Bệnh

Thứ Tư, 23/12/2015, 09:38
Ba giờ sáng đang ngủ thì choàng tỉnh, tuổi ngoài ba mươi tỉnh giấc lúc này không biết làm gì khác. Nằm ngửa, nằm nghiêng, bỗng dưng phát hiện mắt xốn cộm. Nghĩ về những thông tin đọc ban chiều, biết rằng mình đã bệnh.

Sáng, lò dò sang Viện Mắt khám, cô bác sĩ bảo, nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với màn hình máy vi tính, hạn chế vận động, chịu khó nhắm mắt… độ chừng 3 ngày thì khỏi.

Chiều về cố cãi, vẫn mở lap top làm việc. Tối, mắt sưng, ánh sáng xuyên soi vào mắt như sợi dây chỉ căng ngang.

Đành thôi, nằm dưỡng bệnh...

1. Bệnh, là nằm trong phòng nhắm mắt để đó, nghe nữ danh ca Giao Linh thổn thức những bài ca cũ, kiểu kiểu “Từ lúc quen nhau chưa nói một lời gì, tỏ tình ta mến nhau. Nhiều đêm ngắm sao, mơ ước duyên mình bền lâu, suốt đời tình thắm sâu..”. Có vậy mà nghĩ cạn mấy hơi thở dài.

Lâu lắc trước, ngồi chơi với nhạc sĩ Bảo Chấn, anh Bảo Chấn nói, trong âm nhạc viết về tình yêu là dễ nhất. Nghe vậy biết vậy, cũng không hỏi thêm.

Sau này nghiệm ra, đúng là viết về tình yêu là dễ nhất thiệt. Bởi ai sinh ra đời lại không từng yêu, mà tình yêu đôi lứa bao giờ cũng để lại những tâm tình mộng tưởng, ai chưa từng qua.

Cô gái hôm nào đi dưới mưa cùng mình, siết chặt tay nhau, choàng ôm vai run, miệng nói những câu hò hẹn, chỉ hận kiếp đời ngắn ngủi không đủ dài cho tình yêu của đôi ta. Thôi thì ghi khắc nghĩa trăm năm, kiếp sau  nếu có vẫn nguyện trở thành người trong mộng.

Đùng cái, đường tình hai lối. Cô gái về làm dâu nhà người ta, mình lang thang hết thời thanh niên cũng chóng chóng thành bố trẻ con, gọi người con gái khác là “Nhà ơi”.

Hỏi có trách nhau không(?!).

Trách gì bây giờ, là duyên phận thì ai nỡ hằn học, biết thôi là thôi, xa nhau ai không đắng lòng. Có điều, số kiếp mỗi người đều có phần phúc dầy mỏng khác nhau, nên đắng đót làm gì những ngày đã cũ. Chỉ có thương vẫn rơi như lá úa chiều thu, muốn buông bao nhiêu lần mà buông không đặng.

Nghe một cái tên quen vẫn giật mình thon thót, nhìn nụ cười ký ức vẫn tim đập tay run, mồ hôi sống lưng rịn ra ướt áo.

2. Nằm, thiêm thiếp. Tự dưng ấu thơ ùa về, mà ai trong chúng ta, những khi nằm cô đơn trong phòng vắng lại không để ấu thơ có cớ quay về.

Nhớ hồi má sai ra chợ mua thơm, đầu chợ có gánh Sơn đông Mãi võ, mê chơi đứng xem vãn gánh ra về. Đến nhà, giật mình mới nhớ lời má dặn. Chẳng biết thế nào, lại vòng tay thưa “Má ơi, chợ hết thơm rồi”. Má nhìn không hồi đáp, phía sau bếp, chị đang ngồi xẻ mắc thơm tươi.

Nhớ hồi ba cày thửa đất thừa, ba oằn lưng kéo phía trước, mình ngồi trên thân cây chuối phía sau cho một đầu bừa nặng. Những bùn non bám đầy bắp vế chân, mồ hôi ba nặng nhọc, mình giòn một tiếng cười. Xem đó là điều gì đầy thú vị và hào hứng lắm. Tối ba về, dùng chân tăm nhang ngồi dưới đèn dầu, xỉa những bùn khô bám vào kẽ nứt gót chân, hình ảnh ấy theo mình cho đến tận bây giờ.

Nhớ hồi chị lấy chồng, chiều đầu tiên trong nhà không có chị. Ra sau hè, nhìn lên tán tầm vông, nghe con sẻ con kêu chiêm chiếp gọi mẹ, thương chị tự dưng chảy nước mắt.

Bỗng dưng thoảng thấy cảnh mình đang nằm đong đưa trên võng, nắng trưa ang áng đầu, đọc một cuốn sách chưởng của nhà văn Kim Dung.

Thoáng đó, lại thấy mình chân trần đá trên cỏ tươi, nhìn châu chấu búng tanh tách trên tàn cây nhỏ, con bìm bịp kêu váng vất góc suối đằng kia. Lại có cả mấy thằng bạn ấu thơ, da đen nhẻm đầu cháy khét, tay bưng chén cơm có khúc cá tươi kho mặn chạy khắp xóm kháo nhau còn mấy chốc nữa là hè.

Điện thoại réo rừng hồi, như nhắc nhớ việc đang dang dở. Lại nghĩ đến Sài Gòn…

Sài Gòn giam hết thời trai trẻ, ghế đá sân trường Văn Khoa, dãy nhà C có cây ngọc lan thơm ngát, phía trước cổng trường có quán cà phê cóc giá 3 nghìn/ly, những bài báo vụn vặt. Tự dưng lại muốn vứt hết, học theo thi sĩ Trần Dạ Từ, viết Thuở làm thơ yêu em, để cứ nhưng nhức nhớ những người dưng đắm đắm say say, hẹn hò mấy bận, rồi qua rồi thôi. Muốn quên mấy lần vẫn không cố được.

3. Thi thoảng bệnh, như là một cơ hội để bấu víu lấy sự rảnh rang mà bấy lâu không có được. Bệnh, cũng có nỗi vui của riêng nó. Từ chối một lần gặp hợp lý hơn, cơ hội dành cho sự biếng nhác cũng đúng điệu hơn…

Thấy nhà, vò lá trầu nấu chung với nước sôi, rắc vào ít muối, bắt xông mắt… mới ngẫm đến nghĩa tựa nương. Đàn ông tuổi ba mươi hai, rong chơi chân chưa mỏi, lời say nói còn nhiều... nhưng biết chắc sau lưng có người tựa cửa cũng là niềm hạnh phúc đầy ủi an.

Chỉ có điều, trăm lần như một, cứ đọc những câu này của thi sĩ Phùng Cung trong bài thơ Ăn năn là lại da diết nhớ về một vùng quá vãng đã trôi qua, “Gót nhọc men về thung cũ. Quì dưới chân quê. Trăm sự cúi đầu. Xin quê rộng lượng. Chút thổ phần bò xéo cuối thôn”.

Ngậy trong mùi lành lạnh gió của trời chuyển mình Noel, toàn nhớ mùi lá khô cuối năm, má đốt sau vườn.

Chắc già chút nữa, quầy quả mà về ăn vạ quê hương thôi.

Ngô Kinh Luân
.
.