Bài tình ca viết dở

Thứ Năm, 06/09/2012, 16:30
Đêm cuối cùng trước khi David về lại Úc, tôi và ông ngồi uống với nhau rất lâu với những câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện âm nhạc. Ông nói ông thích những đôi mắt của các cô gái Việt Nam mà theo ông, đó chính là những đôi mắt có thể “giết người”. Và ông gợi ý tại sao tôi và ông không viết chung một ca khúc về đôi mắt như thế.

Một chiều mùa hè 2012, tôi nhận được điện thoại, một số máy lạ, một giọng nước ngoài nói tiếng Anh rất khó phân biệt. Không phải là thứ tiếng Anh - Mỹ mà tôi thường được nghe từ những người bạn ở Sài Gòn; cũng chẳng phải là thứ tiếng Anh - Úc cụ thể như của người đồng nghiệp cũ cách đây 10 năm trước và cũng chẳng hẳn là tiếng Anh - Anh mà tôi vẫn thích thú nghe mỗi khi xem bộ phim ưa thích Green Street Hooligan tại nhà. Nó là một sự pha trộn mà không tạp lẫn giữa tiếng Anh - Anh cùng với chút âm đặc trưng của người Úc. Và câu nói đầu tiên là một lời chào, gợi mở cho tôi hình dung về một người hoạt bát, cởi mở “Hello Mr. Minh, I’m David…”.

Hoá ra, qua một người bạn, David biết số điện thoại của tôi và ông muốn gặp tôi để bàn chút công việc liên quan đến âm nhạc. Vốn dĩ rảnh rỗi và cũng ham vui, tôi đã nhận lời.

Chọn đúng quán café quen thuộc của tôi để làm điểm hẹn, David làm tôi khá bất ngờ vì không hiểu sao ông có thể rành Sài Gòn đến thế. Và như thường lệ, tôi đến sớm hơn 15 phút cho cuộc hẹn ấy, nhâm nhi tách café để tưởng tượng ra điều mà David sẽ hỏi mình, sẽ muốn được biết từ mình. Để khi điện thoại rung lên, tôi nhận ra rằng David không đến một mình mà lại có tận… 2 David.

Người hẹn gặp tôi là David Morgan và ông mang theo một David khác, David Holmes, một người Úc chính cống. Họ mới đáp xuống Tân Sơn Nhất sáng hôm kia thôi và sau cuộc gặp với tôi, họ sẽ trở về Úc ngay ngày hôm sau. Chút thăm hỏi xã giao ban đầu đã cho tôi biết hành trình của họ gấp gáp như vậy. Lúc đó, tôi đã khá hoang mang, không phải sợ hãi vì bản chất tôi chẳng sợ hãi điều gì, một hoang mang không hiểu sao những người này đến và đi vội thế và không hiểu họ muốn gặp mình có việc gì?

Câu hỏi của tôi đã được nhanh chóng giải đáp ngay bởi người phương Tây không ưa vòng vo nhiều. David đưa ra một đề nghị giúp đỡ. Ông nghĩ, với kinh nghiệm và quan hệ của mình, tôi có thể giúp cho ông hoàn tất một dự án dài hơi của ông, một dự án mà phần khởi đầu của nó cũng sẽ như các phần kế tiếp, theo một hình thức đã được dựng sẵn. Nhưng tôi đã nhận thấy trong cái mô thức lặp lại của từng module dự án kia là sự thú vị chứ không phải là sự nhàm chán. Và hơn nữa, tôi còn nhận thấy đằng sau nó là một niềm đam mê, một tình yêu thực sự.

David Morgan là người viết ca khúc, là người trình diễn chính những ca khúc của mình cùng band nhạc riêng. Vóc dáng bên ngoài của ông không làm tôi hình dung ra ông là một nghệ sỹ. Mái tóc cắt ngắn, cơ thể cao lớn, hơi mập mạp và có phần chậm chạp của ông khiến tôi thấy ông như bất kỳ người bình thường nào ngoài đời, không có nét nào dị biệt, không có nét nào quái quái của những người chơi và viết nhạc. Nhưng ẩn giấu đằng sau cái bình thường ấy lại là một con người khác, mềm mại có; nổi loạn có; dí dỏm có và tất nhiên, rất tình.

David kể rằng ông từng có 3 năm làm việc ở Việt Nam, tại Vũng Tàu, trước khi ông quay về Úc. Nhưng chỉ cần 3 năm ấy thôi, Việt Nam đã ăn vào máu của David đủ để ông đến tận hôm nay vẫn còn bị ám ảnh vì vẻ đẹp của nó. Và khi ám ảnh, người cầm bút sẽ viết; người cầm đàn sẽ chơi đàn và người hát troubadour sẽ cất lên lời thơ của mình. David đã làm đúng như cái “công thức” ấy, để hát về Việt Nam, bằng những ca khúc mà ông sáng tác. Rồi cùng band nhạc nhỏ của mình trong những buổi diễn đây đó ở quê nhà, ông đã diễn những bài hát ấy thường xuyên hơn. Kèm theo đó là những câu chuyện kể sau những bài hát về Việt Nam, về từng mảnh đất của đất nước ở châu Á này mà ông đã đi qua. Để rồi, David thấy một điều khá lý thú là sau những buổi diễn của ông, những khán giả thân quen vây quanh ông với những câu hỏi nhiều màu sắc nhưng liên quan đến một chủ đề duy nhất: nước Việt.

Những câu hỏi kia khiến David băn khoăn nhiều. Ông chợt hiểu ra rằng Việt Nam không chỉ là ký ức ám ảnh mình mà còn là một nơi kích thích sự tò mò ham tìm kiếm của những người mới chỉ được nghe về vùng đất ấy. Để rồi ông gặp David Holmes, một nhà sản xuất âm nhạc đang làm việc tại Rocket Music, và cả hai quyết định phải để những ca khúc ấy được sống không chỉ trên sân khấu đơn thuần mà phải qua cả các bản ghi âm thực sự. Và hơn nữa, họ muốn chúng không chỉ được hát bởi chính David Morgan mà còn được vang lên bởi cả những nghệ sỹ Việt Nam. Đó chính là lý do họ tìm tôi, tìm một người trợ giúp.

Tôi ngồi lặng yên nghe những âm thanh của các ca khúc mà David đã viết qua chiếc headphone. Trong lúc ấy, tôi nhìn thấy ở đôi mắt của cả hai David sự chờ đợi, họ chờ đợi những nhận xét của tôi cứ như thể tôi là một người quan trọng lắm lắm. Những tiếng guitar bay bay cùng giai điệu mượt mà của ca khúc đầu tiên bắt đầu níu giữ cảm giác của tôi. À, bài mở đầu là bài về vịnh Hạ Long, về một bình minh nơi đó với đoạn điệp khúc rất đơn giản mở đầu bằng câu “Bình minh trên Vịnh Hạ Long”. Chất liệu âm nhạc không mới, nó hơi xưa và có màu sắc country nhiều.

Tôi gỡ chiếc headphone khi bài hát kết thúc và nhận xét ngắn gọn: “Tôi thích bài này. Tiếng guitar nghe đã lắm”. Cả hai cùng cười hồ hởi và David (Morgan) nói: “Holmes chơi guitar acoustic bài này đấy. Anh ấy có mấy cây guitar acoustic rất hay”. “Chúc mừng. Nước Úc của các ông có một hiệu đàn hay lắm. Đó là Cole Clark”. “Ông, cậu cũng biết hiệu Cole Clark sao?”, David vỗ vai tôi. Tôi thừa nhận mình có một cây Cole Clark và tôi rất nâng niu nó. Và câu chuyện của chúng tôi cởi mở hẳn kể từ sau bài hát ấy, từ sau nhãn hiệu đàn tiếng tăm ấy.

Tôi nghe những bài tiếp theo của David; 1 bài về Vũng Tàu và 2 bài về Sài Gòn mà trong đó có một bài tôi vẫn còn bị ám ảnh đến bây giờ. Nó mang tên Trái tim Sài Gòn với nội dung kể về một người phụ nữ Việt Nam mang giấc mơ Mỹ, lúc nào cũng tìm bạn trên mạng để mong có thể gặp được vị hôn phu trong mộng và sau đó sống hạnh phúc ở đâu đó, như California chẳng hạn. Song khi đã gặp được người trong mộng ấy, người phụ nữ kia chợt cảm thấy bên cạnh tình yêu riêng của mình còn có cả tình yêu cho gia đình, cho Sài Gòn. Và nàng không theo đuổi giấc mơ Mỹ  kia nữa trong câu kết đau đáu của bài rằng: “Và nàng ở lại Sài Gòn, cho tận đến khi nàng chết”. Cái câu kết lặp đi lặp lại ấy làm tôi nổi da gà mỗi khi nghĩ đến nó, y như lần đầu tiên tôi nổi da gà vì nó.

David đã nhìn tôi rất lâu khi tôi trong trạng thái như “treo máy” sau khi nghe bản Trái tim Sài Gòn ấy. Rồi ông nhẹ nhàng nói: “Tôi chỉ sợ bài này khá nhạy cảm. Nhưng nó là sự thật. Cậu có thấy thế không?”. Tôi gật đầu và chỉ kịp nói: “Đừng sợ gì cả. Nghệ sỹ không được sợ” mà thôi. Lời nói ấy không phải là an ủi đơn thuần nhưng tôi ước chi mình đã có thể nói được nhiều hơn thế.

Và cuối cùng, tôi hiểu vì sao David đã tìm gặp tôi. Tôi thấy mình may mắn khi được ông trông cậy lúc đó. David muốn sản xuất một serie những đĩa nhạc mang tên Hello Vietnam với bản ra mắt đầu tiên gồm 4 bài hát đã cho tôi nghe. Ông thổ lộ: “Tôi viết nhạc cũ cũ thế này vì tôi muốn những người ở tuổi ngoài 40 nghe nó. Họ là những người có tiền, muốn đi du lịch nhưng nhiều khi không biết nên đi đâu. Tôi chỉ muốn cho họ hiểu, Việt Nam là điểm đến tuyệt vời nhất”. Và ông cũng nói về tương lai, với ăm ắp những dự án mà ông muốn làm về mảnh đất Việt Nam này. Đó là viết về tất cả những địa danh ông đi qua mà mỗi nơi là một câu chuyện rất riêng, rất đẹp về địa danh ấy. Đơn giản, ông muốn người ta phải tới Việt Nam...

Sau lần gặp đầu tiên ấy 3 tháng, tôi gặp lại David, cũng vội vàng thôi trong vài ngày và lần này chúng tôi bàn được nhiều việc hơn cũng như trò chuyện được nhiều hơn. Hóa ra, David là người Anh, ở Bristol nhưng vì một biến cố lớn trong đời, ở tuổi 24, ông sang Úc định cư để lại mẹ và em trai ở Anh. David cũng từng đi đá bóng, bán chuyên nghiệp và đã tốt nghiệp đại học kỹ thuật theo ước muốn của cha mình. Nhưng khi cầm mảnh bằng tốt nghiệp cũng chính là lúc ông nói với cha rằng âm nhạc mới là con đường ông muốn đi. Và ông đi luôn từ đó, với band nhạc đầu tiên ở Bristol và bây giờ là ở Perth, tây nam nước Úc. Hoá ra, cái dáng vẻ xù xì và cồng kềnh kia của ông lại có lý do của nó. Một chấn thương khi chơi bóng hồi trẻ đã khiến đầu gối ông bị đau đến tận sau này. David hầu như không thể chạy và không thể đi bộ được quá xa. Và vì thế, ông mập mạp, nhất là khi đuợc tăng cường thêm bởi beer, món mà tôi cũng thích.

Đêm cuối cùng trước khi David về lại Úc, tôi và ông ngồi uống với nhau rất lâu với những câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện âm nhạc. Ông nói ông thích những đôi mắt của các cô gái Việt Nam mà theo ông, đó chính là những đôi mắt có thể “giết người”. Và ông gợi ý tại sao tôi và ông không viết chung một ca khúc về đôi mắt như thế. Để khi ông khẽ ứng tác “nàng nhìn tôi bằng với đầy đắm say”, tôi cũng đã đối đáp lại rằng “nhưng tôi nào biết đó là đôi mắt giết người”. “Và tôi cũng không hiểu rằng mình rồi cũng chết vì nàng mà thôi”; “Ấy vậy mà tôi vẫn muốn một lần thử chìm vào đôi mắt ấy”…, chúng tôi đã cười sảng khoái khi cùng ứng tác được một phiên khúc như thế. Và chúng tôi hứa, sẽ ngồi lại cùng nhau để viết nó trọn vẹn trong lần gặp gỡ tới…

Khi David đi rồi, tôi chợt ngồi nghĩ lại về cái cơ duyên tuyệt vời để chúng tôi có thể trở thành bạn của nhau như thế. Và tôi nhớ đến bài ca viết dở cùng ông. Tại sao hôm đó tôi không như tôi mọi khi, nổi hứng lên, rủ ông về nhà cầm đàn và làm luôn khi đang đầy hứng khởi? Nhưng tôi nghĩ, sự dang dở ấy hóa ra lại hay, vì chúng tôi còn gặp lại, còn nhiều hứng khởi khác nữa. Và tôi, cũng nhận thấy một điều khác, đẹp như một bài tình ca, bài tình ca viết dang dở vì nó không bao giờ có thể chấm dứt được, của David. Đó là bài tình ca của dự án Hello Vietnam mà ông đeo đuổi, được xâu chuỗi lại từ những ca khúc nhỏ mà ông hát về Việt Nam bằng tình yêu, để quảng bá cho Việt Nam một cách bất vụ lợi ở bất kỳ nơi nào ông đặt chân tới. Bài ca ấy vượt qua tất cả những thứ slogan mỗi ngày chúng ta kiếm tìm hoài mà vẫn ẩn giấu mãi ở đâu đó. Đơn giản, vì nó được hát bằng một tình yêu có thật, một con người có thật với những câu chuyện có thật…

Sài Gòn, Aug 2012

Hà Quang Minh
.
.