Bạn hiểu gì về một chiếc ghế?

Thứ Tư, 10/06/2020, 13:50
Khoảng cách diệu vợi giữa những nhà sản xuất và người tiêu dùng đôi khi khiến nhiều người trong chúng ta xa cách với cái đẹp thực sự và một phần quan trọng của đời sống đạo đức.

Thế giới "điều khiển từ xa"

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi lên một chiếc bình thường. Khi ngồi lên đó, bạn có bao giờ băn khoăn xem chiếc ghế được làm từ gì, quy trình sản xuất thế nào, ở đâu và bởi ai? Hoặc đi sâu hơn: những vật liệu tạo ra chiếc ghế đã được khai thác từ môi trường như thế nào? Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng trước những câu hỏi cơ bản này. Chiếc ghế đơn giản mà bạn đang ngồi lên là bí ẩn trong thế giới quan của bạn.

Và rất có thể đời sống của bạn đang được bao quanh bởi nhiều thứ mà bạn không hề biết gì về nó, bao gồm cả tờ báo giấy được in trên tay bạn để đọc được những dòng này. Đấy có vẻ không phải lỗi của chúng ta: hàng thế kỷ phát triển của công nghệ và thương mại toàn cầu đã khiến đa số chúng ta trở nên xa cách với việc tạo ra vật chất hữu hình, thậm chí ngay cả với việc nhìn thấy chúng tận mắt hoặc biết cách chúng được tạo ra. Nhưng sự xa rời chậm chạp và lan tỏa này của con người khỏi kiến thức về thế giới vật chất mang đến một vấn đề nghiêm trọng.

Bức tranh “Một và ba chiếc ghế” của nghệ sĩ sắp đặt người Mỹ Joseph Kosuth, với ba cách thức biểu diễn chiếc ghế đặt cạnh nhau: một chiếc ghế thực sự nằm ở giữa, phía bên phải nó là bức ảnh của chính chiếc ghế, và bên trái là những dòng chữ trong từ điển định nghĩa cái ghế là gì. Nguồn ảnh: Getty Images.

Một thế kỷ trước, hầu hết mọi người đều biết rất nhiều về thế giới vật chất trước mắt họ. Tri thức kiểu này ngày một ít đi, bởi hàng hóa lưu thông với tốc độ khủng khiếp hơn bao giờ hết với khoảng cách khổng lồ. Bởi sự phức tạp tuyệt đối của sản xuất đương đại, ngay cả những người có chuyên môn cơ bản trong việc chế tạo các vật dụng như kỹ sư hay công nhân nhà máy cũng có xu hướng trở thành "chuyên gia".

Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một tình trạng điều khiển từ xa vĩnh viễn. Như Carl Miller đã lập luận trong cuốn sách Cái chết của các vị thần (2018), các thuật toán đã thực hiện đa số quy trình hàng ngày của đời sống chúng ta. Những thuật toán này lại được điều khiển bởi các thuật toán khác, trong một cơ chế liên kết với nhau, biến cuộc sống thành một chuỗi hành vi được tự động hóa. Quy trình này chắc chắn cực kỳ hiệu quả, giúp ta tối giản hóa được thời gian ra quyết định, nhưng nó cũng góp phần tạo ra khủng hoảng về trách nhiệm.

Bởi nếu không ai thực sự hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, làm sao họ có thể chịu trách nhiệm về nó? Ví dụ thế này: nếu chúng ta không hiểu rõ được quy trình chi tiết của nền sản xuất tiêu dùng, tự tách mình khỏi những hiểu biết về khai thác, sản xuất và xử lý cũng như ảnh hưởng của nó đến môi trường xung quanh, đa số chúng ta không có đủ năng lực để thật sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Nếu bạn không biết gì về những người trực tiếp chịu trách nhiệm tạo ra những thứ trong cuộc sống của bạn (đa số, là nông dân và công nhân trong các nhà máy, sống trong những điều kiện nghèo nàn không thể tưởng tượng), thật khó để tìm ra lý do đồng cảm với họ.

Khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng dẫn đến một vết nứt trong kết cấu xã hội, nơi cỏ dại của mất lòng tin và thù hận có thể mọc lên. Giống như bất kỳ công cụ nào, bản thân công nghệ không xấu. Nhưng nếu chúng ta càng tin tưởng nó là tác nhân thiết yếu cho xã hội chúng ta, chúng ta càng dễ bị chia rẽ.

Trải nghiệm phi thường

Một trong những trải nghiệm đơn giản mà tôi vẫn tìm kiếm thường xuyên là về làng gốm Bát Tràng và tự tay nặn một đồ vật bất kỳ, sau đó mang về nhà sử dụng. Cho đến giờ, tôi đã có một cái bát, vài chiếc cốc, và một chiếc gạt tàn tự nặn. Việc sử dụng chúng đem lại một cảm giác hoàn toàn khác biệt: tôi đã biết nó đến từ đâu, có thể do những đôi bàn tay như thế nào làm ra, những nghệ nhân này sống như thế nào, và bản thân tôi được trực tiếp tạo ra một trong số những đồ vật thiết yếu.

Kiến thức này là một dạng trải nghiệm tổng hợp phi thường: nó trực tiếp đóng góp vào thế giới quan của bạn, thay vì những thông tin tiếp nhận gián tiếp mô tả về vật chất chỉ từ đọc và xem qua màn ảnh. Trí thông minh vật chất cũng khó nắm bắt và đo lường vì sự tách rời thực tế môi trường của nó. Khi cố gắng mô tả chiều kích nhận thức này, mọi người thường sử dụng cụm từ "kiến thức trầm tích" (tacit knowledge), với nội hàm rằng sự hiểu biết này nằm bên trong mỗi chúng ta, không thể cắt nghĩa bằng từ vựng hoặc lời nói.

Theo nghĩa này, nó hoàn toàn khác với các dạng thông minh khác, vốn dễ nhận biết hơn, như là chỉ số trí tuệ (IQ) hay chỉ số thông minh cảm xúc (EQ). Và cấu trúc xã hội ngày càng phủ nhận sự hiện diện của trí thông minh vật chất, tỉ lệ thuận với sự xa rời của chúng ta với thế giới vật chất: các ngành nghề tạo ra vật chất trực tiếp - trồng trọt, sửa ô tô, xây dựng nhà cửa - không có địa vị tốt như các ngành phi vật chất là luật, bảo hiểm hoặc tài chính.

Tại sao lại có sự chênh lệch này? Không phải ở vấn đề trình độ: nếu một tay môi giới chứng khoán ở phố Wall và một thợ may đổi chỗ cho nhau, thì họ có lẽ sẽ gặp khó khăn tương tự nhau. Nhưng trong khi các khóa học tài chính thường chỉ kéo dài hai năm, thì thời gian học nghề trung bình của một thợ may lành nghề có thể lên đến bảy năm.

Chúng ta dễ dàng dùng chữ "thông minh" cho một chiếc điện thoại hoặc một thiết bị số bất kỳ hơn đồng loại của chúng ta, như một gia tài từ quá khứ bất công: sự kháng cự của nền công nghiệp vốn coi thủ công như một cách thức sản xuất lạc hậu, đề cao thái quá vai trò của tự động hóa. Trong khi thật nghịch lý là những cỗ máy tinh vi nhất đều có nguồn gốc từ những bàn tay thủ công phi thường: cho dù chúng có được tạo ra bằng dây chuyền, thì sự hiểu biết về vật liệu, công cụ và quy trình đều phải là tác phẩm từ sự tích lũy hàng trăm năm của con người.

“Một và ba chiếc ghế”

Tác phẩm Một và ba chiếc ghế của nghệ sĩ sắp đặt người Mỹ Joseph Kosuth có thể giúp ta hiểu phần nào chiều sâu khái niệm của vật chất. Thoạt nhìn thì bức tranh có vẻ đơn giản: một chiếc ghế thật nằm ở giữa, phía bên phải nó là bức ảnh của chính chiếc ghế, và bên trái là những dòng chữ trong từ điển định nghĩa cái ghế là gì.

Bức tranh là minh họa cho tầm nhìn mà Kosuth đã đưa vào bài tiểu luận "Nghệ thuật sau Triết học" (1969) của mình, trong đó ông cho rằng tư duy dựa trên ngôn ngữ đã cạn kiệt. Theo ông, nghệ thuật là cách tốt nhất để tiếp tục tiến xa hơn trong cuộc truy tìm hiểu biết các ý niệm. Nó có thể đi xa hơn ngôn ngữ và chạm đến những thứ "không thể diễn tả bằng lời".

Với cùng một chiếc ghế vật chất, người ta có thể biểu diễn nó theo ba cách hoàn toàn khác nhau phù hợp với ba trạng thái cổ điển của ký hiệu học: thứ nhất là một vật thể (chính là toàn bộ cái ghế trong bức tranh), thứ hai là biểu hiệu tùy ý (từ "cái ghế") và thứ ba là sự biểu diễn (bức ảnh là sự tái tạo cơ học của chiếc ghế).

Giờ hãy nghĩ một chút về ba hình thức này. Nếu muốn tìm hiểu về cái ghế, có lẽ thứ con người hiện đại nghĩ đến đầu tiên là internet và Google. Đấy có vẻ là lựa chọn toàn năng: trên này có đủ thượng vàng hạ cám thông tin, từ sinh nhật người nổi tiếng cho đến các chi tiết lịch sử và các cuộc tranh luận đạo đức.

Nhưng hóa ra việc tìm hiểu thông tin chi tiết về một vật dụng nhất định là vô cùng khó trên Google: các nhà sản xuất hầu như giữ kín quy trình sản xuất của họ, và một lý do khác chính là chiều sâu khái niệm của vật chất. Để thực sự có tri thức về nó, ta phải chạm vào cái ghế thật, chứ không chỉ đọc (định nghĩa) và xem (bức ảnh) của nó.

Hãy thử xem trong ba chiếc ghế, cái nào sẽ chiếm nhiều bộ nhớ nhất trong ổ cứng máy tính. Định nghĩa chiếc ghế trong từ điển sẽ tốn cỡ 1 kilobyte dữ liệu. Bức ảnh ở độ phân giải cao có thể chiếm khoảng 10 megabyte. Nhưng cái ghế thật sự, theo một nghĩa nào đó, là dữ liệu vô hạn. Làm thế nào bạn nắm bắt được những gì nó có thể chứa đựng?

Kể cả khi bạn có đủ khả năng dịch chuyển các nguyên tử tạo nên cái ghế thành những kilobyte dữ liệu, thì điều này liệu có giúp bạn tiếp cận đến những điều thực sự quan trọng không? Cách cơ thể bạn cảm nhận khi ngồi lên chiếc ghế? Những thông điệp tinh tế về sự chắc chắn, thậm chí phong cách, bản sắc và một phần lịch sử của ai đó tạo ra nó? Các phương tiện tinh vi nhất của chúng ta đang cố số hóa mọi thứ trong thế giới vật lý bị đánh bại bởi một chiếc ghế đơn giản và có vẻ chẳng đáng chú ý gì như thế.

Nghĩ về điều này cho ta cảm giác được an ủi rất dễ chịu: những vật thể khiêm tốn như thế lại trở nên vô cùng hiệu quả khi chống lại sự xâm lấn của công nghệ với cuộc sống của chúng ta, như một tảng đá bất di bất dịch giữa dòng chảy xiết. Hiểu được một chiếc ghế là vấn đề hoàn toàn thuộc phạm trù kinh nghiệm. Các thao tác Google sẽ chỉ đưa bạn đi đến thông tin sơ khởi và phẳng lì.

Trí thông minh vật chất thì lại không chỉ là năng lực biên soạn thông tin. Nó có thể là công cụ giúp chúng ta nắm lấy những gì xung quanh theo cách hiện hữu và thức tỉnh nhất: bạn có thể hài lòng khi cầm trên tay một chiếc cốc 12 nghìn mà hiểu một cách rõ ràng về nó, hoặc tự nặn ra nó, hơn là mua một chiếc cốc đắt tiền dựa trên những quảng cáo rằng nó là đồ xa xỉ, đánh vào điểm mù thông tin của chúng ta trong thời đại internet có xu hướng quá đà.

Chúng ta đang sống trong một dòng chảy tiêu cực, và có vẻ không thể kiểm soát được, nhưng hãy bắt đầu bằng những đồ vật bình thường xung quanh, và hiểu chúng sâu hơn các công cụ số hóa có thể cung cấp cho chúng ta.

Ban Cầm
.
.