Nhớ Tre

Chủ Nhật, 18/02/2018, 16:04
Quanh năm suốt tháng không ngày nào thiếu Tre trong cuộc sống, Tết cận kề càng thấy Tre ích dụng. Lần đầu trong đời, tôi nghĩ nhiều về Tre, càng thương Tre. 

Tre quen thuộc với người Việt Nam bao thế hệ nhưng mấy người biết quý trọng Tre. Ý nghĩ tôi theo gió tìm bụi Tre xào xạc thuở nào. Tre, không chỉ là danh từ, mà là một nhân vật, một biểu tượng xứng đáng viết hoa.

Thuở nào ấy, 20 năm trước, cách nhà tôi một dãy nhà và hai lối ngõ (30m) là bụi Tre nằm trong vườn nhà bà Bánh. Đối diện bụi Tre là hàng rào cúc tần xen âm bụt, dành dành. Tất cả đã mất sạch như trò ảo  thuật đáng ghét chỉ diễn ra một lần đã cướp hết những chi tiết thiên nhiên quý giá trong ký ức tuổi thơ chúng tôi, không cách nào lấy lại.

Cây Tre đồng hành, đồng cam cộng khổ lịch sử dựng nước và giữ nước của Tổ quốc này. Một chú bé lên ba, chậm nói, bỗng một ngày ăn khỏe, mỗi bữa bảy nong cơm ba nong cà, cả làng xóm xúm vào góp lương thực nuôi Gióng. Gióng vươn vai thành dũng sĩ, cưỡi ngựa sắt, nhổ Tre đằng ngà diệt giặc. 

Rặng Tre ngà trong quần thể Lăng Hồ Chủ tịch chắc chắn là rặng Tre được sống yên lành và chăm chút nhất. Tre hiện hữu hầu khắp các làng quê Việt Nam, nhất là Bắc và Trung Bộ, nó thân quen, dễ sống, bền bỉ qua bão dông, nắng đổ, đứng vững trên cả chỗ đất cằn đá sỏi tưởng chừng kiệt quệ màu mỡ, Tre vẫn vươn thẳng, sinh sôi. 

Tháng 9-2011, lần đầu tôi được vào rừng Tre trúc xanh mát, khi tham quan chiến khu Tân Trào. Tre đón khách từ ngoài đường cái, với những đứa trẻ còi ngồi bên thúng măng trúc, Tre non, bán rẻ ngỡ ngàng.

May là di tích quốc gia nên rừng được bảo vệ, may là Tre nên mới còn xanh thế, chứ rừng quốc gia bị chặt phá cây gỗ quý mỗi ngày. Bác Hồ sống và làm việc, ra các quyết định liên quan đến vận mệnh đất nước, chỉ trong lán Tre sơ sài, bé nhỏ. 

Về Thủ đô, Bác vẫn nhớ những năm gắn bó với đồng bào miền núi chân tình, ruột thịt, mà cho dựng nhà sàn giản dị, Tre nứa lần nữa lại làm nên ngôi nhà Bác ở lâu nhất và cuối cùng của đời Người. Chẳng phải với bậc vĩ nhân như Hồ Chí Minh, mỗi dân thường trên dải đất chữ S đều có Tre chia sẻ, kề cận đời sống, từ tiểu tiết nhất đến trọng đại; từ bé nhỏ đến đại sự, lớn lao.

Tre rễ to và cứng nên ai tóc sợi to kiểu này thường gọi là tóc rễ Tre. Còn tóc của Tre là lá - vị thuốc. Lá Tre trong bó lá xông cảm hoặc gội đầu mượt tóc. Lạ thế! Mang nhiều phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, Tre giống dừa, chỉ biết cống hiến, không đòi hỏi chăm sóc, toàn thân đều có ích. Tre tách dóng, kêu giòn rất nhanh, nên thành ngữ “thế chẻ Tre” thường dùng trong quân sự chỉ thế tấn công thắng nhanh, liên tiếp.

Phía đầu đường An Dương Vương gần cầu Nhật Tân, dưới chân đê, gắn biển chỉ dẫn ra nhà hàng Tre trong vườn Tre rợp mát. Một vài nơi ven đô trồng Tre làm du lịch, ảnh viện ngoài trời. Tre thân vàng óng hay thân xanh, đều ken dày thành cụm gắn kết bên nhau. Sức sống và gắn kết bên nhau. Hình ảnh cây Tre thường khiến người Việt tha hương hướng về nguồn cội, để bạn bè quốc tế nhận ra, nhớ đến Việt Nam. 

Trong khi Tre bị chặt phá ở Việt Nam thì nhiều kiều bào xa Tổ quốc lại trồng Tre ở trong vườn. Có những người con lai Pháp - Việt bày sưu tập đầy nhà, phòng khách bằng những điêu khắc Tre, gốm sứ bát đĩa ly cốc cũng tìm hoặc đặt in họa  tiết Tre.   

Nhú đọt, măng tre là món ăn ngon được ưa chuộng bậc nhất. Măng đắng luộc chấm muối vừng - đặc sản vùng cao. Không chỉ thi nấu cơm lam, ống Tre để nấu cơm, nướng cá tuyệt ngon, vị Tre thấm vào gạo, cá không gì sánh được. 

Tre miền núi dâng măng cho mâm cỗ Tết truyền thống, măng khô hầm chân giò, măng lá hay măng lưỡi lợn (khổ dày), bát canh măng ngày Tết là món ngon được ưa chuộng. Tết cổ truyền không thể không có nồi măng ninh chủ lực. 

Bữa cơm hàng ngày hay tiệc khách sạn 5 sao, đều cần tăm. Giờ đây, sẵn đũa đủ loại, đũa Inox kiểu Hàn Quốc, gia đình tôi vẫn chuộng đũa Tre, sạch và ăn ngon, cảm giác vị Tre tác động vào vị giác thật hòa điệu. 

Triệu lớp người đã quen đôi đũa cả (đũa cái), to bằng 2 ngón tay để xới cơm; xới cơm xưa nấu bằng củi, trấu, than, phải thổi lửa, nên gọi là thổi cơm. Nồi nào cũng ám khói đen, là nhọ nồi, và mồ hôi, dính nhọ nồi lên mặt, trán, tay, là “chuyện nhỏ”. Nồi đặt vào rế, bê khỏi nóng. Gạo, rau thì có rổ rá, sảy gạo thì có giần sàng. Sọt, thúng, mủng, giần, sàng - đồ lao động, sản xuất; đồ nhốt: lồng chim, bu gà, rọ lợn... 

Các  dụng cụ đánh bắt cá đều bằng Tre: nơm, đơm, đó, lờ, vó. Thuyền Tre cất vó, vó Tre nhấc lưới đan cả trăng sao. Quang gánh, đòn gánh chai vai người gánh rong tất tả mưu sinh, hằn dáng tảo tần của các bà các mẹ. 

Dáng gánh hàng đi chợ; dáng gánh đồ gánh con chạy loạn, tản cư, sơ tán gánh quân lương, thời chiến. Dáng gánh ấy còn được ví như dáng hình đất nước, trĩu hai vai là 2 đồng bằng lớn nhất, 2 vựa lúa, 2 thành phố đầu tàu.

Rồi nồi cơm điện phổ biến, xới cơm bằng muôi nhựa, gạo xát máy mất hết cám, lười vo, khuấy qua trong nồi giờ nấu luôn. Nồi tự động không cần xới; rổ rá thì dùng đồ nhựa, inox. Chổi Tre chủ yếu quét sân ở nông thôn; đô thị ít nhà có sân, cần quét, thay bằng chổi đót, chổi cước nhựa. 

Đường phố, ngõ xóm vẫn được các công nhân vệ sinh môi trường làm sạch bằng chổi Tre. Chổi dài trên nửa mét, sợi to, để quét dài, rộng mỗi nhát. Nước ta chưa đủ điều kiện và kết cấu đô thị khó dùng máy thay thế công nhân.

Chốn quê làng, Tre ngàn năm nâng giấc ngủ trưa trên chõng Tre, giường Tre, phe phẩy quạt nan hiu gió. Tre làm khung quạt giấy. Chiếc nón trong lao động và làm duyên, nhờ Tre làm khung, rồi chằm lá cọ. 

Thời chưa có tủ lạnh, chạn bát làm bằng Tre, ghế Tre ngồi hóng mát. Gỗ bền vững nhưng đắt, đòi hỏi nhiều công thợ, làm nhà bằng Tre tiện, rẻ hơn. Tre ngâm nước ao chống mọt, dựng nhà rất mát, vừa làm xà cột, vừa làm phên, liếp. Phên Tre, bờ rào, bờ giậu, cổng cũng bằng Tre đan. Lũy Tre, rặng Tre như lính biên phòng của mỗi làng quê. 

Tre giữ làng, giữ nước bằng thành lũy thân mình. Tre - cột cờ Tổ quốc vươn cao hay cán cờ của các gia đình treo cờ ngày Tết, lễ. Tre đan sọt thồ cho dân công chở lương thực, vũ khí vượt đèo Pha Đin vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tre là gậy chống, gậy chiến đấu, với hình ảnh tuyệt đẹp là Cô gái vót chông (nhạc sĩ: Hoàng Hiệp) qua giọng hát NSND Tường Vi bất hủ một thời.

Nhạc sĩ Hồ Bắc, người cùng làng Phù Lưu Bắc Ninh của bà nội tôi, đã viết thật dạt dào: “Làng tôi sau lũy Tre mờ xa/ Tình quê yêu thương những nếp nhà”. 

Tre canh gác vỗ về, đâu chỉ giữ đất, mà giữ những con người khắc nhớ hồn quê, giữ bao câu chuyện làng truyền miệng và bí ẩn. Lũy Tre là ranh giới, đặc điểm nhận diện đầu tiên khi trở về. Tính ranh giới của lũy Tre còn để xác định người đi xa và trở lại, ai quẩn quanh cả đời trong làng “tự cung tự cấp” thì bị coi là “cả đời không ra khỏi / không thoát nổi lũy Tre làng”.

Hà Nội tinh hoa, phố cổ, nơi nhạc sĩ Dương Thụ nhiều kỷ niệm bạn bè và ký ức đời thành “vỉa hồi ức” cho những ca khúc lay động, có bao thứ kiêu sang, sao ông lại nhớ rặng Tre ven đê “Em có về dòng sông Hồng nao nức mùa Hè/ Rặng tre bãi mía mát xanh bờ đê” (Trở về). 

36 phố phường Hà Nội có phố Hàng Tre đã vào tranh Phái, nhưng Hàng Tre không bán Tre, mà lại là Hàng Vải. Phố Hàng Vải bán Tre, thang Tre, Tre trúc trang trí nhà, nhà hàng, quán.

Thang sắt, gập tiện dụng, thang Tre vẫn còn từ cổ tích “Bắc thang lên hỏi ông Trời”, “Câu chuyện bó đũa”. Đũa Tre một bó (đoàn kết) thì không thể bẻ, chỉ gãy khi tách ra từng chiếc. Độc đáo, thẩm mỹ cao như kiến trúc nhà Tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào đã giành nhiều giải lớn ở quốc tế và được mời dựng để công chúng tham quan, triển lãm dài ngày tại Nhật và nhiều nước,... 

Ngón tay hình búp măng, là tiêu chí đánh giá bàn tay phái đẹp. Măng chua khoái khẩu, măng ngâm ớt là đặc sản Việt Bắc... măng xào, luộc đều hấp dẫn. Tre đóng cọc chân đê ngăn bão, giữ bờ ao không sạt, vườn Tre vào lời ru và rặng Tre vẫn xao xác cùng các làng quê giữa bao biến động. Tre chẻ mình làm lạt, lạt mềm buộc chặt. 

Bóc chiếc bánh giò, bánh tẻ, cân giò buộc dây nilon, thật vô duyên: Buộc lạt vừa chặt, vừa đẹp lại an toàn cho sức khỏe. Không gì thay được lạt để buộc gói các loại bánh, nhất là bánh chưng. Cắt bánh bằng lạt vừa gọn, vừa đẹp, thao tác như một nghi lễ với chiếc bánh quốc hồn quốc túy. 

Thân Tre là ống gạo của đồng bào, bộ đội, đựng hạt giống ở vùng cao. Ống Tre còn dùng đựng mũi tên, đựng thư liên lạc thời chiến và gùi nước. Roi Tre cha răn dạy con. Tre đỡ bước người già và cọc Tre nâng cỗ áo quan đưa người mất về nơi an nghỉ cuối.

Chứng kiến máu đổ, những cái chết suốt 11 năm quân ngũ đã ám ảnh nhạc sĩ Ngọc Đại, đến năm 1976 Ngọc Đại viết ca khúc Đũa Tre ngắn mà ám ảnh trước khi chính thức bước vào học đại học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Tôi nghe thi sĩ Văn Cầm Hải gõ đũa hát bài này cùng Ngọc Đại tối mùa Hè năm 2003.

Tôi không quên được ca từ ấy và đã hát theo khi Thanh Lâm diễn tại Nhà hát Lớn vài năm trước với phần đệm piano của Ngọc Đại, saxophone Quyền Thiện Đắc và các nghệ sĩ đàn dân tộc: “Cầm đũa Tre gắp miếng tăm nhìn quá khứ/ Cầm đũa tre già gắp miếng măng non/ Người già khề khà nâng ly rượu, trẻ cầm đũa tre vót nan diều/ Mơ một tiếng sáo phiêu trời xanh.../ Rồi chiều cứ trôi đi không đủ gió vút lên diều ơi/ Tre đũa đũa tre vót thành ba tầng cây bông hoa cắm lên bát cơm cắm lên quả trứng”.

Tre làm các loại đèn: ông sao, kéo quân, diều và nhiều trò chơi cho trẻ con. Tiêu, sáo - nhạc cụ bộ hơi độc đáo. Tiếng sáo của mục đồng vi vút đồng quê, tiếng sáo Trương Chi, tiếng sáo thiên thai mê hoặc. Đàn T’rưng, K’lôngput - đàn Tre độc đáo của Việt Nam đã chinh phục thế giới. Tre gõ nhịp bước chân người múa sạp. 

Mùa Xuân đến, Tre thành cột đỡ nhịp đu của các trò chơi dân gian: nhún đu, là cột để treo vòng cho quả còn 7 sắc tung qua; là cây nêu ngày Tết.

Bấm đốt ngón tay  tính thời gian, nhớ truyện Cây Tre trăm đốt. Có phép lạ nào để Tre mọc mãi, xanh mãi như bài thơ để đời Tre Việt Nam của Nguyễn Duy: “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/ Mai sau/ Mai sau/ Mai sau.../ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

Vi Thùy Linh
.
.