Bi zon zon một thời

Thứ Năm, 08/12/2016, 15:27
Không biết tại sao nó được gọi là bi zonzon, cũng không biết nó có từ bao giờ, chỉ biết tuổi thơ của bản thân có nó. Bi zon zon của tuổi thơ là những bác đi xe đạp với cái tủ (chính xác là như cái hộp) kính đựng Bi zon zon ở đằng sau xe.

Là những lần đang chơi cáo thỏ lên bờ, thấy xe bác qua mà cả lũ trẻ con ngoái lại nhìn, rồi không ai bảo ai, chạy vào xin tiền người thân để mua. Ai xin được thì oai lắm, ra nhìn chúng bạn mà vênh váo lắm. Cầm được gói bi zonzon, như cầm được cả thế giới nhỏ, bởi bên cạnh, đứa thì thèm, đứa thì nhòm ngó... 

Còn hôm nào không được mua, là y như rằng, nhìn cái xe đi qua như nhìn đoàn tàu chạy, người trên tàu - người được ăn thì cảm thấy sao mà nhanh, còn kẻ nhìn theo chỉ thấy sốt ruột: sao mà lâu, mà chần chừ, sao mà khó chịu như trêu tức.

Ảnh trong bài: L.G.

Bi zonzon có lẽ là món hàng rong kì lạ nhất. Thứ mà người bán chỉ có 1 đặc điểm duy nhất để được gọi là bán hàng rong là ở chỗ, người ta chở nó di động. Nhưng lạ ở việc, người bán hàng tuyệt nhiên không có tiếng rao riêng dành cho nó (hoặc bác bán hàng ở phố tôi không rao - tôi không biết). 

Vẫn nhớ hàng rong hay có cách rao riêng: bác bán xôi thì: ai xôi nóng đây, chị bánh mỳ thì: bánh mỳ nóng nào. Giọng nào cất lên cũng có vần, có điệu; còn bi zonzon, tuyệt nhiên tôi chưa nghe thấy. Người ta cứ lầm lụi chở nó đi qua từng con phố, và tiếng duy nhất để người ta nhận thấy có một hàng bi zonzon đi qua là tiếng reo của lũ trẻ. 

Khi chúng tôi dừng lại bảo nhau: Bi zonzon kìa, khi chúng tôi đanh đá bàn tán: gói của tớ nhiều, cậu ít. Mà kể cũng lạ, cái chẳng nghe thấy tiếng rao thì lại được lũ nhỏ quan tâm, còn những xôi, những bánh, nếu có ăn, cũng là do bố mẹ bắt ép; nên dù có rao to và nhịp điệu thế nào, thì với kẻ không cần - nó cũng là vô nghĩa.

Và hóa ra chỉ cần đó là thứ người ta muốn, người ta yêu, người ta thấy ngon thì cho dù lầm lụi - người si rồi vẫn cứ nhận ra.

Bi zonzon của tuổi thơ được đựng trong giấy báo cuộn tròn như cái loa. Giờ nghĩ lại, đó có thể là thủ thuật của người bán hàng, để đựng thì ít nhưng vẫn đầy gói; nhưng hồi đó sao mà mỗi lần cầm gói báo được gói khéo léo bên trong đựng bi zon zon sao mà dễ thương thế, đẹp và ước ao thế. 

Vẫn còn nhớ ăn hết bi zonzon, tiếc ngẩn người chẳng muốn vứt báo bọc đi, nên hôm thì lấy nó đội lên đầu; hôm thì bóc hết ra, ngồi đánh vần từng chữ trên báo, rồi chí choé cãi nhau.

Giờ bi zonzon làm lũ trẻ "bớt khổ" hơn. Người ta không đi xe qua từng con phố khiến lũ trẻ thèm thuồng; chẳng có tiếng xúc lạo xạo từ tủ kính vào giấy báo, thế nên cũng khó có cảm giác thiêu thiếu bởi đồ ăn ít. Nhưng cái gì thiếu một tý, lại làm người ta thèm hơn thì phải; thừa quá, lại sinh ra nhàm. 

Giờ bi zonzon không còn được chở trên những chiếc xe đạp đi qua những con phố, cũng chẳng được đựng trong giấy báo đầy những chữ. Bi zonzon đứng lại rồi, trong những sạp hàng bầy trên phố. 

Giờ cạnh nơi bán bi zonzon không còn lũ trẻ xếp hàng rồi chí chóe, bi zonzon không còn là một thế giới nhỏ, không còn chuyển động. Nó được buộc lại, không thể nhúc nhích, không còn ngạo nghễ, không còn là thứ để một thời lũ trẻ con thèm khát. Giờ, kể có lời rao riêng, nó cũng chẳng còn được quan tâm nhiều nữa.

Mẹ bảo bi zon zon là nói nhanh của từ bi giòn giòn, không biết đúng không. Thôi thì cũng không tìm hiểu nữa, ít biết một tý, nó lại thành cuốn hút. Nói vậy thôi, chứ với mình, bi zonzon vẫn luôn hấp dẫn: không phải vì giờ mua dễ, không phải vì giờ nó được đựng trong túi nên  nhiều hơn, mà vì thấy nó, là thấy tuổi thơ trong những tờ báo với những chữ cái đầu tiên, với những thích thú trong trẻo đầu tiên.

Phan Ngọc Anh
.
.