Biến đổi không hẳn là bất nhất

Thứ Ba, 10/04/2012, 16:25

Đôi điều trao đổi với ông Hoài Nam

Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông, đã từng thích thú vì những khám phá mới mẻ và diễn đạt dễ nghe trong những bài viết ấy. Đọc bài “Về những phương diện trong tính cách người Việt” trên Chuyên đề ANTG Cuối tháng, số 126, tháng 2/2012, tôi thực sự lấn cấn.

Ông đọc cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” của tác giả Bá Dương nên đã nảy ra suy nghĩ về những xấu xí của người Việt ta. Âu cũng là một ý tưởng hay tuy không mới (vì các nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khải, Lê Lựu… đã làm lộ diện một cách thận trọng khéo léo). Xin được trao đổi với ông đôi điều về tính cách bất nhất, khôn vặt mà ông phát hiện.

1. Chúng ta đều biết tục ngữ là kinh nghiệm của người lao động trong xã hội xưa. Kinh nghiệm là những hiểu biết do quá trình tiếp xúc, quá trình trải nghiệm mà có. Hiểu biết ấy không nhất thành bất biến. Nó được đắp đổi bổ sung chỉnh sửa rất hồn nhiên không phân giải, càng không có đính chính.

Ví như một thời kỳ họ thấy Cấy thưa thừa thóc? Cấy dày cóc (không) ăn. Một thời kỳ sau lại thấy Cấy thưa thừa đất, Cấy dày thóc chất đầy kho.

Chúng ta cũng biết rằng cuộc sống của người lao động xưa rất hạn hẹp về không gian (chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng, rộng hơn thì là xã huyện tỉnh là cùng), hạn hẹp về thời gian (không có tuổi thọ trung bình là 72 như chúng ta ngày nay). Bởi thế hiểu biết của họ, kinh nghiệm của họ chỉ hình thành từ một không gian nhất định, một thời gian nhất định, một phương diện nhất định, một quan hệ nhất định. Cách cảm, cách nghĩ của người lao động xưa không có tầm phổ quát, không bao chứa mọi cảnh đời, mọi tình người. Nói một cách hình ảnh thì kinh nghiệm của họ chỉ như chiếc nón che một mái đầu chưa phải là mái đình để nhiều người trú ngụ.

Ví như nhận biết huyết thống trong gia đình, trong họ tộc là thiêng liêng, cần gìn giữ thì phải biết Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Nhận biết muốn tồn tại nhất thiết phải quần tụ gắn kết nhau trong ngõ xóm, làng xã nên Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Lại nữa, như lời một bài hát quen thuộc của chúng ta hôm nay “Sống trong cuộc sống cần có một tấm lòng” (Tôi không nhớ tên bài, tên tác giả - Xin lỗi). Tấm lòng ấy là biết thương yêu, biết chia sẻ. Vậy nên từ cổ xưa các cụ đã dạy Thương người như thể thương thân. Lời dạy đúng quá. Thế nhưng nếu tình thương đặt sai đối tượng, sai mức độ, sai luật pháp thì lợi bất cập hại: Thương người thì khó đến thân. Câu chuyện về Cao Bá Quát là một minh chứng.

Năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo (người chấm lượt đầu) ở trường thi Thừa Thiên. Khi chấm bài, gặp một số bài thi rất khá song có chữ phạm húy, ông thương tài bèn dùng muội đèn chữa cho (ngày trước các quan chấm thi không được đem mực đen vào chỗ làm việc). Ai dè việc đó bị phát giác, ông bị kết án trảm giam hậu (án chém đầu nhưng chưa chém ngay).

Minh họa: Lê Phương.

Chúng ta biết mỗi câu tục ngữ chỉ hình thành được sau nhiều năm tháng, thậm chí sau nhiều đời quan sát nhận biết mới đúc kết thành kinh nghiệm. Những kinh nghiệm này được nhiều thế hệ vừa truyền bá vừa chỉnh sửa. Do vậy có sự khác nhau là tất yếu. Xin đọc 3 kinh nghiệm sau đây: Con dại cái mang (Cái: Mẹ - Thời mẫu hệ) - Con mống sống mang (Sống: Cha - Thời phụ hệ) - Con hư tại mẹ tại cha/ Cháu hư là tại cả bà lẫn ông (Thời hiện đại).

Như vậy, có sự khác nhau của các câu tục ngữ không thể coi là biểu hiện tính cách bất nhất của những người sáng tạo ra nó.

Ông đã bỏ qua một tính đặc thù của tục ngữ. Đó là tính độc lập vững chắc. Từng câu chỉ nhằm hướng dẫn nhìn nhận từng khía cạnh của sự việc, của cuộc đời. Ông đã ngụy tạo ra một quan hệ đối lập bằng cách bắt cóc câu tục ngữ thuộc phương diện này, ghép với một câu tục ngữ thuộc phương diện khác thành một cặp âm dương (chắc chắn thuộc hoàn cảnh nhất định, thuộc thời kỳ nhất định) bất chấp yếu tố chủng loại của khoa học logic. Ví như ông đã ghép đôi Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào với câu Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ. Hoặc ông đã cho rằng 2 câu sau đây là một cặp đối lập Hàng xóm tối lửa tắt đèn và câu Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại. Từ hành động bắt cóc này, ông đã than thở rằng cách hành xử của người Việt bất nhất “biến đổi như một con tắc kè hoa”. Ông đã hàm ý cho rằng túi khôn tục ngữ của người Việt ta tạp nham những kinh nghiệm bất nhất, chân lý cãi lộn. Ông lo sợ rằng: “… Nếu một người Việt Nam nào đó muốn tìm ở tục ngữ một chỉ dẫn cho hành vi ứng xử của mình thì rất hoang mang không biết phải theo cái nào, phải làm thế nào mới đúng”.

Rất buồn cười khi để cãi lấy được cho ý kiến người Việt có tính cách bất nhất, ông đã phán vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi là bất nhất khi trong Đại cáo Bình Ngô gọi vua Tuyên Tông nhà Minh là “Thằng nhãi con Tuyên Đức” nhưng trong biểu cầu phong lại tụng ca ông ta là “Bậc thánh thần văn võ, trí tuệ thông minh, đức hiếu sinh đây đó thấm đều, lòng nhất thị xa gần không khác”. Tôi muốn kêu to: Ôi ông Hoài Nam ơi!

Tôi không bàn về cái từ bất nhất mà ông dùng. Tôi lấn cấn việc ông làm. Kho tục ngữ của chúng ta có nhiều trăm câu. Ngoài 10 câu ông trình làng về tính bất nhất và 16 câu về tính khôn vặt thì đã có bao nhiêu câu được ông khảo sát? Điều ông khám phá có độ tin cậy là mấy, thưa ông? Ông có mắc sai lầm như trường hợp Lợn rọ chó thui không? (nghĩa là nhận biết không đúng thực trạng vốn có của đối tượng).

2. Cái hay của Tiếng Việt ta là tồn tại song song nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn. Nghĩa tường minh là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng câu, chữ. Nghĩa hàm ẩn là những nội dung ý nghĩa không được diễn đạt trực tiếp bằng câu, chữ nhưng có thể suy ra từ nghĩa tường minh. Chính nghĩa hàm ẩn đã làm nên tính phong phú sinh động của Tiếng Việt. Trong giao tiếp, khi cần, người nói chỉ viện ra một câu là người nghe đồng ý. Tôi đã dự một buổi hòa giải gia đình chồng làm nghề chữa xe máy, vợ bán xôi chè. Cô vợ nói như máy nổ. Bà hòa giải nhẹ nhàng: “Một sự nhịn là chín sự lành, cô ạ”. Cô vợ hạ hỏa: “Cháu biết thế nhưng lắm lúc tức quá”. Thế là êm. Trong một buổi đọc báo nghe chung của Chi bộ, sau đoạn tin Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng, dù thiếu vốn đầu tư cho sản xuất điện vẫn đem vốn đầu tư vào các ngành bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, viễn thông. Có ý kiến nhận xét ngay: “Lẽ ra Ăn cây nào phải rào cây ấy, thì các bố nhà ta lại Ăn cây táo rào cây sung”.

Nhưng cảm nhận đúng, đủ nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ cũng không dễ dàng. Nếu suy nghĩ không thấu đáo, suy nghĩ hời hợt sẽ gây tranh cãi. Ví như các trường hợp sau đây:

a) Ông GS. TS Nguyễn Xuân Kính trong tạp chí Văn hóa dân gian số 3/2005 do Viện NCVH thuộc Viện KHXHVN xuất bản, đã viết thế này:

- Câu tục ngữ Mẹ chồng mẹ vợ không sợ bằng mẹ buôn: “… Họ (dân gian) ghi công thầy (thầy buôn) đến mấy đời. Suốt đời coi bố mẹ buôn như bố mẹ đẻ, sống tết chết giỗ. Họ kính trọng cha mẹ buôn hơn cả cha mẹ đẻ”. (Trang 11).

- Câu tục ngữ Buôn Ngô buôn Tầu không giầu bằng hà tiện/ Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện/ Buôn trâu buôn bè không bằng ăn dè lỗ miệng có nghĩa là “Họ (dân gian) lại nghĩ rằng sự giàu có do nghề buôn bán đem lại không đáng kể”. (Trang 12).

(Tôi đã có bài Thưa với GS. TS Nguyễn Xuân Kính trong báo Người Hà Nội cuối tuần ngày 11/8/2005 nhưng đến nay chưa thấy GS nói gì).

b) Ông Hoài Nam trong Chuyên đề ANTG CT số 126, 2/2012 đã viết:

- Câu tục ngữ Một sự nhịn là chín sự lành - Tránh voi chẳng xấu mặt nào là khôn vặt vì lảng tránh đương đầu với những khó khăn, quay lưng lại hoặc đi đường vòng trước những thách thức. Dạy con người Việt Nam cách biết sống hèn.

(Tôi nghĩ cha mẹ, ông bà ta không dạy ta sống hèn, thưa ông).

- Câu Lụt thì lút cả làng - Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt riêng mình ai đâu cũng là khôn vặt… “chạy trốn vào tập thể. Lấy tập thể và cơ chế chịu trách nhiệm liên đới của chủ nghĩa tập thể làm thành lũy làm lá chắn.

(Tôi nghĩ 2 câu này có lẽ là người xưa cảnh báo những tai họa như lụt lội, dịch bệnh mà ông trời gây ra thì không miễn trừ ai. Mọi người phải chung sức đối phó, thưa ông).

Tôi thành tâm chúc ông tiếp tục có những bài viết hay đáp ứng sự chờ đợi khát khao của người đọc.

Lê Đình Mai
.
.