Bố tôi - nghệ sĩ hát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam…

Thứ Sáu, 18/03/2016, 15:14
Sinh năm 1927, bố tôi, ca sĩ Văn Hanh, đã hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) từ năm 1955, đến năm 1988, thì nghỉ hưu. Cả đời, ông chỉ theo đúng một nghề: hát trên làn sóng điện Đài TNVN. 

Trước khi được tuyển vào Đoàn Ca nhạc Đài TNVN, ông đã là bộ đội Cụ Hồ từ năm 18 tuổi, năm Cách mạng Tháng 8-1945 thành công và tham gia chiến đấu chống Pháp ở mặt trận Hà Nội từ năm 1946. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, xuất ngũ, theo gia đình tản cư ở Thái Nguyên, chiến khu Việt Bắc. 

Ông có chị ruột là Thương Huyền, hát suốt tuần lễ Vàng ở Hà Nội, lên Việt Bắc hát suốt 9 năm kháng chiến, về lại Hà Nội, hát ở 58 Quán Sứ, cho đến ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc 1954, và thành NSND của Đài TNVN, hát đến khi về cõi năm 1989. Hai chị em, bố tôi và bác tôi thành đồng nghiệp ca sĩ, cả đời cùng hát trên Đài TNVN.

Năm nay, ca sĩ Văn Hanh đã 89 tuổi, 90 tuổi mụ. Ông vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, và là nghệ sĩ cao tuổi nhất trong đợt phong tặng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 10-1-2016. Tôi đưa ông đến Nhà hát Lớn từ sớm để nhận danh hiệu. Bố tôi mừng mừng tủi tủi vì tưởng đã "bị quên" hơn hai mươi năm, từ khi nghỉ hưu. Đến hôm nay, được công nhận nghệ sĩ ưu tú, tôi nghĩ, ông có thể vui mừng sống thêm ở đời hàng chục năm nữa…

Nghệ sĩ Văn Hanh (ảnh chụp năm 1956).

Từ một người hát chơi đã thành ca sĩ hát trên Đài TNVN

Mẹ tôi, gái làng Đình Bảng, tản cư từ Kinh Bắc lên Thái Nguyên, bán hàng xén, gặp bố tôi khi ấy giải ngũ về làm ở Chi sở Kho thóc Thái Nguyên, cưới nhau năm 1950 và sinh tôi đầu năm 1951. 

Theo nhớ lại của bố tôi, mẹ tôi mê bố tôi vì hát hay, đàn ngọt. Ông tự đệm ghita gỗ, hát những ca khúc lãng mạn và cách mạng. Ông lại đẹp trai. Còn ông, ông yêu sự đảm đang, biết quán xuyến gia đình, biết kiếm tiền của mẹ tôi, dù bà hơn ông vài tuổi. 

Ông cứ vừa đi làm, vừa đàn hát chơi từ khi còn rất trẻ, vào lính Cụ Hồ, cho đến khi ra quân, lấy mẹ tôi, sinh ra 4 con, hai trai hai gái, rồi ông về Hà Nội, thi tuyển vào Đoàn Ca nhạc Đài TNVN, về ở hẳn Hà Nội năm 1955, phố Quán Sứ, nhà 58, như một ca sĩ độc thân, để lại vợ con, sống bằng ngôi hàng xén của mẹ tôi trên phố Tân Long, tỉnh Thái Nguyên.

Tôi còn bé, mới 4,5 tuổi, mỗi lần nhớ bố, lâu không thấy bố lên Thái Nguyên, tôi luôn mồm hỏi mẹ: Bố đâu, sao bố không về với con? Hỏi nhiều, mẹ tôi gắt: “Ra mà hỏi cái loa phát thanh trên cái cây đầu phố kia kìa. Bố đang hát từ Hà Nội, gọi bố xuống mà chơi với con”. 

Trên cái loa to, đang văng vẳng tiếng hát bố tôi, sau này tôi biết đó là bài Tình trong lá thiếp, hát cùng bác Huyền tôi: Ngày mai anh về anh cùng em hát bài lý tang tình, cho thỏa lòng nhớ mong… 

Tôi hong hóng mặt lên cái loa màu thiếc to tướng trên đầu, gào lên: "Bố ơi xuống đây với con". Loa vẫn oang oang trên cao, không thấy bố xuống, tôi òa khóc, chạy về ngôi hàng xén, bắt đền mẹ: "Sao bố cứ ở trên cái loa, hát mãi mà  chẳng xuống với con?".

Đấy là kỉ niệm về bố hát, hằn sâu vào trái tim bé dại của tôi từ thuở còn thơ ở thị xã Thái Nguyên, thiếu khát bố, chỉ biết bố sống trên cái loa, hát qua cái loa mà không chịu xuống. Sau này, bố tôi lên đón cả nhà về Hà Nội đoàn tụ, tôi  vào học lớp 1, năm 1957, tôi mới biết Hà Nội khác Thái Nguyên, quá lớn rộng, quá đẹp, và từ ấy, tôi được can dự vào cuộc đời ca hát của bố và cả bác tôi, trên Đài. Nhất là cuộc đời ca hát của bố. Và cũng từ đấy, âm nhạc đã thấm vào lòng tôi, tạo cho tôi một dòng văn nghệ, lan tỏa từ huyết thống.

Vốn chỉ hát nghiệp dư, kiểu hát chơi, như những kịch sĩ, đạo diễn thời trước CMT8, chơi kịch tài tử. Từ hát chơi chơi, ông tự học hát, xướng âm ca từ theo nốt nhạc, hát theo phối khí của nhạc đệm. Thanh nhạc hồi đó là một môn học mới, phải được học bài bản trong trường lớp, mới có thể thành tài, song, ông và các ca sĩ thế hệ thứ nhất của Đài TNVN, sau hòa bình lập lại, đã chỉ được học hát qua giảng dạy của chuyên gia thanh nhạc từ Liên Xô sang Việt Nam truyền giảng. 

Trai ba mươi tuổi đang xoan, khi ấy bố tôi đang hăng hái, miệt mài và đam mê hát, lại được học hát một năm dưới sự hướng dẫn tận tình bà giáo người Nga Kraxnova tại Khoa Thanh nhạc - Trường Âm nhạc Việt Nam. Ông đã hát giọng nam cao rất sáng, rất tình, và khá chuẩn, được bà giáo Liên Xô và bạn cùng học thời ấy: ca sĩ Quý Dương, Trần Hiếu, Trung Kiên, Thúy Huyền khen là giọng nam cao đẹp và chuyên nghiệp, lời khen ấy với ông là cực kì quý giá. 

Và cũng từ đây, giọng hát ông như được chắp cánh, ông đã nổi tiếng cùng lứa ca sĩ đầu tiên của Đài TNVN: Trần Thụ, Thịnh Trường, Trần Khánh, Kim Oanh A, Nguyễn Thị Hồng, Tuấn Kỳ, Kim Khánh, Ngọc Diệp, Mộng Dung, Bạch Kim…

Hồi nhớ mấy năm đầu về Hà Nội, tôi hay được chứng kiến những đêm một mình tập hát thật nhọc nhằn và thật say mê của ông trước khi lên phòng thu. Ông tự xướng âm nốt nhạc, hát lời theo nốt, tự đệm đàn ghita. 

Tôi đã viết về tiếng hát bố tôi trong một hồi kí (in trong sách Mặt người mặt hoa của tôi, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP HCM, 2010): "Những đêm khuya tĩnh lặng. Mẹ tôi ngồi đan áo len thuê, bố tôi bò trên cánh phản solfier bài hát. Chiếc đàn guitare nằm bên cạnh. Tôi đương lơ mơ ngủ, bỗng tỉnh dậy bởi tiếng mưa đêm gõ lộp bộp xuống mái lá. Từ trên cây đàn guitare gỗ trên tay bố tôi, rơi theo mưa bập bùng những hòa âm trầm, nghe buồn não lòng. 

Ông đang tập bài Dòng sông của Trần Viết Bính: “Nhà em ở phía bên sông, nhớ ngày phiên chợ còn đông, đôi bờ chưa cắt dòng sông, anh cùng em chung một cánh đồng”… 

Ông đang hát, khi các con đã ngủ, hát khe khẽ, đàn nhẹ nhẹ chuẩn bị cho buổi thu thanh ngày mai ở Đài. Đêm sâu lắng. Mưa đêm và tiếng đàn đêm cứ rơi rơi lãng đãng xuống tim tôi. Trái tim tôi quá non nớt, mới tám, chín tuổi đầu nhưng đã mơ hồ cảm thấy cái sức mạnh vật chất của tiếng đàn và bắt đầu thấm thía cái đau đớn trong từng ca từ ở đâu đó trong lòng…

Rồi có đêm, bố tôi đang hát thì đột ngột dừng đàn. Trên cái ga len đầu giường ngủ tôi đang phát ra tiếng hát đầy tình cảm và trong trẻo của hai chị em, bố tôi và bác tôi song ca bài Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu. Hai tiếng hát quấn quyện, đượm tình ấy gieo vào hồn tôi như có bùa mê. Tôi lại có dịp trở về cô bé 5 tuổi ngày nào trên Thái Nguyên đã nghe chính bài hát này từ cái loa thiếc và nhớ bố. Giọng hát song ca ấy cứ lơ lửng bay trong đêm, ngân rung réo rắt, đã làm thổn thức lòng tôi, từ khi tôi còn chưa thành thiếu nữ…”.

Nghệ sĩ Văn Hanh song ca với nghệ sĩ Nguyễn Thị Hồng năm 1957 tại Hải Phòng.

Tuổi 90, bố tôi suy tưởng về đời ca sĩ của mình…

Tham gia CMT8, gia nhập Vệ quốc đoàn từ tuổi 18, năm 1946, từng là chiến sĩ thuộc Trung đội 1, đóng tại Ngã tư Cầu Giấy, từng chiến đấu tại khu vực Kim Mã - Nhà Tiền, đánh nhà Delevaux, Trường nữ sinh Pháp tại phố Hàng Đẫy, rồi đánh Pháp qua mạn Hàng Bột, qua khu nhà Pháp kiều trước sân cỏ Quốc Tử Giám, rồi cứ thế di chuyển chiến đấu theo Kháng chiến chống Pháp…

Và hôm nay, trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, nhìn lại mình từ điểm nhìn hiện tại của tuổi 89, ông chỉ thấy tràn ngập lòng biết ơn cái nôi sinh thành và thăng hoa tiếng hát của ông, đó là Đoàn Ca nhạc Đài TNVN (nay là Nhà hát Đài TNVN). 

Ông viết chân thành trong hồ sơ nghệ thuật của mình: Nếu sống trong chế độ cũ, trên chính đất nước mình mà lại là thuộc địa của thực dân Pháp, với tấm bằng Thành Chung (Certiphica), tương đương tốt nghiệp tiểu học bây giờ, bất quá, tôi cũng chỉ thành một viên chức hạng bét, một anh loong toong chạy công văn giấy tờ cho công sở thực dân, hoặc thành một lao động cấp thấp trong xã hội thuộc địa. 

CMT8 đã làm thay đổi đời tôi. Tôi được rèn giũa trong môi trường bộ đội Cụ Hồ, được thỏa khát vọng thành ca sĩ hát trên Đài TNVN, được cả đời làm nghệ sĩ chuyên nghề hát và được khán giả ghi nhớ. Đầu thế kỉ XXI, khi công nghệ thông tin phát triển toàn cầu, tôi được thính giả nhớ, họ thu đĩa CD những bài hát tôi đã được thu thanh bằng đĩa nhựa, hoặc được cất giữ trong kho lưu trữ của Đài TNVN, họ lập thành nhóm yêu nhạc đỏ trên mạng. 

Yêu thích tiếng hát của tôi, họ tìm đến tôi tặng đĩa CD, chuyện trò, ghi chép, phỏng vấn, đưa lên truyền thông. Tôi cảm động và chợt ngộ ra rằng, không có sự kiện quá khứ nào của một quốc gia, một dân tộc như Việt Nam, lại có thể làm ta ghi nhớ bằng "giai điệu tự hào" của tân nhạc Việt Nam, trong các ca khúc lãng mạn cách mạng và kháng chiến, được hát, và được sống trong lòng người nghe suốt từ thế kỉ XX đến thế kỉ XXI. 

Những ca khúc ấy mãi còn xanh, mãi sống với thời gian và không một người dân Việt nào có thể quên. Tôi tự hào tôi và chị tôi đã hát trên làn sóng điện của Đài TNVN một số ca khúc được nhớ, được xếp hạng trong những ca khúc không thể nào quên của nền tân nhạc Việt Nam.

Bố tôi quả là người yêu nghề hát, và rất nhớ những kỉ niệm sáng chói trong đời hát của mình. Ông vẫn rưng rưng nhớ bài Câu hò bên bờ Hiền Lương, ông phát hiện tình cờ trong số bài hát gửi đến Đài, tự thấy rất hay, tự tập hát và tự đề nghị được thu thanh. Đấy là một bài đơn ca xuất sắc nhất của ông hát trên sóng. 

Rồi các bài đơn ca khác cũng ngay lập tức được người nghe Đài yêu mến: Tiếng hát trong rừng cọ đồi chè của Trương Quang Lục, Đổi công tát nước của Phạm Hanh, Bên kia sông Đuống, Hồ Bắc phỏng thơ Hoàng Cầm, Dòng sông, Chiếc nón Huế của Trần Viết Bính…

Ông còn đặc biệt được người nghe Đài nhớ những bài song ca với một số nữ danh ca của Đài: với bác Thương Huyền tôi, bài Gặp nhau dưới ánh trăng, của Mạc Hy; Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu; Sao cô em chưa về của Lê Lan; Dòng sông Đắkrông của Văn Thìn. 

Ông cũng có duyên song ca nhiều bài ăn ý với danh ca Nguyễn Thị Hồng, bài Gọi nghé trên đồng của Doãn Mẫn; Ta sẽ cưới nhau của Phan Huỳnh Điểu; Ông Tơ, quan họ Bắc Ninh. Rồi với Kim Oanh bài Thư em của Đặng Đình Hưng, Múc nước giếng thơi của Thịnh Trường, song ca với Mộng Dung. Rồi ông hát lĩnh xướng rất chắc chắn với tốp ca với đồng ca của Đài.

Là người được mặc định chỉ hát trong phòng thu để phát sóng, song ông lại hoàn toàn thích hát trên sân khấu ngoài trời. Ngay từ những năm 60, ông đã được mời hát ở nhà Bát giác vườn hoa Chí Linh, nay là vườn tượng Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm, Nhà hát Nhân Dân, nay là Cung Hữu nghị Việt Xô, sân khấu quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, Hải Phòng. 

Một kỉ niệm ông khó quên là sau khi hát Câu hò bên bờ Hiền Lương, ông được đi hát trong chuyến đi lịch sử, ông đã hát bài này ngay trên sân khấu đầu cầu Hiền Lương, nơi chia cắt hai miền Nam Bắc, nơi ông chưa từng được đặt chân. Ông hát và rơi lệ vì những người dân bên kia giới tuyến đang làm đồng và lắng nghe ông hát về nỗi niềm chia cách hai miền.

Nhờ có sự kiện được Nhà nước công nhận là Nghệ sĩ Ưu tú trong lĩnh vực ca hát, ông đã có dịp hồi cố và suy tưởng sâu xa về cả cuộc đời ca sĩ của mình. Và vì thế, thông qua bài viết này của con gái, ông không muốn chỉ dùng chữ cảm ơn thông thường. Với tình cảm chân thành, trân trọng, ông muốn hàm ơn Đài TNVN đã tạo thành ông, ca sĩ hát nhạc đỏ thành công trên làn sóng điện Đài TNVN suốt nửa thế kỉ qua…

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.