Biển thứ nhất của đời tôi

Thứ Hai, 29/06/2015, 16:57
Tuy sinh ra ở Hà Nội nhưng vì yêu biển, nên ngôi nhà đầu tiên tôi nhớ là ở Rừng Thông của Sầm Sơn…

Một con đường mòn dẫn ra bãi biển cát trắng trải dài, cỏ hai bên vệ đường cao nghiêng ngả đâm cả vào bắp vế, quả thông rơi rụng, rồi đến cát mịn nguyên trinh những hình uốn lượn lăn tăn đều đặn mà gió biển hay nước thủy triều rút đi đêm qua vẫn còn để lại những hình kỷ hà độc đáo, không một bàn tay nhân tạo nào có thể làm nổi. Bãi cát sáng sớm vắng và rộng đến nỗi không ai có thể xéo nát hết những đường uốn lượn lăn tăn hệt như mặt nước biển khi trời yên sóng lặng, những ngày ấy… Lớn hơn, bắt đầu hiểu được thế giới xung quanh, tôi thấy năm nào ba tôi cũng mang cả nhà ra biển Sầm Sơn, thuê biệt thự, ở liền ba tháng hè. Mà Sầm Sơn lúc ấy là thuộc loại biển đẹp nhất của miền Bắc.

Sau 1946, không còn lại gì của Sầm Sơn thuở ấy. 1955, giải phóng miền Bắc, tôi mới có biển. Tôi tức tốc chạy về chốn xưa. Những cái móng nền tòa biệt thự rất đẹp ở vị trí cao nhất vừa xây xong trên núi Độc Cước, nơi cao nhất nhìn ra biển có gắn bảng tên Villa Maiténa, chủ Tây chưa kịp đến ở, đã bị dân địa phương đào đến tận móng, dẫu nó được xây bằng đá tảng, cắm sâu xuống lòng đất đến cả vài ba mét, do địa thế phải hứng những cơn bão lớn nhất. Nhờ thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, dân địa phương đã lấy hết vật liệu của những biệt thự vô chủ để về xây cái nhà ngói của họ. Họ đã làm cần mẫn cái việc của “dã tràng xe cát biển Đông”, nhưng kết quả ngược lại, rất mỹ mãn, không hề “nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”… 

Có lần, ba tôi đã thuê được biệt thự Nghiêm Bằng, nhìn xế ra biển. Tôi chỉ còn nhận ra chốn cũ nhờ một cái mốc còn nguyên vẹn: đó là nhà Thờ Xứ của làng đạo. Và câu hát cũ lại vang lên: “Mon amour, je revois ton visage/ Un vieux bourg, un clocher du village…” (Người yêu của tôi ơi, tôi nhìn thấy lại gương mặt em (anh)/ Một thị trấn xưa cũ, cái chuông nhà thờ).

Biển Sầm Sơn, biển thứ nhất của đời tôi. Ba ngồi đọc sách, dẫn cả nhà đi tắm biển ngày hai lần, lúc mẹ tôi còn trẻ, mẹ cũng đi cùng. Sau này, mẹ chỉ ở nhà nấu những bữa cơm thanh đạm nhưng rất ngon, thức ăn biển lại tươi và rẻ. Sau túp lều mái cọ mà tôi nhớ nhớ quên quên, là một biệt thự vừa mới xây xong mang tên ông chủ của nó, một người bạn của ba tôi, là Hường Trâm. Lẽ ra nó phải tên là Tường Vi mới phải, vì vườn nhà trồng đầy tường vi, màu hồng nhạt hoặc lục phớt. Có nhà tắm nhưng chúng tôi thích tắm lại bằng nước giếng mát lạnh sau khi đi biển về. Lúc ấy tôi đã có em trai là thằng Hoàng, nó thích vẽ, cầm bút vẽ chi chít nguệch ngoạc hết các bức tường trong phòng khách mới khánh thành! Ba tôi có rất nhiều bạn ở Sầm Sơn: ông Hường Trâm là “chủ dây thép” (hồi ấy người ta gọi sếp của trạm bưu điện như vậy). 

Tác giả và các con trên bãi biển Sầm Sơn. (Ảnh chụp năm 1962).

Ông ở ngôi nhà xây cho trạm Sầm Sơn, ngay trên con đường  chính từ Thanh Hóa dẫn ra Sầm Sơn, trực diện với biển. Còn ba tôi thì khỏi phải đợi phong trào “Vui vẻ trẻ trung” do thực dân Pháp đề xướng. Cậu bé họ Đặng ở quê Lương Điền suốt ngày ngụp lặn, bơi trong bao nhiêu khe sâu nhất: Khe Tro Ngọn, Khe Cờn Sanh… Những cái tên với tôi nghe xa lạ như tiếng nước ngoài, vậy mà mắt ba tôi vẫn sáng lên khi nhớ tới tuổi trẻ và quê hương.

Tôi còn nhớ cả một nơi lâu nhất, không có biển gắn Villa…, vốn là nhà của một viên phó lý tại địa phương. Ở đó, chúng tôi vẫn rất hạnh phúc với những bữa ăn đạm bạc. Ngày mưa bão, mẹ đã trữ sẵn các loại cá cơm phơi khô để rang với mỡ, nước mắm, tỏi, đường thơm lừng (thế mà giờ đây đã thành đặc sản đóng hộp bán sẵn ở các siêu thị lớn đấy)! Bí bầu treo lủng lẳng: miền biển những ngày này rất hiếm rau. Mẹ còn đi buôn đường ta ở chợ Thanh. 

Chúng tôi nhai rau ráu, thấy thơm hơn đường Tây, đặc biệt là loại đường phổi được gọi là đường chuông, vì không hiểu sao nó lại được đúc trong khuôn giống như những cái chuông lớn. Ba tôi rất khó tính trong ẩm thực, nhưng vật liệu tầm thường nhất - trong những ngày ba tôi không làm ra nhiều tiền - qua tay mẹ cũng thành một món ngon. Ba tôi nghiêm khắc; ngược lại, mẹ tôi rất hiền.

Mẹ gánh việc nội trợ, còn cả mấy chị em, ngoài việc học hành (trừ tôi), tắm biển, đi chơi, cứ về đến nhà là mỗi người một cuốn sách. Quả là nhờ kho sách của ba tôi mà chúng tôi trở thành nghiện đọc sách. Nay chị cả tôi đã gần chín mươi, tâm trí lãng đãng, nhưng vẫn ngồi giữa một đống sách suốt ngày. 

Rồi khi Sầm Sơn trở nên vắng vẻ, vào những năm 1944 - 1945, ba tôi thuê được một cái biệt thự khá đẹp, với giá rẻ, mang tên chẳng hay tí nào, chỉ là tên ông chủ: Trần Quang Đoan. Đó là những năm xảy ra nạn đói Ất Dậu, năm mà ở Hà Nội, Văn Cao viết bài thơ (hình như lúc ấy ông sống ở một căn gác xép phố Khâm Thiên - phố tập trung những “nhà thổ” - bây giờ ta không có những nhà của gái điếm công khai nữa) : “Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc…”. Còn ở Sầm Sơn, dân đánh cá ăn với khoai lang, nên cũng không đến nỗi đói.

Một hôm, đi tắm về, tôi thấy mọi người ở trên ban công biệt thự một tầng, nó vẫn có ban công rất rộng, như một cái sân, và có hành lang xung quanh, đúng theo kiểu kiến trúc thời Tây. Ở Sầm Sơn biệt thự nào cũng xây trên móng bằng đá rất chắc, nền rất cao dù là nhà chỉ có một tầng. Người lớn huơ lên tờ báo: Cách mạng thành công rồi! Tây cút về nước! Lãnh đạo cách mạng là Hồ Chí Minh! Tôi cầm tờ báo xem: Cụ Hồ Chí Minh có râu, lúc ấy mới 50 tuổi đã được gọi là Cụ! Tôi hình dung lãnh tụ phải trẻ và đẹp, có gương mặt u uất của tráng sĩ “một ra đi là không trở về…”. Thế là nhà tôi chuẩn bị về Hà Nội, còn ba tôi thì có xe ôtô đón cùng hai chị lớn về trước, sau này Bác Hồ mời ba tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến khi thành lập chính phủ mới, ba tôi xin từ chức vì không quen làm lãnh đạo.

Tất cả thời gian ở Sầm Sơn, tôi chỉ nhớ lại những cuộc đi tắm biển và đi chơi. Và ngôi nhà tôi nhớ nhất lại không phải là biệt thự đẹp nhất, mà là nhà cho thuê không có tên, nhưng có hành lang như biệt thự, của ông phó lý đã kể trên. Chúng tôi đặt tên là “Biệt thự phó Lào”. (Lào là tên con gái cả của ông - ở địa phương người ta gọi tên không theo tên tục mà gọi tên bố mẹ theo tên người con cả). 

Đã lấy chồng, chị Lào vẫn luôn ghé qua nhà, mang rượu làm quà cho bố, có lẽ vì nhà chồng chị cũng khá giả. Cao lớn mà dáng đi vẫn uyển chuyển trong cái váy đen rộng dài chấm mắt cá, da ngăm đen, đôi mắt to buồn và hơi hoang dại. Ông bố nát rượu, chồng cũng nát rượu, mỗi lần về thăm nhà lại thấy ông bố say đứ đừ, nhưng vẫn đủ sức kéo lê tóc vợ trên đường, đánh vợ cả, trong khi bà vợ hai xấu xí rỗ hoa đôi khi lại được ông chia cho một chén hạt mít rượu trắng, có lẽ vì trẻ hơn bà. Cảnh ấy có diễn ra ở nhà chị Lào, người phụ nữ trẻ buồn bã kia hay không? Thế mà nghĩa vụ làm con vẫn khiến chị mang rượu về nhà, để chứng kiến mẹ mình (bà cả) bị đánh đập tàn nhẫn, bỏ mặc ngoài đường. Mọi người chỉ dám chờ lúc ông Phó lăn quay ra ngáy khò khò, mới khiêng bà cả về.

Tất nhiên, tôi giữ mãi kỉ niệm đẹp về ngôi nhà kia không phải vì chuyện ấy. Mà trước hết vì vẻ đẹp của ruộng đồng thoáng đãng bao quanh nó. Đứng ở hành lang phía sau, có thể thấy toàn bộ núi Người đàn bà chết đuối, không bị vướng bởi nhà cửa, vật cản nào. Không khí ở đó trong suốt đến nỗi - dù khoảng cách có thể đến 1km, tôi và chị Hà có lần đã nhìn thấy một đôi trăn múa dưới chân núi. 

Và còn một hình ảnh nữa: cậu bé láng giềng mặc cái áo ca rô đỏ mà chúng tôi chỉ biết tên “Mi - a” qua cách gọi lạ lùng của ông bố. Ông thuê cái nhà chỉ có một phòng lớn, chúng tôi muốn sang sân sau nhà ông chỉ việc đi trên một cái móng nhà (chắc ông Phó còn định xây thêm phòng nối liền hai nhà), dưới là vuông lúa hãy còn xanh hoặc chín vàng. Ông hay đẩy cậu bé láng giềng bằng một chiếc xe đẩy trẻ con loại to (thật ra đứng lên thì cậu cũng đã là 1 thiếu niên) ra cái sân sau bằng bê - tông, rồi quay vào nhà làm việc nội trợ. Nấu cơm xong, nếu ra sân không thấy con, ông khum hai bàn tay lên miệng, làm như cái loa để gọi “Mi - a!”. Rình những lúc vắng ông, thấy Mi - a bên sân sau, Lê và tôi cũng nhại lại động tác và tiếng gọi của ông. Mi - a cười rất hiền. Một thời gian, bố con ông láng giềng về Thanh Hóa. Tôi tưởng sẽ không bao giờ gặp lại Mi - a nữa (thực ra tên là Miêng, lại càng quái!). Không ngờ, chỉ độ ba năm sau, lại có một cuộc tái ngộ dài dài, đủ để người ta không quên suốt đời.

Cách mạng luôn là thời sản sinh ra những nhà hùng biện. Không tính những lãnh tụ cao nhất, tôi nhớ trong thế hệ trẻ có hai tên tuổi: Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi. Nhất là Nguyễn Đình Thi, vì anh trẻ hơn, có giọng nói trầm ấm, mượt như nhung. Mái tóc của anh lại hay xõa xuống trán, trong lúc nói những lời bốc lửa, nhưng mái tóc đen cũng không che hết vầng trán với cặp lông mày rậm đen nhánh, đôi mắt đen sáng long lanh. Tôi còn nhớ cả động tác hất đầu để mái tóc khỏi xõa xuống trán, còn hai tay của anh luôn vung lên theo nhịp của tiếng nói. 

Lại nhớ một ngày “mít tinh biến thành biểu tình”, đoàn người tràn ra phố Tràng Tiền, tiến theo hai chiều ngược xuôi từ Nhà hát Lớn, cờ và khẩu hiệu đỏ, vàng phấp phới trên tay người, xe đạp, cột điện… Tôi đi trên hè phố, thấy các chị tôi ở bên kia mà không tài nào qua đường được. Một cái xe Jeep diễu hành đang đi tới và cả đám đông vỗ tay hát theo nhịp của người bắt nhịp trên xe ôtô. Đó chính là Nguyễn Đình Thi đang hát bài Diệt phát xít của anh. Quả là anh hát rất hay, giọng ấm và khỏe đến nỗi có thể nghe rõ giữa dàn đồng ca của quần chúng. Vì thấp bé nên tôi không thấy được lúc ấy diễn ra một cuộc biểu diễn rất độc đáo, chỉ Nguyễn Đình Thi mới nghĩ ra. 

Về nhà, chị Hạnh kể rằng anh đã nhảy ra mũi ôtô, nằm thẳng cẳng trên đó, để hát đi hát lại bài “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than…” và kết thúc bằng những lời vừa như khẩu hiệu, vừa thiết tha nồng nàn hướng tới tương lai, những lời ca không thể nào quên: “Việt Nam, Việt Nam, ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm! Việt Nam, Việt Nam muôn năm!”.

Mùa thu Cách mạng ở Hà Nội, còn là những ngày đi cắm trại, có khi tận Hà Đông - đối với chúng tôi bấy giờ là rất xa, và còn là một thị trấn nhỏ nhiều cây cối, xanh tươi.

Tới đầu tháng 12 năm 1946, không còn thể khoan nhượng trước mưu đồ xâm lược của giặc Pháp, Bác Hồ kêu gọi: Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Gia đình tôi phải chuẩn bị rời khỏi Hà Nội. Chiếc ba lô dùng đi cắm trại - cái ba lô xinh xinh của tôi xanh tươi như màu lá cây sấu non - nay trở thành thứ đựng những đồ đạc lỉnh kỉnh mà tôi chọn mang theo: hộp bút chì màu và hộp thuốc vẽ với những cây cọ nhỏ để phết màu, dăm quyển sách, vở có ghi kỷ niệm, nhật ký, bài hát, giấy croquis để vẽ, dăm bản nhạc có lời mà tôi thích. Và cả bộ đồng phục nhi đồng nữa. Tôi đâu có ngờ rằng từ đấy, tôi sẽ không mặc nó nữa, vì tôi sẽ phải đi ra ngoại thành rồi không trở lại Hà Nội trong suốt một thập kỷ…

Sau này, tôi mới thấm thía câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”. Thực ra, ký ức vẫn ngoảnh lại. Nếu không, làm sao thấy được “thềm nắng lá rơi đầy”. Và đứa trẻ con là tôi đây, trên con đường tản cư dài dằng dặc, vẫn giữ lại hình ảnh những ngôi nhà của thời xưa cũ, dù chúng hầu hết không còn tồn tại trên bản đồ phố phường Hà Nội. Và cả những ngôi nhà ở vào mùa hạ, khi ba tôi đem gia đình rời khỏi Hà Nội, đi Sầm Sơn để nghỉ hè. Từ những nơi ấy, tôi bước vào biển cả của cuộc đời.

Đặng Anh Đào
.
.