ra đo đếm nó thì lại vô tình quá.

Mùa dịch rồi cũng sẽ trôi qua thôi. Đời sống sẽ hồi sinh mạnh mẽ. Nhưng đừng bao giờ quên nhé. Hãy hỏi nhau: "Cậu có ổn không?". 

Hà Quang Minh
.
.