Bolero tự tình

Thứ Tư, 01/02/2017, 18:15
Bolero là một giai điệu gần gũi đưa con người ra khỏi ứ đọng để tiếp tục hòa vào cuộc sống với tất cả sự đậm đà tươi mới.


1. Trong góc quán, phòng trọ, sân nhà... cuộc nhậu của những người đàn ông vào mỗi chiều tối hoặc ngày nghỉ, nhất là dịp tết đến xuân về thường bắt đầu từ những câu chuyện công việc, thế sự và kết thúc bằng những bản bolero. Nhiều người đàn ông, đôi khi cả đàn bà, trải qua nhiều cuộc nhậu như vậy vẫn không hiểu ma lực nào mà mỗi khi cây đàn ghita dạo lên giai điệu bolero là cả bàn nhậu cùng rơi vào vùng cảm xúc, có khi còn say hơn cả cơn say do rượu.

Nói về chuyện hát hò trong lúc nhậu, ai cũng biết rằng có khi chỉ cần vài tiếng đồng hồ ngồi nhậu là cả bàn nhậu đã làm đủ một cuộc hành trình dài xuyên suốt những đỉnh cao tân nhạc Việt Nam. Trong hơi men vừa độ, cuộc nhậu khởi đầu với Đoàn Chuẩn, Từ Linh, qua Văn Cao, đến Phạm Duy, ghé Trịnh Công Sơn và khi rượu đã bắt đầu quá sinh chuyện dễ khóc, dễ cười thì dân nhậu nhất thiết phải về ngôi nhà bolero với Hoàng Thi Thơ, Trầm Tử Thiên, Thanh Sơn, Bắc Sơn...

Chưa bao giờ có ai giải thích vì sao dân nhậu phải về với Bolero. Nhưng cần gì! Trong không gian hạn hẹp của một cuộc nhậu, chẳng phải là giai điệu bolero đã là một thông điệp cảm xúc kéo người ta gần lại, lột người ta khỏi mặt nạ khách sáo giả tạo!

Hiển nhiên tiếng đàn ghi ta và giai điệu bolero vang lên trong cuộc nhậu không phải và cũng không cần thỏa mãn những giá trị sống hay giá trị nghệ thuật to tát, cao vời, mà chỉ là sự trải lòng của từng cá nhân có cuộc sống bình dị với những đau khổ, hạnh phúc cũng bình dị.

Không một loại hình ca khúc nào ở Việt Nam lại mang tính tự sự, tính kể chuyện đa dạng và phong phú cho bằng ca từ của những bản bolero. Mượn giai điệu bolero và những bản hát bolero để tìm thấy mình, để nói thay mình, để kể giúp mình là cách đưa nỗi buồn, điều khuất tất, sự bế tắc ra bàn nhậu để người này đón nhận người khác trong tinh thần chia sẻ.

Trong không gian bàn nhậu, người bàng quan có thể khó chịu với những câu chuyện tào lao trời ơi của dân nhậu, nhưng không ai nỡ cắt ngang khi một tay nhậu cất giọng nhừa nhựa đam mê bản bolero. Rồi cả bọn nhậu, có khi cả vợ con, hàng xóm của dân nhậu cũng cất giọng hát theo, nhất là khi đám nhậu gào lên những liên khúc bolero.

Nói về những liên khúc có khi gồm cả chục bản Bolero, nhiều người cho rằng đó là sự sáng chế của dân nhậu trước khi được các sân khấu ca nhạc bắt chước. Rõ ràng là không giai điệu nào trong nền tân nhạc Việt nam mà mỗi bản hát lại có thể ăn khớp thành một liên khúc trúng khía từ nhịp điệu cho đến nội dung ca từ bằng bolero.

Thế nên làm sao có thể phủ nhận được khả năng mượn rượu để đưa cảm xúc thành cao trào nối kết liên tục những bản bolero của dân nhậu. Chỉ có một thắc mắc đáng nêu lên là vì sao trong những cái bụng, những cái đầu đầy men say đó lại có thể mở ra cả một kho tàng vô số các bản bolero.

Với người miền Nam, từ những người có tuổi cho đến thanh niên, lúc bình thường giỏi lắm mỗi người chỉ nhớ vài bản bolero là cùng, nhưng khi có rượu vào thì không hiểu thứ ánh sáng nào làm nên chìa khóa để họ nhớ và mở lại cả núi những bản bolero.

Nhìn cảnh một bàn nhậu bình dân với năm ba người đàn ông ngồi hút thuốc phì phèo; tuổi tác, sắc diện, sang hèn không rõ rệt, vậy mà khi cả bọn thay nhau hoặc cùng nhau cất giọng hát bolero là mở ra cả vùng cảm thụ âm nhạc đắm đuối.

Trong không gian này, mũi người ta như ngửi lại được mùi hương khung trời quá khứ, tai người ta như nghe được giọng âu yếm người tình, mắt người ta như nhìn thấy ánh sáng tươi tắn đùm bọc và chia sẻ. Không ai cho nhậu nhẹt là tốt nhưng nếu cuộc sống không có rượu và không có âm nhạc thì biết lấy gì ra khỏi vũng lầy căng thẳng với những u hoài lo lắng.

Dù ít được nói tới, nhưng ai cũng biết nhậu và hát bolero là một nhu cầu hiển nhiên của nhiều người, bất kể là ở nông thôn hay thành thị. Nhiều thế hệ người Việt thấy may mắn khi trí nhớ và tâm hồn họ vẫn còn tiếp tục rung động với bolero.

Giai điệu bolero là một phần của cảm xúc, ưu tư, suy tưởng. Bolero là một giai điệu gần gũi đưa con người ra khỏi ứ đọng để tiếp tục hòa vào cuộc sống với tất cả sự đậm đà tươi mới.

2. Như nhiều nội dung văn nghệ khác, phần kết luận về sự xuất hiện các dòng tân nhạc Việt Nam không đạt đến tính thống nhất về các giá trị. Nhưng sức sống của dòng nhạc bolero thì lại vượt qua khỏi những đánh giá chính thống và tự nhiên kết tinh thành giai điệu lấp lánh trong một phần riêng của tâm hồn nhiều thế hệ người Việt.

Có thể ai đó với khả năng thẩm âm của họ được giáo dục để chỉ cảm thụ nhạc giao hưởng, opera… nhưng liệu có chắc là không hề có cảm xúc gì khi bên tai bỗng vang lên giai điệu của một bản bolero, nhất là khi tình trạng cảm xúc họ đang có nhu cầu tự tình trước cảnh trí thiên nhiên hay nỗi niềm nhân thế.

Một đêm nhạc phòng trà.
Có thể ai đó chỉ thuộc giới bình dân ít học, việc họ đón nhận điệu thức và ca từ bolero không phải là để thay thế câu ca dao, điệu hò, bản vọng cổ mà chính là để lấp đầy nhu cầu muốn cất giọng tự tình nâng cảm xúc bản thân sao cho khớp với những biến động nhân sinh, phận người đa đoan, tình người dâu bể.

Người ta có thể kể về trường hợp cây đàn ghita du nhập và đã trở thành cây đàn ghita phím lõm, một tài sản vô giá của đờn ca tài tử, vọng cổ, sân khấu cải lương. Và sẽ là bất công nếu không tin rằng trong những điệu tân nhạc du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20, điệu bolero bỗng nhiên trúng khía một cách kỳ lạ với nhu cầu tự tình của người Việt.

Tất nhiên để đạt được chuyện gãi đúng chỗ ngứa, điệu bolero phải được chế cho khớp để se duyên, để có cuộc hôn phối với chất cảm âm Việt. Nếu nhìn vào sức thuỷ chung của cuộc hôn phối này rồi đem so với việc du nhập các dòng tân nhạc khác cũng như đặt cạnh những giá trị lớn khác từ văn hoá phương Tây thì đây là một trong những cuộc hôn phối sâu rộng - tròn đầy.

Trên con đường Bolero - tự tình, nhiều thế hệ người Việt từ lúc học tiểu học đã cất giọng: "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…".

Nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác ca khúc bolero đã đặt được chất trong sáng của giai điệu bolero và ca từ vào tâm hồn tuổi học trò. Rồi những cô cậu học trò vào tuổi mới lớn lại ngẩn ngơ thì thầm "Ngày xửa ngày xưa, đôi ta chung bước đôi ta chung trường…".

Bolero tự tình tiếp tục rời con đường làng, phố thị tỉnh lẻ đến những ngã ba, ngã tư của những cung bậc gập ghềnh, éo le trớ trêu hơn của tình tự con người với những tác phẩm: Nỗi buồn gác trọ, Mưa nửa đêm, Sao chưa thấy hồi âm, Chuyến tàu hoàng hôn… 

Cứ vậy, điệu bolero chở cảm xúc con người đi, và thật sự bolero Việt đã đi qua biết bao là biến động nhân sinh, kể cả những khổ nạn chiến tranh… những nơi chốn mà tưởng chừng chỉ có người may mắn, kẻ mạnh mới có thể tồn tại thì điệu bolero tưởng như ủy mị, mềm yếu lại là nơi nương tựa, đỡ đần cho tâm hồn con người.

Chất tha thiết chia sẻ, giãi bày thiệt lòng, chất réo rắt của suối nguồn buồn vui lúc rịn ra như máu của một vết đau, lúc vỡ oà như mưa lành, như hoa xuân… Và chất tự tình của bolero Việt lại là nơi chốn chia sẻ cảm xúc không gì có thể thay thế, một khi con người muốn tình tự chân thật với mình và với cuộc sống.

Một dòng nhạc, một bài hát luôn có không gian riêng và chỉ khi thuộc về không gian riêng đó hiệu ứng mới đủ làm nên cảm thụ sâu sắc. Nếu nhìn từ góc độ đó, không gian tình tự bolero quả thật rất rộng và sâu.

Một ca khúc bolero hay không chỉ làm chủ phạm vi sân khấu biểu diễn, không chỉ nâng dìu cảm xúc người đồng điệu mà còn khiến thính giả hát theo trong đầu hoặc hát thầm trong miệng khi lời ca tiếng đàn vang lên. Hát theo, để đánh thức những chi tiết kỷ niệm! Liệu sự thức giấc của vùng cảm xúc thường tình có phải là chiều chuộng cảm xúc vụn vặt của mình chăng? Làm mình không sang trọng, không trí thức, không xứng, quá sến chăng? 

Có lẽ đúng vậy và cũng không cần giấu lòng. Bolero là không gian tự sự - tự tình và trong kho báu tình tự có trong mỗi người, điệu bolero Việt luôn là một cơn gió mát thổi qua và làm rung lên những mạch cảm xúc rẻ tiền có, quý giá có, thô vụng có, tinh tế có nhưng hơn hết là rất người và không cần che giấu.

Nếu nói loại ra hoặc bỏ rơi tính tự sự - tự tình trong đời sống âm nhạc thì nhu cầu ca hát của công chúng cũng sẽ không còn gì nhiều. Tất nhiên không sức mạnh nào có thể làm được điều đó, chính vì thế tôi thấy tiếc cho những bạn trẻ không chịu hiểu hoặc không hát được bolero Việt, và mừng vì mình và bạn bè luôn còn nguyên một gia tài ca khúc bolero.

Bùi Công Tân
.
.