Nỗi buồn gạo Việt

Thứ Tư, 29/08/2018, 08:10
Việt Nam là quốc gia có truyền thống nông nghiệp lúa nước tính bằng nghìn năm. Đất nước mình có gần 64% nông dân tính tới thời điểm này. Nhưng có một hiện thực đáng buồn là gạo Việt đang mất dần vị thế, cả trong nước và xuất khẩu.

Tôi đi tìm hiểu về gạo an toàn, loại hướng đến hữu cơ và loại hữu cơ. Điều đầu tiên là nhu cầu tự thân bởi tôi cần những loại gạo tốt cho sức khỏe của ba mẹ, giới thiệu cho họ hàng, bạn bè..  Nhưng đi giáp vòng miền Tây xong về đến Sài Gòn thì bị tạt một gáo nước lạnh.

"Em trai! Cả Việt Nam mình làm gạo hữu cơ không bằng một tỉnh Battampong của Campuchia, tin không?"- một người anh của tôi làm ăn ở Campuchia suốt một thời gian dài, nói vậy. Anh kể vanh vách từng chính sách của Campuchia dành cho gạo. Anh nói về việc họ chú trọng chuẩn xuất khẩu ra sao. Và một điều cứ nghĩ đến là đau: Cùng xuất khẩu, gạo Campuchia có giá hơn gạo Việt.

Cả Việt Nam có chưa kín đầu ngón tay của hai bàn tay làm gạo hữu cơ, khoảng 7-8 đơn vị. Số đơn vị làm gạo hướng tới hữu cơ nhiều hơn một chút nhưng vẫn ở mức nhỏ lẻ, rải rác. Cả khi có 200ha (đơn vị có diện tích làm gạo hữu cơ lớn nhất) để sản xuất chưa đủ, cần phải có vốn lớn. 

Có đất, có vốn cũng chưa đủ, còn cần cả "công nhân nông nghiệp" - nghĩa là phải buộc các nông dân thực hiện đúng quy trình chứ không phải hứng lên là... nhậu. Rồi cũng vẫn chưa đủ vì họ còn phải canh những kẻ xấu để tránh một túi thuốc trừ sâu, một luồng nước pha hóa chất cố tình nào đó...

Các yếu tố trên có yên tâm thì cũng vẫn... chưa yên tâm. Biến đổi khí hậu cũng là một nguy cơ đối với vựa lúa cả nước. Nhưng thiên tai không lớn bằng nhân họa. 

Các đập thủy điện Trung Quốc xây khống chế lưu lượng nước hạ nguồn. Nước sông bị mặn xâm thực là nỗi lo hàng năm bởi các đập thủy điện lớn của Trung Quốc tại Lào tích nước. Nỗi lo thiếu nước, đồng nghĩa thiếu phù sa, tôm cá luôn hiện hữu. 

Vừa rồi vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào khiến nước miền Tây dâng cao bất thường... cũng ảnh hưởng lớn đến lúa gạo, cây trồng, đời sống. Kể cả trong điều kiện thời tiết bình thường, làm gạo hữu cơ và hướng tới hữu cơ đều không có chuyện vụ nào cũng giống vụ nào vì mỗi mùa nắng mưa, mỗi vụ nước lên nước xuống, mỗi đợt gió ngược gió xuôi mỗi khác.

Và một nỗi lo khác, đáng sợ hơn: sự yêu ghét của... cán bộ. Đã có người làm gạo nói với tôi: "Tui hổng hiểu cán bộ Nhà nước! Hợp tác xã của tôi thì họ chọn làm nơi tiếp các đoàn khách để giới thiệu sản phẩm kiểu mẫu nhưng chính sách hỗ trợ họ dành cho hợp tác xã khác ít bài bản hơn". 

Về miền Tây có nhiều chuyện "kỳ khôi" lắm, ví dụ như địa phương đề nghị nông dân... viết dự án để mua cái tivi 21 triệu (hỗ trợ 50%). Nông dân vò đầu bứt tai, cán bộ bèn viết giùm, đi nhậu cảm hơn hết 5% giá trị cái tivi.

Trong các yếu tố để đăng ký gạo (hay các mặt hàng nói chung) trở thành sản phẩm chỉ dẫn địa lý thì có rất nhiều yếu tố định tính thay vì định lượng. Có những giống gạo mới do chính nông dân lai tạo không thể trở thành sản phẩm chỉ dẫn địa lý vì "Gạo anh trồng ở tỉnh A cũng ra chất lượng giống tỉnh B thì sao đăng ký được?". 

Trong thời đại mà rau củ có thể dùng ánh sáng và nhiệt của đèn để trồng trái mùa, dùng nhà kính và máy kiểm soát độ ẩm để trồng hoa trái khác quốc gia, châu lục thì câu hỏi đó của cán bộ địa phương quả thật... không biết nói sao luôn.

Sự thiếu thông tin của người tiêu dùng cũng là vấn đề lớn. 

"Có nhiều người kinh doanh đòi có chuẩn VietGap mới mua gạo tui nhưng họ hổng biết chuẩn gạo xuất khẩu còn cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam nhiều. Còn việc hỏi sao ăn cơm nấu từ gạo tháng 8 khác với gạo tháng 2 thì nhiều lắm. Tui dẫn họ ra đìa chỉ cá nói cá mập ú hay ốm nhom ra sao là do thời tiết, con nước. Gạo cũng vậy!"- các nông dân kỳ cựu chia sẻ. 

Đối chiếu lại, quả thật các chỉ số phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam còn xa lắm mới đạt yêu cầu những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU.

Quay trở lại nỗi buồn của gạo Việt. Quý I năm 2018, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Cái đáng sợ là mấy năm trước Thái Lan, trong mục tiêu xuất khẩu, đã giảm sản xuất gạo để tập trung cho cây trái, rau củ công nghệ cao vì giá trị cao hơn. 

Còn Campuchia, nếu ai quẩy balo đi bụi dọc biên giới của nước này và Tây Nam Bộ sẽ biết cảnh người Việt làm gạo gia công cho người Campuchia ra sao. Mà không chỉ có gạo! Phở, nước mắm, sầu riêng,... mà Thái Lan đăng ký nhãn hiệu cũng có những nhà vườn "trồng gia công" cho họ xuất khẩu.

Tự thân là một người Việt, tôi cảm thấy buồn vì điều đó! Và những nông dân chân chất miền Tây thực sự hưởng lợi rất ít trong chuỗi giá trị đó. Nhìn rộng ra, không chỉ ngành nông nghiệp Việt mới chịu cảnh này.

Càng đi càng thấy buồn. Nhưng nỗi buồn của gạo Việt hay các lĩnh vực khác nói chung phải có sự thay đổi bằng cách xắn tay vào làm. Và phải làm thật! Nhưng Nhà nước còn nợ nông dân một bài toán chính sách để "cởi trói" nỗi buồn ấy. 

Mai Quốc Ấn
.
.