Bạn đọc hỏi, nhà báo trả lời số 95

Thứ Ba, 22/12/2015, 06:01
Giao thông Hà Nội và TP HCM đang ngày càng trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân. Chỉ riêng thời gian di chuyển trên đường một ngày hai lần vào giờ cao điểm như hiện nay thì áp lực tâm lý và thần kinh đối với người tham gia giao thông là quá sức chịu đựng. 

Khi nào kiến thức và lòng nhiệt tình được trân trọng

Chị Ngô Ngọc Yến (Phong Điền, Cần Thơ): “Đi đi, đừng về!” là câu mà những người đầy trải nghiệm, cũng từng là du học sinh sau một thời gian khi về nước làm việc thường khuyên các em học sinh đang còn đi du học. Dù là lời khuyên với thiện chí mong hướng đến một tương lai tốt đẹp cho các em nhưng bản thân lời khuyên ấy không phải là cái dang rộng cánh tay chào đón các em về mà lại là lời chối từ nhuốm đầy đau xót. Và nhiều cha mẹ những đứa con đi du học cũng dặn con mình như vậy.

Có lẽ câu chuyện đang nóng của Doãn Minh Đăng - cựu thí sinh của Đường lên đỉnh Olympia tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ dường như là minh chứng cho niềm tin của các cha mẹ rằng: Ở lại nước ngoài làm việc sau tốt nghiệp sẽ tốt hơn nhiều cho con cái họ. Thưa nhà báo, suy nghĩ của ông thế nào về chuyện này? Có phải mọi trường hợp đều “đừng về” mới là tốt nhất? Và làm sao để chuyện đi hay về chỉ là còn lại là câu chuyện lựa chọn sao cho phù hợp nhất, có ích nhất cho cá nhân họ, cho đất nước, cho cộng đồng?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Ngô Ngọc Yến, câu hỏi của chị quả thực là một câu hỏi đau lòng. Câu hỏi này sẽ còn kéo dài rất lâu mà không dễ dàng chấm dứt. Một thực tế cho dù không cần chứng minh thì chúng ta cũng quá hiểu là: để một cử nhân, một kỹ sư, một thạc sỹ hay một tiến sỹ có kiến thức thật sự có được một vị trí xứng đáng quả là khó khăn, một thách thức lớn. Cách tuyển chọn cán bộ hay sử dụng nhân tài hiện nay ở đất nước ta đang ở trong bế tắc. Không phải bế tắc với người tuyển dụng, sử dụng mà bế tắc với người được/ cần sử dụng. Càng ngày càng nhiều học sinh tìm đến các trường cao đẳng và đại học nước ngoài để học tập. Các trường đại học ở Việt Nam đang đánh mất lòng tin với học sinh, sinh viên và cả phụ huynh. Tôi cam đoan rằng, nếu có được học bổng và có điều kiện để du học thì hầu hết những học sinh giỏi đều đi du học.

Thực tế có nhiều gia đình cho con du học nước ngoài, để rồi về nước làm việc. Nhưng khi về nước, công cuộc xin việc giống như một cuộc trường chinh gian nan và khó nhọc, nhưng xin được việc rồi thì sau một thời gian họ thấy thất vọng. Quá nhiều người nuối tiếc đã không ở lại nước ngoài làm việc. 

Lời khuyên “Đi đi, đừng về” là một lời khuyên có lý nhưng chúng ta cũng nghe thấy sự cay đắng trong lời khuyên ấy. Trong sâu thẳm của vấn đề, ở lại nước ngoài làm việc không phải tốt nhất nhưng nhiều người không chấp nhận sự phí phạm kiến thức của họ và phí phạm lòng nhiệt tình lao động của họ. Kiến thức và lòng nhiệt tình là hai thứ đang bị lãng phí nhất hiện nay ở Việt Nam. Mà hai thứ này là hai nguồn năng lượng tuyệt vời nhất để thúc đấy sự phát triển của đất nước. Nếu bây giờ tôi có một người thân hỏi tôi học xong ở nước ngoài thì ở lại hay về. Sau một lúc băn khoăn, câu trả lời của tôi là “Đi đi, đừng về”, cho dù tôi sẽ nói thêm một vế nữa “ Khi nào đất nước biết sử dụng hai loại tài nguyên lớn nhất là “kiến thức” và “lòng nhiệt tình” thì hãy về.

Chị hỏi tôi: “Làm sao để chuyện đi hay về chỉ là còn lại là câu chuyện lựa chọn sao cho phù hợp nhất, có ích nhất cho cá nhân họ, cho đất nước, cho cộng đồng?”. Chị, những người đi du học và tôi chỉ có quyền trả lời 10% của câu hỏi ấy. 90% quyền trả lời câu hỏi ấy thuộc những người có trách nhiệm và quyền hành của đất nước.

Ý thức người dân và việc giáo dục tuyên truyền luật giao thông còn rất kém

Anh Lê Kiên Trung (Đông Hưng, Thái Bình): Hiện nay ở các vùng quê, do có sự đô thị hóa, lượng xe cộ phát triển nhanh, người dân ra đường rất đông đúc. Giờ cao điểm đi làm hoặc tan tầm, số lượng xe còn nhiều hơn nữa, tuy nhiên đèn tín hiệu giao thông chỉ được lắp ở những trục đường to, đường chính; những con đường dẫn vào các thôn xã không được trang bị; trong khi đó rất nhiều người tham gia giao thông còn chưa đi đúng luật lệ: phóng nhanh, vượt ẩu, hay tuýt còi bừa bãi. Nhất là nơi tập trung nhiều các khu công nghiệp, công nhân đi làm ca đêm, việc đi lại còn đặc biệt nguy hiểm hơn. 

Tình trạng người chết vì TNGT ở Việt Nam theo như tôi biết vẫn ở mức cao kỷ lục chưa hề có dấu hiệu giảm bớt, và lại có phần tăng lên ở các vùng quê yên lành, điều mà trước đây rất hiếm xảy ra. Vậy ngoài việc mỗi người dân cần tự giác tuân thủ luật lệ giao thông, chính quyền liên xã, liên huyện phải có các biện pháp cụ thể gì để giảm thiểu tình trạng trên?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Lê Kiên Trung, khi một cộng đồng sống theo một nguyên tắc chung thì những mâu thuẫn giữa các thành viên trong cộng đồng ấy sẽ giảm đi rất nhiều. Bởi nguyên tắc chung ấy ở trong mỗi thành viên sẽ điều phối các thành viên khác nhau hoạt động trong cùng một hệ thống. Ví dụ, mỗi cá nhân điều khiển phương tiện giao thông chấp hành luật giao thông một cách nghiêm túc thì tai nạn giao thông sẽ giảm đi một cách đáng kể. 

Hầu hết các TNGT ở Việt Nam là do người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành luật giao thông. Người ta nói rằng: người lái xe giỏi ở Việt Nam là người hiểu tâm lý đi đường của người Việt Nam chứ không phải hiểu và chấp hành luật giao thông. Bởi nếu anh chấp hành luật giao thông mà những người khác không chấp hành thì chính việc chấp hành ấy lại dễ gây ra tai nạn vì hoạt động cá biệt (người chấp hành luật) ấy không đồng bộ với hoạt động của số đông (người không chấp hành luật).

Tôi dẫn giải như thế để nói đến hai vấn đề: Một, điều quan trọng trước tiên là người dân phải có ý thức trong việc chấp hành luật giao thông. Hai, để người dân chấp hành luật giao thông được tốt thì chính quyền địa phương phải có chương trình tuyên truyền và giáo dục luật giao thông. Bởi có ý thức mà không hiểu luật thì cũng không mang lại nhiều hiệu quả. Nhưng theo tôi biết thì hầu như chưa có chính quyền địa phương nào mở “lớp tập huấn” luật giao thông cho người dân địa phương cả. 

Trong khi đó, hệ thống giao thông ở nông thôn không có đèn hiệu và các biển hiệu, người dân không hiểu luật giao thông cộng với số lượng xe động cơ tăng nhanh nên tai nạn giao thông ngày càng tăng là điều dễ hiểu. Tóm lại, việc giáo dục luật giao thông cho người dân còn quá kém, nhất là ở nông thôn. Nếu không làm được điều đó thì tai nạn giao thông không có cơ hội giảm.

Chúng ta đang bế tắc trong “trận đồ bát quái”

Bác Lê Thu Trang (Quận Thanh Xuân, Hà Nội): Tình trạng các chung cư và cao ốc tại các đô thị lớn như HN, TP HCM mọc lên đến chóng mặt và gần như không có qui hoạch chiến lược lâu dài và đồng bộ, cùng phát triển cơ sở hạ tầng như cầu đường,.. như hiện nay đã dẫn đến việc giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng khi một lượng người khổng lồ túa ra vào cùng một thời điểm, đặc biệt vào các giờ cao điểm. Chưa kể điều này gián tiếp khiến tỷ lệ dân số ở các đô thị lớn tăng lên ngoài mức kiểm soát. Vậy thưa nhà báo, theo ông, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần làm gì để sớm thoát khỏ tình trạng này?

Nhà báo Minh Đức: Thưa bác Lê Thu Trang, câu hỏi của bác đã khái quát vấn nạn ở các đô thị hiện nay và cũng đã gián tiếp trả lời câu hỏi của bác đặt ra. Chúng ta hoàn toàn không có một quy hoạch mang tính chiến lược cho các đô thị trong khi những bài học về phát triển đô thị ở các nước trong khu vực và trên thế giới quá đủ để chúng ta nhìn thấy những bài học kinh nghiệm và tương lai của các đô thị lớn ở Việt Nam. Thế nhưng chúng ta đã không nhìn thấy và đã không lường trước được hoặc vì những lợi ích trước mắt, những lợi ích cá nhân mà chúng ta vô tình đẩy người dân ở các đô thị lớn vào một “trận đồ bát quái” của giao thông.

Cho đến bây giờ, những hồi còi cảnh báo về tình trạng các đô thị như bác đề cập đã vang lên từ nhiều năm trước và thường xuyên. Và tôi nghĩ hình như những người quản lý đô thị không nghe thấy. Các chung cư vẫn cứ tiếp tục được xây dựng, đường sá vẫn xây dựng theo một tư duy rất cũ và lỗi thời. 

Cho đến bây giờ, giao thông Hà Nội và TP HCM đang ngày càng trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân. Chỉ riêng thời gian di chuyển trên đường một ngày hai lần đối với đại đa số với cán bộ, công nhân viên trong tình trạng giao thông vào giờ cao điểm như hiện nay thì áp lực tâm lý và thần kinh là quá sức chịu đựng. Áp lực này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề trong cuộc sống của con người, trong đó có vấn đề thần kinh.

Để thoát khỏi tình trạng này, những người có trách nhiệm quản lý đô thị cũng không cần phải “uyên bác” gì mà chỉ cần thực hiện một số vấn đề cơ bản như chính câu hỏi của bác. Đó là có chiến lược qui hoạch lâu dài và đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng một cách khoa học và đảm bảo yêu cầu tối thiểu tỷ lệ với sự phát triển dân số và các phương tiện giao thông, xử lý cơn “đại hồng thủy” xe máy... Tôi cứ nghĩ không phải những người quản lý đô thị không biết được phải làm gì nhưng vì một số lý do mà họ không làm và không làm được. 

Nếu ý thức, trách nhiệm và ý chí của những người quản lý không thay đổi thì chúng ta lấy thêm Hải Dương, Bắc Ninh... vào Hà Nội hay mở rộng Hà Nội đến đâu thì Hà Nội vẫn không có cơ hội thoát khỏi cảnh hiện nay.

ANTG Giữa tháng - Cuối tháng
.
.